Chính sách năng lượng mới của Đức

Theo quyết định mới nhất của Chính phủ, sau ba tháng tạm dừng, 8 trong số 17 nhà máy điện hạt nhân sẽ ngừng hoạt động vĩnh viễn. Nước Đức đang hướng tới phát triển năng lượng tái tạo thân thiện với môi trường, thay thế dần điện hạt nhân, nhằm đạt được phát triển bền vững, đảm bảo môi trường sống của con người.

Những ngày cuối tháng 5/2011, chủ đề về chính sách năng lượng của Đức thu được sự quan tâm cao độ của dư luận; các tin tức về chủ đề này luôn đứng ở vị trí đầu tiên trong mục điểm tin của các báo điện tử. Những cuộc họp của Chính phủ và các bên liên quan được giới báo chí theo dõi và cập nhật liên tục nhằm cung cấp cho công chúng những tin tức mới nhất về chính sách năng lượng.

Theo đúng lộ trình đã định hồi tháng 3, ngày 30/5, Chính phủ Đức đã họp và ra quyết định về thời gian hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân (NMĐHN). Theo quyết định mới nhất của Chính phủ, sau ba tháng tạm dừng, 8 trong số 17 NMĐHN sẽ ngừng hoạt động vĩnh viễn. Với 9 nhà máy còn lại, 6 trong số đó sẽ hoạt động đến hết năn 2021, ba nhà máy mới đưa vào sử dụng gần đây nhất sẽ tiếp tục phát điện đến hết năm 2022 [8],[11],[12]. Như vậy Chính phủ Đức đã quyết định tiến đến dừng hẳn việc sử dụng điện hạt nhân sớm hơn so với dự định trước đây. Thời hạn cuối cùng cho thời gian hoạt động của các NMĐHN muộn nhất là đến năm 2022 thay vì năm 2036 như các kế hoạch cũ.

Thủ tướng Merkel cho biết các quyết định được đưa ra là phản ứng của hệ thống chính trị với với sự cố nhà máy điện ở Fukushima, Nhật Bản [9]. Nước Đức đang hướng tới phát triển năng lượng tái tạo thân thiện với môi trường, thay thế dần điện hạt nhân, nhằm đạt được phát triển bền vững, đảm bảo môi trường sống của con người. Nói về chính sách năng lượng mới, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế, ông Philipp Rösler cho biết: “đây là một ngày tốt cho nền năng lượng của Đức” [9].

Chính sách mới về năng lượng được đưa ra dựa trên ba tiêu chí cơ bản: An ninh năng lượng, Khả năng chi trả được, và Sự thân thiện với môi trường [9]. Để đi đến một quyết định cuối cùng, Chính phủ đã huy động một lực lượng đông đảo các nhà khoa học và các chuyên gia tư vấn vào cuộc.

Theo lịch trình làm việc, hai ủy ban độc lập là Ủy ban về nguyên tắc hành xử và Ủy ban an toàn các lò phản ứng sẽ tư vấn cho Chính phủ về lộ trình thay thế điện hạt nhân. Ủy ban về nguyên tắc hành xử do cựu Bộ trưởng môi trường Klaus Töpfer là Chủ tịch và Matthias Kleiner – Chủ tịch Quỹ nghiên cứu khoa học liên bang (DFG) – là đồng chủ tịch.

Các thành viên của Ủy ban gồm các nhà khoa học hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau như kinh tế, môi trường, khoa học về phát triển bền vững, UNESCO, ngoài ra còn có các đại diện của nhà thờ. Ủy ban này đảm nhận nhiệm vụ tổ chức các cuộc đối thoại giữa nhiều lực lượng trong xã hội; vấn đề thảo luận sẽ xoay quanh các khía cạnh xã hội và kinh tế, những yếu tố có liên quan đến quá trình chuyển đổi cơ cấu năng lượng.

Trong cùng thời gian đó, Ủy ban an toàn các lò phản ứng sẽ đúc rút kinh nghiệm từ sự cố Fukushima, soạn thảo các điều kiện để kiểm tra các lò phản ứng và thực hiện kiểm tra toàn diện nhằm đánh giá độ bền vững của các NMĐHN với các sự cố khác nhau [3].

