Chưa làm chủ được công nghệ nguồn

Việc tiếp thu làm chủ một số công nghệ cao (CNC) trong lĩnh công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, vật liệu tiên tiến ở Việt Nam đã có một số kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên Việt Nam hiện chưa làm chủ được "công nghệ nguồn" mà mới chỉ dừng ở mức độ làm chủ được một số công đoạn hoặc một số yếu tố của CNC.


Ứng dụng đi trước nghiên cứu
Lĩnh vực công CNC phát triển với tốc độ “chóng mặt” ở Việt Nam là công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT). Hàng loạt công nghệ hiện đại đã được ứng dụng thành công như mạng viễn thông số hóa, thế hệ sau (NGN), mạng cáp quang, công nghệ GSM và CDMA. Một số công nghệ mới như 3G, 4G, WiMax, và mobile TV đang được tiếp tục thử nghiệm để đưa vào ứng dụng. Ngoài các tuyến cáp quang như SEA-ME-WE-3, Thailand-Vietnam-Hong Kong, còn có hệ thống cáp ngầm Á – Mỹ sẽ được hoàn thành vào cuối 2008. Công nghệ WiFi ngày càng trở nên phổ biến hơn, ví dụ chỉ riêng FPT Telecom đã có khoảng 5.000 điểm.
Năm 2007 có 38% doanh nghiệp xây dựng trang web, 10% tham gia sàn giao dịch, 15% kết nối cơ sở dữ liệu với đối tác, 86% sử dụng thư điện tử cho giao dịch và 78% nhận đặt hàng bằng phương tiện điện tử – Điều này cho thấy việc ứng dụng CNTT vào kinh doanh và thương mại điện tử đang tăng nhanh chóng.
Với 6 doanh nghiệp cung cấp hạ tầng mạng, 17 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet, thị trường CNTT-TT tăng trưởng với tốc độ “kỷ lục”: 20-25%/năm. Năm 2007, Việt Nam có hơn 5 triệu thuê bao và khoảng 18 triệu người sử dụng, thuê bao băng rộng là 753.000. Tỷ lệ dân số sử dụng Internet vào khoảng 22%. Giữa năm 2007, tổng băng thông kết nối quốc tế của Việt Nam là 8,703 Mbps, tăng 150% sau 12 tháng. Hiện có khoảng 55.000 trang chủ với tên miền là “.vn”; 764.672 địa chỉ IP. CNTT-TT cũng thâm nhập mạnh vào các lĩnh vực như tài chính, ngân hàng. Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy các ngân hàng thương mại trong nước đã phát hành gần 8,28 triệu thẻ tín dụng và thẻ debit trong năm 2007. Điều này có nghĩa là cứ 10 người thì có 1 người có thẻ. Tuy nhiên giao dịch thẻ mới chiếm tới 6% tổng số thanh toán phi tiền mặt trong nền kinh tế.

 

Ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) thể hiện nổi bật nhất ở việc sử dụng công nghệ, thiết bị nhập từ nước ngoài cùng với nguyên liệu trong nước để sản xuất ra một số loại vaccine và chế phẩm sinh học phục vụ chẩn đoán bệnh đạt tiêu chuẩn tiên tiến trong khu vực (vaccine phòng viêm gan B có thể xuất khẩu sang Nhật Bản). Trong trồng trọt, CNSH đã tạo ra khả năng làm chủ và phổ biến công nghệ nuôi cấy mô để nhân nhanh những giống cây trồng có giá trị kinh tế và năng suất cao, công nghệ vi sinh đã chọn tạo được nhiều sinh phẩm để sản xuất nấm ăn từ các sản phẩm phụ của nông nghiệp như rơm, rạ, bã mía, vỏ cây, quả. Trong chăn nuôi, sản xuất được kháng sinh thô cho gia súc và gia cầm. Trong y tế, công nghệ vi sinh đã được ứng dụng để sản xuất các loại kháng sinh phòng các bệnh hiểm nghèo như viêm gan A, B, uốn ván, bạch hầu, v.v… Việt Nam đã chủ động 9/10 loại vaccine cho tiêm chủng mở rộng. Trong thuỷ sản, CNSH đã góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu đạt trên 2 tỷ USD một năm.
Nhiều loại vật liệu tiên tiến đã được ứng dụng trong các lĩnh vực xây dựng, cơ khí, chế tạo, điện tử ứng dụng, tàu thủy. Vật liệu polymer-composite đã được ứng dụng trong lĩnh vực đóng tàu thủy hoặc tàu phục vụ sản xuất nông nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, sản xuất vật liệu cách điện silicon rubber, các thiết bị chống ăn mòn hoá chất, các thiết bị có tính năng mới cho máy phát điện và sứ cách điện, v.v…
Một số ví dụ ở trên cho thấy tại Việt Nam, CNC đã có những phát huy tác dụng khá rõ trên thực tế, đóng góp cho sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất lao động của nhiều ngành và lĩnh vực kinh tế – xã hội khác nhau. Việc ứng dụng CNC còn giúp nâng cao năng suất và giá trị gia tăng lớn hơn và tạo ra những sản phẩm mới. Chẳng hạn, nhờ ứng dụng CNTT trong thiết kế và tổ chức sản xuất, các ngành công nghiệp chế biến/chế tác như dệt may, da giày, v.v… đã tạo ra những sản phẩm cao cấp hơn, thời trang hơn.
CNC còn góp phần tạo các ngành nghề mới và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu theo hướng CNH, HĐH. Trong lĩnh vực CNTT-TT, cùng với việc phát triển phần cứng, lắp ráp máy tính cá nhân, đang hướng đến phát triển công nghiệp phần mềm. Cho đến cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990, Việt Nam đã tập trung vào lắp ráp máy tính cá nhân (PC) và sản xuất thiết bị viễn thông khác. Vào cuối những năm 1990, Việt Nam đã hướng tới chiến lược phát triển phần mềm. Giá trị sản xuất công nghiệp CNTT năm 2006 đạt 1,74 tỷ USD. Công nghiệp phần cứng bao gồm các sản phẩm như máy tính cá nhân, thiết bị viễn thông, điện tử và cấu kiện. Một số doanh nghiệp Việt Nam sản xuất trên cơ sở lắp ráp máy tính cá nhân từ linh kiện nhập khẩu SKD. Một số đã sản xuất được máy tính nhãn hiệu Việt Nam như CMC, SingPC, Mekong Green, VINACom, T&H, Robo, Elead, v.v… Năm 2006, công nghiệp phần cứng đạt doanh số 1,38 tỷ USD, trong đó 1,233 tỷ USD cho xuất khẩu và 147 triệu USD cho thị trường nội địa. Nhiều công ty đa quốc gia đã và đang đầu tư sản xuất công nghiệp tại Việt Nam như Intel, Canon, Fujitsu. Số lượng doanh nghiệp phần mềm và dịch vụ tăng hằng năm với tỷ lệ 23%. Hiện có khoảng 9 khu phần mềm đang hoạt động. Doanh số phần mềm năm 2006 đạt 360 triệu USD, tăng 44% so với 2005 trong đó 255 triệu USD từ thị trường nội địa (70,1%) và 105 triệu USD từ xuất khẩu (29,9%). Doanh số năm 2007 đạt khoảng 500 triệu USD. Tổng số hiện có khoảng 6.000 công ty phần mềm, với 15.000 nhân viên và năng suất lao động đạt khoảng 10.000 USD/năm.
Cần “kích cầu” CNC
Nhu cầu ứng dụng thực sự CNC vừa nhỏ hẹp do quy mô nhỏ bé của một nền kinh tế chưa thoát khỏi tình trạng lạc hậu, mặt khác còn bị triệt tiêu do sự tồn tại của các mối lợi không do đổi mới công nghệ đem lại (lợi do quan hệ đặc biệt, do đất đai, v.v…). Các doanh nghiệp vừa và nhỏ phần lớn thiên về hoạt động thương mại và làm đại lý, nhu cầu ứng dụng CNC còn rất hạn chế. Các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu phần lớn làm gia công, lắp ráp nên chủ yếu nhập khẩu dây chuyền thiết bị đồng bộ. Nhiều ngành nghề truyền thống do tiếp thị kém nên chưa tạo động lực cho đầu tư đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm. Công tác quản lý nhà nước và quản lý xã hội trong quá trình cải cách hành chính chậm chạp do những lực cản thể chế cũng chưa tạo ra nhu cầu ứng dụng CNC, nhất là CNTT-TT. Hệ quả là bên cạnh một số điển hình tốt, nhiều địa phương, tổ chức đang cố gắng phát triển CNC theo kiểu phong trào, không đi vào thực chất. Một số cơ sở hạ tầng cho việc ứng dụng CNC như trong CNTT đã bước đầu được cải thiện, nhưng còn chưa phổ cập rộng rãi, chi phí cao.
Sự phát triển trong thời gian vừa qua của các ngành công nghiệp CNC chủ yếu diễn ra trong lĩnh vực CNTT-TT. Phần lớn những doanh nghiệp được gọi là CNC của Việt Nam hiện chủ yếu ở trình độ lắp ráp. Doanh nghiệp không được khuyến khích và ít quan tâm nhập khẩu CNC để tạo dựng năng lực cạnh tranh dài hạn. Vai trò của đầu tư nước ngoài chủ yếu còn dừng ở mức thu hút vốn vào đầu tư. Hoạt động chuyển giao công nghệ để sản xuất sản phẩm CNC còn tuỳ thuộc vào kế hoạch chủ quan của các công ty có vốn đầu tư nước ngoài, vai trò của các công ty này trong việc đưa CNC vào Việt Nam chưa rõ rệt. Hiệu ứng học hỏi và lan toả công nghệ từ doanh nghiệp nước ngoài còn giới hạn tại một vài doanh nghiệp và địa phương.


Việt Trần

Tác giả

(Visited 23 times, 1 visits today)