“Da số hóa” giúp chân tay giả cũng có xúc cảm
Các nhà khoa học Mỹ đã nghiên cứu làm ra được một loại “da số hóa” (Digital Skin) có thể mô phỏng xúc giác của da người rồi truyền cảm giác đó lên não. Công nghệ này hiện nay có thể áp dụng cho các thiết bị điện tử mang trên người, về lâu dài, có thể ứng dụng cho những người không may bị mất lớp da trên cơ thể mình.
“Da số hóa” chia hai lớp, lớp ngoài là bộ truyền cảm (sensor) làm từ plastic và ống nano carbon, rất dai và có tính đàn hồi. Khi sensor bị ép nén, kết cấu của ống nano carbon sẽ biến đổi khiến cho mạch điện lớp bên trong phóng ra xung điện tử; lực nén càng lớn thì tần số xung điện càng cao.
Các nhà khoa học dùng chuột làm thí nghiệm, kết quả đã thành công khi dùng xung điện tử kích thích hệ thần kinh của chuột.
Loại “da số hóa” này có thể phân biệt được độ nặng/nhẹ mà bàn tay phải chịu, lại còn truyền được cảm giác nặng/nhẹ đó cho não bộ. Đối với người lắp chân tay giả, loại da này có thể làm cho chân tay giả của họ có xúc cảm như thật.
Giáo sư hóa học Bao Zhenan ở Đại học Stanford, người phụ trách nhóm nghiên cứu, nói, loại da nhân tạo mà họ làm ra có thể cảm nhận được lực đè lên da của một hạt thóc, một hạt muối, một con bướm. Sau đây nhóm sẽ nghiên cứu chế tạo loại sensor có thể cảm nhận được nhiệt độ, cảm giác đau.
Kết quả nghiên cứu nói trên đã được đăng tại tạp chí Science.
Nguyên Hải dịch
Nguồn: http://www.bbc.com/news/science-environment-34539056
(Visited 1 times, 1 visits today)