Cuộc đua tìm urani

Các hoạt động thăm dò Urani đã bắt đầu được khởi động lại sau 20 năm lãng quên trong “mùa đông hạt nhân”, bắt đầu bằng tai nạn tại nhà máy điện hạt nhân Three Mile Island (1979) ở Mỹ và thảm họa Chernobyl (1986) ở Liên Xô. Giờ đây, từ Australia đến Namibia, từ Cadắcxtan đến Mông Cổ và cả ở Canada, tất cả đang lao vào cuộc tìm kiếm nguồn tài nguyên quí hiếm này với mục tiêu: cần phải có đủ nguồn nhiên liệu để cung ứng cho các nhà máy điện nguyên tử.

Theo các chuyên gia năng lượng nguyên tử, hiện nay trên thế giới có 3 dạng trữ lượng tài nguyên Urani. Thứ nhất là nguồn tài nguyên chắc chắn khai thác được ước tính khoảng 3,34 triệu tấn và có thể khai thác với giá tối đa 130USD/kg. Thứ hai là nguồn tài nguyên suy đoán, khoảng 2,13 triệu tấn, là nguồn Urani mà về mặt địa chất học người ta cho rằng có tồn tại và việc khai thác có thể thực hiện được. Cuối cùng là nguồn tài nguyên bán phần hoặc chưa được phát hiện, nhưng người ta biết rằng nó tồn tại trong lòng đất. Nguồn trữ lượng này ước tính khoảng 2,8 triệu tấn. Ngoài ra còn có khoảng 7,8 triệu tấn mà các nghiên cứu cho thấy có sự tồn tại và chưa kể những khu vực hoàn toàn chưa được thăm dò. Đối với nguồn tài nguyên này, các nhà địa chất cần phải xác định rõ hơn trong những năm tới. Như vậy, tổng số trữ lượng tài nguyên Urani trên thế giới có thể lên đến 16 triệu tấn.
Tạp chí Uranium 2007, Cơ quan Năng lượng nguyên tử (NEA) thuộc Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OCDE) cũng đánh giá rằng trữ lượng tài nguyên Urani toàn cầu có thể khai thác ước tính khoảng 5,5 triệu tấn, chưa kể 10 triệu tấn mà các nhà địa chất học ước tính ở những khu vực được xác định là có mỏ Urani. Theo Georges Capus, Phó Chủ tịch phụ trách thị trường, khai thác và làm giàu Urani thuộc tập đoàn Areva, nếu so sánh con số 5,5 triệu tấn với mức tiêu thụ hằng năm hiện nay của các nhà máy điện, khoảng 70.000 tấn, thì nguồn trữ lượng này có thể đảm bảo cung ứng cho các nhà máy điện trên thế giới trong vòng 80 năm nữa. Còn sau đó? Theo nhận định của các chuyên gia, mặc dù các rào cản kỹ thuật và tài chính hiện nay chưa thể cho phép khai thác nhiều Urani, nhưng vẫn có hàng triệu tấn còn đang nằm trong các mỏ phốt phát và hàng tỉ tấn ẩn chứa trong các đại dương.
Các số liệu do những người ủng hộ nguyên tử đưa ra hiện nay đang khiến các nhà bảo vệ môi trường hoài nghi. Ngoài giá thành đắt đỏ của các nhà máy điện hạt nhân, việc quản lý chất thải, các nguy cơ rủi ro, hoặc xu hướng phổ biến vũ khí quân sự, các nhà môi trường viện dẫn sự hiếm hoi của nguồn tài nguyên này để đề nghị ngừng phát triển các chương trình điện hạt nhân.


Một mỏ uranium ở Australia

Trữ lượng tài nguyên Urani toàn cầu có thể khai thác ước tính khoảng 5,5 triệu tấn, chưa kể 10 triệu tấn mà các nhà địa chất học ước tính ở những khu vực được xác định là có mỏ Urani. Nguồn trữ lượng này có thể đảm bảo cung ứng cho các nhà máy điện trên thế giới trong vòng 80 năm nữa.

