Có hay không tế bào gốc đa năng STAP?

Từ cuối tháng 1 năm 2014 đến nay, truyền thông Nhật Bản đã khá “vất vả” vì phải huy động nhiều nhà báo theo dõi và tường trình về hai sự kiện nổi bật. Không phải là chuyện chính trường, cũng không phải là chuyện thuế trường hay pháp trường mà là… chuyện của một tay giả điếc suốt 18 năm, và chuyện bị gọi là “ngụy tạo” của một cô gái trẻ gây scandal lớn trong giới khoa học của Nhật và thế giới. Chuyện tay giả điếc đã được tường trình và quá rõ ràng chả ai buồn nhắc, còn scandal khoa học thì còn bỏ ngỏ và sẽ vẫn được nhắc dài dài cho đến lúc có câu trả lời dứt khoát “có hay không có”, chắc cũng phải mất dăm tháng nữa.

Phát minh vô tiền khoáng hậu!

Cuối tháng 1 năm 2014, các hệ thống truyền thông Nhật Bản đã chiếu đi chiếu lại hình ảnh một cô gái trẻ, tươi cười tay chỉ vào những biến đổi trên màn ảnh giới thiệu về  “phát minh” lịch sử của một nhóm khoa học gia mà cô làm “sếp”, có khả năng làm con người “sống lâu trăm tuổi”, “trẻ mãi không già”. Mặt mũi nhăn nheo, da dẻ sần sùi trở nên láng bóng mịn màng…, các bộ phận bị hư hại trong thân thể sẽ được thay thế bằng những bộ phận… mới toanh. Phát minh gì mà ghê thế? Nói cho rõ hơn là nhóm của cô đã công bố tiến hành thí nghiệm thành công trên chuột trong việc chế tạo tế bào gốc (tế bào lúc phôi thai) thành tế bào gốc đa năng, được đặt tên là STAP cells (Stimulus – triggered acquisition of pluripotency cells – tế bào đa năng tạo bởi sự kích thích). Ban đầu là chuột, nhưng từ chuột chuyển sang người sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian. Thực ra, việc chế tạo tế bào gốc đã và đang được nghiên cứu khắp nơi trên thế giới, chẳng hạn như cách chế tạo tế bào IPS của giáo sư Yamanaka đoạt giải Nobel Y học 2012, nhưng những phương pháp này rất phức tạp, còn cách của cô gái trẻ đã công bố được cho là khá đơn giản và không mất nhiều thời gian. Không vui sao được.

STAP là cái quái gì?

STAP được tạo ra bằng cách lấy các tế bào bạch huyết (lympocyte) của chuột sinh được bảy ngày ngâm vào dung dịch acid loãng (độ pH thấp) với nhiệt độ của cơ thể con người trong vòng 25 phút, sau đó nuôi dưỡng khoảng một tuần sẽ trở thành tế bào gốc mang tính đa năng (STAP), cấy tế bào này trở lại vào chuột, các tế bào sẽ chuyển đổi thành các tế bào mô não, da, cơ, mỡ, tủy xương, phổi và gan… hoặc tiêm vào những phôi chuột đang trong thời kỳ phát triển sẽ sinh ra những con chuột khỏe mạnh. Phát minh “lịch sử” này gồm hai luận văn “Letter” và “Article” đã được đăng trên tạp chí Nature của Anh số 505, ra ngày 30.01.2014. Nói về tạp chí này, một khoa học gia Nhật từng mơ ước: có bài mà được chọn đăng trên Nature là có thể an tâm sống suốt đời về cả hai mặt: vinh dự và tài chính.


Cô Obokata cùng giáo sư Sasai và giáo sư Wakayama trong ngày công bố.


Về cô trưởng nhóm

Obokata Haruko sinh năm 1983 tại tỉnh Chiba. Tháng 3 năm 2006, cô tốt nghiệp ngành ứng dụng hóa học của Đại học Waseda và tiếp tục học lên bậc Cao học, sau khi tu nghiệp hai năm tại ngành y của Đại học Harvard, lấy bằng tiến sĩ vào năm 2011 cũng tại Đại học Waseda.

