Chưa bắt đúng mạch cuộc sống

Hội nghị giao ban KH&CN các tỉnh Vùng Đồng Bằng Sông Hồng (ĐBSH) đã diễn ra từ 18 đến 19/10/2007 với mục tiêu “tăng cường” hoạt động KHCN trong vùng, với sự tham gia “tương đối đầy đủ” các vị “chức sắc” chính quyền và các sở KH&CN. Nhiều vấn đề đưa ra đều không mới khiến một số đại biểu phải thốt ra “khổ lắm nói mãi”, “nói dài, nói dai, nói...”, rồi ngay trong cuối buổi ngày họp đầu tiên cũng chỉ còn lác đác vài đại biểu “bám trụ”-phần lớn là cánh phóng viên. Như thế cũng đủ để hiểu thực trạng KH&CN ở các địa phương đang... có vấn đề.

ĐBSH gồm 12 tỉnh, thành phố tạo ra 25% GDP toàn quốc. Với nhiều lợi thế cả về tự nhiên và con người nên được coi là đầu tàu cả nước về phát triển mọi mặt kinh tế xã hội. Tuy nhiên, chỉ số năng lực cạnh tranh của nhiều tỉnh trong vùng còn thấp (6/12 tỉnh có mức cạnh tranh dưới trung bình), trình độ kỹ thuật-công nghệ bị bỏ xa các nước trong khu vực, khả năng cạnh tranh yếu, sản phẩm công nghiệp chủ yếu thuộc nhóm thay thế nhập khẩu. Trong khi đó, mục tiêu đến năm 2020, toàn vùng phấn đấu có công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp phát triển trình độ cao, hiện đại, đi đầu và thành công sớm trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa; thúc đẩy hỗ trợ các vùng khác phát triển. Nhưng để đạt được mục tiêu trên là một nhiệm vụ hết sức khó khăn nếu toàn vùng không liên kết cùng nhau đưa ra những phương cách hữu hiệu và đồng bộ, lấy KHCN làm bàn đạp để thúc đẩy phát triển.
Nhìn lại 5 năm qua có thể thấy một vài vấn để nổi cộm cần “chữa trị”.
KHCN chưa xuất phát từ cuộc sống
 

Bà Nhữ Thị hồng Liên-Phó chủ tịch UBND Tỉnh Quảng Ninh

Ông Nguyễn Huy Lâm-Giám đốc Sở KHCN Hà Tĩnh

TS.Võ Ngọc Anh-Giám đốc Sở KH&CN Bình Định

Ông Trần Văn Minh-Giám đốc Sở KHCN Quảng Ninh

Có thể thấy rằng trong khoảng thời gian vài năm qua, tuy đã đã đạt được một số thành công đáng ghi nhận, nhưng có vẻ như KHCN trong vùng chưa thúc đẩy hiệu quả phát triển kinh tế xã hội như đúng tiềm năng sẵn có: Về nhân lực, dân số chiếm 23% toàn quốc trong khi diện tích chỉ chiếm 6.3%; Về điều kiện tự nhiên xã hội: có vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, có các sân bay, cảng lớn, các trung tâm kinh tế chính trị và khoa học đầu não. Để tìm nguyên nhân sâu xa vì sao, ông Ngô Anh Văn-Cục Ứng dụng và Phát triển Công nghệ-cho rằng, “Trước nay chúng ta định hướng “đưa KHCN vào cuộc sống”, nhưng thực ra phải là “KHCN bắt nguồn từ cuộc sống””. Nhận định của ông Văn có thể lý giải tại sao nhiều đề tài khoa học khi đã kết thúc nhưng vẫn “đắp chiếu” vì không thích hợp hoặc không mang lại hiệu quả tương xứng với đầu tư từ ngân sách Nhà nước.

