Cung chờ cầu

Có một nhận xét bên lề phiên chợ công nghệ và thiết bị cấp quốc gia năm nay, đại ý: gần 10% là mới (chưa phân tích giá trị ứng dụng thực tiễn), trên 15% là cải tiến công nghệ cũ. Số còn lại đều là những công nghệ và thiết bị đã từng "bày" nhiều lần ở các Techmart trước. Không biết nhận xét đó có xác đáng không.

Đi chợ tìm ý tưởng
Đối với nhiều doanh nghiệp, Techmart Vietnam 2007 có một lý do để hấp dẫn họ: đó là nơi có thể giúp họ nảy sinh những ý tưởng mới mà nếu không đến đây chưa chắc họ đã nghĩ ra.
Giám đốc Công ty TNHH Kỹ thuật Việt Nam, ông Lê Văn Đức nói rằng ban đầu ông tham gia Techmart với tư cách là cung cấp các công nghệ do chính mình chào mời. Nhưng khi trực tiếp có mặt ở chợ, kể cả ở kỳ Techmart hai năm trước, ông chợt nhận ra rằng ở đó đã cho mình nhiều điều, nhiều câu trả lời hay ít ra cũng là những gợi ý. Nói cách khác, nếu gặp may, những người nghiên cứu khoa học đến chợ và sau đó thì tóm được những ý tưởng “tâm đầu ý hợp” đến mức có thể giải quyết được những bế tắc đối với một công trình đang ấp ủ nào đó, kể cả những ý tưởng về ứng dụng hoặc chuyển giao như thế nào cho mới hơn, hiệu quả hơn.
Câu chuyện về bộ ổn áp tiết kiệm xăng nhãn hiệu Dragon do Đài Loan sản xuất có mặt tại Techmart Vietnam 2007 có thể minh họa cho ý kiến của ông Đức. Sản phẩm nằm lọt trong bàn tay này được giới thiệu là có tác dụng chính là khống chế nguồn nhằm ổn định hệ thống điện xe, làm cho các xú – páp và hộp số nhạy bén hơn dẫn đến tiết kiệm 20% nhiên liệu. Có hai câu hỏi đặt ra. Thứ nhất, nếu sự có mặt của Dragon là hợp lý thì công nghiệp ô tô có thể bị đe dọa đến doanh thu bán hàng. Thứ hai, nếu Dragon chỉ đơn giản là sản phẩm được thổi phồng để phục vụ lợi ích thương mại, thì ý tưởng của nó vẫn không phải tồi, và “bài toán” để duy trì chất lượng, hiệu suất vận hành của một sản phẩm động cơ với một cái giá phải chăng vẫn đang chờ các nhà sáng chế ở phía trước.
Có bao nhiêu người như ông Đức, đến Techmart với hy vọng tìm kiếm gợi ý cho những sáng tạo công nghệ mới của mình trong tương lai? Điều này thì cả những người tổ chức gian hàng cũng không trả lời được. Có những gian hàng cả ngày chẳng có khách viếng thăm.

Chợ mới hàng cũ

Dây chuyền giết mổ gia cầm công suất 500 con/giờ của Khoa Cơ khí công nghệ (ĐH Nông Lâm- TPHCM)

Trước khi khai mạc Techmart Vietnam 2007, Bộ KH&CN đã xét chọn và quyết định hỗ trợ kinh phí ăn, ở, đi lại, vận chuyển thiết bị, dây chuyền mẫu, mặt bằng gian hàng cho 16 nhà sáng chế là công nhân, nông dân và người lao động có cải tiến, sáng tạo ra các công nghệ, thiết bị giải quyết được một số vấn đề thực tế nảy sinh trong lao động sản xuất tại địa phương. Danh sách này do Sở KH&CN các tỉnh, thành phố đề nghị và được các phương tiện thông tin đại chúng phát hiện giới thiệu trong nhiều năm qua. Tiêu chí để lựa chọn nhà sáng chế quần chúng là người chưa tốt nghiệp phổ thông trung học, có những sản phẩm công nghệ, thiết bị đã được xã hội chấp nhận. Một số sản phẩm đáng chú ý như: máy tuốt hồ tiêu công suất 700kg/giờ; máy tách hạt ngô công suất 250-300 kg/giờ; máy cắt, đập liên hợp, hoạt động trên tất cả các địa hình ruộng nước, năng suất cao gấp 40 lần so với lao động chân tay… đã không còn là những sản phẩm mới trên thị trường.
Thiết bị cuộn gạc dẫn lưu, một sản phẩm của Cty Cổ phần y tế Danameco, dành cho yêu cầu cải tiến chất lượng các ca phẫu thuật. Trong khi sản phẩm gạc dẫn lưu của nước ngoài có giá thành rất đắt thì chiếc máy này, giá chỉ khoảng 3 triệu đồng nhưng hiệu quả lại gấp 10 lần so với thao tác thủ công, là một trong những minh họa điển hình về đặc điểm của các sản phẩm được trình diễn tại Techmart Vietnam 2007: công nghệ mới chỉ tốn công nghiên cứu chứ chưa hẳn đòi hỏi nhiều về kinh phí đầu tư. Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Danameco, ông Nguyễn Văn Hoa cho biết: quan điểm của công ty là luôn đổi mới công nghệ để tạo ra sản phẩm mới đạt tiêu chuẩn cao nhưng có giá thành hạ. Rất hiệu quả, và rất thực tế. Tuy nhiên rất lạ là ở trang web của đơn vị này hoàn toàn không xuất hiện bất cứ thông tin nào liên quan đến sản phẩm này.
Có phải vì vẫn còn những doanh nghiệp chưa tận dụng Internet nên những phiên chợ như thế này có lý do để họp? Không hẳn như vậy. Trưởng phòng Tiếp thị bán hàng của Trung tâm Viễn thông quốc tế khu vực 3, ông Nguyễn Quang Sĩ cho rằng mỗi kênh thông tin có những ưu điểm khác nhau. Còn Giám đốc Công ty Sông Thu (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng), đại tá Hà Sơn Hải thì cho rằng có chợ thì chúng ta có thể nhìn được, sờ được và người ta giới thiệu cho chúng ta rất rõ ràng. Cho nên chợ vẫn là cơ hội cho tất cả các doanh nghiệp quan tâm đến công nghệ.