Obokata bắt đầu tìm cách chế tạo STAP từ lúc còn đang bậc cao học. Tháng 8 năm 2009 thì hoàn thành luận văn về STAP và mùa xuân năm 2010, cô đã gửi cho tạp chí Nature nhưng bị “chê” là không đủ tầm vóc và đang làm chuyện không tưởng. Theo một người cùng nhóm là giáo sư Kojima Hiroshi (cùng chung phòng thí nghiệm tại Đại học Harvard) thì thời gian đó, cô rất khổ tâm vì chuyện không có ai chịu hợp tác – hầu như không ai tin là cô có thể làm được chuyện “lịch sử”.

Năm 2011, trong lúc trở về Nhật thì xảy ra thảm nạn động đất vùng Tohoku (11/3/2011), việc xin visa để làm việc tại Hoa Kỳ bị chậm trễ không biết đến bao giờ mới có, cô nhớ lại giáo sư Wakayama Teruhiko lúc đó đang là trưởng nhóm nghiên cứu Vật lý – Hóa học của RIKEN (Trung tâm Nghiên cứu Vật lý & Hóa học), người đầu tiên thành công trong việc cho ra đời chuột bằng vô tính (clone) mà cô từng có lần nghiên cứu chung, có nói: “nếu thấy gì khó khăn, cứ đến phòng nghiên cứu của tôi”. Thế là cô điện thoại cho giáo sư Wakayama: “Thầy ơi, ngày mai em đến được không?” và dĩ nhiên là giáo sư Wakayama đồng ý. Khi “tái ngộ” cô ngỏ ý muốn giáo sư hợp tác trong công trình nghiên cứu tế bào STAP đang còn dang dở.

Ngày 5-8, GS Yoshiki Sasai, 52 tuổi, người hướng dẫn cho Obokata, đã được phát hiện trong tư thế treo cổ ở Trung tâm Nghiên cứu Vật lý & Hóa học RIKEN. Người phát ngôn của RIKEN xác nhận ông Sasai đã tự sát. Nhà chức trách cũng tìm thấy một bức thư tuyệt mệnh ông Sasai gửi cho Obokata.

Người phát ngôn của RIKEN cho biết cô Obokata đã sốc nặng khi nghe tin thầy mình tự sát.

Lúc đầu cho là: “chuyện không thể có”, nhưng vị giáo sư này lại thích nghiên cứu những chuyện không thể có nên ông đã nhận lời. Tưởng chỉ ở phòng thí nghiệm của giáo sư Wakayama một thời gian ngắn để chờ đi Mỹ, nhưng cuối cùng cô ở lại luôn sau một cuộc “thẩm tra năng lực” khá đơn giản của “hội đồng tuyển chọn RIKEN” và tháng 3/2012  trở thành “sếp” phòng thí nghiệm khi giáo sư Wakayama chuyển sang Đại học Yamanashi.

Đến cuối năm 2011 thì giáo sư Wakayama nhận được báo cáo: các thí nghiệm của nhóm nghiên cứu của cô Obokata đã “sinh” được một con chuột mang tế bào phát sáng màu xanh lá cây biểu hiện tính đa năng. Ngay lúc nhận được báo cáo này, giáo sư Wakayama cũng không tin và cho là sự tình cờ, may mắn. Nhưng sau đó ông cùng với cô thực nghiệm trên chuột và đã thấy được kết quả. Sau hơn hai năm điều qua chỉnh lại, ngày 29/1 nhóm của cô đã công bố phát minh vô tiền khoáng hậu.

Obokata Haruko trong phút chốc nổi danh như cồn khắp thế giới nhờ phát minh này. Truyền thông Nhật Bản “lăng-xê” cô gái trẻ Obokata thường mặc Kappo-gi (loại áo làm bếp của các bà nội trợ Nhật) trong phòng thí nghiệm còn hơn tài tử điện ảnh nổi tiếng, và nói đây là một cuộc cách mạng trong thế giới sinh học. Ai cũng nức lòng vì tin tưởng rằng con người có thể “sống dai-sống khỏe-sống hùng”. Nếu “đường đời bằng phẳng” ai cũng nghĩ giải thưởng Nobel Y khoa năm 2014 sẽ về tay nữ tiến sĩ trẻ xinh đẹp này.
 
Nhưng….