Các nhà nghiên cứu nông nghiệp Israel không xa cách với nông dân, gần gũi với đồng ruộng, và đặc biệt, luôn coi trọng những kinh nghiệm trong sản xuất của họ. Từ viện nghiên cứu hay trường đại học, họ có thể “đi vèo” tới các cánh đồng. Không bao giờ các nhà nghiên cứu nông nghiệp Israel có thái độ kẻ cả khi tới ruộng. Do gần gũi với nông dân, hoặc chính gia đình mình là nông dân nên các nhà nghiên cứu nông nghiệp giải quyết các vấn đề của đồng ruộng với tư cách bạn bè. Mặt khác, sức ép thiếu đất và giá nước rất đắt khiến các nhà nghiên cứu nông nghiệp phải bằng mọi cách đẩy năng suất lên cao nhất. Israel là nước phát minh ra hệ thống tưới nhỏ giọt (dip irrigation) điều khiển bằng máy tính, không một giọt nước bị bỏ phí. Trình độ nông dân của Israel cũng rất cao, tất cả họ đều đã học xong trung học; nhiều người sau khi học xong đại học đã quay lại đồng ruộng, sau đó lại mang kinh nghiệm đồng áng của mình tới trường đại học.

Đại sứ Isreal Effie Ben – Matityan trả lời phỏng vấn Tia Sáng

Cơ cấu kinh tế xã hội vùng ĐBSH vốn rất đa dạng nhưng nông nghiệp vẫn là động lực chính. Và có vẻ như những “bài toán” người nông dân đặt ra vẫn còn bỏ ngỏ khi KHCN chưa đưa ra lời giải thỏa đáng. Ông Nguyễn Huy Lâm-Sở KHCN Hà Tĩnh-nêu ra một ví dụ: Bưởi Phúc Trạch và cam Bù vốn là nguồn lợi có thu nhập cao nuôi sống nhiều hộ gia đình. Nhưng 5 năm trở lại đây, hoa nhiều quả ít gây thiệt hại lớn về kinh tế. Tỉnh cũng đã giao cho các nhà khoa học nghiên cứu để bảo tồn nguồn gen và phát triển thương phẩm nhưng kết quả “đâu vẫn về đó”. Bài toán cũng đặt ra với cây vải Đông Triều. Ông Trần Văn Minh-Sở KHCN Quảng Ninh-than phiền, “Cứ đến mùa thu, những cây vải này chín đồng loạt, buộc bà con phải thu hoạch bán với giá rẻ. Nếu đem giữ tươi bằng phương pháp bảo quản lạnh thì tốn kém. Còn đem sấy khô thì quả sẽ đen bần không được giá. Cho nên bà con vẫn loay hoay chưa biết làm thế nào?”.
Ví dụ được hai vị lãnh đạo các sở KH&CN đưa ra chỉ là hai trong rất nhiều “bài toán ẩn” còn nằm trong tay người nông dân. Điều đó cho thấy một thực tế: các nhà khoa học phải chủ động bắt tay với người nông dân để tìm kiếm bài toán từ chính họ, và cũng nên tạo điều kiện để những con người hàng ngày phải bán mặt cho đất, bán lưng cho trời “đặt hàng” các thượng đế khoa học. Và cứ chiếu theo những gì đang diễn ra hiện nay, về khía cạnh này, chúng ta còn rất yếu và lúng túng, nhà khoa học chưa thực sự chủ động. Nên cũng dễ hiểu khi vẫn còn những đề tài “đắp chiếu”. Để tăng cường hiệu quả của KHCN trong sản xuất thì ngoài khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư cần phải đẩy mạnh khuyến… khoa học. Đến lúc này thì nhà khoa học phải đến đầu bờ và phải tự đi tìm việc.

 
Hàng hóa trôi nổi trên thị trường chủ yếu là sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc.

Bên cạnh lĩnh vực nông nghiệp, việc đẩy mạnh KHCN vào sản xuất, chế biến cũng tồn tại nhiều hạn chế. Bà Nhữ Thị Hồng Liên-Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh-nhận định, “Hoạt động KHCN còn nhiều bất cập, các doanh nghiệp chưa năng động trong hoạt động KHCN cho nên những sản phẩm địa phương có hàm lượng kỹ thuật thấp, tính cạnh tranh sản phẩm còn yếu và chủ yếu là thu gom đóng gói xuất khẩu thô”. Song song với tồn tại trên thì các doanh nghiệp của chúng ta còn mang tính “chộp giật”, chưa chủ động tìm kiếm, ứng dụng KHCN.
Để kết lại, ông Văn kể một câu chuyện vui: Một đoàn khoa học của ta sang học hỏi kinh nghiệm của một nước bạn. Một vị “chức sắc” có hỏi về kinh nghiệm của nước bạn gắn KHCN vào cuộc sống như thế nào? Câu trả lời nhận được là, “KHCN của chúng tôi có tách rời cuộc sống bao giờ đâu mà gắn!”.

