Cơ hội quý giá đối với ngành thiên văn Việt Nam

Trong hai thập kỷ gần đây, chúng ta đã thấy ở nhiều nơi trên thế giới bùng nổ xu hướng chính sách cho phép truy cập miễn phí các nghiên cứu khoa học, được thúc đẩy bởi tiến bộ công nghệ Internet. Bằng cách tận dụng cơ hội truy cập miễn phí như vậy, hơn một năm nay nhóm nghiên cứu của tôi đã phân tích và quan sát, sử dụng Atacama Large Millimeter/sub-millimeter Array (ALMA), thiết bị thiên văn radio tiên tiến nhất (cho đến nay), trong nỗ lực cạnh tranh với các nhóm nghiên cứu hàng đầu trên thế giới.

Năm 1999, Hội nghị Khoa học Thế giới đưa ra tuyên bố khá cô đọng: “quyền bình đẳng trong truy cập tri thức khoa học không chỉ là một yêu cầu mang tính xã hội và đạo đức vì sự phát triển con người, mà còn là yêu cầu căn bản để phát huy đầy đủ tiềm năng của các cộng đồng khoa học trên toàn thế giới và định hướng sự phát triển khoa học đáp ứng các nhu cầu của nhân loại”.

Kể từ đó, UNESCO đã và đang rất tích cực thúc đẩy quyền truy cập tri thức miễn phí, trong đó đặc biệt chú trọng tri thức khoa học (các bài tạp chí khoa học, các tham luận hội thảo, và các bộ dữ liệu) của các nghiên cứu sử dụng kinh phí công. Điều này mang lại cho Việt Nam một cơ hội quý giá trong đào tạo và nghiên cứu khoa học. Trên mọi lĩnh vực, chúng ta nay có thể tải về từ Internet những bài giảng tốt nhất và cập nhật nhất. Học viên không còn nhất thiết phải học theo những bản photocopy các tài liệu dịch từ sách giáo khoa đã lạc hậu của Mỹ hay Nga, như tình trạng xảy ra trong nhiều năm nay (ở đây tôi không nói đến những tài liệu căn bản như các cuốn vật lý lý thuyết của Landau và Lifshitz, mà chỉ bàn đến sách giáo khoa trong các lĩnh vực mà kiến thức đang phát triển rất nhanh, ví dụ như vật lý thiên văn). Chúng ta cũng không còn phải dành nhiều tiếng đồng hồ trong thư viện như trước đây để tìm kiếm tư liệu – chưa kể trước đây không phải ai cũng có may mắn được làm việc ở những nơi có kho tư liệu đủ lớn; bởi ngày nay ta có thể dễ dàng vào những kho tư liệu trực tuyến như arXiv, nơi có thể truy cập miễn phí trên một triệu bản tư liệu khoa học điện tử.

Như UNESCO khuyến nghị, quyền truy cập miễn phí không chỉ cần với các công bố khoa học, mà cả với các bộ dữ liệu. Ví dụ, CERN gần đây mở ra Cổng Dữ liệu Mở (Open Data Portal) là nơi đầu tiên cung cấp miễn phí cho công chúng dữ liệu về những va chạm proton từ các thí nghiệm tại LHC – cỗ máy gia tốc hiện đại nhất thế giới. Như vị Tổng giám đốc CERN từng phát biểu, chúng ta hi vọng rằng những dữ liệu mở này sẽ hỗ trợ và mang lại cảm hứng cho cộng đồng khoa học toàn cầu, bao gồm cả sinh viên và các nhà khoa học dân sự. Cũng đúng với tinh thần đó, tinh thần mở được chú trọng ngay từ hội nghị thành lập CERN, và đến nay các công bố khoa học của tổ chức này vẫn được truy cập và khai thác miễn phí. Tinh thần ấy sẽ tiếp tục được mở rộng khi những dữ liệu về các va chạm proton được cung cấp miễn phí trong các năm tới. Đây quả là một sáng kiến đáng biểu dương và chắc chắn sẽ là điều tuyệt vời cho mục đích giáo dục.

