Chương trình tạo giống lúa chống lụt, chống mặn

Biến đổi khí hậu tạo nên một thách thức rất lớn cho ngành trồng lúa Việt Nam, đặc biệt cho vùng ĐBSCL. Vì vậy để bảo đảm an ninh lương thực cho đất nước, một trong những việc cần sớm triển khai là phải tiến hành chương trình nghiên cứu tạo giống lúa chống lụt, chống mặn.

Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (Dasgupta et al., 2007) đã cảnh báo mực nước biển sẽ dâng lên khoảng 1 – 3 m ngay trong thế kỷ này. Trong ba quốc gia có khả năng bị ảnh hưởng nặng nề nhất, không may lại có Việt Nam (hai quốc gia kia là Ai Cập và quần đảo Bahamas). Báo cáo của Liên Hiệp Quốc (Human Development Report 2007/08) tại Hà Nội ngày 13 tháng 8 năm 2008 cũng nói “khí hậu thay đổi sẽ đe dọa Việt Nam ở nhiều góc độ. Mưa sẽ nhiều hơn và sẽ có nhiều bão tố lũ lụt. Mực nước biển có thể sẽ dâng thêm 33cm cho đến năm 2050 và 1m cho đến năm 2100”.  Chỉ cần mực nước biển dâng lên 1m, Việt Nam sẽ bị mất khoảng 5% diện tích, 10% GDP, 7% sản lượng nông sản,10,8% dân Việt Nam phải di tản, và hầu như toàn bộ ĐBSCL sẽ bị chìm trong biển nước!

Giống lúa chống lũ, chống mặn

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon đã từng lên tiếng cảnh báo về khả năng thiếu lương thực trên quy mô toàn cầu và yêu cầu thế giới tăng gia nhanh sản xuất lương thực (2008). Thiên tai bão lụt đã làm 2.919 người tử vong, 2,09 triệu ha hoa màu bị tàn phá, tổn thất đến 41 tỷ USD ở Trung Quốc (2010). Ở Pakistan, nạn lụt lớn nhất thế kỷ vào tháng 8 năm 2010 đã làm 1.600 người tử vong, ảnh hưởng đến đời sống của 4 triệu người, đẩy Pakistan vào cơn nguy cơ bị đói. Khô hạn ở Nga đã làm quốc gia này giảm lượng xuất khẩu lúa mì từ 21,4 triệu tấn (2009) xuống còn 12 triệu tấn (2010). Sát bên Việt Nam là Thái Lan cũng bị khô hạn lớn, 23,320 ha lúa vụ Đông Xuân 2010 đã bị mất.

Lúa sinh trưởng trong nước nhưng nếu mực nước dâng cao che ngập cây lúa, chỉ trong vòng một vài ngày, cây lúa chết. Mỗi năm lũ lụt đã làm mất hàng triệu tấn lúa, thất thoát hàng tỷ USD cũng vì mực nước lũ dâng cao che ngập cây lúa, mà trong đó phổ biến nhất là ở châu Á, nơi sản xuất hơn 90% lúa gạo thế giới.

Nghiên cứu giống lúa nước sâu, giống lúa chống lụt đã có từ lâu ở Á châu (Jackson và Vergara, 1976). Chương trình khảo nghiệm lúa nước sâu quốc tế (IRDWON) từ năm 1976 đã được thực hiện liên tục với nhiều báo cáo trong những hội nghị quốc tế về lúa gạo (Thái Lan 1976, Ấn Độ 1978, Thái Lan 1982, Úc 1985). Các nhà khoa học nghiên cứu lúa nước sâu phần lớn chú ý vào đặc tính khả năng vươn lóng của lúa nên nghiên cứu các giống lúa nổi là trọng tâm vào thời bấy giờ. Tuy nhiên khả năng vươn lóng và tính chống chịu ngập là hai tính trạng khác nhau (Bùi Chí Bửu & Nguyễn Thị Lang, 2003). Vươn lóng là cơ chế tránh ngập trong khi chống ngập mang tính trạng di truyền. Chính vì vậy mà cho đến khoảng đầu những năm 1990, chưa có giống lúa nào thực sự chống chịu ngập hoàn toàn, ngoại trừ một số giống lúa nổi vốn là những giống lúa nổi cổ truyền của Việt Nam, cụ thể là của ĐBSCL.