“Chưa cùng một nhà”
Ở các địa phương, KHCN chưa “bắt đúng mạch” cuộc sống, và nếu có thì hiệu quả vẫn còn khá thấp, chưa thể coi là đòn bẩy phát triển kinh tế xã hội. Giữa các địa phương vẫn xảy ra tình trạng “mạnh ai người đó làm”. Nguyên do là vì tính liên thông, liên hoàn và gắn kết địa phương và Trung ương (cụ thể là Bộ KH&CN), giữa các địa phương với nhau chưa thực sự chặt chẽ, đồng bộ và sát sao. Thông tin về các hoạt động KHCN vẫn còn “tù mù”. Do vậy mới xảy ra chuyện một địa phương không biết Bộ và địa phương khác đã và đang làm gì, dẫn đến hoạt động KHCN chồng chéo gây tốn tiền bạc, thời gian và sức lực của cả nhà quản lý và nhà khoa học. Ông Minh cho biết, “Với những gì đang diễn ra hiện nay thì Bộ không biết các sở làm gì”. Còn như PGS.Lê Trần Lâm-Sở KH&CN Hà Nội-phản ánh, “Mối liên hệ hợp tác giữa các tỉnh như thông tin về KHCN chưa có hệ thống: Hà Nội làm gì hàng năm, hay 10 chương trình của Bộ không ai nắm được”. Bên cạnh đó, mối liên hệ lãnh đạo giữa các sở còn lỏng lẻo, và công nghệ thông tin vẫn chỉ là sợi chỉ chắp nối, không liên tục. Vì vậy ông Lâm kiến nghị làm thế nào để nguồn thông tin giữa Trung ương và các địa phương kết nối thành một mạng chung để các tỉnh có thể trao đổi kinh nghiệm và  kiến nghị thường xuyên.

 
Nông dân vẫn phải dùng “công nghệ” thủ công để tát nước vào ruộng.

Để xây dựng một nguồn cơ sở dữ liệu đầy đủ, ông Minh đề xuất. “Trung tâm Thông tin KHCN Quốc gia (VISTA) phải xây dựng cơ sở dữ liệu khai thác toàn quốc không vướng mắc hành chính và tài chính. Còn như hiện nay, mạng VISTA bắt hợp đồng trong khi thông tin thì có mức độ”. Đồng tình với ý kiến của ông Minh, TS.Bùi Thanh Tùng-Sở KH&CN Hải Phòng-bộc bạch, “Mạng VISTA không có nhiều thông tin, thông tin đề tài nắm không hết nên vẫn xảy ra tình trạng có những đề tài của địa phương và Trung ương trùng nhau. Vì vậy cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ và giữa Bộ với các Sở”. Do đó, cần phải có cơ chế trao đổi, cung cấp thông tin, phổ biến rộng rãi các kết quả nghiên cứu các đề tài, dự án cấp Nhà nước, cấp Bộ tới các địa phương để góp phần tăng cường hiệu quả công tác quản lý, tiết kiệm nguồn lực địa phương, đồng thời gắn kết chặt chẽ giữa các nhà khoa học Trung ương và các nhà khoa học địa phương. Khi thông tin chưa “thông” thì các địa phương trong vùng “chưa thể cùng một nhà”.

