Chuyện về 13 người phụ nữ bị tước cơ hội bay vào vũ trụ

Vào ngày 16/6/1963, Valentina Tereshkova trở thành người phụ nữ đầu tiên bay vào vũ trụ, trong khuôn khổ chương trình Vostok của Liên Xô. Tuy nhiên, mãi 20 năm sau, đối thủ của Liên Xô, Mỹ mới có người nữ phi hành gia đầu tiên là Sally Ride. Bỏ qua chuyện tư tưởng chính trị của Liên Xô có thể đã ảnh hưởng tới việc đưa người phụ nữ đầu tiên vào không gian như thế nào, có lẽ một số người sẽ tự hỏi: tại sao Mỹ đưa phi hành gia nữ của riêng mình ra ngoài không gian muộn như thế? Câu chuyện của các Nữ phi hành gia Tập sự (Fellow Lady Astronaut Trainees) sẽ làm hé lộ một góc khuất của chương trình thám hiểm không gian của Mỹ ở thập niên 1960 mà ít người biết đến.


NASA tuyển những nữ phi hành gia đầu tiên trong khóa 1978. Từ trái qua phải: Shannon W. Lucid, Margaret Rhea Seddon, Kathryn D. Sullivan, Judith A. Resnik, Anna L. Fisher và Sally K. Ride. Ảnh: NASA .

Cuối thập niên 50, đầu thập niên 60, cuộc chạy đua vào không gian của Hoa Kỳ và Liên Xô đã chuyển hướng từ “phóng một vật thể nhân tạo” sang “phóng một con người” ra ngoài vũ trụ.  

Dự án Mercury của NASA được thành lập vào năm 1958 với mục tiêu như vậy, và khâu tuyển chọn phi hành gia của dự án này đòi hỏi các ứng cử viên phi hành gia phải làm rất nhiều bài kiểm tra năng lực về cả thể chất lẫn tinh thần. Một khi các ứng cử viên đạt kết quả tốt trong các bài kiểm tra này, họ sẽ được loại dần dựa trên một số tiêu chí nhất định. Ba tiêu chí đáng nhắc tới lần này là: 

1) Có kinh nghiệm hàng không tối thiểu là 1.500 giờ bay. 

2) Đã tốt nghiệp trường phi công lái máy bay thử của quân đội. 

3) Có kiến thức chuyên sâu về kỹ thuật, phải có được ít nhất bằng cử nhân ngành Kỹ thuật. 

Lý do ta cần quan tâm đến ba tiêu chí này đó là bởi nó đã nghiễm nhiên loại bỏ phụ nữ từ vòng tuyển lựa. Đến tận năm 1962, một năm sau khi Yuri Gagarin trở thành người đầu tiên bay vào vũ trụ, các trường huấn luyện của Không quân Hoa Kỳ vẫn không chấp nhận phi công nữ. Tức là, chỉ cần là phụ nữ thì không thể thỏa mãn được tiêu chí thứ hai rồi. 

Tuy nhiên, khi NASA cuối cùng cũng lựa chọn được 7 người đàn ông da trắng cho dự án Mercury, các nhà khoa học trong nội bộ NASA vẫn khá do dự về các tiêu chí nói trên, vì lúc đó chưa có ai bay vào vũ trụ, nhỡ đâu các tiêu chí này lại vô tình loại đi hằng hà sa số những người có đủ điều kiện thể chất và tinh thần để bay vào vũ trụ? Một nhà khoa học có ‘vai vế’ trong khâu tuyển chọn các phi hành gia vào chương trình Mecury tên là William Randolph Lovelace II đã quyết định bỏ tiền túi của mình để thiết lập một chương trình riêng lựa chọn các nữ phi hành gia, từ các nữ phi công. Theo quan điểm của Lovelace, phụ nữ nhỏ người hơn đàn ông, nghĩa là họ có thể ngồi vừa được các tàu bay nhỏ và nhẹ hơn, dễ bay vào vũ trụ hơn.  Và với vai trò của mình ở dự án Mecury, ông có thể cho các ứng cử viên nữ làm các bài kiểm tra năng lực tại cùng các cơ sở nghiên cứu giống như với các ứng cử viên nam được NASA chính thức tuyển chọn. 

