Chống biến đổi khí hậu:
Cuộc chiến vì tương lai của nhân loại

Một hiến chương mới của Liên Hiệp Quốc về Biến đổi khí hậu (BĐKH) dự kiến sẽ được ký kết vào tháng 12 tới tại Copenhagen (Đan Mạch). Đây sẽ là “liều thuốc thử” những nước giàu nhất trên thế giới trong việc đưa ra những cam kết cụ thể để giảm nhẹ tình trạng biến đổi khí hậu trên thế giới. Những nghiên cứu mới đây nhất đều chỉ ra rằng chính những nước giàu là thủ phạm chính của tình trạng biến đổi khí hậu trên toàn cầu.

Trách nhiệm của các nước giàu
Suy thoái kinh tế toàn cầu đã khiến tiến triển trong việc đối phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) chậm lại, nhưng lãnh đạo (các nước giàu) cần phải chống lại tình trạng hoài nghi và thúc đẩy tiến trình lên phía trước”, Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu tại Hội nghị G8 diễn ra trong tháng 7 vừa rồi tại Aquila (Ý).


Một số các tiến bộ liên quan tới BĐKH đã đạt được trong Hội nghị Thượng đỉnh G8 vừa diễn ra ở Ý vào tháng trước

Tám nước giàu nhất thế giới: Mỹ, Anh, Canada, Nhật, Đức, Ý,  Pháp và Nga đã đưa ra mục tiêu giảm lượng khí thải nhà kính xuống còn 80% vào năm 2050, trong khi mục tiêu này của cả thế giới là 50%.
Cuộc họp Thượng đỉnh cũng đã yêu cầu các nước mới nổi như Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Mêhicô và  Nam Phi cam kết tham gia Hiệp định thư, giảm các hiệu ứng tiêu cực để nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 2oC. “Sẽ không thực sự có hiệu quả tốt nếu các nước giàu như châu Âu, Nhật Bản, Mỹ và Canada chấp nhận giảm các chất gây hại, tức là sẽ bị thiệt thòi về kinh tế nếu như hơn 5 tỉ người ở các nước đông dân và các nền kinh tế mới nổi khác lại không tham gia vào việc này trước”, Thủ tướng Ý Silvio Berlusoni nói.
 Tuy nhiên, trước đó, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban-Ki-moon lại chỉ trích kế hoạch của các nước G8 về biến đổi khí hậu, cho rằng là không công bằng nếu các nước giàu không giúp đỡ các nước nghèo trong việc cắt giảm khí thải ở những nước này.
Ông Ban gợi ý rằng G8 cần phải tìm cách để tài trợ cho những nước nghèo nhất, giúp họ thay đổi các tác nhân gây ô nhiễm và thay đổi công nghệ phù hợp nhằm giảm các chất thải gây hiệu ứng nhà kính. “Những chính sách mà họ bắt đầu còn lâu mới đủ với yêu cầu”, ông nói.
“Đây là khoa học và chúng ta phải làm việc theo khoa học. Đây cũng là đòi hỏi cấp bách không chỉ về chính trị, đạo đức và cả trách nhiệm lịch sử đối với các nhà lãnh đạo (G8) vì tương lai của nhân loại, thậm chí tương lai của cả Trái đất”.
Các nền kinh tế mới nổi cho tới nay vẫn từ chối đưa ra cam kết cụ thể về cắt giảm khí thải. Một số nước còn lẩn tránh đưa ra những cam kết trước Hội nghị của Liên Hiệp Quốc sắp tới.
Các nước này sợ quá trình công nghiệp hóa của nước họ sẽ không đạt được mục tiêu nếu cam kết cắt giảm các chất gây thải.
Một số nước cũng nói họ muốn thấy các nước giàu cung cấp trợ giúp tài chính và công nghệ cho các nước đang phát triển để chiến đấu chống lại biến đổi khí hậu. Trong khi đó các nhà nghiên cứu cho rằng việc Chủ tịch Hồ Cẩm Đào rời hội nghị sớm sẽ khiến các cơ may tiến triển trong các cuộc hội đàm về biến đổi khí hậu không còn nữa. Ông Hồ rời khỏi hội nghị vì tình trạng bạo loạn diễn ra tại tỉnh miền Tây Tân Cương của nước này.