Có tiền mà không biết tiêu…
Ở các địa phương, có một nghịch lý đang tồn tại đó là sự mất cân đối giữa nguồn nhân lực, cơ sở vật chất với kinh phí đầu tư cho đề tài. Hầu như trong hệ thống quản lý KHCN ở những nơi này không có cán bộ đầu ngành và rất “cháy” những cán bộ có học hàm, học vị. Cơ sở vật chất khá nghèo nàn cộng với khả năng nhạy bén trong việc tìm kiếm bài toán và lời giải KHCN để giải quyết những yêu cầu của bà con nông dân cũng như phát triển kinh tế xã hội của địa phương còn thấp. Chẳng hạn như xác định nhiệm vụ KH, đổi mới và thực hiện các nhiệm vụ KHCN. Chính vì vậy mới xảy ra tình trạng “có tiền mà không biết tiêu”. Bà Nhữ Thị Kim Liên cho biết, “Các huyện thị của tỉnh chỉ tiêu hết 5% kinh phí được cấp do không biết làm gì”.
Việc đầu tư thiếu  đồng bộ nên mới xảy ra việc “trả lại tiền cho chủ”. Các nhà quản lý và nhà khoa học đều cho rằng, việc đầu tư đào tạo tăng cường đội ngũ nghiên cứu, kỹ thuật viên đồng thời xây dựng cơ sở vật chất và xác định nhiệm vụ KHCN là việc làm trước hết. TS.Hồ Ngọc Luật, Vụ Khoa học Tự nhiên-Công nghệ-Môi trường, Ban Tuyên giáo Trung ương, cho rằng, “Ở cấp tỉnh đang thiếu một lực lượng KH&CN chuyên nghiệp có thể lăn lộn, trăn trở cùng với những khó khăn, bức xúc hàng ngày của thực tế đời sống sản xuất kinh doanh, đứng ra đảm nhiệm những công việc quan trọng của KHCN trong vùng”. Ông Minh cho biết, “Khi phân cấp quản lý, cấp kinh phí và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng địa phương, nhưng họ chỉ làm được 50% do không có nhân lực”.
Ngoài ra cũng tồn tại một lý do khác đó là việc ban hành các văn bản pháp quy. Nghiên cứu chi tiết nhiệm vụ KH&CN cụ thể ở từng địa phương, ban hành các văn bản pháp quy phù hợp cũng góp phần giúp Nhà nước “chọn mặt gửi vàng”. Ý kiến một số lãnh đạo các sở KH&CN đều cho rằng, các văn bản pháp quy Bộ ban hành còn mang tính vĩ mô, cấp quản lý Nhà nước và chú trọng vào các hoạt động của Bộ nhưng tính địa phương còn rất hạn chế. Do đó, tỉnh lại phải một lần nữa cụ thể hóa cho phù hợp với tính chất và nhiệm vụ địa phương cụ thể. Và chính việc thể chế hóa này sẽ gây tốn nhiều thời gian và tiền bạc.
Như vậy, ở nước ta hiện nay đang tồn tại nghịch lý, kinh phí đầu tư cho KH&CN vẫn còn thấp, nhưng lại vẫn xảy ra hiện tượng “có tiền mà không biết tiêu” đành phải “trả lại tiền cho chủ”. Nghịch lý cần được tháo gỡ!?