Chỉ một tháng sau, từ nhiều phía trong giới khoa học đã dấy lên những nghi ngờ vì các chuyên gia, nhà khoa học trong ngành sinh hóa đã phát hiện ra luận văn chế tạo tế bào STAP của nhóm Obokata đăng trên Nature có nhiều điểm nghi vấn như:

– Hình để chỉ sự biến hóa từ tế bào STAP lại là hình đã bị sửa đổi;

–  Dùng hình từ luận án khác không liên quan;

– Cách thí nghiệm hướng dẫn khác cách trình bày trong luận văn;

– Có khoảng 10 hàng trong luận văn trích nguyên từ một luận án khác…


Sáng 14/03/2014, Ủy Ban điều tra tổ chức họp báo…

… thì chiều cùng ngày, các đại diện của RIKEN cúi đầu xin lỗi công chúng.


“Chột dạ” vì không được nghe chính “đương sự” giải thích rõ ràng, nên ngày 10 tháng 3, giáo sư Wakayama đã đề nghị rút lại luận văn để xem xét vì ông đã không thực sự tin rằng phát minh này thành công. Tuy nhiên ông cũng “thòng” thêm một câu: phần của tôi phụ trách thì không có vấn đề, vì tôi chỉ nhận tế bào STAP từ Obokata rồi nuôi dưỡng và cấy chúng vào chuột, kết quả cho thấy các tế bào này phát triển thành các mô thần kinh và mô cơ. Tháng 2 năm ngoái, tôi đã làm theo sự chỉ dẫn của cô Obokata đứng ở ngay bên cạnh thì thành công nhưng… đó là lần duy nhất. Ông cũng cho biết, sau khi rời nhóm, chuyển sang Đại học Yamanashi, ông thể nào lặp lại kết quả tương tự cho dù Obokata đã cung cấp thêm bản hướng dẫn các bước kỹ thuật.

Ngoài ra, cũng có nhiều nhóm nghiên cứu trên thế giới than phiền là dù đã làm đúng theo cách chỉ dẫn của bản luận văn đăng trên Nature nhưng chưa lần nào chế tạo được tế bào STAP thành công cả.



“Sửa đổi”
Hai đường song song đánh dấu bằng mũi tên cho thấy ô giữa là hình được cắt dán ( đăng trên tờ Nature số 505). 
Theo Obokata là chỉ cắt dán cho… dễ nhìn, nếu dùng hình nguyên thủy thì kết quả cũng không thay đổi. 

“Ngụy tạo”
Bên trái (đăng trong tạp chí Nature), bên phải (trong luận án tiến sĩ của Obokata năm 2011. Hai hình hoàn toàn tương tự dù điều kiện thí nghiệm khác nhau). Obokata giải thích đây là sự nhầm lẫn trong việc sử dụng hình và đã điều chỉnh với RIKEN và tờ NATURE ngày 9 tháng 3.



Phân minh

Chuyện như vậy nên RIKEN không thể im lặng. Ngày 14/3 và ngày 1/4, Ủy ban Điều tra và hội đồng quản trị của RIKEN đã họp báo xin lỗi, vì đã gây phương hại đến lòng tin của người dân, của cộng đồng khoa học thế giới đối với Nhật Bản.

Về luận văn đăng trên Nature và nhóm Obokata, trưởng ban điều tra là ông Ishii Shunsuke đã cho biết: sau vài lần gặp gỡ Obokata và nhóm, những lần điều tra riêng biệt từ nhiều phía để hỏi cho ra lẽ, Ủy ban Điều tra kết luận:

– Trong sáu điểm nghi ngờ, có hai điểm bị coi là bất chính vì đã dùng hình sửa đổi và ngụy tạo.

– Cá nhân cô Obokata cố ý chủ trương chuyện bất chính này.

– Hai người cùng nhóm có “trọng lượng” nhất là giáo sư Wakayama và Sasai (người “chỉ đạo” trong việc viết luận văn và đã từng có nhiều luận văn đăng trên Nature) thì không bị kết tội bất chính nhưng bị kết tội là đã không quản lý chặt chẽ dữ liệu chính xác trước khi “công bố”, trách nhiệm cũng rất nặng nề.

– Obokata bị chỉ trích rất nặng về những hành động thiếu “đạo đức khoa học” không thể nào bao che hay tha thứ, cần phải giáo dục.
       
