Chuyện nhà khảo cổ nghiệp dư

Hàng ngàn di vật từ những đồng tiền cổ từ thời Khai nguyên Thông bảo, Hoàng tống thông bảo, Thiên phúc chân bảo... cho tới những mảnh gốm, sành thuộc các niên đại từ thế kỷ VII đến thế kỷ XVII, đã được ông Nguyễn Việt Hồng ngày ngày lặng lẽ thu nhặt và cất giữ khỏi sự sói mòn nghiệt ngã của dòng nước sông Hồng bến Kim Lan.

“Kho báu” trong tủ kính
Những di vật mà ông thu lượm được để trên ban thờ, trên bàn, trong các góc nhà hay dưới… gậm giường. Ông Hồng thật thà: “Mấy năm trước tôi để chúng trong thúng, trong mẹt nhưng số lượng những mảnh gốm thu thập được ngày càng nhiều và cũng sợ chúng bị sứt mẻ hoặc bị vỡ nên tôi bàn với cả nhà quyết định “đầu tư” mua mấy cái thùng nhựa này để bảo quản”. Khách tìm đến nhà ông và đều được ông hướng dẫn tận tình, giới thiệu từng đồng xu, từng mảnh gốm kèm theo các thông tin liên quan như niên đại, màu men, hoa văn… Chúng được ông phân loại kỹ lưỡng (theo sự hướng dẫn của cán bộ chuyên môn hai viện là Viện Khảo cổ học và Viện Bảo tàng lịch sử quốc gia) theo những tiêu chí: tính phong phú đa dạng của di cổ vật (đất nung, gốm sứ, kim loại), tính hệ thống liên tục kéo dài nhiều thế kỷ và nhóm những bằng chứng về nghề sản xuất sành gốm sứ cổ của làng. Những mảnh gốm từ cái nhỏ nhất có đường kính 2cm tới cái to cũng 30 cm với đủ các chủng loại hình dạng từ bát, đĩa, cốc, chậu, lọ… đến hũ, vò, lư hương, bát đàn, tượng phật, đầu rồng… hay những hình dạng ngộ nghĩnh như voi, chó… với đủ các màu sắc khác nhau từ trắng, hồng, đến xanh cobal. Có di vật ông phải sưu tầm tới vài năm mới đủ bộ, như tượng Bồ Tát mất hai năm, hay như cái Bát đàn cũng phải tới ba năm mới hoàn tất. Đấy là những di vật mà theo ông là may mắn có được nguyên vẹn, còn những di vật khác một phần do bị dòng sông cuốn đi, do bị dẵm nát hay vì một lí do nào đó mà  vĩnh viễn con cháu chúng ta sẽ không được nhìn thấy hình dáng nguyên sơ của nó. Các di vật ấy ông đã chia chúng thành các ô theo thứ tự từ thế kỷ VII đến thế kỷ XVII. “Với người khác nó bình thường nhưng với tôi nó rất quý”- ông chỉ vào những mảnh cổ vật trưng bày trong tủ kính.


