Các nước phản ứng như thế nào khi số ca lây nhiễm Omicron tăng vọt?

Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu tổng quan tình hình và cách thức ứng phó của các nước từ Đan Mạch đến Hàn Quốc.

Biến thể Omicron đang khiến nhiều quốc gia trên toàn thế giới phải “đau đầu”. Ảnh minh họa: Kim Hong-Ji/Reuters

Để kiểm soát sự lây nhiễm của biến thể Delta thì tiêm phòng vẫn là biện pháp chủ đạo, do đó người ta từng hy vọng tình hình sẽ khá lên vào mùa hè. Tuy nhiên, thực tế lại không như kỳ vọng. Theo các chuyên gia, tỷ lệ tiêm chủng quá thấp, cộng với tính dễ lây lan của biến thể Omicron đang làm thay đổi tình hình đại dịch. Điều này đã thể hiện rõ ở những gì đang diễn ra ở Bắc Âu, khi biến thể Omicron lây lan nhanh chóng ở Na Uy và Đan Mạch. Còn Hàn Quốc, quốc gia vốn từ lâu là hình mẫu trong việc chống dịch, hiện cũng đang phải vật lộn với rất nhiều vấn đề. 

Dưới đây là một bức tranh tổng quan về tình hình COVID-19 hiện tại ở một số nước trên thế giới.

Omicron lan rộng ở Bắc Âu

Tại Đan Mạch, số ca lây nhiễm mới do biến thể Omicron đang tăng lên từng ngày, và ngày hôm sau luôn cao hơn ngày hôm trước, mặc dù tỷ lệ tiêm đủ liều vaccine ở nước này đã đạt 81%. Theo cơ quan y tế Đan Mạch, số ca lây nhiễm mới trong hôm thứ ba vừa qua là 8314, tại nhiều địa phương và ngay cả ở thủ đô Kopenhagen số ca mắc mới bình quân 7 ngày đã đạt hơn 1000 ca. 

Theo Viện huyết thanh quốc gia Đan Mạch (SSI), ngay trong tuần này Omicron có thể sẽ trở thành biến thể virus chủ đạo. Quốc gia này đã kiểm tra mọi ca dương tính đối với Omicron nên có đầy đủ số liệu, và từ đó có thể giám sát được sự lây lan của biến thể này (truy vết). 

Ngay trong tuần trước, chính phủ Đan Mạch đã tăng cường một số biện pháp chống corona, chẳng hạn như các quán ăn, nhậu phải đóng cửa trước nửa đêm, còn các trường học phải thực hiện việc giảng dạy trực tuyến.

Tại Na Uy, số ca lây nhiễm mới hàng ngày còn cao hơn nữa, do đó chính phủ Na Uy đã quyết định thắt chặt các biện pháp phòng chống dịch. Ngành dịch vụ nhà hàng và đồ uống bị cấm bán rượu bia, và những nơi có điều kiện, cần tổ chức làm việc tại nhà. Nhiều người có cảm giác như họ lại đang sống trong một đợt phong tỏa mới. Na Uy ý thức rõ rằng Omicron sẽ còn tăng mạnh, do đó cần thiết phải tăng cường các biện pháp phòng chống dịch.

Trong khi đó, Thụy Điển đi theo một con đường riêng trong cách chống dịch COVID-19 như không thi hành lệnh phong tỏa, do đó hiện số ca lây nhiễm biến thể Omicron cũng đang tăng nhanh. 

Số ca mắc mới tăng vọt tại Nam Âu

Biến thể Delta vẫn còn lây lan ở một số nước Nam Âu. Tây Ban NhaÝ đã phát hiện biến thể Omicron ở mức hai con số, song số lượng mắc chưa nhiều. Tuy nhiên, những quốc gia này thực hiện ít các xét nghiệm hơn, do đó số ca lây nhiễm trong thực tế chắc chắn còn cao hơn nhiều và có lẽ cũng không thua kém Đan Mạch. Số ca lây nhiễm bình quân 7 ngày cũng đang bắt đầu tăng ở Tây Ban Nha.

Trong khi đó, Hy Lạp đã trải qua làn sóng COVID-19 thứ tư từ tháng 11 vừa qua, và từ hai tuần nay số lây nhiễm bình quân trong 7 ngày đã giảm. Tuy nhiên, quốc gia này cũng đã phát hiện biến thể Omicron, trong đó 5 ca nhiễm đầu tiên là những người đã tiêm chủng và ban đầu không có triệu chứng bệnh nặng. Song, số ca tử vong vì COVID-19 ở quốc gia này vẫn cao: mới đây có ngày số ca tử vong lên tới 130 ca – một điều chưa từng có trước đây.