Phản luận

Ngay trong ngày họp báo của Ủy ban Điều tra (ngày 1 tháng 4) qua một luật sư đại diện, cô Obokata đã công bố một thông báo phản luận lại những kết tội của “Ủy ban Điều tra” và RIKEN.
Cô nói: Tôi cảm thấy thất vọng và tức giận. Đây chỉ là một lỗi lầm không ác ý, nhưng bị kết tội là “cải sửa (kaizan- 改ざん)”, “ngụy tạo (netsuzo-ねつ造). Tôi không thể chấp nhận những cáo buộc này và sẽ “thưa” RIKEN để làm cho ra lẽ. Nếu cứ để nguyên tình trạng này thì việc chế tạo tế bào STAP sẽ bị hiểu lầm là “ngụy tạo”.

* Ngày 9 tháng 4, cô chính thức “trình diện” trước dư luận. Trong nước mắt đầm đìa, cô xin lỗi tất cả mọi người liên quan vì cách làm quá “chủ quan chỉ có một mình… biết” của cô đã làm phiền nhiễu nhiều người. Ngoài những phản luận như đã trình bày ở trên, cô khẳng định như đinh đóng cột:

– “Có tế bào STAP”;

– “Đã thí nghiệm thành công 200 lần;

– “Có người trong RIKEN cũng đã thành công”;
v à 

– “Trong điều kiện cho phép sẽ cố gắng chứng minh sự hiện hữu của STAP trước bá quan văn võ”.

Cuối cùng cô yêu cầu:

– Mở lại cuộc điều tra vì cô cho là không đầy đủ;

– Chọn lại những nhân vật trong Ủy ban Điều tra, vì những nhân vật trong Ủy ban Điều tra không đủ tư cách, có vài người đã bị nghi ngờ là “cải sửa” luận văn của chính mình trong quá khứ.

Sau đó, Obokata Haruko bổ túc “hồ sơ” để chứng minh những điều mình đưa ra không phải là “cải sửa”, “ngụy tạo”. 

*Ngày 16/4, sếp trực tiếp của nhóm là giáo sư Sasai Yoshiki (52 tuổi), đã có buổi họp báo. Sau khi đùn đẩy tất cả trách nhiệm cho ông Wakayama với lý do là ông chỉ “nhập cuộc” vào giai đoạn cuối (lúc viết luận văn), nên không dám qua mặt ông Wakayama để hỏi trực tiếp Obokata về tiến trình chế tạo STAP, vì tin tưởng “Wakayama là người của thế giới” đã cùng với Obokata thí nghiệm thì làm sao mà sai trật”?

*Ngày 8 tháng 5, Ủy ban Điều tra cũng của RIKEN sau khi thay đổi một vài nhân sự đã họp báo cho biết RIKEN không mở lại cuộc điều tra vì những chứng cớ “cải sửa”, “ngụy tạo” quá rõ ràng, chẳng hạn như Obokata đã dùng những hình này trong những luận văn khác chứ không phải chỉ nhầm cho lần này, ngoài ra có muốn điều tra lại cũng không biết “đâu mà mò” vì những quyển sổ khoa học (dùng ghi chép, kết quả, tình trạng thí nghiệm v.v…) mà cô “bổ túc” không đầy đủ, rất mơ hồ, lại không ghi rõ ngày tháng… cho nên vẫn giữ nguyên kết luận như lần trước: “cải sửa”, “ngụy tạo”. Một ủy ban đã được lập ra để chờ ngày… xử tội cô.

Tuy nhiên khi trả lời câu hỏi của báo chí: “STAP có hay không có? Ủy ban Điều tra RIKEN vẫn né tránh: chuyện ngụy tạo luận văn và chuyện tế bào STAP có hiện hữu hay không là hai chuyện khác nhau. Nhiệm vụ của chúng tôi chỉ là xem xét luận văn, nhưng cho biết sẽ dừng một năm với một nhóm khoa học mà người trách nhiệm là ông Niwa Hitoshi (cùng chấp bút luận văn STAP) để xác định STAP có hay không có. 

*Ngày 13 tháng 6, một ủy ban điều tra độc lập không dính dáng gì với RIKEN đã họp báo và thẳng thừng đề nghị:

– Giải tán phòng thí nghiệm của cô Obokata,

– Phạt thật nặng những người liên quan như Obokata, Sasai, Takeichi (sếp của hai người này),

– Ủy ban độc lập đề nghị cho Obokata gia nhập nhóm nghiên cứu xem STAP có tồn tại hay không.


Phòng thí nghiệm dành riêng cho Obokata vừa được hoàn thành.


Thế thì “có hay không có”?

