Có thể chữa mù bằng kỹ thuật cấy ghép

Các nhà khoa học Mỹ và Anh đã phục hồi thị lực cho những con chuột bị mù bằng cách cấy tế bào cảm quang vào võng mạc của chúng. Kỹ thuật mang tính đột phá này có thể dẫn tới những biện pháp điều trị mới đối với bệnh mắt ở người.

Đây là kết quả nghiên cứu của các chuyên gia tại Viện Mắt, Viện Sức khỏe trẻ em ở London (Anh) và Đại học Y khoa Michigan (Mỹ).
Để tiến hành thử nghiệm, họ đã tạo ra những con chuột bị mù bẩm sinh bằng phương pháp gây đột biến gene. Sau đó, họ lấy tế bào ở rìa võng mạc những con chuột bình thường rồi nuôi trong ống nghiệm để chúng trở thành dạng tiền thân của tế bào cảm quang (đang ở giai đoạn cuối của quá trình biến thành tế bào cảm quang).
Khi những con chuột mù đến tuổi trưởng thành, các nhà khoa học cấy những tế bào trong ống nghiệm vào võng mạc của chuột mù. Kết quả cho thấy những tế bào được cấy đã phát triển thành tế bào cảm quang và lũ chuột có thể nhìn thấy.
“Thao tác phải rất nhanh và chính xác để không làm ảnh hưởng tới các mô xung quanh”, tiến sĩ Robert MacLaren, chuyên gia phẫu thuật mắt tại Bệnh viện Mắt Moorfields (Anh), giải thích.
Tế bào cảm quang là tế bào hình nón đặc biệt nhạy cảm với ánh sáng, nằm ở võng mạc. Sự biến mất của tế bào cảm quang là nguyên nhân dẫn tới nhiều bệnh về mắt, chẳng hạn như thoái hóa điểm vàng. Người ta cho rằng võng mạc không có khả năng tái sinh tế bào cảm quang khi chúng bị tiêu diệt.
Trước đây, nhiều nhà khoa học từng nghiên cứu khả năng cấy tế bào gốc – loại tế bào có khả năng phát triển thành mọi loại tế bào trong cơ thể – vào võng mạc với hy vọng chúng sẽ phát triển thành tế bào cảm quang. Tuy nhiên, các công trình đó đều thất bại.
Nhóm của tiến sĩ MacLaren thực hiện nghiên cứu trên sau khi phát hiện ra rằng những tế bào nằm ở rìa võng mạc có nhiều đặc tính giống tế bào gốc. Do đó, chúng có thể được “lập trình” để trở thành dạng tiền thân của tế bào cảm quang.
Các nhà khoa học tin rằng trong tương lai không xa, việc cấy ghép dạng tiền thân của tế bào cảm quang vào võng mạc để chữa bệnh mù ở người sẽ trở thành hiện thực.
“Kỹ thuật cấy dạng tiền thân của tế bào cảm quang giúp chúng tôi biết cách khôi phục võng mạc khi nó bị tổn thương. Trong tương lai, chúng ta thậm chí còn có thể làm được điều đó với những bộ phận khác trong hệ thần kinh trung ương”, giáo sư Anand Swaroop, thuộc Đại học Y khoa Michigan và là một thành viên trong nhóm nghiên cứu, phát biểu.

Việt Linh (theo Healthday)

Tác giả