Cơ chế “công ty” trong hoạt động khoa học của Nhật Bản: Kinh nghiệm cho việc thực hiện Nghị định 115

Những ngày gần đây cộng đồng các nhà khoa học Việt Nam có những thảo luận rất sôi nổi về nghị định 115 của chính phủ về chuyển đổi sang quy chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức khoa học công nghệ nước nhà. Trong chúng ta, đặc biệt các đồng nghiệp đang tham gia các chương trình nghiên cứu cơ bản (NCCB) của khoa học tự nhiên và xã hội nhân văn trong các tổ chức khoa học công nghệ (KHCN) mà có thể nằm ngoài danh sách các cơ sở NCCB sẽ được nhà nước tiếp tục bao cấp 100%, đều có những băn khoăn không biết công việc nghiên cứu khoa học (NCKH) sẽ tiến hành thế nào một khi nghị định 115 được chính thức triển khai rộng rãi.

Những suy nghĩ băn khoăn lo ngại này là hoàn toàn chính đáng bởi vì việc chuyển đổi 115, nếu thực hiện không thật đúng theo tinh thần của nghị định, sẽ có thể đưa đến sự đình chỉ tồn tại của những nhóm NCCB trình độ cao cùng các nhà khoa học chuyển sang làm những công việc đơn giản trong xã hội để kiếm sống. Đây sẽ thực sự là một mất mát không nhỏ đối với nền khoa học nước nhà, tương tự như đã từng xảy ra trong những năm 80 của thế kỷ 20 khi đồng lương “bao cấp” cho cán bộ khoa học quá ít để trang trải cho cuộc sống hàng ngày và nhiều nhà khoa học giỏi đã từ bỏ các hoạt động NCKH chuyển sang làm kinh doanh ở trong và ngoài nước để kiếm sống. Tuy nhiên, đất  nước ta hiện nay đang trải qua một giai đoạn phát triển hoàn toàn mới, với yêu cầu cao nhất đối với hội nhập quốc tế, nên khả năng để xảy ra việc trên chắc sẽ khó.
Trong những ngày đầu tháng 6 vừa qua, tác giả có dịp sang tham gia báo cáo tại hai hội nghị khoa học quốc tế tại Nhật Bản trong lĩnh vực Vật lý Hạt nhân và đã tình cờ được biết qua tài liệu tự giới thiệu của một số viện NCKH quốc gia Nhật Bản là các cơ sở NCKH và giáo dục đại học công lập của đất nước mặt trời mọc đã hoàn tất rất nhanh gọn từ hơn 3 năm nay một cuộc chuyển đổi quản lý và vận hành từ cơ chế bao cấp sang cơ chế “công ty” tự chủ, tự chịu trách nhiệm rất gần với cơ chế đã được nêu ra trong nghị định 115 cho các tổ chức KHCN của Việt Nam. Cụ thể, trong thời gian từ đầu tháng 4 năm 2004 cho đến nay tất cả các trường đại học tổng hợp công lập (89 trường) và các viện NCKH trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên cũng như khoa học xã hội (18 viện) đã được chuyển sang hoạt động hoàn toàn theo cơ chế “công ty” (corporate status). Đây được coi như một cuộc cách mạng rất lớn trong việc quản lý khoa học và giáo dục đại học của Nhật Bản kể từ khi hệ thống các cơ sở này được chính thức đưa dưới quyền quản lý và điều hành của nhà nước cách đây khoảng 130 năm (thời đại Meiji). Trong khung cảnh tự chủ mới theo cơ chế công ty, các trường đại học và các viện NCKH được đặc biệt khuyến khích cùng hợp tác sao cho các hoạt động nghiên cứu khoa học được tiến hành dễ dàng và có hiệu quả cao nhất. Đây cũng là một trong những lý do chính tại sao chính phủ Nhật Bản đưa đồng thời các trường đại học tổng hợp và các viện NCKH quốc gia vào chung một cơ chế tự chủ trong quản lý và điều hành.