Qua các sự kiện như đã trình bày ở trên giữa hai phía thì ta thấy phần thắng nghiêng hẳn về phía RIKEN với những chứng cớ rất… khoa học, theo lẽ thường tình thì đường vào… khoa học của Obokata coi như “bít lối”, thế nhưng câu hỏi mọi người muốn biết nhất: “thế thì STAP có hay không có?” vẫn chưa có câu trả lời kể cả những “tai to mặt lớn” của RIKEN từng vang danh thế giới.

Nghe có vẻ như chuyện đùa, vì nếu luận văn của cô bị coi là sửa đổi, ngụy tạo thì chuyện tế bào STAP chỉ là chuyện không tưởng, tại sao RIKEN lại phải dùng một thời gian một năm để kiểm nghiệm lại “có” hay “không có”? Đây là một điều thật khó hiểu mà không ai dám giải đáp.  Cũng có “tin đồn” cho rằng sở dĩ RIKEN phải “lao vào cuộc” một phần cũng là vì nghe chính ba khoa học gia thuộc loại hàng đầu của Nhật (đứng tên chung trong luận văn STAP) là các ông Sasai Yoshiki, Wakayama Teruhiko, Niwa Hitoshi dù chủ trương phải rút luận văn và bắt đầu làm lại từ số 0….tâm sự.

“Hãy coi chuyện tế bào STAP là giả thuyết nên làm lại từ đầu, tuy nhiên sự tồn tại của nó rất cao vì vẫn chưa có phản chứng nào cho ra hồn để kết luận đó là chuyện giả dối”, giáo sư Sasai cho biết.

Có nhiều “hiện tượng” kỳ lạ về STAP mà tôi không thể giải thích, vì thế chưa có chứng cớ nào để kết luận: tế bào STAP không tồn tại, giáo sư Wakayama nói.

Chính mắt tôi thấy là khoảng hai hay ba lần Obokata đã chế tạo được tế bào STAP mà! Giáo sư Niwa nói.

Obokata đã từng đạo văn?

Vì đã bị đưa lên bàn mổ nên nhiều người tìm đọc luận văn tiến sĩ của cô Obokata đã nộp cho Đại học Waseda cách đây 3 năm thì thấy 20 trang đầu của luận văn này cô trích “nguyên con” bản văn đăng trên website của Trung tâm Nghiên cứu Sức Khỏe quốc gia Hoa Kỳ (US National Institut of Health) cùng một số hình ảnh khác lấy từ trang nhà của công ty sinh hóa Cosmos. Về cáo buộc này, trong một email gửi tạp chí The Wall Street Journal, cô Obokata nói rằng đó chỉ là bản nháp. Ngày 31 tháng 3, một Ủy ban đã được thành lập gồm hai người ngoài và ba người của Đại học Waseda để xem xét lại nội dung luận án của tiến sĩ Obokata cũng như cách “thẩm định” luận văn này của hội đồng thẩm định Waseda. Sau 3 tháng “điều tra” bằng cách tiếp xúc với chính đương sự và 20 người có liên quan, ngày 17 tháng 7, Ủy ban đã “báo cáo”:
– Có 26 vấn đề “bất chính” trong luận văn, nhưng đây là những hành vi sơ ý chứ không phải cố ý.
–  Đúng như đương sự nói, bản luận văn mà mọi người cho là đạo văn là bản nháp cô đã nộp nhầm chứ không phải bản chính,
Kết luận: hội đồng “thẩm định” luận án của Waseda đã làm việc… tắc trách, không tới nơi tới chốn và tính xác thực và hợp lý của nội dung luận văn còn thấp, nhưng vẫn không đủ yếu tố để có thể “tước” bằng tiến sĩ của Obokata được.


Sau mấy tháng loay hoay, nhóm khoa học do RIKEN thành lập vẫn chưa tìm được điều gì mới mẻ về STAP, theo đề nghị của dư luận, Ủy ban Điều tra độc lập, Bộ trưởng Bộ Giáo dục là… phải cho cô tham gia công việc chế tạo tế bào STAP mới rõ trắng đen, cuối cùng RIKEN đã đồng ý tạm quên chuyện “xử tội” Obokata về vấn đề ngụy tạo luận văn và đề nghị cho cô năm tháng để chế tạo lại STAP nhưng với những điều kiện thí nghiệm trung thực.

