COVID-19: Thế giới phải làm gì lúc này?

Cuộc “hành quân” toàn cầu của COVID-19 đang bắt đầu được nhìn nhận là khó có thể ngăn chặn.

Hàn Quốc đang tìm cách kiểm soát cơn bùng phát dịch bệnh. Nguồn: NYT

Chỉ trong tuần trước, một cơn bùng phát trên diện rộng đã lan ở Iran, tăng thêm các ca nhiễm ở Iraq, Oman, và Bahrain. Italy đặt 10 thành phố ở phía bắc vào tình trạng đóng cửa sau khi virus nhanh chóng lan truyền ở đây. Một người Ý đã mang con virus này từ Tenerife, Tây Ban Nha, và Áo, Croatia bắt đầu thông báo những ca nhiễm bệnh đầu tiên của mình. Trong khi đó, cơn bùng phát ở Hàn Quốc đang được chính quyền cố gắng kiềm chế và Nhật Bản thông báo thêm những ca mới trong quá trình cách ly người trên con tàu du lịch nổi tiếng.

Con virus này có thể được lan truyền một cách bí mật trên nhiều quốc gia, ở nhiều vùng miền. Một nhóm nghiên cứu về mô hình tại Imperial College London đã ước tính khoảng 2/3 các trường hợp đã bị nhiễm  từ Trung Quốc.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn tránh sử dụng từ “đại dịch” để miêu tả cơn khủng hoảng đang không ngừng gia tăng hiện nay, để nói về “dịch bệnh ở những vùng khác nhau trên thế giới.” Nhưng nhiều nhà khoa học cho biết, bất chấp những gì được đề cập đến, cơ hội cho chính sách ngăn chặn hiện tại đã đóng lại.

Christopher Dye, một nhà dịch tễ học tại trường đại học Oxford, “Dường như chủng virus này đã trốn thoát khỏi Trung Quốc và đang truyền đi khắp thế giới. Hiện tại tôi càng cảm thấy bi quan hơn về việc chúng ta có thể kiềm chế chúng”. Tại Mĩ, “sự phá vỡ nhịp sống hàng ngày có thể dẫn đến những thứ rất tồi tệ,” Nancy Messonnier, người phụ trách nhiệm vụ ứng phó coronavirus tại trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), đã cảnh báo vào ngày 25/2/2020. “Chúng ta đang đề nghị người dân Mỹ cùng chuẩn bị cho những gì sẽ tới, có thể là rất tệ”.

Dye và những người khác nói, đây là thời điểm để nhìn nhận lại ứng phó của y tế công cộng. Từ trước đến giờ, các nỗ lực đều tập trung vào chính sách ngăn chặn: làm chậm lan truyền virus trong nội địa Trung Quốc, giữ cho nó khỏi “sổ lồng” sang nước khác và khi các bệnh nhân băng qua các biên giới, việc truy dấu bất cứ ai mà họ từng tiếp xúc và cách ly những người đó cần mất hai tuần. Nhưng nếu con virus SARS-CoV-2 này đã ra đến toàn cầu, các lệnh cấm đi lại có thể sẽ ít hiệu quả hơn là đảm bảo giới hạn dịch bệnh và giảm bớt tác động của nó, dù chúng ở đâu – ví dụ, bằng việc đóng cửa các trường học, chuẩn bị bệnh viện hoặc tập trung vào dạng cách ly khắc nghiệt như đang thực hiện tại các thành phố lớn của Trung Quốc.

“Các biện pháp ngăn ngừa ở biên giới sẽ không hiệu quả hoặc thậm chí xấu hơn, và sẽ tập trung vào phòng ngừa ở cộng đồng cho đến khi có một vaccine đủ chất lượng”, theo đánh giá của Luciana Borio, một cựu chuyên gia về an toàn sinh học tại Hội đồng An ninh quốc gia Mĩ, hiện tại là chủ tịch công ty đầu tư tài chính phi lợi nhuận In-Q-Tel. “Vấn đề lúc này là phải giữ cho hệ thống y tế hoạt động hiệu quả và không gây tâm lý căng thẳng cho người dân,” Alessandro Vespignani, một nhà mô hình lây nhiễm dịch bệnh tại trường đại học Northeastern. “Phạm vi [ảnh hưởng] của nó tương đương với một đợt cúm mùa tồi tệ hoặc có lẽ còn xấu hơn thế”.

Đầu tuần, tổng số các ca lây nhiễm là hơn 80.000 và 2705 người chết—97% là ở Trung Quốc; Mỹ cách ly bất cứ ai đã ở Hồ Bắc và từ chối cho nhập cảnh bất cứ ai đã từng ở Trung Quốc suốt hai tuần. Nhiều quốc gia đã tăng thêm lệnh hạn chế đi lại với Hàn Quốc và Iran.

Sự hạn chế đi lại đã có hiệu quả nhất định, các nhà khoa học cho biết. “Nếu không đặt lệnh hạn chế đi lại thì có thể còn có nhiều trường hợp nhiễm bệnh liên quan đến việc di chuyển hơn bây giờ,” Anthony Fauci, người phụ trách Viện nghiên cứu Dị ứng và các bệnh truyền nhiễm quốc gia Mĩ, nói.

