“Cháy” giống vì thiếu vùng sản xuất

Sản lượng hạt lai F1 sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng được 20-25% nhu cầu trong khi nguồn giống nhập khẩu đang chững lại. Giá hạt giống lên cơn sốt làm cho thị trường giống bất ổn khiến người nông dân hoang mang. Chúng ta cháy giống vì thiếu vùng sản xuất hạt lai F1 ổn định.

“Cơn đói” giống…

“Chúng ta đang thiếu giống lúa lai trầm trọng”, ông Vũ Hồng Quảng-Viện nghiên cứu lúa, ĐHNN I-cho biết. Nhận định của ông Quảng cũng như nhiều nhà khoa học, và chính những người nông dân đã phản ánh một thực tế rằng, mặc dù được Nhà nước đầu tư hỗ trợ hàng chục tỷ đồng nhưng “cơn đói giống” đang đeo đẳng người nông dân và lời giải cho bài toán lúa lai vẫn còn treo lơ lửng đâu đó. Cơn đói này lại càng lao đao khi Trung Quốc, cái nôi của lúa lai, quyết định không xuất khẩu giống ra ngoài vì chính nước này cũng đang trong thời điểm “cháy” giống do mất mùa triền miên, cung không đủ cầu.

Nhìn qua thị trường giống ở một số tỉnh phía Bắc trong thời điểm này dễ dàng nhận thấy giá thành lúa lai của Trung Quốc tăng vọt như Bắc ưu 903 (53000đồng/kg-tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái), trong khi đó những giống lúa lai “made in Việt Nam” như VL20 hay TH3-3 hầu như cháy hàng, khiến bà con đổ xô đến các trung tâm giống mà vẫn…công cốc. Nhiều trung tâm giống cây trồng lo xa kịp “gom” trước nhưng tình trạng khan hiếm vẫn xảy ra, đẩy giá hạt giống lên cơn sốt. Thị trường hạt giống bất ổn khiến người nông dân trở nên hoang mang. “Nhu cầu hạt giống trở lên bức xúc hơn bao giờ hết vào vụ mùa 2008 vừa rồi”, ông Quảng than thở. Trong khi chúng ta chủ trương phát triển diện tích trồng lúa lai quy mô toàn quốc thì hiện tượng khan hiếm hạt giống ở thời điểm hiện nay đã gióng lên hồi chuông buộc các nhà khoa học nhảy vào cuộc. “Mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng hiện nay chúng ta mới chỉ cung cấp được khoảng 20-25% hạt giống, còn lại 75% vẫn phải nhập khẩu từ Trung Quốc”, PGS.Nguyễn Văn Hoan-Viện nghiên cứu lúa ĐHNN I nhận định.

Những tổ hợp lúa lai mới với nhiều ưu thế vượt trội được các nhà khoa học chọn tạo gặp nhiều khó khăn khi triển khai tổ chức sản xuất hạt giống diện rộng, và thực tế, từ phòng thí nghiệm đến các thửa ruộng vẫn còn một khoảng cách lớn. Những khó khăn tạo nên sức ì trong quá trình đưa cây lúa lai ra đồng ruộng được nhận định là do các khâu trung gian còn yếu. Các công ty sản xuất giống vẫn nơm nớp sợ mạo hiểm. “Những tổ hợp lúa lai mới vẫn chủ yếu được sản xuất trên quy mô thử nghiệm của một số trường đại học hoặc viện nghiên cứu”, ông Quảng cho biết.