Ở miền Đông Ấn Độ có một loại lúa dại năng suất lèo tèo vài ba hạt/gié, cơm dở không ai ăn, người bản địa xem giống lúa dại này như cỏ. Nhưng mà giống lúa dại này lại có một đặc tính vượt trội không ngờ: cây lúa có thể sống nhiều ngày trong môi trường ngập nước. Một nhóm khoa học gia của Mỹ gồm GS Pamela Ronald (Đại học California Davis, UCD), GS Julia Bailey-Serres (Đại học California Riverside, UCR) và TS David McKill (IRRI) đã nghiên cứu đặc tính chống ngập này và họ đã tìm thấy gene chống lụt trong giống lúa dại ở miền Đông Ấn Độ – gene Sub1. Gene Sub1 là gene có trách nhiệm cho cây “ngủ”, kiểu như tự động ngừng tất cả những hoạt động sinh lý, sinh hóa khi lúa bị ngập nước. Nhóm nghiên cứu đã “định vị” được gene Sub1 và “tách, ghép” với giống lúa phổ biến của Ấn Độ – giống Swarna – để tạo ra giống lúa chống chịu ngập hoàn toàn, mang tên là Swarna-Submergence 1, hay là Swarna-Sub1. Đây là giống lúa chống lụt mang đặc tính hiện đại như năng suất cao, ngon cơm và có thể “ngủ” đến 3 tuần trong điều kiện ngập lụt. Giống lúa chống lụt Swarna-Sub1 đã được trồng thử ở miền Đông Ấn Độ và Bangladesh và đã chứng tỏ được đặc tính chống ngập tốt của nó. Ở Philippines, ba giống lúa chống lụt đầu tiên Swarna-Sub1, Mahsuri-Sub1 và IR64 đã được TS McKill của Cơ quan Nghiên cứu Lúa Quốc tế IRRI giới thiệu, phổ biến và hợp tác nghiên cứu với nhiều nước ở châu Á. Từ những giống chống lụt đầu tiên của UCD/UCR/IRRI, các nhà khoa học đã lai tạo với giống địa phương để cho những giống mới: Philippines thừa hưởng 3 giống lúa chống lụt từ 3 giống của IRRI; Ấn Độ phóng thích hai giống lúa chống lụt Swarna-Sub1, Mahsuri-Sub1; Bangladesh phóng thích một giống lúa chống lụt BR-11-sub1; Thái Lan phóng thích một giống lúa chống lụt Homcholasit. Tại Indonesia, vào tháng 3 vừa qua, Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp của Bộ Nông nghiệp đã phóng thích một lần 10 giống lúa trong đó có 1 giống chống lụt Inpara và một giống chống hạn Inpago. Đây là những giống lúa nằm trong chương trình nỗ lực đối phó với biến đổi khí hậu của Bộ Nông nghiệp Indonesia, trong đó Bộ Nông nghiệp khuyến cáo nông dân nên trồng giống lúa thích hợp cho từng mùa, thậm chí nếu cần nên thay đổi lịch trồng lúa để ứng phó với biến đổi khí hậu đang xảy ra ngày càng nghiêm trọng ở Indonesia.


Hình 1. Giống lúa mang gene Sub1A (phía bên phải của mỗi hình) đã phục hồi tốt sau một thời gian dài bị khô hạn (Nguồn: BBC News) 

Vào tháng 3 năm 2011, GS Bailey-Serres, Đại học California Riverside lại tuyên bố nghiên cứu mới nhất của bà cho thấy gene chống lụt Sub1A đồng thời còn mang tính chống hạn – drought-proof trait (Hình 1). Nghiên cứu này sẽ được đăng trong tạp chí khoa học The Plant Cell trong một ngày gần đây (BBC, 4 March 2011). 