Toàn cảnh khu khai quật

Và câu chuyện của nhà khảo cổ nghiệp dư
Câu chuyện bắt đầu từ năm 1996 khi ông Hồng tình cờ mua lại được hũ tiền xu cổ của lũ trẻ nhặt ngoài bờ sông với giá… vài nghìn đồng. Nhìn mấy đồng xu han gỉ trên mặt có khắc mấy chữ cổ, ông hiểu ngay đấy là những đồng xu có giá trị lịch sử. Và cũng từ đó mỗi lần ra sông ông cũng nhặt được rất nhiều mảnh sành, mảnh gốm cổ lở ra theo đất bãi. Với vốn chữ Hán ít ỏi học lỏm được từ nhỏ không đủ giúp ông thực hiện công việc của một nhà khảo cổ chuyên nghiệp vì theo ông: “Khó khăn nhất là việc phân loại các di vật”. Nhưng niềm đam mê và “máu nghề nghiệp” đã khiến ông quyết tâm tìm mua hoặc mượn bằng được sách, tư liệu liên quan về học. Nói là học chứ thực ra ban đầu ông tự mày mò tìm hiểu sau đó được sự giúp đỡ của một vài người bạn và bản thân ông cũng vài lần viết thư đến các báo đài nhờ giảng giải. Trong chiếc tủ cũ kỹ của gia đình xếp gọn ghẽ mấy quyển sách “Niên biểu các triều đại Việt Nam”, “Từ điển cổ Hán-Việt”, “Cẩm nang đồ gốm”, “Mỹ thuật thời Mạc” hay “Những phát hiện mới về khảo cổ Việt Nam 2005”… Ban ngày làm gốm cùng gia đình, đêm đến ông lại chong đèn, lôi sách, từ điển và các di vật cổ ra “soi” chữ đối chiếu so sánh, đánh số, ghi chép, vào sổ. Giờ đây ông có thể hiểu hết các chữ, ký tự khắc trên các di vật và việc phân loại chúng không còn làm ông phải mất nhiều thời gian nữa. Ông tự tin: “Bây giờ thì không có chữ nào làm khó được tôi!”.
Trong đợt khai quật Hoàng thành Thăng Long, tuần nào ông cũng có mặt chỉ để… xem, rồi về đối chiếu với các di vật mà mình đang có. Và ông rất tự hào vì rất nhiều di vật khai quật được ở Hoàng Thành thì trong tủ kính nhà ông đã trưng bày, như để chứng thực ông chỉ cho tôi xem cái đầu rồng màu đỏ đất nung đang ngự trên một tấm gỗ đặt ở góc nhà: “Như cái đầu rồng chẳng hạn, Hoàng Thành có, ở nhà tôi cũng có một di vật tương tự”.

