Coi nhẹ nghiên cứu cơ bản và tùy hứng
Tập đoàn CN Than-Khoáng sản (TKV) đang đứng trước một đòi hỏi khách quan là phải phát triển theo chiều sâu trên cơ sở phát triển khoa học, công nghệ và áp dụng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến. Đó là giải pháp duy nhất của Vinacomin trong tình trạng hiện nay để giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo vệ được môi trường, đảm bảo an toàn và thu nhập cao cho người lao động.
Những thành tích
Thời gian qua, việc lần đầu tiên ở VN đưa vào áp dụng thành công lò hơi tầng sôi tuần hoàn (CFB) cho một loạt các nhà máy nhiệt điện chạy than đã giúp mỏ Na Dương không phải đóng cửa, tiêu thụ được than Khánh Hoà có hàm lượng lưu huỳnh cao, cho phép tận dụng các loại than chất lượng thấp (nhiệt năng dưới 3000 kcal/kg) để phát điện, đánh dấu một bước phát triển trong lĩnh vực phát điện của VN theo hướng nâng cao hiệu suất nhiệt và giảm thiểu phát thải gây ô nhiễm. Loại lò hơi này trong năm 2009 đã đạt được kỷ lục ở VN về số giờ vận hành liên tục hơn 8000 h/năm và trong 6 tháng đầu năm 2011 cũng đã vận hành liên tục hơn 4000h. Đây là thành tích KHCN nổi trội nhất không chỉ của TKV mà của cả ngành năng lượng VN.
Cùng với lò hơi CFB, lần đầu tiên ở VN đã áp dụng thành công công nghệ làm mát nhà máy điện bằng tháp cưỡng bức trong điều kiện khí hậu nhiệt đới, độ ẩm không khí cao. Công nghệ tháp làm mát đã cho phép xây dựng nhà máy điện ở cả những nơi không có nguồn nước lớn. Công nghệ tháp làm mát trong thực tế đã cho phép tăng gấp đôi công suất thiết kế của các nhiệt điện Na Dương, Cao Ngạn, Sơn Động.
Việc sử dụng rộng rãi kết cấu thép thay cho kết cấu bê tông ở các dự án điện đã góp phần tiết kiệm chi phí đầu tư và rút ngắn đáng kể thời gian thi công.
Thật khó hình dung được ngành điện lực của Vinacomin nếu không áp dụng thành công ba công nghệ đột phá nêu trên trong các dự án nhà máy điện.
Trong khai thác than hầm lò: bên cạnh những bất cập và ấu trĩ trong việc áp dụng cơ giới hoá đồng bộ Vinaalta (giàn chống thủy lực tự hành, kết hợp máy khấu liên hợp) với chi phí rất cao, nhưng hiệu quả rất thấp, thì việc các mỏ hầm lò tự áp dụng rộng rãi sơ đồ công nghệ cơ giới hoá từng phần, áp dụng phương pháp chống lò chợ bằng cột chống thủy lực, khung giá thủy lực đã rất thành công (chi phí thấp, áp dụng rất rộng rãi, dễ triển khai, mang lại hiệu quả cao), và đặc biệt đã góp phần làm giảm tới 75-85% chỉ tiêu tiêu hao gỗ chống lò trong khai thác than.
Trong khai thác lộ thiên: việc đầu tư thiết bị khai thác công suất lớn đã giúp các mỏ đều đạt và vượt công suất thiết kế. Ngoài ra, việc đầu tư thiết bị cho khâu làm đường mỏ tuy đơn giản, ít tốn kém, nhưng đã mang lại hiệu quả cao. Tình trạng kỹ thuật của hệ thống đường vận tải chính trong các mỏ ngày càng được hoàn thiện, đã làm tăng tốc độ vận hành của xe cơ giới, làm tăng năng suất thiết bị. Giải pháp này chiếm tỷ trọng ít nhất 30% trong việc nâng cao năng suất của khâu xúc-bốc-vận tải đất đá và than.
Trong thăm dò địa chất, các năm gần đây đã áp dụng thành công và có hiệu quả lớn công nghệ khoan lấy mẫu bằng ống luồn. Công nghệ này đã cho phép nâng cao tỷ lệ mẫu, giữ được gần như nguyên trạng mẫu, và đặc biệt đã nâng cao đáng kể năng suất khoan (tới hơn 600m/tháng).
Trong thông gió mỏ: việc áp dụng các loại quạt gió công suất lớn (cả quạt cục bộ và quạt gió chính có đường kính cánh quạt lớn) kèm theo hệ thống biến tần, tiêu âm, đổi chiều v.v. phù hợp đã cải thiện đáng kể tình trạng thông gió của mỏ hầm lò và nâng cao hiệu quả của các trạm quạt.
Trong các khâu phụ trợ cũng có nhiều thành tích như: vấn đề băng tải hóa các tuyến vận tải than của các mỏ hầm lò đã được các mỏ áp dụng tương đối rộng rãi và phù hợp; việc áp dụng các biến tần, khởi động mềm, PLC trong các hệ thống truyền động điện đã nâng cao độ ổn định, nâng cao tuổi thọ của thiết bị, giảm tiêu hao điện năng; việc áp dụng tời chở người ở đường lò dốc trong mỏ đang mở ra một hướng phù hợp hơn so với mono ray v.v.
Những hạn chế
Những năm gần đây hoạt động khoa học công nghệ của Vinacomin vừa rất coi nhẹ công tác nghiên cứu cơ bản vừa tùy hứng, và không tuân theo một chương trình dài hạn có mục tiêu.