Sau quá trình tuyển chọn dài gần một năm, đến mùa hè năm 1961, hai tháng sau khi Yuri Gagarin bay vào vũ trụ, chương trình của Lovelace đã tuyển chọn được 13 người phụ nữ. Hầu hết những phụ nữ này không quen biết và không gặp mặt nhau một lần nào trong suốt thời gian của chương trình này bởi họ được lựa chọn một cách riêng biệt từ khắp nước Mỹ. Tất cả 13 người phụ nữ này đã có kết quả xuất sắc trong giai đoạn một của dự án, trong đó bao gồm các bài kiểm tra về thể chất có sử dụng tia X, sốc điện, v.v. Trong một bài kiểm tra, các nhà khoa học bắn nước đá vào trong tai của những người phụ nữ này để gây choáng (vertigo) và bấm giờ xem những người phụ nữ này cần bao nhiêu thời gian để hết choáng váng. Có nhiều bài kiểm tra thể chất và tinh thần khác xâm phạm đến quyền riêng tư của những ứng cử viên này, nhưng cuối cùng, vẫn có đến 13 người lọt vào vòng trong, trong đó phải kể đến: 

– Myrtle Cagle (1925-2019), phi công huấn luyện bay của Không quân Hoa Kỳ, với hơn 4.300 giờ bay. 

– Janet Dietrich (1926-2008), phi công trưởng của công ty Cessna, lấy bằng chứng nhận phi công năm 16 tuổi, giành giải nhì trong giải bay xuyên lục địa dành cho phi công nữ năm 1954. 

– Marion Dietrich (1926-1974), em gái sinh đôi của Janet Dietrich, cũng lấy bằng chứng nhận phi công năm 16 tuổi, cũng giành giải nhì trong giải bay xuyên lục địa dành cho phi công nữ năm 1954. 

– Jean Hixson (1922-1984), phi công bay thử nghiệm của Không quân Hoa Kỳ, và cũng là phi công nữ thứ hai bay vượt vận tốc âm thanh. 
– Jane Hart (1921-2015), nhà hoạt động nữ quyền, lấy bằng phi công nữ trong Thế chiến thứ hai.

– Jerrie Cobb (1931-2019), phi công có kinh nghiệm, đã phá ba kỉ lục thế giới về hàng không từ 1959 đến 1960, đã lái 64 loại máy bay khác nhau và có hơn 10.000 giờ bay. 


Jerrie Cobb trên Máy Quán tính Thử nghiệm Không gian Đa trục (Multiple-Axis Space Test Inertia Facility), chiếc máy gây chóng mặt nổi tiếng của dự án Mercury. Ảnh: NASA

Ban đầu, chương trình này nhận được sự ủng hộ của Jackie Cochran, một trong những nữ phi công nổi tiếng nhất thời bấy giờ, và cũng là phi công nữ đầu tiên bay vượt vận tốc âm thanh. Cochran không những đứng ra hỗ trợ về tài chính cho chương trình tuyển chọn của Lovelace, mà còn trực tiếp đưa ra các lời khuyên và huấn luyện 13 người phụ nữ nói trên. 13 người phụ nữ này, cũng như là chương trình của Lovelace, nhận được sự chú ý đáng kể từ cánh báo chí, và được gọi một cách không chính thức là “Mercury 13”, đối lập với cái tên “Mercury 7” được NASA đặt cho nhóm 7 nam phi hành gia. Ngoài ra, nhiều người trong số 13 người phụ nữ này còn từng làm việc với NASA. Chẳng hạn vào tháng 5/1961, Jerrie Cobb được bổ nhiệm làm cố vấn cho chương trình thám hiểm không gian của NASA. Tuy nhiên, do chương trình này của Lovelace mang tính tư nhân, NASA không thực sự coi những người phụ nữ này là các ứng cử viên chính thức, cho dù Lovelace hay Cobb có muốn thay đổi điều đó hay không.· 