 
Vỏ sành có tai thuộc thế kỷ 11-12

Năm 2000, ông cùng năm người bạn đứng ra thành lập “Nhóm tìm lại cội nguồn của làng”. Nhóm đã tìm được rất nhiều di vật, tiến hành phân loại, chụp ảnh, lưu sổ và với những gì đã tìm được nhóm đã kết luận: “Bãi Hàm Rồng, Kim Lan thực sự là một kho báu vô giá. Ẩn chứa trong lòng nó là cả một hệ thống di vật cổ là bằng chứng cho thấy một làng nghề thủ công sản xuất sành, gốm, sứ, đất nung cổ liên tục kéo dài nhiều thế kỷ, đặc biệt phát triển phong phú nhất vào thế kỷ XIII-XIV”.
Từ kết quả mà nhóm đã tìm được ông nhận thấy đã đến lúc cần có sự góp sức của các cấp chính quyền và sự vào cuộc của các nhà khoa học. Từ tháng 1-3 năm 2000 ông đã gửi báo cáo về những phát hiện, nghiên cứu của mình tới sở Văn hóa Thông tin nhưng đợi mãi không thấy hồi âm ông lại tiếp tục làm báo cáo gửi lên Viện khảo cổ, Viện bảo tàng lịch sử… nhưng vẫn bặt vô âm tín. Cuối cùng ông phải nhờ cô cháu gái khi ấy đang là sinh viên Khoa Sử mời thầy về tận mắt chứng kiến. Đến tận 16/4/2000 một đoàn cán bộ khoa học của viện bảo tàng lịch sử Việt Nam đến mới sửng sốt khi tận mắt chứng kiến những di vật cổ và thành quả mà “Nhóm tìm lại cội nguồn của làng” đã làm được. Và từ năm 2001 đến 2003 đã có ba đợt khai quật được tiến hành trên bãi Hàm Rồng, đợt 1 từ 9-15/3/2001 do Viện khảo cổ học kết hợp với sở văn hoá thông tin Hà Nội tiến hành, đợt 2 trong tháng 4/2003 do Viện bảo tàng lịch sử Việt Nam khai quật tiếp trên phạm vi trên rìa bờ sông và đợt 3 từ 30/4- 7/5/2003 do Viện khảo cổ học tiếp tục khai quật. Hàng nghìn di vật đã được tìm thấy khiến các nhà khảo cổ không khỏi ngỡ ngàng. Trong bản báo cáo “Kết quả thám sát và khai quật khảo cổ học di tích Kim Lan (Gia Lâm, Hà Nội) năm 2003” TS. Ngô Thế Phong và Nguyễn Văn Đoàn (Bảo tàng lịch sử Việt Nam) đã kết luận: “Đợt khai quật đã thu được sưu tập hiện vật có số lượng lớn, trong đó đáng kể hơn cả là những đồ gốm sứ thời Trần với nhiều tiêu bản nguyên vẹn hoặc có thể phục nguyên (…) Ở khu vực này các di vật tìm được rất phong phú bao gồm nhiều vật liệu kiến trúc, trang trí kiến trúc, tiền đồng và đặc biệt là gốm sứ. Đồ gốm sứ có niên đại kéo dài từ thời Đường (thế kỷ VII-X) đến tận thời Lê (thế kỷ XVII-XVIII). Trong đó tập trung hơn cả là gốm thời Trần với đầy đủ các dòng men đặc trưng của thời kỳ này… Tại khu vực gò Cạnh Triền thấy có những vệt gạch ngói cổ tham gia kiến trúc, đặc biệt là những cột sỏi vốn là gia cố chân tảng của kiến trúc là cở sở để có thể nhận thức quy mô công trình”. Ông Hồng đã đề nghị thành lập một phòng trưng bày tại UBND xã Kim Lan để khách thập phương tới thăm và cũng là để con cháu trong làng tự hào về làng nghề truyền thống của quê hương mình, và chính ông cũng đã hiến tặng một phần di vật quý của mình cho phòng trưng bày xã. TS. Nishimura Masanari (Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và giao lưu văn hóa Việt – Nhật) đã qua lại nhà ông như người nhà 6 năm nay để nghiên cứu về lịch sử và khảo cổ không dấu được sự chân thành và cảm phục: “Không có ông Hồng thì số di vật này sẽ bị cuốn theo nước sông hết. Một nông dân yêu khoa học và hiểu biết, tận tuỵ với khoa học, lịch sử như ông Hồng thì thật hiếm”. Còn ông khi nói về công việc và thành quả của mình thì chỉ khiêm tốn: “Tôi có làm được gì đâu. Tôi chỉ nhặt nhạnh những di vật của tổ tiên về cho con cháu”.
Ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, ông lo một ngày nào đó con cháu không còn được thấy những di vật mà cha ông để lại, không biết đến lịch sử quê hương, trong khi đó những con sóng cứ mãi gặm vào bãi Hàm Rồng cuốn đi những báu vật quý giá hàng ngàn năm. “Cần phải làm cho mọi người hiểu rõ hơn ý nghĩa của việc gìn giữ, bảo tồn các di chỉ quốc gia”, ông trầm ngâm. Ông đã vận động các cấp, các ban ngành và xin tài trợ để xây một bảo tàng nhỏ ngay trên đất Kim Lan, và “tôi sẽ hiến một phần những tư liệu quý, những tiêu bản, những di vật cổ đang có trong phòng trưng bày”. Nhưng trong lần gặp ông cách đây không lâu, tôi hỏi chuyện bảo tàng, ông buồn: “Bảo tàng hứa sẽ xây nhưng chưa biết phải chờ đến bao giờ”. Ông giở cho tôi xem cuốn sổ nhỏ ghi rất chi tiết ngày tháng tiếp những đoàn khách, những nhà báo tới tham quan và tìm hiểu, ông gọi đó là cuốn “Kỷ yếu hoạt động của “Nhóm tìm lại cội nguồn của làng”. Ông và nhóm cũng đang hoàn thành cuốn sách về lịch sử của làng và những kết quả nghiên cứu trong những năm qua, mong còn lưu giữ lại chút gì cho con cháu.

Lưu Thủy

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)