Để có được một quyền tự chủ hoạt động theo cơ chế “công ty”, các trường/viện trước khi chuyển đổi đã phải có những cam kết rất cụ thể về các đóng góp của cơ sở này cho sự phát triển của KHCN cũng như cho sự nghiệp giáo dục đào tạo đại học và trên đại học. Với mục đích theo rõi và kiểm tra điều hành chặt chẽ xem các trường/viện có thực sự thực hiện những cam kết của mình hay không, mỗi cơ sở đều có một hội đồng quản trị riêng với ít nhất một nửa số thành viên phải là người ngoài trường/viện. Việc tổng kết và báo cáo thành tựu nghiên cứu và đào tạo được hội đồng quản trị trực tiếp thực hiện 6 năm một lần. Báo cáo tổng kết 6 năm sẽ là cơ sở dữ liệu quan trọng nhất để chính phủ Nhật Bản thông qua khoản ĐTCB từ ngân sách nhà nước cho 6 năm tiếp theo. Điều đáng chú ý nhất là khoản ĐTCB từ phía nhà nước sẽ không tăng dần mà ngược lại sẽ giảm dần mỗi năm 1% trong trường hợp vận hành “công ty” bình thường. Như vậy, trong khi được một quyền tự chủ cao nhất trong việc chi khoản ĐTCB “bao cấp” từ ngân sách nhà nước, các cơ sở NCKH và giáo dục đại học sẽ bắt buộc phải tìm cách có được những nguồn thu khác để trang trải kinh phí cho những hoạt động ngày càng mở rộng của mình. Đối với các cơ sở NCKH thì đó sẽ phải là nguồn thu nhập từ bản quyền của những phát minh, sáng chế (patent licensing), nguồn thu từ những đề tài, đề án NCKH được “trúng thầu” trong các chương trình đầu tư trọng điểm của các công ty, tập đoàn công nghiệp lớn vào KHCN. Đặc biệt, đối với các nhà khoa học làm việc trong các lĩnh vực NCCB thì việc giảm dần ngân sách ĐTCB của nhà nước cho trường/viện không có nghĩa là họ sẽ phải tìm làm những nghiên cứu ứng dụng khác để kiếm sống mà ngược lại, do đầu tư của chính phủ Nhật Bản vào NCCB vẫn đang ngày một tăng trong ngân sách đầu tư cho KHCN quốc gia, họ có thể tham gia đấu thầu trong các chương trình NCCB lớn của các quĩ khoa học khác nhau để có được sự hỗ trợ còn dồi dào hơn so với thời “bao cấp” cách đây 3 năm. Một trong những quĩ hỗ trợ các hoạt động NCCB của Nhật Bản là JSPS (Japan Society for Promotion of Science) đã và đang là một nhà tài trợ lớn cho các bác học Nhật Bản công tác giảng dạy và nghiên cứu tại các trường đại học hoặc viện NCKH nhỏ với nguồn thu tài chính hạn chế. Tóm lại, nếu như bạn là một nhà khoa học thực sự, đang nghiên cứu có kết quả tốt trong bất kỳ một lĩnh vực khoa học nào, thì cuộc chuyển đổi sang cơ chế “công ty” của trường/viện chắc chắn là bước tiến quan trọng sang một giai đoạn mới đầy hứa hẹn.        
Nội dung chỉ đạo của nghị định 115 của chính phủ về chuyển đổi sang quy chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức KHCN Việt Nam cũng không có gì khác nhiều so với nội dung cơ bản của cuộc chuyển đổi của các trường đại học và viện NCKH công lập của Nhật Bản, chỉ cần một chương trình hành động rõ ràng và qui chế hợp lý không rườm rà các thủ tục hành chính như cuộc chuyển đổi của Nhật Bản thì việc thực hiện Nghị định 115 của Việt Nam cũng chắc chắn sẽ đưa nền khoa học nước nhà sang một giai đoạn phát triển năng động và mạnh mẽ hơn, góp phần xứng đáng vào sự phát triển kinh tế và tri thức của đất nước. Qua kinh nghiệm của Nhật Bản, chúng ta cũng thấy việc thực hiện nghị định 115 sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu cơ chế tự chủ của các cơ sở KHCN của ta thực sự là một cơ chế “công ty” theo các qui định chung của luật doanh nghiệp (với những ưu đãi riêng về thuế cho các cơ sở NCKH). Nhìn ra thế giới thì ta thấy Nhật Bản tiến hành cuộc chuyển đổi cách đây 3 năm thực cũng đã là muộn. Thí dụ như ở CHLB Đức, các phòng thí nghiệm, viện NCKH quốc gia đều có cơ chế chính thức là những công ty trách nhiệm hữu hạn từ nhiều thập kỷ qua (viết tắt là GmbH sau tên chính của phòng thí nghiệm), vận hành hoàn toàn theo qui định chung của luật doanh nghiệp CHLB Đức. Do đó,  nếu chúng ta thực sự hội nhập trong cuộc chuyển đổi 115, mạnh dạn trao cơ chế công ty bình thường cho các cơ sở KHCN công lập, thì chắc sẽ tránh được những bất cập, khó khăn và mâu thuẫn mà do chính những qui định chi tiết cụ thể riêng biệt về cơ chế tự chủ của các cơ sở KHCN mang lại.


