Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu

"22 triệu người ở Việt Nam có thể bị ảnh hưởng bởi nước biển đang dâng và nguy cơ thiên tai" – đó là cảnh báo của UNDP trong báo cáo Phát triển con người của UNDP, công bố cuối tháng 11 vừa qua.

 
Báo cáo năm nay của UNDP – mang tên “Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu – đoàn kết nhân loại trong một thế giới phân cách” – dành hơn một nửa trong số 390 trang cho chủ đề biến đổi khí hậu. “Trong 15 năm qua, Việt Nam đã có tiến bộ vượt bậc về phát triển con người… Tuy vậy, biến đổi khí hậu gây ra mối đe dọa thật sự đối với những thành tựu này, và không đâu nghiêm trọng hơn khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” – báo cáo nêu rõ.
Dẫn theo Tuổi trẻ, sự biến đổi khí hậu đã “làm xói mòn thành tựu” của Việt Nam trong chỉ số phát triển con người (HDI). Dựa trên số liệu năm 2005, thể hiện Việt Nam đã đi một bước dài trong cải thiện tuổi thọ của người dân, xếp thứ 56 so với 83 trong báo cáo năm ngoái. Số người đi học ở tiểu học, trung học và đại học gia tăng, giúp Việt Nam lên hai bậc, từ 123 lên 121. Hai chỉ số còn lại cũng cho thấy mức độ cải thiện ở Việt Nam còn chậm so với các nước khác: tỉ lệ biết chữ ở người lớn của Việt Nam xếp thứ 57, tụt một bậc so với 56 trong báo cáo năm ngoái, GDP tính trên đầu người Việt Nam giảm xuống vị trí 122 từ vị trí 118 năm 2004.
Ông Christophe Bahuet – phó giám đốc quốc gia UNDP – cho biết từ khi báo cáo Phát triển con người ra đời năm 1990 đến nay, vị trí của Việt Nam liên tục được cải thiện, và trong nhiều lĩnh vực Việt Nam đi trước nhiều nước có thu nhập cao hơn nhưng có thể tăng chỉ số HDI bằng cách tăng thu nhập và đầu tư chất lượng hơn cho giáo dục.
Báo cáo cũng đưa ra một chỉ số khác là chỉ số đói nghèo của con người ở các nước đang phát triển, gọi tắt là HPI-1. Việt Nam xếp thứ 36/177 do sự thiếu hụt trầm trọng về sức khỏe theo tỉ lệ số người dự tính không thể sống qua tuổi 40 (Việt Nam xếp thứ 76), tỉ lệ mù chữ ở người lớn (82), số người không tiếp cận được nguồn nước được cải thiện (54) và tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi thiếu cân so với tuổi (107).

Bản báo cáo đặc biệt nhấn mạnh tới tầm quan trọng của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu: Băng tan làm mực nước biển dâng lên nhanh chóng. Nếu nhiệt độ Trái đất tăng thêm 3 – 40C, 330 triệu người sẽ phải di dời tạm thời hay vĩnh viễn do lũ lụt. Hơn 70 triệu người Bangladesh, 6 triệu người ở vùng đồng bằng thấp của Ai Cập. Các quốc đảo nhỏ ở Thái Bình Dương và vùng Caribe có thể bị thiệt hại hết sức nghiêm trọng. Nước biển ấm lên cũng sẽ sinh ra những cơn bão nhiệt đới mạnh hơn. Với hơn 344 triệu người hiện đang đối mặt với nguy cơ bị ảnh hưởng bởi các xoáy thuận nhiệt đới, các cơn bão mạnh hơn có thể gây thiệt hại nặng nề cho một nhóm nhiều quốc gia. Có một tỷ người hiện sống ở các khu nhà ổ chuột đô thị, trên các triền đồi có nguy cơ bị sạt lở hay bên các bờ sông luôn bị ngập lụt đang đối mặt với những nguy cơ bị tổn thương nghiêm trọng. Biến đổi khí hậu sẽ hủy hoại những nỗ lực quốc tế trong cuộc chiến chống đói nghèo. Trong tương lai, biến đổi khí hậu có thể sẽ chặn đứng và đẩy lùi thành quả mà biết bao thế hệ đã dày công xây dựng nên không chỉ trong việc giảm tỷ lệ nghèo cùng cực mà còn trong y tế, dinh dưỡng, giáo dục và các lĩnh vực khác.
Ông John Hendra – điều phối viên thường trú của LHQ tại Việt Nam – cho rằng Việt Nam đang chịu hệ quả của việc tăng nhiệt độ: “Viễn cảnh biến đổi khí hậu làm tăng mực nước biển có thể được người dân London hoặc vùng hạ Manhattan bình thản đón nhận do họ có hệ thống đê bao kiên cố, nhưng đối với những nơi như Bangladesh, ĐBSCL tại Việt Nam, hoàn toàn có cơ sở cho rằng đây là mối hiểm họa đáng lo ngại”.
Dẫn lời của Mục sư Luther Kinh: “Tiến bộ của nhân loại không phải tự dưng mà có và cũng không phải là một điều đương nhiên. Giờ đây, chúng ta đang đối mặt với thực tế là ngày mai cũng chính là ngày hôm nay. Chúng ta đang đối mặt với một tình huống hết sức khẩn cấp của ngày hôm nay. Trong bài toán nan giản này của cuộc sống và lịch sử, chúng ta thấy một vấn đề là có lúc mọi việc trở nên quá muộn màng… Chúng ta có thể kêu gào một cách vô vọng để thời gian ngừng trôi, song con tàu thời gian đâu có để ý đến
tiếng cầu cứu, van xin nào, nó cứ lao đi một cách vội vã. Trong đống ngổn ngang hài cốt và tàn dư của nhiều nền văn minh nổi lên một dòng chữ đầy nuối tiếc: quá muộn mất rồi” Song bản báo cáo của UNDP vẫn khẳng định: “Chúng ta có thể – và phải – giành được thắng lợi trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu”.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)