Nông dân Úc ngày càng phải đối mặt với tình trạng hạn hán do BĐKH

Những bước đi ban đầu
“Trợ giúp của các nước G8 chỉ là bước đi ban đầu trong một tiến trình dự kiến sẽ diễn ra rất lâu dài và khó khăn”, Guy Caruso, nhà tư vấn cao cấp về năng lượng và chương trình an ninh quốc gia của Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu quốc tế tại Washington.
Thủ tướng Stephen Harper của Canada kêu gọi giải pháp cần “mạnh mẽ hơn ở cấp quốc gia” hơn chỉ là những thông cáo báo chí của Hội nghị G8 năm ngoái, trong khi Thủ tướng Anh Gordon Brown lại gọi Hội nghị G8 lần này là cuộc gặp gỡ lịch sử và Thủ tướng Đức Angela Merkel thì cho rằng đó thực sự là một “bước tiến rõ ràng lên phía trước”.
Phát biểu với báo giới sau bài diễn văn của Tổng thống Obama, Thủ tướng Harper nói “một bước tiến quan trọng là chúng ta đã đồng thuận về các mục tiêu đối với các nước phát triển”.
Tuy nhiên, ông cũng nói thêm rằng: “Vẫn còn một con đường quá xa đối với mọi người, trong đó có cả một số lượng lớn các nước đang phát triển cũng cần phải có mục tiêu cắt giảm. Đó sẽ là bước đi tiếp”.

Kịch bản BĐKH ở Việt Nam
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), đến nay, một trong những nội dung quan trọng và cấp bách nhất của Chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu đã được hoàn thành theo tiến độ. Đó là xây dựng và cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu.
Theo kịch bản Bộ TN&MT xây dựng, trong vòng 100 năm tới, mực nước biển có thể dâng lên từ 0,75 đến 1,15 m. Ở mức thấp nhất, đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ngập khoảng 76.000 km2, chiếm gần 20% diện tích của đồng bằng. Nếu mực nước biển dâng 1 m thì diện tích ngập là vào khoảng 15.000 km2, chiếm 38 % diện tích của đồng bằng.
Các kịch bản biến đổi khí hậu sẽ là cơ sở, định hướng để các Bộ, ngành, địa phương đánh giá phạm vi, mức độ của tác động do biến đổi khí hậu, xây dựng và triển khai kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu. Bộ TN&MT đang khẩn trương xây dựng các văn bản hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương triển khai chương trình.
Còn theo báo cáo “Việt Nam-Biến đổi khí hậu, sự thích ứng và người nghèo” của Oxfarm Hong Kong thì Việt Nam sẽ có thêm rủi ro về thiên tai khi Trái đất nóng lên. Cụ thể là nhiệt độ trung bình sẽ tăng thêm từ 1-2oC vào năm 2050 và tăng thêm 2-3oC vào năm 2100; Biểu đồ lượng mưa ở từng khu vực sẽ khác nhau và hạn hán sẽ tăng lên cả về cường độ và tác động, sẽ khó dự đoán được lượng mưa; Bão sẽ tăng lên về cường độ khó có thể dự báo trước, có thể sẽ tiếp tục xu hướng ảnh hưởng nhiều đến miền Nam. Chiều cao của các cơn sóng từng được dự đoán sẽ tăng lên trên vùng bờ; Mực nước biển sẽ tăng thêm 30-35 cm vào năm 2050, 40-50 cm vào năm 2070 và 60-70 cm vào năm 2100; Vào năm 2070, lưu lượng trong mùa lũ của hai con sông chính là sông Hồng và sông Cửu Long sẽ tăng lên từ 7-15%, dẫn đến nhiều lũ lớn hơn, và sẽ giảm bớt vào mùa khô từ 2-15%.
Những thay đổi trên sẽ gây ra những tác động lớn đối với hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế, nhưng đặc biệt là nông nghiệp, với mức độ khác nhau đối với các khu vực khác nhau trên toàn quốc…