Có cần tính toán lại hiệu quả?

Ông Tạ Bá Hưng, Giám đốc Trung tâm Thông tin KH&CN Quốc gia, Phó ban thường trực ban tổ chức Techmart Vietnam 2007 cho biết: Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên đã phối hợp hỗ trợ cho các viện, các trường, các doanh nghiệp trong nước tiếp cận được nhu cầu cần mua công nghệ và thiết bị ở các địa phương này, theo cái cách mà họ sẽ toàn quyền chọn lựa những gì phù hợp với điều kiện thực tế của miền Trung. Còn người cung cấp cũng chú trọng đến “chất” hơn.
So với lần trước (tổ chức ở TP.Hồ Chí Minh), Techmart Vietnam 2007 giảm gần 60 đơn vị tham gia, số lượng gian hàng cũng ít hơn so với lần trước gần 170 gian hàng. Trong khi đó số lượng các đơn vị nước ngoài tham gia hội chợ lại tăng gần gấp đôi, chủ yếu từ các doanh nghiệp Trung Quốc.
Để phục vụ Techmart Vietnam 2007, cuối tháng 7/2007 Sở KH&CN TP.HCM đã tổ chức chuyến khảo sát thực tế tại một số tỉnh miền Trung (Đà Nẵng, Phú Yên và Quảng Nam) về việc tìm hiểu nhu cầu công nghệ và thiết bị của các đơn vị, doanh nghiệp. Kết quả qua khảo sát đã tập hợp 251 công nghệ, thiết bị có nhu cầu, trong đó thành phố Đà Nẵng là chủ yếu với 227 đơn đặt hàng. Con số này là nhiều hay ít? Nhiều một cách đáng ngạc nhiên đối với một nền công nghiệp gia công của một địa phương như Đà Nẵng. Nhưng lại quá ít so với một số địa phương phía Nam trong kỳ hội chợ trước.
Ví dụ trên vừa phản ảnh một phần nhu cầu và trình độ ứng dụng khoa học kỹ thuật ở mỗi vùng miền, vừa cho thấy còn một khoảng cách không nhỏ trong quan hệ giữa “3 nhà” (khoa học, quản lý và sản xuất).

Những dấu ấn Techmart Vietnam 2007

* Tại Techmart Vietnam 2007 đã có gần 1.000 bản ghi nhớ và hợp đồng được ký kết, trong đó có 235 bản ghi nhớ và hợp đồng được ký kết chính thức với tổng trị giá gần 700 tỷ đồng. Ngay trong ngày đầu tiên hợp đồng giữa Xí nghiệp cơ khí Quang Trung (Ninh Bình) với Công ty Công nghệ thông tin Nha Trang để cung cấp nhóm thiết bị nâng hạ (01 cẩu chân đế 120 tấn, Lk=10,5m, tầm với 15 – 55m) trị giá 108,7 tỷ đồng đã tạo nên những hiệu ứng tích cực.

* Gây ấn tượng nhất là hợp đồng trọn gói Trung tâm phay CNC 3 (trục ký hiệu BKMECH-VMC65) của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho Tập đoàn Rorze Robotech (Nhật Bản) trị giá 150.000 USD. Đây là hệ thống dây chuyền phục vụ gia công các sản phẩm công nghiệp với số lượng lớn, có yêu cầu độ chính xác và tự động hóa cao. Cũng cần nói thêm Rorze Robotech là một trong những doanh nghiệp hàng đầu thế giới về sản xuất robot dành cho công nghiệp điện tử. Giá thành của Trung tâm phay CNC 3 chỉ bằng 60 – 80% so với hàng ngoại nhập nhưng chất lượng tương đương. Hiện mỗi năm VN có nhu cầu nhập khẩu khoảng 1,5 tỷ USD các máy móc, thiết bị CNC có tính năng tương tự nên triển vọng đối với sản phẩm này rất lớn.

*Liên quan đến những thành tựu được ghi nhận tại Techmart Vietnam 2007, Bộ Khoa học và Công nghệ đã trao bằng khen cho 27 đơn vị có đóng góp tích cực cho thành công của Techmart VN 2007, 17 đơn vị và 12 cá nhân là những “tác giả chân đất” có sản phẩm tiêu biểu. Ban tổ chức đã trao Cúp vàng Techmart VN 2007 cho 72/167 công nghệ, thiết bị thuộc các lĩnh vực cơ khí chế tạo máy, tự động hóa, nông nghiệp – thuỷ sản, y tế – dược và hóa chất – vật liệu – môi trường tham gia xét thưởng.
Sinh viên Đà Nẵng quan tâm sản phẩm máy tra cứu thông tin của Khoa CN-TT (ĐH Duy Tân).

Đỗ Phước Tiến

Tác giả