Việt Nam, ĐBSCL và chương trình tạo giống chống lụt, chống mặn

Ở Việt Nam, Viện Cây Lương thực (Hải Dương) và Viện Lúa ĐBSCL (Cần Thơ) và một số các viện nghiên cứu vùng khác cũng là những nơi đã từ lâu nghiên cứu rất tích cực về các tính chống chịu của cây lúa đối với thiệt hại do môi trường. Ở đây các nhà khoa học Việt Nam đã nghiên cứu tính chống chịu mặn, khô hạn, ngập lụt, độ độc nhôm, độ độc sắt, thiếu lân, chống chịu lạnh… Chính những cơ sở nghiên cứu này đã tham gia tích cực vào chương trình nghiên cứu lúa chống ngập “IRRI-JAPAN Submergence Tolerant Rice project in SE Asia” hợp tác với IRRI về gene chống ngập Sub1. Tuy nhiên so với các quốc gia trong khu vực, hình như chúng ta vẫn còn đi khá chậm trong việc triển khai và phóng thích các giống lúa chống chịu. Chúng ta có vẻ như chưa sẵn sàng cho tình hình biến đổi khí hậu đang càng ngày càng gay gắt ở Việt Nam. Không biết có phải vì Việt Nam thiếu một chương trình hành động đồng bộ, thống nhất mang tính quốc gia để giải quyết dứt điểm những vấn đề bức xúc đương thời, như nước Úc đã làm với Trung tâm Xuất sắc về Lúa gạo của họ?

Đại học Nông nghiệp Hà Nội có một mối liên hệ tốt với hai Đại học California Davis (UCD) và California Riverside (UCR). Qua hợp tác giảng dạy và nghiên cứu, Đại học Nông nghiệp Hà Nội được cả hai Đại học UCD và UCR đồng ý cho tham gia vào chương trình nghiên cứu lúa chống chịu lụt/chống mặn của các GS Ronald (UCD) và Bailey-Serres (UCR). Việc hợp tác này đối với Đại học Nông nghiệp Hà Nội là một bước phát triển rất tích cực không những cho bản thân Đại học Nông nghiệp Hà Nội mà còn cho cả ngành lúa nước Việt Nam.

Úc không phải là một nước sử dụng nhiều lúa gạo. Họ chỉ ăn có 10kg gạo/người/năm. Tuy nhiên vì lúa gạo là một ngành kỹ nghệ có thị trường nhập khẩu 10 tỷ USD nên ngay từ những năm 1950,  Úc đã xây dựng một Trung tâm Xuất Sắc về Lúa gạo (Centre of Excellence for Rice and Irrigation) ở Yanco bang New South Wales, tập trung nghiên cứu tất cả những vấn đề liên quan đến lúa gạo. Sau 50 năm ngày nay Yanco đã trở thành vựa lúa của nước Úc, sản xuất 1,35 triệu tấn gạo trên 145.000 ha (năng suất trung bình 9,3 tấn gạo/ha), và xuất khẩu hơn 85% lượng gạo sản xuất, mang về cho đất nước 400 – 500 triệu Úc kim/năm. Qua hình thức nghiên cứu và đầu tư tập trung như vậy, Úc đã giải quyết được nhiều vấn đề vừa cục bộ vừa mang tính thời sự quốc tế, tạo nên thương hiệu cho nông sản Úc, gia tăng sức cạnh tranh trong và ngoài nước, mang về cho xuất khẩu Úc một kim ngạch nông sản 25,6 tỷ USD, chiếm 65% trong toàn bộ ngành nông nghiệp gần 40 tỷ USD, mà trong đó chỉ vỏn vẹn có 400,000 nông dân đảm trách.

Việt Nam có đủ yếu tố như nước Úc để trở thành một đại gia sản xuất và xuất khẩu nông sản. Và Việt Nam đã trở thành đại gia về lúa gạo. Nhưng để đối phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt ở vùng ĐBSCL, những phong trào, festival lúa gạo, hoặc dự án phát triển v.v…  là những bước đi tốt nhưng vẫn chưa đủ để nâng ngành lúa gạo Việt Nam, nhất là ĐBSCL thành một vựa lúa bền vững của Việt Nam. Chúng ta cần một “chương trình mục tiêu quốc gia” về lúa gạo, chủ động nghiên cứu để giải quyết những vấn đề sôi bỏng biến đổi khí hậu hiện thời qua những chương trình hợp tác quốc tế không chỉ bó gọn với những quốc gia trong vùng, trong khu vực, mà còn rộng khắp cả thế giới, kể cả với nước Mỹ, nước Úc. Chương trình này sẽ là chương trình của cả nước do một Hội đồng Lúa gạo Việt Nam (Vietnam Rice Council) quản lý để qua đấy tập trung đầu tư phát triển đồng bộ và quyết liệt cạnh tranh để đem đến hiệu quả cao nhất: củng cố nguồn lương thực lúa gạo cho đất nước và xuất khẩu chiếm lĩnh thị trường quốc tế.

Một chương trình mục tiêu quốc gia về Lúa gạo ở Viện Lúa ĐBSCL là một bước đi bền vững để nơi đây vẫn luôn là vựa lúa của Việt Nam.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)