Nhưng nhiều nhà dịch tễ học đã tuyên bố là việc cấm đi lại chỉ đem lại một ít lợi thế về thời gian, và WHO không đồng ý với họ. Nếu suy xét vấn đề kỹ hơn có thể thấy lệnh cấm có thể phản tác dụng, ví dụ ảnh hưởng đến dòng chảy cung cấp thiết bị y tế, thuốc men và làm xói mòn lòng tin của công chúng. Và khi danh sách các quốc gia có người nhiễm bệnh gia tăng, lệnh cấm đi lại sẽ trở nên khó có hiệu lực hơn: nếu như đã có hàng ngàn người trong đất nước bị nhiễm bệnh thì sẽ còn không nhiều nguồn lực để giữ cho những người còn lại khỏi lây nhiễm trong thời gian dài. Các lệnh cấm đi liền với chi phí. Nền kinh tế Trung Quốc đã phải đón nhận một cú đánh mạnh của COVID-19, ví dụ như ngành công nghiệp hàng không. Trung Quốc xuất khẩu rất nhiều hàng hóa, từ các loại dược phẩm đến điện thoại thông minh, và tình trạng tê liệt của nền sản xuất là nguyên nhân gây ra các vấn đề hiện hữu của chuỗi cung ứng trên quy mô lớn.

“Thật khó về mặt chính trị và thậm chí là không khôn ngoan nếu nới lỏng lệnh cấm đi lại ngay vào ngày mai,” nhà miễn dịch học ở đại học Harvard Marc Lipsitch nói. “Nhưng trong một tuần, nếu  tiếp tục diễn biến như vài ngày trước, tôi nghĩ rõ ràng lệnh cấm đi lại không còn là biện pháp đối phó chính nữa.”

Các nỗ lực ngăn chặn ở quy mô nhỏ hơn vẫn sẽ phát huy hiệu quả, Bruce Aylward của WHO, người đang phụ trách một nhiệm vụ quốc tế ở Trung Quốc trong hai tuần qua, cho biết. Aylward đã thảo luận vấn đề trong một báo cáo (nhưng không thông báo công khai), nhóm chuyên gia kết luận dịch bệnh ở Trung Quốc đã đạt đỉnh trong những ngày từ 23/1 đến 2/2 và quốc gia này đã triển khai những nỗ lực quyết liệt ở Hồ Bắc, nơi ít nhất 50 triệu người đã bị phong tỏa, tạo điều kiện cho các vùng khác có thời gian chuẩn bị sẵn sàng trực chiến với virus và về cơ bản đã ngăn ngừa “có lẽ khoảng hàng trăm nghìn” trường hợp nhiễm bệnh. “Thật quan trọng để các quốc gia khác nghĩ về điều đó và nghĩ về việc liệu họ áp dụng biện pháp  nào – có nhất thiết phong tỏa toàn phần hay không hay thực hiện giải pháp khắt khe tương tự.”

Các cư dân của Casalpusterlengo, một thành phố nhỏ của Ý đang bị phong tỏa. Nguồn: Sciencemag

Lệnh cấm đi lại của Trung Quốc khiến từng cá nhân phải trả giá, theo Lawrence Gostin, chuyên gia về chính sách y tế toàn cầu tại Trung tâm Luật học của đại học Georgetown. Ông đặc biệt lo ngại về sức khỏe tâm thần và thể chất của những người ở Hồ Bắc, những người phải ở nhà dưới sự  giám sât chặt chẽ và đối mặt với những thiếu thốn về dịch vụ y tế. “Khó có quốc gia nào trên thế giới làm được điều đó, trừ Trung Quốc,” ông nói (lệnh đóng cửa của Ý chỉ thực hiện với các thành phố nhỏ chứ không phải các thành phố lớn).

Trung Quốc đang bắt đầu một cách từ từ, gỡ dần lệnh cấm trong các khu vực có mức rủi ro thấp hơn, nơi có thể có một số lượng lớn người bị phơi nhiễm, Dye nói. “Nếu cuộc sống thường nhật được phục hồi ở Trung Quốc, chúng ta có thể chờ đợi một sự trỗi dậy mới của dịch bệnh,” ông cho biết thêm.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận hiệu quả của lệnh cấm, Lipsitch nói. Nó giúp giảm gánh nặng cho các bệnh viện và đem cơ hội tốt hơn cho những người làm y tế có thể tạm lơi việc để lo cho sức khỏe của mình, nhiều thời gian hơn cho mọi người kịp chuẩn bị, cũng như nhiều thời gian hơn cho kiểm nghiệm các loại thuốc tiềm năng có thể điều trị và trong thời gian dài là vaccine.

Để chuẩn bị cho những gì đang tới, các bệnh viện có thể dự trữ các trang thiết bị về hô hấp và tăng thêm giường bệnh. Tập trung hơn vào sử dụng các vaccine chống cúm và nhiễm khuẩn phế cầu có thể giúp giảm bớt gánh nặng của các bệnh về phổi lên hệ thống y yế và giúp dễ nhận diện các ca nhiễm COVID-19, vốn có chung nhiều triệu chứng tương tự nhau. Các chính phủ có thể ra các thông điệp về tầm quan trọng của rửa tay thường xuyên và ở nhà nghỉ ngơi nếu bị ốm.

Bất kể phần còn lại của thế giới làm gì, “điều cần thiết là hành động ngay bây giờ”, Aylward nói. Ông hi vọng các quốc gia khác sẽ học hỏi được nhiều từ Trung Quốc. “Bài học lớn nhất là: tốc độ triển khai là tất cả,” ông nói. “Và anh nên biết những gì tôi lo ngại nhất không? Phần còn lại của thế giới có học được bài học này không?”

Thanh Phương  lược dịch

Nguồnhttps://www.sciencemag.org/news/2020/02/coronavirus-seems-unstoppable-what-should-world-do-now

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)