Kho dữ liệu ALMA – một mỏ vàng

Bằng cách tận dụng cơ hội truy cập miễn phí như vậy, hơn một năm nay nhóm nghiên cứu của tôi đã phân tích và quan sát, sử dụng Atacama Large Millimeter/sub-millimeter Array (ALMA), thiết bị thiên văn radio tiên tiến nhất (cho đến nay), trong nỗ lực cạnh tranh với các nhóm nghiên cứu hàng đầu trên thế giới. Kho dữ liệu của ALMA đúng là một mỏ vàng, điều may mắn bất ngờ mang lại sự thay đổi đột phá cho triển vọng tiềm năng nghiên cứu của chúng tôi.

ALMA là một hệ thống khổng lồ với sáu mươi ăng-ten đường kính 12 hoặc 7 m loại di động được, có đường cơ sở (baseline) tới 16 km, đặt tại độ cao 5000 m trên cao nguyên sa mạc Atacama ở Chile. Nó quan sát tại bước sóng 3 mm tới 400 μm (84 tới 720 GHz). Độ nhạy, khả năng phân giải không gian và quang phổ chưa từng có mang lại cải thiện rõ rệt so với các thiết bị đương thời khác. Nó được vận hành trên cơ sở hợp tác giữa châu Âu, Mỹ, và Nhật Bản, cùng với đóng góp từ Canada, Đài Loan, Hàn Quốc, và Chile. Mục tiêu cung cấp miễn phí các kết quả quan sát cho công chúng được thể hiện rõ trong nghị quyết thông qua bởi đại hội đồng Hiệp hội Thiên văn Quốc tế 2003:

Với nhận thức rằng các tiến bộ khoa học cần dựa trên quyền truy cập dữ liệu đầy đủ và miễn phí; rằng vì lợi ích của ngành thiên văn nói chung, kho lưu trữ dữ liệu phải phổ cập quyền truy cập một cách rộng rãi nhất, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ internet hiện nay có thể giúp thực hiện điều đó một cách tiết kiệm và hữu hiệu; rằng sự phát triển Đài quan sát Trực tuyến sẽ cho phép sử dụng kho lưu trữ như vậy một cách hiệu quả, theo đó tăng hiệu quả và thành quả khoa học của các nghiên cứu thiên văn;

Xét thấy rằng đôi khi quyền sử dụng thời gian quan sát tại các cơ sở thiết bị thiên văn quan trọng cần được hạn chế một cách cần thiết và hợp lý vì lý do về kinh phí và các nguyên do khác; rằng sau khi thu được dữ liệu từ các thiết bị này, quyền truy cập dữ liệu thường được giới hạn một cách cần thiết và hợp lý trong một giai đoạn nào đó (“giai đoạn độc quyền”, thường từ một tới hai năm) cho các nhà quan sát, sinh viên, nhà chế tạo thiết bị, hoặc một số nhóm cụ thể khác, nhằm giúp họ sau khi đầu tư thời gian và các nguồn lực cho hoạt động quan sát tại đài thiên văn sẽ có đủ cơ hội để công bố các kết quả của mình; nhưng sau giai đoạn độc quyền, trong nhiều trường hợp dữ liệu cần được đưa vào kho lưu trữ nơi công chúng được tiếp cận một cách rộng rãi hơn;

[Vì vậy] những dữ liệu thu được từ các đài thiên văn quốc gia hoặc quốc tế được tài trợ từ nguồn lực công trong giai đoạn độc quyền sẽ chỉ được cấp cho các nhà quan sát hay một số đối tượng sử dụng nhất định, nhưng sau giai đoạn độc quyền chúng cần được đưa vào kho lưu trữ nơi mọi nhà nghiên cứu thiên văn đều có thể tiếp cận qua internet. Dữ liệu nên kèm theo công cụ metadata và các thông tin hay công cụ khác để đảm bảo giá trị khoa học của chúng. Hình thức và quy trình xử lý dữ liệu có thể được bảo vệ một cách thích hợp theo luật bản quyền, nhưng không nên giới hạn việc sử dụng kho lưu trữ dữ liệu cho những mục đích chính đáng (bao gồm các mục đích giáo dục); các cơ quan cấp kinh phí nên ủng hộ và hỗ trợ để những dữ liệu từ các nghiên cứu thiên văn mà họ tài trợ được đưa vào kho lưu trữ cho công chúng tiếp cận không hạn chế, sau khi giai đoạn độc quyền dữ liệu chấm dứt.