– Cô sẽ làm công việc nghiên cứu này một mình trong một tòa nhà biệt lập với tòa nhà của nhóm nghiên cứu khác (cũng đang làm công việc tương tự trong RIKEN tại Kobe từ tháng 4, nhưng vẫn chưa… ra ngô ra khoai gì cả).

– Sẽ đặt ba video camera để thâu cảnh cô thí nghiệm 24/24

– Lúc nào cũng có một vài người đứng cùng với cô bên cạnh vì sợ cô làm trò “ảo thuật”…

– Cửa ra vào và các máy móc để nuôi dưỡng tế bào sẽ được quản lý bằng khóa điện tử

–  Cô sẽ bắt đầu công việc này từ ngày 2 tháng 7 và chấm dứt vào cuối tháng 11. Tuy nhiên, nếu không có biểu hiện nào của sự thành công, công việc của cô sẽ bị chấm dứt.

– Cô chỉ cần làm giai đoạn một, tức là lấy tế bào bạch huyết từ chuột do RIKEN cung cấp, xong đem ngâm để kích thích bằng cái chất gì đó (vì có người nói chỉ có cô mới biết) để chế tạo tế bào STAP, còn sang giai đoạn nuôi dưỡng STAP thành tế bào gốc STAP xong cấy vào chuột thì đã có người khác phụ trách.

Vì muốn tham gia vào việc truy tìm STAP, Obokata đồng ý rút luận văn đã đăng trên Nature để làm lại từ đầu, dù trước đây nhất định không chịu và Nature đã rút lại luận văn của nhóm cô hôm 3 tháng 7.

Cũng có ý kiến phản đối cho là quá nghiêm khắc, canh giữ cô như … “tù”, tuy nhiên “đương sự” thì im lặng không thấy nói gì, ngoài mấy chữ với luật sư: “Tôi sẽ cố gắng hết mình”.

***

Ngày 2 tháng 7, sau ba tháng vắng mặt, cô đã trở lại RIKEN từ bệnh viện, nơi đang tĩnh dưỡng để bắt đầu công việc mà cô cho là đi tìm lại đứa con đã bị “định mệnh” bắt buộc rời xa. Nghe nói hôm 23 tháng 7 vừa qua, sau khi rời phòng thí nghiệm, cô bị nhóm ký giả săn tin của đài NHK theo sát  khiến phải… “chạy trốn” vào một khách sạn và định dùng thang cuốn để “thoát thân”, nhưng không thành, phải nhờ người của khách sạn “giải thoát”. Trong lúc hai bên “quơ qua quơ lại”, cổ tay của cô đã bị trật khớp, phải mất hai tuần mới “bình phục” hoàn toàn. RIKEN và luật sư của cô đã kháng nghị với đài NHK. Hôm sau, sếp của nhóm thâu tin và ba ký giả đã phải xin lỗi cô Obokata (qua luật sư) vì hình thái “thu tin” quá… đáng này…

Câu chuyện tưởng là đã tạm gác sang một bên, chỉ còn chờ kết quả, nhưng RIKEN lại gặp một vài rắc rối lẻ tẻ khác từ chính những người đang làm việc trong RIKEN vì họ không đồng ý cái cách mà họ cho là “nuông chiều Obokata” quá đáng. Họ chủ trương: trước khi cho đương sự thí nghiệm lại thì những nghi vấn về luận văn STAP phải được đương sự “giải minh”. Nhưng đã lỡ “hứa” rồi, máy móc thí nghiệm đã sẵn sàng, video camera đã… đặt xong, “người canh giữ” đã chỉ định đâu vào đấy, cô cũng đã bắt đầu thí nghiệm rồi thì làm sao mà RIKEN làm khác được? Chỉ có cách là chờ và… đợi.

Người ta tiên đoán có hai “kịch bản” có thể xảy ra:

1/ Không có STAP. Cô sẽ bị khiển trách và nhận hình phạt nặng nề về tội lừa dối, và “trước mắt chỉ thấy một chân trời tím ngắt”.

2/ Có STAP. Cô cũng sẽ bị khiển trách chút đỉnh về những điểm “mập mờ” của luận văn đăng trên Nature, nhưng đường vào khoa học của cô sẽ thênh thang rộng mở và thế giới sẽ… nhớ ơn cô mãi mãi.

Thôi chúng ta chờ nhé. Vài tháng có là bao!

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)