Nghiên cứu năng lượng hạt nhân ở Nhật Bản

Một điều đáng nhắc đến nữa là mục tiêu cơ bản của cuộc chuyển đổi quản lý và vận hành các trường/viện công lập ở Nhật Bản là trao quyền tự chủ cao nhất cho các cơ sở trên để đạt được hiệu quả cao nhất trong NCKH và đào tạo đại học chứ hoàn toàn không có mục đích biến những cơ sở này nhanh chóng thành các tổ chức tự lo trang trải kinh phí qua cách tìm kiếm bán sản phẩm của mình trên một thị trường công nghệ hay giáo dục. Đây là một cách nhìn có tính sống còn đối với sự phát triển chung của nền khoa học và tri thức quốc gia, bởi vì áp đặt mục tiêu kinh doanh kiếm sống nhanh chóng lên bất kỳ một ngành KHCN nào sẽ không tránh khỏi việc kết thúc sự tồn tại của những chương trình nghiên cứu KHCN phức tạp trình độ cao và sự xuất hiện nhanh chóng của các đề án ứng dụng đơn giản “ít chất xám”, chưa nói đến sự gian dối trong NCKH mà chắc chắn sẽ ngày càng tăng. Chính sự nhấn mạnh mục tiêu “tự kinh doanh” trong các hướng dẫn cụ thể thực hiện chuyển đổi theo nghị định 115 đã đưa lại rất nhiều bàn cãi, tranh luận trong cộng đồng khoa học nước ta trong năm qua.
     ***
Thay cho kết luận, tác giả muốn chia sẻ cảm xúc riêng của bản thân có được từ việc tham gia hội nghị Vật Lý Hạt Nhân (VLHN) quốc tế lần thứ 7 tổ chức tại Tokyo đầu tháng 6 vừa qua (http://www.inpc2007.jp). Đây là hội nghị lớn nhất hành tinh trong lĩnh vực VLHN tổ chức 4 năm một lần và lần này, nhân 100 năm ngày sinh của Hideki Yukawa (nhà vật lý người Nhật đầu tiên được giả thưởng Nobel do phát minh ra quá trình trao đổi meson trong tương tác hạt nhân), Tokyo đã được chọn làm địa điểm tổ chức. Hơn 800 các nhà VLHN từ gần 40 quốc gia khác nhau đã vô cùng sửng sốt khi được thấy Nhật Hoàng cùng Hoàng Hậu đã thân chinh đến dự lễ khai mạc INPC07. Trong một hiện diện vô cùng khiêm tốn, Nhật Hoàng đã đọc một bài diễn văn chào mừng tuy ngắn gọn nhưng rất xúc động. Ông nhớ lại năm 1949, trong khi nước Nhật còn đang ở trong hậu quả tàn phá kinh khủng của Thế chiến thứ 2 thiếu thốn đủ mọi thứ nhưng mỗi người dân Nhật đã hạnh phúc và tự hào bao nhiêu khi đươc tin Yukawa được tặng giải thưởng Nobel Vật Lý. Từ những năm tháng khó khăn đó cho đến tận bây giờ, Nhật Bản luôn rất coi trọng đầu tư cho NCKH mà trong đó các ngành khoa học cơ bản có một vị trí đặc biệt. Riêng trong VLHN, Nhật Bản hiện đang triển khai xây dựng một trung tâm gia tốc tầm cỡ lớn nhất thế giới (xem ảnh) tại Viện Hóa Lý Nhật Bản RIKEN (một cơ sở KHCN đã được chuyển đổi sang cơ chế “công ty” từ đầu năm 2005) nơi mà Nhật Hoàng đã đến thăm trong năm 2006. Nhật Bản đi đầu thế giới trong đầu tư cho NCCB không đơn giản vì thể diện tầm cỡ quốc gia như người ta dễ nghĩ đến mà bởi vì chính họ (với một nền công nghệ hiện đại tầm cỡ nhất thế giới) hiểu hơn ai hết sự đóng góp quan trọng lâu dài của NCCB vào phát triển khoa học và tri thức của đất nước. Đúng như TS George Smoot (giải thưởng Nobel Vật Lý 2006) đã nói: “… người ta không thể nhìn trước được tất cả những gì mà NCCB có thể mang lại. Nếu như con người chỉ làm nghiên cứu ứng dụng từ đầu thì chắc là cho đến giờ người ta vẫn chỉ đang tìm cách làm những chiếc dáo sắc hơn mà thôi…”.
Quá trình phát triển KHCN ở Việt Nam đã tất yếu đòi hỏi một cuộc chuyển đổi lớn theo tinh thần nghị định 115, tuy nhiên chúng ta có thật sự thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự hội nhập quốc tế trong cách làm của chính mình.

Ảnh trên cùng: Koichi Tanaka nhận giải Nobel Hóa học

Nội dung cơ bản của cơ chế tự chủ “công ty” là quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm và độc lập tự chi khoản đầu tư cơ bản (ĐTCB) từ phía nhà nước (trong năm tự chủ đầu tiên khoản ĐTCB này bằng đúng 100% ngân sách quốc gia đã chi cho trường/viện trong năm bao cấp trước đó). Trường/viện có quyền trả lương cho các giáo sư, các nhà khoa học theo phán quyết riêng của mình, không phải theo qui chế áp dụng cho công chức nhà nước của Nhật Bản và do đó không có một giới hạn trên trong lương bổng đài thọ các chuyên gia đầu ngành. Ngoài ra, việc tuyển chọn nhân sự vào các vị trí quản lý, giảng dạy, nghiên cứu (kể cả vị trí lãnh đạo cao nhất của trường/viện) phải được tiến hành trên cơ sở cạnh tranh lành mạnh, minh bạch và công khai, không có sự phân biệt giữa công dân Nhật Bản và người có quốc tịch ngoại quốc và phải được quảng bá rộng rãi trên các phương tiện thông tin trong nước Nhật và quốc tế.

Đào Tiến Khoa

Tác giả