Con người đang đẩy một triệu loài đến bờ vực tuyệt chủng

Một báo cáo toàn diện về tình trạng của hệ sinh thái toàn cầu do Liên Hợp Quốc tài trợ công bố vào ngày 6/5/2019 cho thấy, hoạt động nông nghiệp là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với các hệ sinh thái trên Trái đất.


Báo cáo về tình trạng hệ sinh thái toàn cầu cho thấy hoạt động của con người và biến đổi khí hậu đã làm thay đổi nhiều môi trường sống, chẳng hạn như những rặng san hô. Ảnh: The Ocean Agency/XL Catlin SEaview Survey

Hội đồng mang tên “Nền tảng chính sách khoa học liên chính phủ về đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái” (IPBES) thực hiện báo cáo, trong đó chỉ ra có tới một triệu loài thực vật và động vật phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng vì hoạt động của con người trong nhiều thập kỷ qua. Hiện tỷ lệ tuyệt chủng của chúng đã cao gấp hàng chục đến hàng trăm lần so với mức trung bình trong suốt mười triệu năm qua. Nếu không có những hành động quyết liệt để bảo tồn môi trường sống của các loài động thực vật, thì tỷ lệ tuyệt chủng này sẽ tiếp tục tăng lên. 
Hội đồng IPBES đã phân tích các kết quả của gần 15.000 nghiên cứu và báo cáo của chính phủ, kết hợp thông tin từ các ngành khoa học tự nhiên và xã hội, cư dân bản địa và cộng đồng nông nghiệp truyền thống. Đây được xem là đánh giá quốc tế quan trọng đầu tiên về đa dạng sinh học kể từ năm 2005. Đại diện của 132 chính phủ đã họp vào tuần trước tại Paris để hoàn thiện và phê duyệt kết quả phân tích.
Theo báo cáo của IPBES (sẽ được phát hành đầy đủ vào cuối năm nay), khoảng 75% đất đai và 66% diện tích đại dương đã bị thay đổi đáng kể bởi con người, phần lớn là do sản xuất lương thực. Các hoạt động trồng trọt và chăn nuôi hiện đang sử dụng hơn 33% diện tích đất bề mặt và 75% tài nguyên nước ngọt.
Các hoạt động nông nghiệp cũng là một trong những nguồn lớn nhất gây ra phát thải khí nhà kính, chúng chiếm khoảng 25% tổng lượng phát thải bởi việc sử dụng phân bón và chuyển đổi các khu vực như rừng nhiệt đới để trồng trọt hoặc chăn nuôi gia súc. Theo phân tích của IPBES, các mối đe dọa nông nghiệp đối với các hệ sinh thái sẽ chỉ tăng lên khi dân số thế giới tiếp tục gia tăng.
Những mối đe dọa lớn nhất tiếp theo đối với thiên nhiên đến từ việc khai thác các loài động thực vật bao gồm thu hái, săn bắt và đánh bắt thủy sản; vấn đề ô nhiễm và sự lây lan của các loài xâm lấn. Báo cáo của IPBES cho thấy mật độ trung bình của các loài thực vật, động vật và côn trùng bản địa đã giảm ít nhất 20% trong hầu hết các hệ sinh thái quan trọng kể từ năm 1900 bởi các loài xâm lấn. 
Báo cáo rút ra mối liên hệ chặt chẽ giữa mất đa dạng sinh học với biến đổi khí hậu. Ước tính 5% tất cả các loài có nguy cơ tuyệt chủng khi Trái đất nóng lên trên mức tiền công nghiệp khoảng 2°C – một ngưỡng mà thế giới có thể chạm đến trong vài thập kỷ tới. Trái đất có thể mất 16% các loài nếu nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng hơn 4,3°C. Những thiệt hại như vậy đối với các hệ sinh thái sẽ làm suy yếu các nỗ lực giảm đói nghèo và thúc đẩy phát triển bền vững trên thế giới. 
Theo báo cáo, thế giới có thể đảo ngược cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học này nhưng sẽ cần các chính sách môi trường chủ động, hoạt động sản xuất thực phẩm và các tài nguyên khác theo hướng bền vững, đồng thời cần một nỗ lực phối hợp để giảm phát thải khí nhà kính.
Peter Bridgewater, một nhà sinh thái học tại Đại học Canberra nói rằng mặc dù báo cáo của IPBES là cơ sở vững chắc về mặt khoa học, nhưng có lẽ hội đồng cần nghiên cứu nhiều hơn nữa để đưa ra các giải pháp thiết thực cho chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng.
Bất chấp những thiếu sót đó, báo cáo của IPBES sẽ giúp thiết lập chương trình nghị sự khi các chính phủ đàm phán về những mục tiêu bảo tồn mới trong thập kỷ tới tại Công ước Liên Hợp Quốc về đa dạng sinh học vào năm 2020, ông Brooks nhận xét. “Sau đó, chúng ta phải thực thi chúng trên tất cả các lĩnh vực của xã hội. Đó là lúc chúng ta sẽ thấy sự thay đổi.”□
Thanh An dịch
Nguồn: https://www.nature.com/articles/d41586-019-01448-4

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)