Có hai lý do: về mặt chủ quan, các cơ quan duy nhất có chức năng “viện” không duy trì được cán bộ nghiên cứu có trình độ; về mặt khách quan, việc triển khai các đề tài nghiên cứu rất mờ nhạt không mang lại lợi ích kinh tế, trong khi việc “năng động” chạy dự án để buôn bán thiết bị hay “liên doanh” với nước ngoài thực hiện các dịch vụ tư vấn đang rất có lãi và được hưởng chênh lệch lớn. Điển hình là việc áp dụng các giàn chống cơ giới hoá Vinaalta đã không mang lại hiệu quả kinh tế như mong muốn, việc đầu tư băng tải ống Mạo Khê đang bị biến tướng để phục cho các nhóm lợi ích.
Ngoài ra việc tự dối mình và tự lừa phỉnh bản thân đã và đang là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trình độ kỹ thuật của ngành khai thác khoáng sản (đặc biệt là lĩnh vực khai thác than hầm lò và tuyển khoáng) của Vinacomin so với thế giới đang dừng lại ở mức độ những năm 50 của thế kỷ trước.
Những vấn đề cần tập trung nghiên cứu trong thời gian tới
Phát triển ngành công nghiệp hoá than nhằm nâng cao giá trị và giá trị sử dụng của than. Với việc phát triển và hoàn thiện các công nghệ trong lĩnh vực hóa than (như CTG, CTL, CTO v.v.) hiện nay thế giới coi than chính là “tương lai” của ngành năng lượng, có thể cạnh tranh và thay thế ngành công nghiệp hóa dầu. Đó là việc cần được ưu tiên hàng đầu.
Việc tự dối mình và tự lừa phỉnh bản thân đã và đang là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trình độ kỹ thuật của ngành khai thác khoáng sản (đặc biệt là lĩnh vực khai thác than hầm lò và tuyển khoáng) của Vinacomin so với thế giới đang dừng lại ở mức độ những năm 50 của thế kỷ trước. |
Khai thác lộ thiên: Để tăng hệ số bốc đất kinh tế và kéo dài sự tồn tại của các mỏ lộ thiên, cần áp dụng công nghệ vận tải bằng tời trục ở các mỏ lộ thiên và nghiên cứu một cách bài bản về ổn định bờ mỏ để giảm hệ số bốc. Thay vì đầu tư phòng thí nghiệm về than tự cháy, Vinacomin cần khôi phục lại phòng thí nghiệm vật liệu tương đương (đã bị Viện KHCN bán sắt vụn) và nhanh chóng thiết lập phòng thí nghiệm mô hình số hóa để phục vụ cho nghiên cứu ổn định bờ mỏ lộ thiên.
Khai thác hầm lò: Cần thay đổi một cách cơ bản tư duy và cách làm về cơ giới hoá khai thác hầm lò, chấm dứt những dự án đắt tiền kém hiệu quả như Vinaalta, ưu tiên đầu tư theo hướng phù hợp với điều kiện mỏ-địa chất của VN (đối với lò chợ dài- cơ giới hoá từng phần, đối với lò chợ ngắn- cơ giới hoá đồng bộ). Đồng thời cần nghiên cứu một cách cơ bản và có hệ thống về áp lực mỏ. Xem xét lại các sơ đồ chuẩn bị lò chợ đào lò trong đá và đào theo hướng.
Lĩnh vực phát điện: Cần đảm bảo chất lượng ổn định của than cấp cho các nhà máy điện và giải quyết triệt để vấn đề bãi thải xỉ của các nhà máy nhiệt điện Cẩm Phả và Cao Ngạn. Nếu không giải quyết triệt để, Vinacomin sẽ phải đóng cửa hai nhà máy này chỉ sau vài ba năm nữa.
Lĩnh vực khoáng sản: Nâng cao chất lượng (hàm lượng) của các sản phẩm khoáng sản (chì, ilmenhit- trên 55%; sắt, zirco- trên 65%, alumina- trên 98%) và luyện kim (đồng, thiếc, kẽm, phải đạt 99,99%). Ngoài ra, cần áp dụng đúng các qui chuẩn về thiết kế và vận hành các bãi thải quặng đuôi của các nhà máy tuyển quặng (khác bãi thải đất đá của các mỏ lộ thiên).
Thăm dò địa chất: Cần ưu tiên nghiên cứu áp dụng công nghệ khoan định hướng để tiến tới áp dụng công nghệ khí hóa than ngầm dưới lòng đất trong khai thác than ở đồng bằng sông Hồng.
Phát triển nguồn lực: Cần cập nhật kịp thời thông tin về các tiến bộ KHCN của thế giới cho cán bộ lãnh đạo của tập đoàn; biên soạn các giáo trình tập huấn nâng cao trình độ bắt buộc cho kỹ sư và giám đốc mỏ; hoàn thiện các giáo trình đào tạo thợ.
***
Có thể nói muốn phát triển, tập đoàn Than- Khoáng sản cần chấm dứt chìm đắm trong giấc mơ xuất khẩu than và khoáng sản, sớm thức tỉnh để nâng cao trình độ và tư duy kỹ thuật, đầu tư theo chiều sâu, lấy việc hoàn thiện công nghệ làm con đường phát triển chính để bù đắp cho xuất khẩu khoáng sản.
———————————
(*) Nguyên trưởng ban Chiến lược và KHCN của TKV.