Carl Linnaeus – nhà thơ của Tự nhiên

Jean-Jacques Rousseau viết về Linnaeus: "Tôi không biết con người nào trên trái đất này lại vĩ đại hơn ông." Johann Wolfgang von Goethe thì viết: "Ngoại trừ Shakespeare và Spinoza, tôi không biết còn ai khác có thể ảnh hưởng đến tôi sâu sắc hơn ông." Và nhà văn Thụy Điển August Strindberg nhận định: "Thực ra Linnaeus là một nhà thơ, ông chỉ tình cờ trở thành một nhà tự nhiên học".

Ở Thụy Điển, mùa xuân thường đến muộn. Chính vì vậy mà lúc cậu bé Carl Linnaeus ra đời vào ngày 23 tháng 5 năm 1707 cũng là lúc mùa xuân tràn về ngôi làng nhỏ Stenbrohult. Cha của cậu là Nils Linnaeus, một người rất yêu cây cối và cũng là một nhà thực vật học nghiệp dư. Mẹ của cậu, Christina, mới chỉ 18 tuổi, vốn là con gái của một vị hiệu trưởng.
Khi Carl quấy khóc, mọi người thường đặt vào tay cậu một bông hoa để dỗ cậu nín. Hoa chính là ngưỡng cửa để Carl bước vào thế giới tự nhiên đẹp đẽ và đa dạng. Ngay từ khi còn nhỏ, Carl đã cảm nhận được rằng, những bông hoa không chỉ đẹp và đa dạng, chúng còn ẩn chứa một ý nghĩa nào đó.

Carl Linnaeus được coi là “người sáng lập ngành phân loại học,” chính ông đã xây dựng hệ thống tên kép bằng tiếng Latin để gọi tên các loài, vẫn được sử dụng cho đến ngày nay. Cũng chính ông đã nghĩ ra cái tên Homo sapiens để chỉ loài người chúng ta và đưa vào một danh mục các loài có vú bao gồm cả khỉ và vượn. Trong bối cảnh lịch sử thời đó, Linnaeus vẫn chưa phải là một nhà tiến hóa triệt để, ông vẫn chịu ảnh hưởng chủ yếu của thuyết Sáng thế – coi việc nghiên cứu tự nhiên chỉ là đi tìm những bằng chứng minh họa cho sức mạnh sáng tạo và bí ẩn của Thượng đế. Mặc dù vậy, một tiến bộ mang tính cách mạng mà Linnaeus đạt được là ông đã coi tính đa dạng của tự nhiên là một đặc điểm tự thân của nó chứ không bị chi phối hoàn toàn bởi thần học. Ông tin rằng, nhiệm vụ của loài người là  phải khám phá, đặt tên, phân loại, tìm hiểu và nhận thức được tất cả các sinh vật trên Trái đất.   
Cuốn sách Systema Naturae (Hệ thống Tự nhiên) nổi tiếng của Linnaeus  được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1735 chỉ có hơn chục trang. Trong đó ông đã chỉ ra một hệ thống tự nhiên bao gồm ba giới: giới thực vật, giới động vật và giới khoáng vật. Đến năm 1770, trong lần xuất bản thứ 15, cuốn sách này đã có nội dung lên tới ba nghìn trang với rất nhiều sự chỉnh, mở rộng và bổ sung quan trọng. Sự phân loại giới thực vật của Linnaeus là một công trình đặc biệt xuất sắc, với tính sáng tạo và tính hệ thống cao. Khi nhận ra rằng, các bông hoa chính là những cấu trúc sinh sản của thực vật, ông đã sử dụng nhị và nhụy của chúng để làm đặc trưng cho các nhóm phân loại. Ông đã phân ra được 23 lớp cây có hoa (lớp thứ 24 là các cây không nở hoa) dựa trên số lượng, kích cỡ và sự sắp xếp các nhị của chúng. Trong mỗi lớp đó, ông lại thực hiện sự phân chia  theo các trật tự dựa trên đặc điểm nhụy của mỗi loài.  
Sau Systema Naturae, Linnaeus còn xuất bản thêm nhiều cuốn sách nổi tiếng nữa như Flora Suecica (1745), Philosophia Botanica (1751) và Species Plantarum (1753). Đối với Linnaeus, nếu ta có thể tìm ra một phương pháp nào đó để phân loại thực vật thành các nhóm thì khi đó ta có thể khám phá ra được “những quy luật bí mật của Thượng đế” trong việc sáng tạo ra các loài, cũng giống như Newton đã khám phá ra “toán học và vật lý của Thượng đế”. Mặc dù, Linnaeus đã chưa thể tưởng tượng được rằng, sự phân loại các loài một cách tự nhiên nhất là phải dựa trên nguồn gốc tiến hóa của chúng nhưng niềm say mê của ông – đi tìm trật tự của tự nhiên – đã tạo dựng nền tảng phân loại học cho những tư tưởng cách mạng sau này của Charles Darwin.