Sau khi đã qua giai đoạn kiểm tra thứ nhất, 13 người phụ nữ này, giờ đây được Jerrie Cobb gọi là các Nữ phi hành gia Tập sự (FLAT), phải tới Căn cứ hải quân Pensacola tại Florida để bước sang giai đoạn kiểm tra thứ hai. Riêng Cobb, vì là người quen của Lovelace, đã có cơ hội kiểm tra sớm và bước sang giai đoạn thứ ba rồi, song bà vẫn tới Pensacola để kiểm tra lại một lần nữa trong khuôn khổ của chương trình chính thức. Trong số 12 người phụ nữ còn lại, 2 người đã nghỉ việc để tới Pensacola theo đuổi ước mơ phi hành gia. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn trước khi các bài kiểm tra mới bắt đầu, họ nhận được tin báo rằng toàn bộ chương trình đã bị hủy do thiếu kinh phí, và do các đại diện của NASA đã từ chối không cho chương trình của Lovelace sử dụng căn cứ quân sự tại Pensacola. Cảm thấy bất công và tin rằng có sự kì thị giới tính đằng sau quyết định này, Jerrie Cobb lập tức bay tới thủ đô Washington, D.C. và tìm mọi cách để trình bày vụ việc với Quốc hội Hoa Kỳ. 


Jerrie Cobb và Jane Hart tại phiên điều trần trước Quốc hội Hoa Kỳ năm 1962. Ảnh: Medium 

Mãi một năm sau, vào ngày 17 và 18/7/1962, Dân biểu Victor Anfuso của Hạ viện Hoa Kỳ chính thức mở phiên điều trần đầu tiên về chương trình của Lovelace. Tham dự chương trình có Jerrie Cobb và Jane Hart đại diện cho FLAT, còn đại diện của NASA là George Low và phi hành gia nam Scott Carpenter và John Glenn—2 trong 7 ứng cử viên chính thức của chương trình Mercury. Trong khi Cobb và Hart ra sức nêu lên các lợi ích của chương trình của Lovelace đối với nhân loại nói chung và phái nữ nói riêng, Carpenter và Glenn phản bác bằng cách dẫn lại các tiêu chí đã nêu trên, rồi từ đó lý luận rằng vì những người phụ nữ này không đáp ứng đủ các tiêu chí chính thức, họ không thể được nhận vào làm các ứng cử viên chính thức của dự án Mercury được. Theo John Glenn, “việc phụ nữ không ở trong ngành này là do trật tự xã hội” (“The fact that women are not in this field is a fact of our social order”). Jackie Cochran, người từng ủng hộ và đóng góp rất nhiều cho dự án của Lovelace, giờ đây đến phiên điều trần lại thay đổi quan điểm hoàn toàn. Bà cho rằng việc tập trung vào phụ nữ thay vì đàn ông có thể sẽ làm chương trình đi lạc hướng và gây tổn hại đến tiến trình của cuộc chạy đua vào không gian. Bà cũng cho rằng sau tất cả các khâu tuyển chọn, cuối cùng cũng sẽ chỉ còn lèo tèo vài người, và rất nhiều người sẽ bỏ dở để đi lấy chồng, sinh con đẻ cái. Tất cả những người ở phe đối lập với Cobb và Hart đều đồng ý rằng có thể sẽ có ngày phụ nữ được bay vào không gian, nhưng thời buổi đang cấp bách, phụ nữ cứ kiên nhẫn chờ đã. Cuối cùng, hội đồng của Dân biểu Victor Anfuso đồng ý với phe đối lập, và không một người phụ nữ nào trong số 13 người nói trên được dự án Mercury chọn, ngay cả khi kết quả kiểm tra năng lực của họ ngang hàng, hay như trong trường hợp của Cobb, hơn cả những ứng cử viên nam chính thức. 