Chậm mà… chắc
Vấn để nổi cộm cuối cùng chính là việc thực hiện Nghị định 115 ở các địa phương trong cả nước. Đã hai năm kể từ khi Nghị định 115 được Chính phủ ban hành và có thể nói, đây là cột mốc quan trọng mà các nhà hoạch định chính sách ví như “khoán 10” trong nông nghiệp, là khâu đột phá để đưa nền khoa học nước nhà  thoát khỏi sự trì trệ của cơ chế bao cấp. Ngay cả đối với các viện và trung tâm nghiên cứu trung ương việc chuyển đổi còn chưa rõ ràng. Trong khi về đến các địa phương, một số nơi hồ hởi đón nhận còn một số nơi lại “phớt lờ” sự chỉ đạo của cấp trên. Điểm lại các địa phương sẽ thấy việc thực hiện Nghị định 115 là rất khó khăn và chậm trễ: số lượng các đề án phê duyệt chỉ chiếm khoảng 8.5% các tổ chức KHCN cần chuyển đổi; tổ chức KHCN đã chuẩn bị xong đề án chờ phê duyệt chiếm khoảng 57.3%. Tư tưởng viên chức, người lao động địa phương trở nên hoang mang bởi vốn được sống trong bao cấp nay phải nai lưng phó mặc thị trường quyết định. Ông Nguyễn Huy Lâm tâm sự, “Với các tổ chức KHCN địa phương, các trung tâm quy mô nhỏ với vài chục cán bộ, giá trị tài sản dưới 1 tỷ đến vài ba tỷ thì Nghị định 115 bắt đầu với những thách thức khá nặng nề. Cơ hội thì rất lớn nhưng họ chưa thể với tới được, còn thách thức thì ngay trước mắt”. Trong quá trình xây dựng đề án và trong quá trình chuyển đổi sẽ có bao nhiêu trung tâm có thể vượt qua những thách thức để tồn tại rồi sau đó mới với tới được những cơ hội?
Thậm chí một số tỉnh còn lúng túng chưa xác định được đối tượng cần chuyển đổi. Ở các địa phương, các trung tâm đều là quy mô nhỏ. Cơ sở vật chất, tiềm lực tài chính và cơ chế ở những nơi này chưa đủ mạnh: định mức chưa có để tính đúng, tính đủ; không có vốn tham gia đấu thầu, không có thế chấp, và hơn nữa, quá trình vay vốn gặp nhiều khó khăn. Ở nhiều tỉnh văn bản hướng dẫn chuyển giao quyền tự chủ còn nhiều ràng buộc do tỉnh quy định. Ngoài ra, một mặt đội ngũ viên chức chưa năng động, chưa sẵn sàng thích ứng với cơ chế thị trường KHCN, mặt khác thị trường KHCN ở nhiều tỉnh chưa rõ ràng hoặc nếu có thì hoạt động rất manh mún. Ở những nơi vùng sâu, vùng xa thậm chí chưa có thị trường KH&CN. Nhìn chung, nhu cầu ứng dụng công nghệ ở các địa phương trong cả nước còn thấp. TS.Luật nhận định, “Đa phần các tỉnh có nền kinh tế nông nghiệp là chủ đạo, nguồn thu ngân sách hàng năm mới chỉ đáp ứng được khoảng một phần ba, một phần hai nhu cầu chi ở địa phương nên chính quyền ở đây không có điều kiện đầu tư cho cơ sở hạ tầng nông thôn và nông nghiệp. Còn ở những vùng sâu, vùng xa, do nhận  thức còn thấp nên thuyết phục bà con từ bỏ phương thức canh tác thủ công truyền thống để tiếp nhận kỹ thuật canh tác mới, tiến bộ là một việc không dễ”. Ông Trần Quốc Khánh-Bộ KH&CN-cho biết, “Các tổ chức KH&CN ở những địa phương vùng sâu, vùng xa có nhiệm vụ chủ yếu là phục vụ nông, lâm, ngư nghiệp là chính nên sẽ rất khó khăn khi chuyển đổi sang cơ chế tự trang trải”.
Theo TS.Lê Văn Toán-Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng Khoa học Nông lâm Quảng Ninh-thì, “Các đơn vị còn bị động chưa thích ứng với tình hình. Vì vậy nên kéo dài thời gian thực hiện Nghị định 115”. Do cơ sở vật chất, nhân lực KHCN ở địa phương không thể so sánh với những viện, trung tâm nghiên cứu ở trung ương, nên theo ông, Trung ương làm trước, địa phương làm sau; địa phương giàu làm trước, địa phương nghèo làm sau. Ở đây không thể “đánh đồng” các Trung tâm KHCN ở các tỉnh với các viện, trung tâm nghiên cứu Trung ương. Còn TS.Bùi Thanh Tùng cho biết, “Hải Phòng chưa có đơn vị nào làm đề án chuyển đổi. Chậm nhưng mà chắc”. Nhiều ý kiến của lãnh đạo các sở KH&CN và các nhà khoa học cho rằng, vì kinh phí ở địa phương ít nên trước mắt cứ để ở Nghị định 43 rồi dần dần mới chuyển sang Nghị định 115. Theo TS.Võ Ngọc Anh-Sở KH&CN Bình Định, “Nếu không được đầu tư đúng mức khi chuyển đổi thì chẳng khác nào “đem con bỏ chợ”. Vì vậy đi đường vòng nhưng hệ số an toàn cao sẽ tốt hơn”. Đa phần ở các địa phương tâm lý lo ngại thời gian chuẩn bị chuyển đổi được ngân sách hỗ trợ kinh phí hoạt động thường xuyên đến cuối năm 2009 là quá ngắn.

Tự Do

Tác giả