Kể từ khi nền công nghiệp hạt nhân bắt đầu khởi động, khoảng 2 triệu tấn Urani đã được sản xuất, trong đó một số mỏ ở Canada cho khoảng 200 kg Urani trong 1 tấn đất đá, Urani khai thác từ thiên nhiên chỉ chiếm hơn nửa lượng nguyên liệu cần thiết cho các nhà máy điện, 45% còn lại được chuyển đổi từ nguồn Urani sử dụng trong quân sự của Nga và Mỹ, cũng như từ các nguồn dự trữ của các công ty điện lực lớn. Một khối lượng lớn nguyên liệu hiện đang sử dụng đều đang ở giai đoạn gần hết thời hạn sử dụng.
Theo các chuyên gia thuộc Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), trữ lượng tìm thấy hiện nay cũng đủ để đáp ứng nhu cầu đến năm 2030, ngay cả trong trường hợp số lượng nhà máy điện hạt nhân tăng gần gấp đôi con số 443 hiện nay. Chính vì vậy, nguồn Urani không phải là rào cản sự phát triển các nhà máy điện hạt nhân mới. Nhưng theo Yves Cochet, Nghị sĩ Đảng Xanh của Pháp, cũng như khí đốt và dầu lửa, nhiên liệu không tái sinh, trữ lượng Urani có hạn không thể là cơ sở để ta nghĩ đến việc khởi động hàng loạt dự án điện hạt nhân, nhất là trong trường hợp những mỏ dễ nhất thì đã được khai thác từ lâu rồi.
Bản thân ông Georges Capus cũng công nhận trong tương lai, việc khai thác sẽ khó khăn hơn nhiều. Không thể đi dạo với máy thăm dò để tìm kiếm mỏ Urani như trước kia nữa, dù vẫn còn những miền đất “hứa” với nguồn trữ lượng nguyên vẹn, nhưng việc khai thác sẽ không dễ dàng. Đó là khu vực Cận đông Nga, miền đất gần Bắc Cực của Canada, một số nước châu Phi, Trung Á, lưu vực Amazon ở Brazil… Tuy nhiên, nếu các cuộc thăm dò mới được khởi động, hoạt động ở các mỏ đang khai thác sẽ phải ngưng lại hoặc tiến hành với tốc độ chậm hơn.


1 kg Uranium = 35 triệu kg than đá

Hơn nữa, việc khai thác các mỏ Urani cũng gặp nhiều khó khăn do chi phí tăng cao. Đó là chưa kể công tác đào tạo chuyên gia địa chất, khoan thăm dò và để có thể tiếp cận các mỏ Urani cũng phải cạnh tranh khắc nghiệt hơn. Thời kỳ mà các hãng phương Tây độc quyền khai thác đã qua rồi. Các nước sản xuất giờ đây muốn ra giá cao nhất đối với nguồn tài nguyên của họ. Năm 2007, Areva mất độc quyền khai thác ở Nigiê, tập đoàn này mất thêm 1 năm cạnh tranh với Canada và Trung Quốc, để có thể đạt được hợp đồng khai thác mỏ Imouraren ở nước này. Thêm vào đó, những khó khăn kinh tế và tài chính khiến ngày càng nhiều doanh nghiệp bị xáo trộn hoặc bị sáp nhập như tập đoàn Areva (mỏ, nhiên liệu, lò phản ứng, tái xử lý); các công ty xây dựng lò phản ứng (Toshiba-Westinghouse); các công ty khai thác mỏ lâu đời (BHP Billiton, Rio Tinto) và cả các tập đoàn điện. Việc giá Urani tăng vọt lên đến 130 USD/livre (0,5kg) Urani thời kỳ 2006- 2007 đã khiến hàng loạt các công ty môi giới nhỏ mọc lên như nấm, ước tính có đến 700 công ty kiểu này. Nhưng sau khi giá hạ xuống mức 50USD thì rất nhiều trong số chúng đã biến mất. Khủng hoảng tài chính hiện nay khiến một số dự án bị ngưng lại, nhưng những người ủng hộ vẫn rất lạc quan về tương lai… xán lạn của năng lượng nguyên tử. 
                       Theo Le Monde

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)