Chính sách phát triển công nghệ cao tại một số nước

Dù chưa có đạo luật riêng quy định về công nghệ cao (CNC), song các nước gần Việt Nam đều rất chú trọng xây dựng các chính sách ưu tiên phát triển CNC, đồng thời quy định các tiêu chí xác định ngành, sản phẩm có hàm lượng CNC để từ đó có những chính sách ưu đãi cụ thể.


Tập trung vào hệ thống R&D
Hàn Quốc là nước điển hình trong thúc đẩy phát triển CNC bằng các chính sách Nhà nước. Các biện pháp chính sách của Hàn Quốc tập trung vào đầu tư cho hệ thống R&D và các đối tác của nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (bao gồm các doanh nghiệp tư nhân địa phương, các doanh nghiệp quốc gia, phòng thí nghiệm nghiên cứu trong các trường đại học và các viện nghiên cứu do Chính phủ tài trợ kể cả các cộng tác viên nước ngoài). Hệ thống này hợp tác với nhau trong quá trình phát triển các CNC chiến lược.
Các chính sách về phát triển CNC được Chính phủ Hàn Quốc đưa ra gồm “Phát triển tầm nhìn CNC”, “Xây dựng kế hoạch tổng thể và chính sách cho các chương trình công nghệ chiến lược”, “Điều phối việc đầu tư, các chương trình và các dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ quốc gia”, “Huy động và phát triển các chuyên gia và các tổ chức công nghệ”, v.v… Cùng với ngân sách của Chính phủ chi cho R&D là việc hình thành các quỹ cho các chương trình công nghệ quốc gia. Chính phủ đã hình thành cơ chế chia lợi nhuận đối với sở hữu trí tuệ (IPR) xuất phát từ các kết quả nghiên cứu của các chương trình nghiên cứu và phát triển KH&CN trước đây. Các quỹ công xuất phát từ tiền góp ban đầu của Chính phủ, lãi suất từ việc cho vay tiền của quỹ, tiền từ việc bán cổ phần của các doanh nghiệp Nhà nước.
Có thể nói, các chương trình phát triển công nghệ của Hàn Quốc phụ thuộc mạnh mẽ vào chính sách và sự hỗ trợ từ chính quyền trung ương.

Hoạch định chiến lược và dự báo

 

Do phải đối mặt với giá lao động tăng cao, ô nhiễm môi trường và những khó khăn trong mối quan hệ với Trung Quốc, sự cạnh tranh của các nước trong khu vực Đông Nam Á với giá lao động rẻ hơn, chính quyền Đài Loan buộc phải tài trợ nhiều hơn cho nghiên cứu và phát triển KH&CN, đào tạo công nhân, tự động hóa sản xuất và các dự án CNC. Vì thế, các ngành CNC giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế Đài Loan và đóng góp tới 40% giá trị xuất khẩu của Đài Loan sang Mỹ và 13% sang Nhật Bản.
Bằng việc sử dụng các công nghệ đã được phát triển ở nước ngoài và sản xuất các dây chuyền sản xuất rẻ đến mức thấp nhất có thể, Đài Loan có khả năng sản xuất một số lượng lớn các sản phẩm CNC rất cạnh tranh như thiết bị máy tính (màn hình và mainboard), ngành bán dẫn của Đài Loan phát triển rất mạnh trong khi ngành công nghệ môi trường và công nghệ sinh học (CNSH) chỉ chiếm một phần rất khiêm tốn.
Đài Loan đã và đang thúc đẩy sự phát triển các ngành công nghiệp dựa trên CNC thông qua các mục tiêu chiến lược, dự báo và đồng thời đã hoạch định chiến lược các ngành công nghiệp. Từ năm 2006 đến năm 2010, gần 1 tỷ USD (32 tỷ đô la Đài Loan) sẽ được phân bổ để phát triển ngành điện tử mềm, thiết bị phát hiện tần số radio, công nghệ nano, rô-bốt thông minh, xe cộ thông minh và nhà ở thông minh. Sáu ngành công nghiệp quan trọng này sẽ giúp Đài Loan đạt được những tầm nhìn hiện đại về “các công nghệ mới thuận tiện” và “cuộc sống thông minh” vì lợi ích của tất cả công dân Đài Loan.

 Khuyến khích đầu tư từ các công ty tư nhân
Để khuyến khích các công ty tư nhân đầu tư vào CNC, Chính phủ Malaysia ưu đãi giảm 100% thuế theo nhóm hoặc giảm tiêu chuẩn đầu tư vào CNSH. Các doanh nghiệp CNSH có thể có lợi từ những ưu đãi thuế như miễn thuế 10 năm cho những doanh nghiệp tiên phong, giảm thuế nhập khẩu cho những thiết bị và vật liệu được duyệt, giảm thuế hai lần cho các chi phí và đầu tư hạn định cho R&Dv.v…
Malaysia cũng xác định CNSH là một trong những công nghệ then chốt để đưa Malaysia trở thành một quốc gia công nghiệp CNC vào năm 2020. Việc thành lập Ban Quản lý CNSH Quốc gia (National Biotech Directorat) và Thung lũng Sinh học (BioValley) cho thấy nghiên cứu sinh học và phát triển ngành CNSH được chú trọng rất nhiều ở Malaysia. Cam kết của Chính phủ: Hình thành cơ quan chuyên trách giám sát quá trình phát triển của ngành CNSH của Malaysia, dưới sự bảo hộ của Thủ tướng và các Bộ trực thuộc Chính phủ.
Bên cạnh CNSH, công nghệ nano là một trong những ngành nóng ở Malaysia. Nhận thức được sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ nano toàn cầu, trong kế hoạch lần thứ 9 của Malaysia được khởi động vào năm 2006, công nghệ nano được đưa vào kế hoạch 5 năm và là một trong 10 ngành ưu tiên.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)