Còn tại Rumani, tình hình lây nhiễm COVID-19 đã giảm nhiều. Trong hai tháng qua, có thời kỳ, Rumani từng điêu đứng vì số ca mắc COVID-19 thuộc vào loại cao nhất thế giới. Hồi cuối tháng 10, mỗi ngày quốc gia này có tới 400 ca tử vong, trong khi tổng dân số của Rumani chỉ khoảng dưới 20 triệu người. Do dịch bệnh, tuổi thọ bình quân ở nước này giảm đi 1,4 năm – mức cao gấp đôi bình quân của 26 quốc gia Châu Âu khác. Hiện tại, số ca tử vong ở Rumani đã giảm còn khoảng 100 ca mỗi ngày và số lây nhiễm mới cũng thấp hơn 1000 ca. Tuy nhiên, Rumani đang chuẩn bị đối phó với làn sóng COVID-19 thứ năm. Các chuyên gia cho rằng thời kỳ tạm lắng hiện nay rồi sẽ qua đi  và có thể dịch sẽ bùng phát trở lại. Nguyên nhân là bởi, tỷ lệ tiêm chủng ở Rumani vẫn còn rất thấp, mới chỉ đạt 40%, và tỉ lệ tiêm đủ liều mới là 25%, thấp nhất châu Âu bên cạnh Bungari.

Hàn Quốc nguy kịch

Trong khi đó tại châu Á, Hàn Quốc đang có nguy cơ bị mất danh hiệu “điển hình tiên tiến” trong chống dịch COVID-19. Thời gian vừa qua, Hàn Quốc đã thực hiện hiệu quả các biện pháp hạn chế lây lan dịch bệnh khi tiến hành truy vết nghiêm ngặt ngay cả khi mới có dấu hiệu của các đợt bùng phát nhỏ lẻ. Nhờ đó, với số dân là 52 triệu người, số ca tử vong vì COVID-19 cho đến nay chỉ khoảng 5000.

Tuy nhiên, tình hình ở Hàn Quốc đang có nguy cơ bị đảo ngược: hiện nay, mỗi ngày nước này có khoảng 100 ca tử vong và có thể còn tiếp tục tăng. Theo đài NHK, hiện tại có khoảng 964 bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch. Đến cuối tuần này, các khoa chăm sóc đặc biệt sẽ đầy kín chỗ. Và mỗi ngày Hàn Quốc vẫn có thêm hàng nghìn ca nhiễm mới.

Trong khi đó, tỷ lệ tiêm chủng ở Hàn Quốc đã đạt trên 80%, dù có sự chênh lệch khá lớn ở các độ tuổi khác nhau. Hiện nay, chính phủ Hàn Quốc đã cho thi hành các biện pháp hạn chế tiếp xúc và tiến hành xét nghiệm nhanh đối với khách hàng tại các quán ăn nhậu và tắm hơi.

Hoa Kỳ dựa vào thuốc chống COVID-19 mới 

Tại Hoa Kỳ, số ca mắc mới vẫn tiếp tục tăng cao (hơn 100,000 ca mỗi ngày) và số ca tử vong vì COVID-19 từ đầu dịch đến giờ đã vượt 800.000 người. Tuy nhiên, quốc gia này mới chỉ phát hiện lẻ tẻ một số ca lây nhiễm biến thể Omicron.

Hoa Kỳ chủ trương dựa vào một chế phẩm mới chống corona của hãng dược phẩm Pfizer. Chính phủ Mỹ đã đặt mua 10 triệu liều thuốc này và cho rằng, một khi thuốc được phê duyệt và cung cấp rộng rãi thì quốc gia này có thể đạt một bước tiến quan trọng trong chiến dịch chống COVID-19.

Không có kháng thể bảo vệ

Đã có một số phát hiện mới về nguyên nhân gây ra sự lây lan nhanh chóng của Omicron. Một loạt phòng thí nghiệm ở châu Âu, đã tiến hành các xét nghiệm kháng thể ở trong máu của những người đã được tiêm chủng để xem liệu việc tiêm vaccine có thể “vô hiệu hóa” biến thể mới này hay không. Và kết quả khá đáng buồn, người tiêm hầu như không có kháng thể để chống lại Omicron sau sáu tháng kể từ lần tiêm chủng cuối cùng. Do đó, biến thể mới có thể dễ dàng lây lan ra phần lớn dân chúng. 