Bộ trưởng Môi trường Canada Jim Prentice nói, nước này sẽ đạt được mức khí thải thấp nhất vào năm 2050 và đây sẽ là tấm gương cho các nước phát triển khác. Nhưng cũng sẽ là khó khăn đối với đất nước khi đưa ra kế hoạch giảm chất thải xuống còn 70% vào năm 2050, ông nói.
 Ông cho rằng Canada không cần phải thay đổi chiến lược để đạt được mục tiêu này. “Chúng tôi đang trong tiến trình giảm 20% khí thải cho tới năm 2020 và 60-70% vào năm 2050”, ông cho biết.
Nhà lãnh đạo phái tự do Micheal Ignatiff chỉ trích các tiến bộ và các nhà bảo thủ đạt được trong vấn đề này. “Chúng ta quả là những người lạc hậu trong vấn đề này”, Ignatieff đã nói tại London. “Chúng ta phải là những nhà lãnh đạo, những người đi đầu trong việc này”.
Trong khi mục tiêu 2050 của G8 đang trên đúng con đường cần đi thì nhà lãnh đạo NDP Jack Layton nói ông hy vọng Harper không chỉ nói về vấn đề mà cần phải hành động. “Chúng tôi biết chắc rằng các nước như Đức và Bắc Âu đã đi được rất xa so với vị trí mà chúng ta đang đứng. Họ hiểu các cơ hội để tạo ra các công việc sạch nhằm thay đổi triệt để cách sống của chúng ta”, Layton nói.

Tuyên bố của các nước nghèo
Ngày 29/7 vừa qua, tại Dhaka (Bangladesh), Tổ chức dân sự quốc tế (International Civil Society-ICS) của những nước dễ bị tổn thương nhất bởi BĐKH đã ra tuyên bố sau hai ngày tiến hành hội thảo: Các quyền của những nước dễ bị tổn thương nhất trong các cuộc hội đàm về BĐKH. 
Tuyên bố này kêu gọi Chính phủ của toàn bộ các nước trên thế giới thừa nhận sự đe dọa của BĐKH đặt ra đối với sự sinh tồn và phát triển của loài người đối với các nước dễ bị tổn thương nhất, trong đó các nước kém phát triển nhất, các hòn đảo nhỏ và các nước châu Phi. Tuyên bố cũng kêu gọi Chính phủ của các nước thành viên ICS cùng kết hợp với nhau để nâng cao tiếng nói trong các cuộc thảo luận quốc tế. Tuyên bố cũng đề nghị toàn bộ các bên có tên trong Hiệp định khung của Liên Hiệp Quốc về BĐKH (UNFCCC) thừa nhận các nước dễ bị tổn thương nhất (MVCs) là một thực thể có tiếng nói chung trong toàn bộ các cuộc thương thảo về BĐKH. Theo đánh giá của ICS, các nước MVCs hiện có số dân lên tới hơn 1 tỉ người.
“MVCs cần phải được nhanh chóng trợ giúp để có thể thích nghi với tình trạng BĐKH, vốn không thể tránh được đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu”, tuyên bố nói rõ.
Các nước tham gia bản tuyên bố cũng yêu cầu mỗi năm có khoảng ít nhất 150 tỉ USD được cung cấp cho UNFCCC để giải quyết các vấn đề về BĐKH tại các nước đang phát triển, trong đó có ít nhất 50 tỉ USD dành cho việc thích nghi với BĐKH và các nước MVCs phải là những nước được ưu tiên.
Việc cung cấp tài chính cho các nước đang phát triển, vẫn theo bản tuyên bố cần là nguồn vốn phụ, nhưng độc lập với vốn dành cho tài trợ phát triển (ODA), với mục tiêu vào khoảng 0,7% tổng sản phẩm quốc nội (GNI).

Hy vọng ở tương lai
Chưa biết kết cục sẽ như thế nào ở Hội nghị về BĐKH của Liên Hiệp Quốc tại Copenhagen vào tháng 12 tới, nhưng rõ ràng động thái của các nước trước vấn đề này trên thế giới vẫn khá khác biệt nhau.
Dù cho có những tiến bộ về chính trị (có thể dẫn tới chính sách) trước tình trạng BĐKH ở các nước lớn và các nền kinh tế mới nổi, khả năng đi tới những thay đổi ngoạn mục tại Copenhagen là chưa chắc chắn.
Trong khi đó, các nước nghèo đang tìm cách liên kết, tập hợp nhau lại để đòi quyền lợi trước các nước giàu, những nước có khả năng đảm bảo tài chính cho một chiến lược nhằm hạn chế tác hại của BĐKH trên phạm vi toàn thế giới.
Mặc dù các cuộc đàm phán vẫn còn đang tiếp diễn nhưng người ta vẫn kỳ vọng vào tương lai, bởi ít nhất nhận thức về BĐKH cũng đã thay đổi ở nhiều người, trong đó có những người lãnh đạo cao nhất ở các nước giàu.

Hoàng An (tổng hợp)

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)