Thiếu vùng sản xuất hạt lai F1 ổn định

“Chủ trương phát triển diện tích lúa lai lên 1 triệu ha vào năm 2010 là cần thiết nhưng có vẻ quá tham vọng”, ông Quảng nhận định. Để có đủ hạt lai F1 cho 1 triệu ha sẽ phải cần khoảng 16.000 ha diện tích sản xuất, trong khi hiện tại chúng ta mới chỉ đạt xấp xỉ 1500 ha, và cũng sau bao năm vật lộn, diện tích trồng lúa lai thương phẩm đã mở rộng 600.000 ha. Như vậy, với thực lực hiện có, con số đặt ra quả thực là xa vời, và theo ý kiến của nhiều nhà khoa học, khó trở thành hiện thực. Lý giải tại sao, theo ông Vũ Hồng Quảng, vấn đề cấp bách nhất vẫn là thiếu vùng sản xuất hạt giống F1 ổn định. “Hiện nay Việt Nam có hai vùng sản xuất hạt lai F1 là ĐBBB sản xuất vụ mùa và Quảng Nam Đà Nẵng sản xuất vụ xuân. Tuy nhiên hai vùng này vẫn chưa ổn định do diện tích sản xuất hạt lai F1 còn manh mún”, ông Quảng nói. Bên cạnh đó người nông dân của ta vẫn làm theo kiểu tự cung tự cấp nên khi tổ chức quy hoạch vùng sản xuất chung gặp nhiều khó khăn. Cho nên khi các nhà khoa học có ý định mở rộng diện tích thì xuất hiện phản ứng khác nhau từ người nông dân: người vỗ tay, người phản đối. Những người phản đối cho rằng, “khẩu phẩn lương thực” của họ trong 6 tháng trời chỉ trông chờ vào mảnh ruộng đó nên không thể “mạo hiểm” giao phó. Mặt khác, do bản tính làm ăn nhỏ lẻ nên chỉ một người không đồng ý là ngay lập tức “phản ứng dây chuyền” lan rộng sang các hộ gia đình khác. Ngoài ra, yếu tố thời tiết cũng đóng một vai trò quan trọng ảnh hưởng đến quá trình sản xuất hạt lai. “Đặc biệt là ở Quảng Nam, điều kiện nhiệt độ cho cây lúa bất dục hoàn toàn không ổn định. Trong 7 năm thử nghiệm thì mất 2 năm vẫn xảy ra hiện tượng cây lúa không bất dục hoàn toàn”, ông Quảng cho biết.

Mở rộng vùng sản xuất hạt lai F1 đang trở thành trăn trở lớn nhất đối với nhà sản xuất.

Những yếu tố trên hạn chế các nhà khoa học chỉ duy trì diện tích sản xuất hạt lai ở hai vùng này trên quy mô vừa, cho nên bài toán đặt ra phải tìm một vùng sản xuất hạt lai quốc gia. Lặn lội khắp trong Nam ngoài Bắc để rồi các nhà khoa học cũng vỗ tay mãn nguyện chọn vùng ĐBSCL, đại diện là Sóc Trăng, để mở rộng thành vùng sản xuất hạt lai quốc gia. “Ở Sóc Trăng sử dụng vụ thu đông để sản xuất hạt lai F1 là an toàn nhất, chất lượng cao mà giá thành hạt giống rẻ và có thể tổ chức gieo xạ trên quy mô lớn. Chúng tôi đang thử nghiệm và đã có kết quả tốt. Dự kiến đến 2009 sẽ mở rộng diện tích hạt lai F1 từ 600-1000 ha” – ông Quảng phấn khởi – “Trung Quốc có đảo Hải Nam là vùng sản xuất hạt lai quốc gia thì Việt Nam sẽ có Sóc Trăng”.

