Công nghệ trong nước chưa hấp dẫn doanh nghiệp

Hằng năm, Bộ KH&CN triển khai nhiều chương trình cấp quốc gia và cấp bộ, nơi xuất phát của nhiều đề tài nghiên cứu mang lại những sản phẩm được làm ra ở quy mô phòng thí nghiệm. Trong đó, nhiều quy trình, giải pháp đã được đăng ký bảo hộ độc quyền với Cục Sở hữu trí tuệ, sẵn sàng chờ doanh nghiệp liên hệ, song trên thực tế không có nhiều doanh nghiệp mặn mà với những kết quả nghiên cứu này.


Trong một buổi làm việc với Tia Sáng, Phó Tổng giám đốc Traphaco phụ trách R&D Nguyễn Huy Văn chia sẻ, “các nhà khoa học thường chỉ mới có ý tưởng ban đầu”. Lời bộc bạch của ông Văn phản ánh một tồn tại của khoa học Việt Nam: phần lớn kết quả nghiên cứu từ các đề tài ứng dụng đều chưa phải là công nghệ hoàn chỉnh ở mức có thể triển khai trực tiếp vào thực tiễn sản xuất kinh doanh.

Nhận định về thực trạng này, tại hội thảo về sửa đổi, bổ sung Luật Chuyển giao công nghệ tổ chức vào cuối tháng ba vừa qua, đại diện công ty ô tô Trường Hải, PGS. TS Phạm Xuân Mai, từng nhiều năm làm công tác nghiên cứu và giảng dạy tại trường ĐH Bách khoa TP.HCM và 10 năm làm việc cho doanh nghiệp, lý giải “công nghệ được chuyển giao từ nhà sản xuất chuyên nghiệp khác hoàn toàn với công nghệ được chuyển giao từ nhà nghiên cứu”. Với cách tư duy của doanh nghiệp, việc đi mua công nghệ từ nước ngoài bao giờ cũng an toàn hơn khi có thể áp dụng ngay vào sản xuất. Đồng tình với quan điểm này, GS. TS Hồ Sĩ Thoảng, nguyên Tổng giám đốc Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) nêu ví dụ, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam có hoàn thành nghiên cứu về chất hoạt động bề mặt có khả năng tăng cường thu hồi dầu nhưng làm xong bỏ đó. Dù hoạt chất này cũng rất cần cho hoạt động khai thác dầu khí nhưng Petrovietnam không dám đầu tư thêm để hoàn thiện sản phẩm bởi “sản phẩm phải dùng được mới dám mua”, mà thực tế thì “không ai dám mạo hiểm cả”.

Như vậy, dù các kết quả nghiên cứu của trường đại học hay viện nghiên cứu trong nước có ưu điểm là giá cả thấp hơn công nghệ quốc tế nhưng lại phải mất thời gian thử nghiệm quãng 5, 7 năm và thường kèm theo rủi ro. Trước những sức ép cạnh tranh trên thị trường, “doanh nghiệp không thể kiên nhẫn chờ đợi, chưa kể không chắc chắn vào khả năng thành công”, ông Mai giải thích.

Trên thực tế, việc hoàn thiện quy trình công nghệ, để có thể sản xuất hàng loạt, làm ra sản phẩm trên quy mô công nghiệp mà chất lượng vẫn được đảm bảo là điều nằm ngoài khả năng của các nhà nghiên cứu Việt Nam trong rất nhiều trường hợp. TS Trần Việt Hùng, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, ngậm ngùi, vì thiếu kinh phí trang trải cho các công đoạn sản xuất thử nghiệm, hoàn thiện quy trình nên đề án có tốt mấy vẫn chỉ kết thúc ở khâu nghiệm thu tại các hội đồng khoa học. Để giải quyết vấn đề này, ông Hùng đề xuất, trong đợt sửa đổi Luật Chuyển giao công nghệ lần này, ban soạn thảo cần chú ý đưa vào luật những ràng buộc, khuyến khích các bên liên quan ứng dụng kết quả nghiên cứu trong nước hoặc sau đó hướng đến ban hành những chế tài, thông tư hướng dẫn để thực thi tốt việc thúc đẩy thương mại hóa.

Quan điểm trên đã nhận được sự tiếp thu và đồng tình từ ban soạn thảo Luật Chuyển giao công nghệ. Theo bà Đỗ Bích Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Đánh giá, thẩm định và Giám định công nghệ (Bộ KH&CN), thành viên ban soạn thảo, thì Điều 40 về thương mại hóa kết quả nghiên cứu và phát triển công nghệ được tạo ra bằng ngân sách nhà nước của Luật CGCN đã được tập trung sửa đổi, bổ sung, trong đó có quy định trách nhiệm của tổ chức chủ trì trong việc báo cáo ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, nếu tổ chức chủ trì không thực hiện, đại diện chủ sở hữu nhà nước sẽ giao quyền sở hữu và quyền sử dụng cho tổ chức khác có nhu cầu. Đồng thời đối với những tổ chức, cá nhân thực hiện dự án khởi nghiệp công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN sẽ được ưu tiên giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tạo ra từ ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, tất cả những thuận lợi trên đây chỉ mang lại hiệu quả thực tiễn khi bản thân các doanh nghiệp có tinh thần chủ động tìm kiếm, đặt hàng các nhà nghiên cứu, sáng chế trong nước. Vì vậy, cần có nhiều hơn nữa những mô hình năng động, linh hoạt như của Traphaco, đó là một mặt đặt hàng và trả thù lao tương xứng để tạo động lực cho các nhà nghiên cứu, sáng chế trong nước (Traphaco cho biết họ trả phí bản quyền cho tác giả tương ứng với 3% doanh thu sản phẩm cho tới khi nào sản phẩm còn tồn tại trên thị trường) mặt khác tự xây dựng bộ phận R&D của doanh nghiệp đảm trách việc hoàn thiện quy trình công nghệ từ các khâu điều chỉnh công thức, liều lượng thành phần, đưa thêm các tá dược phù hợp, v.v.
 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)