Dù vậy, mũi tiêm tăng cường vẫn góp phần hạn chế lây nhiễm, do đó việc tiêm mũi nhắc lại vẫn là điều cần thiết và vẫn có tác dụng kiềm chế sự lây lan của Omicron. Đồng thời, những người có nguy cơ chuyển nặng và tử vong cao cũng cần hạn chế các tiếp xúc với người khác. Tuy nhiên, nhà virus học Sandra Ciesek cũng cảnh báo: không nên phụ thuộc quá nhiều vào việc tiêm mũi vaccine tăng cường.

Omicron đã lan rộng và không thể ngặn chặn được nữa

Những ca lây nhiễm đầu tiên của biến thể Omicron ở Nam Phi được biến đến cách đây chưa đầy một tháng, song virus hiện đang lây lan trên toàn thế giới với một tốc độ đáng kinh ngạc. Hôm thứ Hai, các nhà khoa học Anh ước tính số ca nhiễm Omicron mới mỗi ngày là 200.000. Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid cho biết: “Ở London, đã có 44% tổng số ca bệnh là do biến thể Omicron và chúng tôi lo ngại rằng Omicron sẽ trở thành biến thể thống trị ở thủ đô”.

Cứ hai đến ba ngày số ca lây nhiễm mới ở Anh lại tăng gấp đôi, và số liệu thu thập ở Đan Mạch cũng cho kết quả tương tự. Cho đến nay, Đức chưa có đầy đủ dữ liệu để có thể dự đoán khi nào thì biến thể Omicron sẽ lan rộng tại quốc gia này. Tuy nhiên giới chuyên gia cho rằng, trên cơ sở các dữ liệu của Anh và Đan Mạch thì kết quả này sớm muộn cũng sẽ diễn ra ở Đức. 

Theo tính toán mô hình của Anh, khoảng một nửa dân số sẽ bị nhiễm biến thể Omicron trong những tháng tới. Ngay cả khi áp dụg các biện pháp ngăn chặn, các nhà khoa học Anh ước tính sẽ có tới 700.000 ca nhiễm hàng ngày vào thời kỳ cao điểm của làn sóng Omicron.

Đức đang phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm lớn nhất tính đến thời điểm hiện tại (khoảng 50,000 ca nhiễm mới một ngày). Đối với Đức, nguy cơ xuất hiện một làn sóng nhiễm biến thể Omicron đang hiện hữu và có thể sẽ còn cao hơn cả các đợt lây nhiễm trước đó. 

Trong khi đó, hệ thống miễn dịch của con người dựa trên hai trụ cột: ngoài các kháng thể ngăn virus xâm nhập, còn có các tế bào T có thể giúp con người chống lại việc chuyển. Christoph Neumann-Haefelin, người đứng đầu nhóm Miễn dịch Virus tại Bệnh viện Đại học Freiburg, cho biết: “Điều đáng mừng là phản ứng của tế bào T có thể không bị ảnh hưởng bởi Omicron. Thực tế ở Nam Phi dường như đã khẳng định điều này: so với những đợt lây nhiễm trước, các trường hợp chuyển nặng ít hơn nhiều”, ông nói.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo, không thể áp dụng kết quả ở Nam Phi vào hoàn cảnh ở châu Âu bởi dân chúng Nam Phi trẻ hơn nhiều so với Châu Âu, đồng thời số người bị lây nhiễm các biến thể virus corona trước đó ở Nam Phi cũng cao hơn so với Châu Âu. Hiện nay, chúng ta chỉ có thể hi vọng rằng tỷ lệ các ca bệnh nặng khi mắc Omicron sẽ thấp hơn so với trước đây.

Ở Anh cũng đã có các ca chuyển nặng do lây nhiễm biến thể Omicron, tuy nhiên vẫn còn quá sớm để có thể đánh giá. Người ta cũng chưa biết đối với những người hoàn toàn chưa tiêm vaccine hoặc những người đã khỏi bệnh thì tác động của biến thể Omicron sẽ như thế nào.

Theo chuyên gia Dirk Brockmann, giờ đây không thể chặn đứng sự lây lan của biến thể Omicron được nữa mà chỉ có thể trì hoãn sự lây lan của chúng, và nếu chỉ áp dụng các biện pháp thông thường thì sẽ không thể đánh bại được biến thể Omicron. Do đó, ông kêu gọi, “nếu không muốn bị bất ngờ, chính phủ cần phải đi trước một bước, ngay lúc này phải xây dựng các kế hoạch khẩn cấp cụ thể ngay lập tức”.

Xuân Hoài dịch

Nguồn: 

Corona: So reagieren andere Staaten auf steigende Fallzahlen und Omikron

Omikron-Welle in Deutschland: „Zu stoppen ist das nicht mehr“ 

Tác giả