Sau này, các nhà sử học và nhà nghiên cứu nói chung tìm hiểu các sự kiện xoay quanh chương trình của Lovelace và tìm được những điều khá bất ngờ. Tất cả 13 người phụ nữ trong nhóm FLAT đều có kinh nghiệm bay hơn hẳn so với những ứng cử viên nam giới như John Glenn hay Scott Carpenter. Hơn nữa, mặc dù nhiều người không lái máy bay chiến đấu (bao gồm cả Jerrie Cobb), giờ bay của họ nhiều hơn gấp bội so với Glenn và Carpenter. Không những thế, kể cả 7 ứng cử viên chính thức của dự án Mercury cũng không hề đáp ứng hoàn toàn mọi tiêu chí đã được NASA đề ra. John Glenn thậm chí còn không có bằng tốt nghiệp môn Kỹ thuật, và mãi sau này, sau khi đã bay vào vũ trụ rồi, thì ông này mới được cấp bằng danh dự. 

Về sự “đổi trắng thay đen” của Jackie Cochran, khi xem xét lại các bức thư tay và Cochran gửi tới Lovelace và Cobb đã cho thấy rằng cho dù bà là một người phụ nữ đi tiên phong trong ngành hàng không và là nguồn cảm hứng của bao nhiêu phụ nữ khác, bà đã tỏ ra bất an khi 13 người phụ nữ kia có thể sẽ khiến mình mất đi vị trí người phụ nữ tiêu biểu nhất của ngành hàng không. Ngoài ra, Cochran cũng đã chịu ảnh hưởng bởi các vai trò giới và định kiến giới thời bấy giờ, và thực sự tin rằng những người phụ nữ muốn làm phi hành gia nên nhận thức được vị trí của mình trong xã hội, và nhận thức được công lao mở đường của Cochran. 

Hầu hết những người được chọn vào chương trình của Lovelace sau này không tiếp tục sự nghiệp phi công, hoặc chỉ làm phi công dân sự. Vào năm 1963, sau khi Valentine Tereshkova trở thành người phụ nữ đầu tiên bay vào vũ trụ, công chúng Mỹ chỉ trích NASA, và các nhà hoạt động nữ quyền đã tìm mọi cách để NASA chấp nhận một người phụ nữ vào chương trình vũ trụ của mình. Bản thân Tereshkova (một người không hề có kinh nghiệm làm phi công hay nhà khoa học) còn coi Jerrie Cobb là nguồn cảm hứng và từng trả lời phỏng vấn rằng: “Cái cách mà các nhà lãnh đạo Mỹ biến cô ấy thành một trò hề thật đáng buồn. Họ đi đâu cũng hô hào về nền dân chủ của mình và đồng thời lại tuyên bố rằng họ sẽ không cho phép phụ nữ bay vào vũ trụ. Đấy là sự bất bình đẳng trắng trợn.” Mọi chuyện vẫn sẽ không hề thay đổi trong nội bộ NASA cho đến tận năm 1983, khi Sally Ride bay vào vũ trụ và trở thành nữ phi hành gia người Mỹ đầu tiên, kiêm người LGBTQ+ đầu tiên bay vào vũ trụ. □
 ——
https://www.space.com/24638-project-mercury.html 
https://www.nasa.gov/topics/history/features/flats.html
https://history.nasa.gov/flats.html 
https://www.jstor.org/stable/40607922 
https://journals.physiology.org/doi/full/10.1152/advan.00034.2009
https://www.forbes.com/sites/startswithabang/2020/02/18/what-really-kept-american-women-from-going-to-space-for-so-long/ 
https://babel.hathitrust.org/cgi/pt?id=uc1.a0000094904&view=1up&seq=85
https://www.newspapers.com/clip/877898/valentina-tereshkova-ridicules-jerrie/ 

 

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)