Doanh nghiệp phải vào cuộc

Mặc dù đang đói giống nhưng có vẻ như người nông dân vẫn thấp thỏm tâm lý ngại xài hàng nội. Người nông dân vốn coi trọng sản lượng, miễn sao có nhiều thóc vào bồ nên những giống lúa lai nhập từ Trung Quốc được bà con ưa chuộng. “Các giống lúa của Trung Quốc chỉ coi trọng sản lượng mà chất lượng gạo còn thấp nên nhiều nơi, gạo sản xuất ra bán với giá rẻ, thậm chí chỉ sử dụng cho chăn nuôi, nấu rượu. Còn gạo ăn  từ giống sản xuất trong nước thì bà con lại nhập quay vòng từ nơi khác với giá đắt đỏ. Tính ra lại thiệt…”, ông Quảng cho biết. Đã bao phen các nhà khoa học vất vả đánh cược với người nông dân, “thuê” ruộng trình diễn đứa con đẻ của mình để thuyết phục bà con. Những gian khổ không ai nói ra đó cuối cùng cũng được đáp trả khi 3 năm đổ lại đây, người nông dân đã có niềm tin vào cây lúa Việt và dần sính hàng nội.

Tuy nhiên, giá trị kinh tế của ngành nông nghiệp thấp nên nhiều nơi làm nông nghiệp… lỗ. Ngay cả những vùng có truyền thống trồng lúa nước bao đời nay người nông dân cũng ngắc ngứ vì cảnh “một tiền gà ba tiền thóc”. Một người nông dân ở Thái Bình than thở, “Giá đầu vào như giống, phân bón, thuốc trừ sâu đều tăng. Nếu được mùa thì hòa vốn, còn chẳng may không mưa thuận gió hòa đành trắng tay. Chúng tôi ngoài thửa ruộng còn biết làm gì khác?!”. Cùng với đó người nông dân giờ đây có trình độ cao hơn nên nhiều người bỏ lại đồng áng để tổ chức sản xuất hàng hóa. Bởi vậy, theo PGS.Nguyễn Thị Trâm – Viện Sinh học Nông nghiệp – ĐHNNI, để đảm bảo an ninh, an toàn lương thực, Nhà nước phải là “mạnh thường quân” hỗ trợ đầu vào cho bà con, chứ như hiện nay “đặc ân” mà người nông dân nhận được chẳng bao nhiêu.

Làm thế nào để nguời nông dân trong vùng sản xuất hạt lai bám trụ đồng ruộng, sống được nhờ sản xuất hạt lai? Giải pháp được các nhà khoa học thấy hợp lý là thuyết phục người nông dân sản xuất lớn. Theo ông Quảng, do diện tích còn manh mún, nên chăng chúng ta dồn điền đổi thửa, tập trung giao cho một số người nông dân có tiềm lực tiến hành tổ chức sản xuất hạt lai tập trung, còn những người nông dân yếu thế hơn sẽ… làm thuê cho chính những người này. Như vậy, người nông dân trong vùng sản xuất hạt giống bố mẹ và F1 vừa có thu, còn người nông dân sản xuất thóc thương phẩm sẽ mua được giống với giá rẻ trong khi chúng ta lại tăng cường được sản lượng hạt lai F1. Do đó chúng ta có trong tay một lời giải cho hai bài toán. “Đối với những vùng nhân dòng mẹ, sau 7 năm thử nghiệm đã khẳng định hoàn toàn có thể cung cấp cho các vùng sản xuất hạt lai F1. Nhưng quan trọng các nhà khoa học phải xây dựng được những bộ giống trở thành hàng hóa – như những bộ giống chất lượng cao bán cho người giàu – để người nông dân là người sản xuất”, ông Quảng cho biết thêm.

Nhưng để tháo gỡ bài toán khan hiếm giống thì điều cần thiết hơn cả là cần sự phối hợp của 3 nhà -Nhà nước, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp. Đặc biệt, nhà doanh nghiệp phải “nhảy” vào cuộc, tham gia vào sản xuất hạt giống, vì theo ông Quảng, yếu tố doanh nghiệp rất quan trọng vì vừa tổ chức sản xuất rộng vừa thương mại hóa hạt lai. Rồi ông làm một phép tính: 16.000 ha chỉ cần 15 doanh nghiệp lớn vào cuộc tổ chức sản xuất lớn hạt lai F1 là đủ cho 1 triệu ha vào 2010.

Đức Phường

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)