Sau nhiều ngày làm việc, Ủy ban về nguyên tắc hành xử đã ra khuyến nghị nên dừng hẳn hoạt động của các NMĐHN đã tạm dừng trong 3 tháng vừa qua [3]. Thời gian dừng tạm thời các nhà máy cho thấy năng lượng điện do các nhà máy này sản sinh ra là hoàn toàn có thể bù đắp được. Trong một bản báo cáo dài 28 trang, Ủy ban này đưa ra lời khuyên nên dừng hẳn việc dùng điện hạt nhân, đồng thời cũng đưa ra các giải pháp năng lượng thay thế với ít rủi ro khi vận hành.

Các thành viên của Ủy ban cũng cho biết, mọi giải pháp đưa ra là nhằm mục đích giảm gánh nặng cho môi trường. Các loại năng lượng thay thế sẽ dựa trên nhiệt điện, quang điện, và phong điện. Theo đánh giá của các chuyên gia, đến năm 2022, đóng góp của năng lượng tái tạo sẽ tăng gấp đôi và điện hạt nhân sẽ được thay thế hoàn toàn. Với việc dùng năng lượng tái tạo, tới năm 2020 lượng khí nhà kính sẽ giảm 40% so với năm 1990.

Bên cạnh đó, các đánh giá của Ủy ban an toàn các lò phản ứng cũng cho thấy, các nhà máy điện hạt nhân đều không đáp ứng được một số tiêu chí về an toàn trong những điều kiện cụ thể.

Dựa vào ‎ý kiến tư vấn của chuyên gia của hai ủy ban nói trên, Chính phủ Đức đã họp và ra quyết định về chính sách năng lượng mới, trong đó chỉ rõ thời hạn cuối cùng để dừng hoạt động hoàn toàn các NMĐHN. Để đi đến được một quyết định như vậy không phải là điều dễ dàng. Điện hạt nhân chiếm khoảng 20% tổng sản lượng điện của Đức, vì vậy để đảm bảo an ninh năng lượng, cần có các loại hình năng lượng khác bù lại lượng điện bị thiếu hụt. Đó không phải là một bài toán có thể giải được trong thời gian ngắn.

Khi đưa ra quyết định nói trên, Chính phủ phải tính đến các biện pháp đảm bảo an ninh cấp điện cho cả nước, đặc biệt vào mùa đông, khi lượng điện cần thiết cho việc sưởi ấm tăng cao. Chính phủ đã dự liệu, trong trường hợp thiếu hụt, có thể dùng năng lượng hóa thạch để tạo sinh điện năng. Trong kế hoạch dài hạn, các dự án về năng lượng thay thế là phong điện, thủy điện và quang điện sẽ được tăng tốc độ triển khai để đảm bảo an ninh lưới điện [10]. Dự án triển khai các chong chóng phát điện trên biển sẽ được đầu tư nhiều hơn để đẩy nhanh tiến độ đưa vào sử dụng. Thêm vào đó hệ thống truyền tải và phân phối điện cũng được nâng cấp để đảm bảo khả năng cung cấp điện cho cả nước.

Chỉ trong vòng 3 tháng, quan điểm về cơ cấu năng lượng của Đức đã thay đổi hoàn toàn, chính sách năng lượng chuyển sang trang mới. Với việc ra quyết định về chính sách năng lượng mới, bà Merkel cho biết, Đức muốn đi đầu trong phong trào thay thế hoàn toàn điện hạt nhân. Việc dùng các loại năng lượng tái tạo thay thế năng lượng hạt nhân sẽ tạo cơ hội lớn cho các thế hệ sau, cụ thể là tạo cơ hội về xuất khẩu, phát triển, công nghệ, và việc làm cho nhiều người [9]. Chính sách năng lượng mới đã có ảnh hưởng tức thì đến thị trường chứng khoán, ngay sau khi quyết định được đưa ra, cổ phiếu của các hãng hoạt động trong lĩnh vực liên quan năng lượng tái tạo như phong điện và quang điện đã tăng nhẹ [6].

