Công nghệ tái chế túi plastic thành nhiên liệu
Tạp chí Công nghệ chế biến nhiên liệu (Fuel Processing Technology) vừa đưa tin các nhà khoa học Mỹ đã nghiên cứu thành công một công nghệ mới có thể tái chế các loại túi plastic thành dầu diesel, khí đốt, dung môi, xăng, sáp, dầu bôi trơn cơ khí v.v…
Nhóm Sharma đạt được kết quả nói trên sau hai năm nghiên cứu. Họ sử dụng một quá trình công nghệ gọi là phân hủy ở nhiệt độ cao (pyrolysis), khi ấy các túi plastic được nung nóng trong một buồng đốt không có khí oxygen.
Hằng năm toàn thế giới thải bỏ nhiều chục tỷ túi plastic đựng hàng khi mua sắm, trong đó chỉ có 1/8 được tái chế. Túi plastic chẳng những gây ô nhiễm các đại lục mà còn gây ô nhiễm biển. Các nhà nghiên cứu cho biết thậm chí hiện nay túi plastic đã xuất hiện tại những vùng không có người cư trú như ở Bắc Cực và Nam Cực. Quá trình tự phân hủy túi plastic cần thời gian 1.000 năm. Bởi vậy tái chế túi plastic đã qua sử dụng là một vấn đề cực kỳ quan trọng đối với việc bảo vệ môi trường sống của loài người và các sinh vật trên trái đất.
Trước đây đã có các nhà khoa học nghiên cứu việc chuyển hóa túi plastic thành dầu thô, nhưng Đại học Illinois chính là nơi nghiên cứu thành công việc chuyển hóa túi plastic thành dầu diesel và nhiều sản phẩm khác.
Sharma nói, nhóm của ông đem trộn 30% dầu diesel chuyển hóa từ túi plastic với dầu diesel phổ thông có lượng sulfur cực thấp, kết quả loại dầu này đem lại hiệu quả sử dụng tốt hơn.
Cứ khoảng 8 pound (khoảng 3,6kg) túi plastic có thể tái chế được 1 gallon (3,7 lít) dầu thô. Như vậy 1 triệu tấn túi plastic có thể cho ta 4 triệu thùng dầu thô, trị giá khoảng 400 triệu USD. Hiện nay toàn thế giới hằng năm sử dụng hơn 1.000 tỷ túi plastic, riêng nước Mỹ dùng khoảng 1 tỷ cái.
Ngoài ra túi plastic cũng là một nguồn dự trữ tiềm tàng để làm ra sợi carbon và ống nano carbon.
Nguyễn Hải Hoành dịch