Ngôn ngữ của Linnaeus
Những công trình khoa học của Linnaeus đã tạo nguồn cảm hứng cho rất nhiều nhà thơ viết thơ để mô tả tự nhiên. Cũng có nhiều bài thơ viết về ông và dành tặng cho ông. Điều thú vị là, khi đọc những bài thơ đó, người ta sẽ có thể tiếp xúc với lịch sử của khoa học về tự nhiên qua hàng trăm năm.
Bản thân những ghi chép nghiên cứu hàng ngày cũng được Linnaeus viết bằng một phong cách ngôn ngữ giống như thơ, thậm chí nhiều người đã khẳng định rằng đó thực sự là thơ – “những bài thơ về nghiên cứu tự nhiên.” Một trong những người đầu tiên chú ý đến ngôn ngữ của Linnaeus là nhà văn August Strindberg, người mà trong những năm 1880 đã hết lời ca ngợi “ngôn ngữ thơ ca” của Linnaeus. Đến đầu thế kỷ 20, ngôn ngữ của Linnaeus bắt đầu được phổ biến và yêu thích rộng rãi, các nhà nghiên cứu văn học cho rằng, phong cách ngôn ngữ đó không chỉ trong sáng, súc tích mà còn hay và truyền cảm. Tình yêu và cách tiếp cận thiên nhiên của Linnaeus đã trở thành một truyền thống tốt đẹp trong đời sống văn hóa giáo dục ở Thụy Điển cũng như ở các nước châu Âu khác.
Eramus Darwin (ông của Charles Robert Darwin vĩ đại) vì rất say mê ngôn ngữ thơ ca khoa học của Linnaeus nên đã dịch lại những công trình phân loại học quan trọng của ông. Eramus còn tích cực nghiên cứu và phát triển thêm phương pháp phân loại học Linnaeus và cố gắng áp dụng nó cho ngành y dược. Trong quá trình theo đuổi phương pháp Linnaeus, Eramus Darwin cũng chính là một trong những người đầu tiên, độc lập với Jean-Baptiste Lamarck, đưa ra ý tưởng cho rằng tiến hóa là một quá trình lịch sử và ngẫu nhiên.

Linnaeus và Goethe
Trong những bài nghiên cứu về thực vật học của mình, Johann Wolfgang von Goethe vẫn thường nhắc đến Linnaeus một cách đầy ngưỡng mộ. Thậm chí Goethe còn thừa nhận rằng, cùng với Shakespeare và Spinoza, Linnaeus chính là một trong ba người thầy lớn nhất của ông.
Sinh ra ở Frankfurt, Goethe đã được học nhiều về văn học và xã hội ngay từ nhỏ. Sau khi chuyển đến Weimar, nhà thơ mới trở nên quan tâm đến giới tự nhiên. Và chính những cuốn sách Termini botanici, Fundamenta botanica và Philosophia botanica của Linnaeus đã đem đến cho Goethe những nền tảng đầu tiên của khoa học về thực vật.   
Goethe đã thực hiện những quan sát đối với các loài nấm, rêu, địa y và tảo. Sách của Linnaeus đã “khai sáng” cho ông những phương pháp tuyệt vời để phục vụ cho nghiên cứu. “Sách của Linnaeus không phải chỉ để đọc, chúng còn dạy cho tôi phải thường xuyên thực hành, quan sát, kiểm nghiệm. Và từ đó tôi tìm thấy ở tự nhiên những điều kỳ diệu,” Goethe viết.  

TT lược thuật

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)