Chính sách năng lượng mới của Đức nhận được nhiều lời khen chê khác nhau từ các quốc gia láng giềng. Pháp và Thụy Điển có chung quan điểm rằng Đức mắc sai lầm khi quyết định từ bỏ năng lượng hạt nhân sớm. Séc cho rằng với việc thay thế điện hạt nhân thì Đức sẽ phải lệ thuộc nhiều hơn vào than và gas. Tuy nhiên, nước Áo – vốn hoàn toàn không dùng điện hạt nhân – ủng hộ quyết định của nước láng giềng, cho đó là một quyết định đúng đắn [7].

Lợi ích của việc sử dụng năng lượng tái tạo đã được biết đến từ lâu, đó là sự phát triển bền vững, đảm bảo môi trường sống trong sạch. Nhưng để có được một nền năng lượng sạch, đòi hỏi một quá trình đầu tư nhiều công sức và tiền bạc. Sự thay đổi trong chính sách năng lượng của Đức chính là quyết định về việc tăng tốc để rút ngắn thời gian đưa vào sử dụng năng lượng tái tạo, đẩy nhanh tiến độ thay thế điện hạt nhân. Từ đó người dân Đức có thể yên tâm với một nền năng lượng sạch của đất nước.

Các nhà phân tích cho rằng, việc thay đổi chính sách của Nội các chính phủ của bà Merkel đã làm tăng uy tín của liên minh cầm quyền [10]. Rõ ràng, với những việc làm hợp lòng dân, phù hợp với lợi ích và nguyện vọng của số đông thì chắc chắn là Chính phủ sẽ thu được sự ủng hộ của dư luận. Chính sách mới ra đời cũng có tác động kìm hãm quá trình thăng tiến của đảng Xanh, một đảng đối lập đã thu được nhiều thắng lợi trong các cuộc bầu cử gần đây ở nhiều bang do xu hướng phản đối năng lượng hạt nhân lên cao. Chính sách năng lượng mới cho thấy Chính phủ Đức có phản ứng hết sức linh hoạt trước thực tế khách quan và nguyện vọng của người dân. Bên cạnh đó quyết định này thể hiện sự tôn trọng của Chính phủ với ý kiến đóng góp của giới trí thức. Chính phủ coi khuyến nghị của các nhà khoa học là căn cứ quan trọng cho quá trình ra quyết định. Có thể thấy rằng, quyết định nói trên là do kết quả tác động của các ủy ban tư vấn, cụ thể là của các nhà khoa học.

Tài liệu tham khảo:

1.    „Die Pläne sind ambitioniert, aber machbar“
http://www.br-online.de/aktuell/energiekonzept-csu-claudia-kemfert-ID1305891201077.xml

2.    CSU legt sich fest: Atomausstieg bis 2022
http://www.tagesschau.de/inland/csuenergiekonzept104.html

3.    Ethikkommission für Atomausstieg bis 2021
http://www.tagesschau.de/inland/atomausstieg138.html

4.    Wer berät die Regierung in Atomfragen?
http://www.tagesschau.de/inland/faqatomkommission100.html

5.    Wie lange bleibt welches AKW noch am Netz?
http://www.tagesschau.de/wirtschaft/reststrommengen102.html

6.    Öko-Aktien gesucht
http://www.boerse.ard.de/content.jsp?key=dokument_537304

7.    „Deutschland hat einen Fehler gemacht“
http://www.tagesschau.de/ausland/ausstiegreaktionen100.html    

8.    Wie lange bleibt welches AKW noch am Netz?
http://www.tagesschau.de/wirtschaft/reststrommengen104.html    

9.    Merkel sieht Energiewende als „riesige Chance“
http://www.tagesschau.de/inland/atomausstieg176.html

10.    Wie soll der Atomausstieg funktionieren?
http://www.tagesschau.de/inland/atomausstieg184.html    

11.    Germany: Nuclear power plants to close by 2022
http://www.bbc.co.uk/news/world-europe-13592208

12.    Schwarz-Gelb-Rot bringt die Grünen in Not
http://www.spiegel.de/politik/deutschland/0,1518,765729,00.html

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)