Cảnh báo về hiểm họa nguyên tử cho tương lai (kỳ 1)

Việc đưa ra những cảnh báo về sự nguy hiểm của chất thải phóng xạ đã khiến Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cũng như chính phủ Mỹ phải đau đầu từ nhiều thập kỷ qua. Vấn đề là bằng cách nào để đưa ra những bảng hiệu “chết chóc” đủ sức gây ấn tượng cho con người sau… 10.000 năm nữa.

Nhờ cậy chuyên gia về ký hiệu học

Khi học giả người Mỹ Thomas Sebeok dạo trong vườn nhà ở North Carolina thì nhận được một cú điện thoại của chính quyền tiểu bang. Do đang chuẩn bị viết một trong những cuốn sách của mình nên tiếng chuông điện thoại khiến ông cảm thấy khó chịu. Nhiều năm sau, Sebeok đã nhớ lại thời điểm đó.

Sebeok hơi bực mình, cầm ống nghe. Ở đầu dây bên kia là bà phó chủ tịch Bechtel Corporation, một công ty xây dựng vào loại lớn nhất nước Mỹ. Với giọng nói nhỏ nhẹ, bà ngỏ ý muốn gặp gỡ để trao đổi về một dự án mật liên quan đến chất thải phóng xạ của Bechtel do bà điều phối. Chính phủ Mỹ cũng quan tâm đến dự án này. “Tôi không thể nói rõ hơn qua điện thoại. Chỉ đề nghị giáo sư, hãy mau tới San Francisco một cách sớm nhất”, bà nói.

Sebeok là giáo sư về ký hiệu học (Semiotics) tại ĐH Indiana ở Bloomington. Ông là nhà lý luận về biểu tượng, chuyên sâu vê lĩnh vực làm sao để các bảng hiệu, bảng hướng dẫn dễ hiểu, dễ nhớ và ngoài ra còn nghiên cứu về những loại thông điệp không lời khác. Trong suốt cuộc đời mình, giáo sư chưa hề đụng chạm đến rác thải nguyên tử. Nhưng điều đó sắp thay đổi.

Cuộc tìm kiếm kho tàng trữ cuối cùng ở Mỹ

Đó là năm 1981, Ronald Reagan vừa mới trở thành vị tổng thống thứ 40 của Mỹ – trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông, một trong những mục tiêu về chính sách đối nội là phải xác định được địa điểm làm kho lưu trữ nguyên tử cuối cùng.

Cho đến lúc đó ở Mỹ, việc lưu trữ hàng tấn rác thải từ năng lượng nguyên tử sử dụng vì mục đích quân sự và dân sự hầu như không được chú ý. Hải quân Mỹ thường đổ loại rác thải nguy hiểm chết người này vào can đựng xăng rồi vứt xuống biển, vốn được tích tụ từ cuộc chạy đua vũ trang trong chiến tranh lạnh. Một số chuyên gia còn nghĩ tới phương án dùng tên lửa bắn rác thải nguyên tử… lên vũ trụ bằng tên lửa nhưng may mắn là kế hoạch này chưa bao giờ được thực hiện do lo sợ việc phóng tên lửa không thành công.

Đến đầu những năm 1980, các chuyên gia cũng như chính phủ Mỹ nhất trí phương án cất giữ rác thải nguyên tử trong lòng đất. Năm 1982, chín địa điểm thuộc sáu tiểu bang đã được đưa vào danh sách. Trên thực tế, chính phủ Mỹ đã chọn Yucca Mountain, vùng cao nguyên đá rộng mênh mông ở sa mạc Nevada. Để đề nghị này được thông qua cần phải khiến người Mỹ an tâm về cái mộ đá chôn nguyên tử này. Và Thomas Sebeok đã được lôi vào cuộc.

Khi Thomas Sebeok tới San Francisco thì đã có một nhóm các nhà khoa học gồm các chuyên gia vật lý, kỹ sư, nhà địa chất và nhân chủng học ngồi đợi nhà lý thuyết về ký hiệu học. Họ có tổng cộng 12 người – tên mật của nhóm đặc nhiệm là Human Interference Task Force (Sự can thiệp của con người).

Ngay từ năm 1980, những lãnh đạo chủ chốt của Bechtel có quan hệ rất mật thiết với giới chính khách Washington đã cùng với chính phủ Mỹ thành lập ra “đội đặc nhiệm” này. Cho đến lúc đó, dấu hiệu cảnh báo nguyên tử thường là những tia phóng xạ có hình rotor. Nhiệm vụ của nhóm là tiếp tục phát triển ngôn ngữ ký hiệu hạt nhân để trong tương lai xa, người ta vẫn có thể hiểu chúng và quan trọng hơn, các ký hiệu đó có sơ sở để tồn tại – đại thể là một dạng ký hiệu cảnh báo phóng xạ 2.0.

Để làm được điều đó, nhóm cần phải có người am hiểu về các biểu tượng – và Sebeok chính là người am hiểu nhất lĩnh vực này.

Ông hỏi: “Thời gian mà chúng ta phải tiên lượng trước là bao nhiêu lâu?”

“Chỉ thị của nhà chức trách ở Washington là chúng ta phải tiên lượng trước khoảng 10.000 năm”.

Nguy cơ phóng xạ hàng triệu năm

Việc lưu trữ chất thải phóng xạ mới được chú ý trong những thập kỷ gần đây

Đối với rác thải hạt nhân bị con người cách ly, thì khoảng thời gian 10.000 năm, thực ra chỉ là một chỉ tiêu thời gian hoàn toàn mang tính tùy hứng: thí dụ chất đồng vị phóng xạ Strontium-90 phân hủy một nửa lượng phóng xạ gây chết người sau 29 năm, đối với Plutonium-239 là 24.100 năm, thời gian bán hủy của iốt -129 là 15,7 triệu năm.

10.000 năm – đây là khoảng thời gian từ thời đồ đá mới kéo dài cho đến thời điểm mà Sebeok nhận được cú điện thoại của bà phó chủ tịch tập đoàn Bechtel. Nhà nghiên cứu thầm nghĩ, có thể sau 10.000 năm nữa sẽ không còn ai hiểu nổi những ngôn ngữ mà nhân loại đã biết đến từ vài trăm năm nay.

Nhóm nghiên cứu nhanh chóng nhận ra rằng: phải có biện pháp để những con người trong tương lai, vào năm 11981 biết được rằng, ở bên trong lòng đất, nơi họ ở, có một kho chứa rác nguyên tử cuối cùng (và người ta nhất thiết không được nghĩ tới chuyện đào bới ở đây!). Như vậy nhóm nghiên cứu phải kết hợp nhiều thông điệp với nhau. Họ phát triển một ý tưởng lớm, một kế hoạch chi tiết về một Stonehenge hạt nhân. 

                                                                                                         (Còn tiếp)

Xuân Hoài

 

Tác giả