Những quan điểm trên đây được nhất trí rộng rãi trong cộng đồng khoa học thiên văn, và nhiều công sức, tiền bạc đã được đầu tư để thực hiện đúng theo những chỉ dẫn này. Cụ thể, trong trường hợp ALMA, các dữ liệu thô đã được bộ phận chuyên trách xử lý thành hình thức phù hợp cho người sử dụng, đồng thời người sử dụng còn được cung cấp dịch vụ hỏi đáp từ bộ phận chuyên trách. Có thể nói đội ngũ ALMA đã tốn khá nhiều công sức để giúp xử lý dữ liệu cho phù hợp với nhu cầu sử dụng của công chúng. 

Nhờ vậy, dữ liệu của ALMA có thể được sử dụng rộng rãi, dù người sử dụng là những nhóm nghiên cứu hàng đầu trên thế giới, hay là những nhóm bất kỳ như nhóm của chúng tôi ở Việt Nam. Phí tổn duy nhất chỉ là phải chờ đợi sau một năm. Ở một đất nước, nơi nguồn hỗ trợ cho khoa học cơ bản, không chỉ về vật chất mà cả tinh thần, còn rất yếu, thì đây quả là một tài sản quý cần phát huy triệt để.
***
Có lẽ các nhà quản lý KH&CN và giáo dục đào tạo ở Việt Nam chưa trân trọng đúng mức giá trị của cơ hội trên; nhiều người vẫn cứ nghĩ rằng Việt Nam cần tập trung đầu tư vào trang thiết bị và cơ sở vật chất, hoặc nghĩ rằng muốn tham gia các chương trình hợp tác quốc tế thì phải trả phí rất đắt đỏ. Trong khi trên thực tế chúng ta cần đầu tư cho chất xám chứ không phải cho các công trình bê tông, hay các thiết bị nhập khẩu đắt tiền từ nước ngoài.

Như vậy, trong điều kiện việc quan sát Vũ trụ cũng hoàn toàn miễn phí, nay chính là lúc thuận lợi để khuyến khích ngành nghiên cứu thiên văn trong nước. Các nhà quản lý cần có chính sách ủng hộ công tác đào tạo, hỗ trợ các hội thảo và tài trợ hoạt động thỉnh giảng ngắn ngày đối với các nhà khoa học quốc tế hay Việt kiều. 

Hiện nay rất nhiều sinh viên được gửi ra nước ngoài làm nghiên cứu sinh thạc sỹ, tiến sỹ. Chúng ta cần tài trợ cho các dự án nghiên cứu của họ khi họ về nước để phát huy tốt nhất kỹ năng và tài năng của họ. Những dự án đó có thể rất nhỏ và không đòi hỏi mấy chi phí, nhưng nếu chúng ta đầu tư đúng chỗ thì lợi ích là rất nhiều. Còn nếu không làm được như vậy thì tài năng của họ sẽ sớm mai một và những nguồn lực đầu tư để đào tạo họ sẽ hoàn toàn bị lãng phí. Họ sẽ phải tìm thu nhập từ công việc khác, và tâm trí họ sẽ xa rời khỏi khoa học và nghiên cứu.

Tôi xin kết thúc bài viết này bằng trích dẫn từ một nhóm các nhà khoa học Mỹ liên quan tới việc xử lý lượng dữ liệu thiên văn khổng lồ (R.J. Brunner, S.G. Djorgovsky, T.A. Prince và A.S. Szalay, Cẩm nang về các bộ dữ liệu lớn, Nhà xuất bản Học thuật Kluwer, Norwell, bang Massachusetts Mỹ, 2002, t.931-979): Một sự chuyển dịch lớn đang diễn ra trong ngành khoa học thiên văn và không gian. Thiên văn học bất ngờ trở thành một lĩnh vực giàu dữ liệu, với rất nhiều thông tin số hóa về các kết quả khảo sát bầu trời trên nhiều bước sóng khác nhau […] nay chúng ta có thể lập bản đồ Vũ trụ một cách có hệ thống và đầy đủ màu sắc. Điều ấy mở đường cho những nghiên cứu khoa học mới cả định lượng và định tính […], cho phép các nhà khoa học và sinh viên ở mọi nơi, dù không được trực tiếp sử dụng các kính thiên văn cỡ lớn thì vẫn có thể tiến hành các nghiên cứu có chất lượng hàng đầu. Điều ấy sẽ tiếp thêm sinh lực cho ngành, mở ra cánh cửa tiếp cận lượng dữ liệu lớn chưa từng có cho những tài năng mới.

Thanh Xuân dịch

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)