COVID-19 khiến trẻ sơ sinh kém phát triển

Theo một nghiên cứu mới, những đứa trẻ 6 tháng tuổi, sinh năm 2020 trong đại dịch COVID-19, phát triển kỹ năng vận động và kỹ năng xã hội chậm hơn so với những đứa trẻ sinh ra trước đại dịch.

Cụ thể, các nhà nghiên cứu đã so sánh điểm phát triển của 227 trẻ sơ sinh trong thời đại dịch (sinh ra tại các bệnh viện ở New York) với điểm phát triển của 62 trẻ sinh ra 2 năm trước đại dịch ở thời điểm 6 tháng tuổi.
Trong cả hai nhóm, khi trẻ 6 tháng tuổi, các bà mẹ trả lời một bài kiểm tra gồm 30 câu hỏi đánh giá các kỹ năng vận động, giao tiếp, giải quyết vấn đề và quan hệ cá nhân – xã hội của trẻ sơ sinh – ví dụ trẻ sơ sinh có quay đầu về phía có tiếng ồn lớn hay không, hay có thường xuyên lẫy không – để từ đó xác định điểm phát triển của trẻ.

Hai nhóm trẻ khác nhau về mặt nhân khẩu học (bao gồm giới tính của trẻ, tuổi thai khi sinh; tuổi, chủng tộc, dân tộc, trình độ học vấn và những lần mang thai trước của người mẹ), nhưng nhóm nghiên cứu cho biết đã tinh chỉnh để tính đến những khác biệt này.
Kết quả, các kỹ năng vận động cũng như điểm số quan hệ cá nhân – xã hội (đánh giá qua các hành vi như kêu khi thấy mình trong gương hay tương tác với những người xung quanh) ở trẻ sinh từ tháng 3/2020 đến tháng 12/2020 thấp hơn đáng kể so với trẻ sinh ra trước đại dịch. Các kết quả đăng trên tạp chí JAMA Pediatrics ngày 3/1.
Điểm số phát triển thấp nhất xuất hiện ở nhóm trẻ sinh ra từ có mẹ trải qua ba tháng đầu của thai kỳ trong giai đoạn cao điểm đầu tiên của đại dịch ở TP New York (từ ngày 7/3 đến ngày 6/4 năm 2020). Nhóm nghiên cứu cho biết kết quả này cho thấy sự căng thẳng của người mẹ trong giai đoạn đầu thai kỳ ảnh hưởng lớn hơn đến hành vi xã hội của trẻ, so với căng thẳng ở giai đoạn sau của thai kỳ; kết quả này nhất quán với các nghiên cứu trước đây. Nghiên cứu viên chính Dani Dumitriu, bác sĩ nhi tại Đại học Columbia,dự đoán, ngoài các yếu tố trong thai kỳ, mức độ căng thẳng của cha mẹ khi sinh con trong đại dịch cũng có thể ảnh hưởng đến trẻ.
“Đây không phải là những khác biệt lớn, chỉ là sự thay đổi nhỏ về điểm số trung bình giữa các nhóm,” theo Dumitriu, “nhưng cần lưu ý đến những thay đổi nhỏ này vì ở cấp độ dân số, nó có thể tác động đáng kể đến sức khỏe cộng đồng.” Ngoài ra, với cá nhân mỗi trẻ sơ sinh, sự chậm phát triển thần kinh nhẹ này không nhất thiết dự đoán khả năng phát triển lâu dài. “Khi mới 6 tháng, trẻ sơ sinh cực kỳ dễ uốn nắn – não bộ của chúng có thể quay trở lại quỹ đạo phát triển thần kinh bình thường,” Dumitriu nói.
Tuy nhiên có một số lưu ý, chẳng hạn như việc các bà mẹ có thể báo cáo sai lệch về khả năng của con mình, và nhìn chung rất khó đánh giá sự phát triển ở trẻ 6 tháng tuổi, cho dù sử dụng phương pháp nào.
Nhóm Dumitriu cũng tìm thấy một kết quả đáng khích lệ: Nhiễm COVID-19 trong thời kỳ mang thai không ảnh hưởng đến những đứa trẻ được sinh ra. Trong nhóm trẻ sinh ra trong đại dịch, không có sự khác biệt về sự phát triển thần kinh giữa 114 trẻ sinh ra từ những bà mẹ nhiễm COVID-19 trong khi mang thai và 141 trẻ sinh ra từ những bà mẹ không nhiễm COVID-19. Kết quả này trái ngược với các kết quả nghiên cứu khác trước đây.
Nhưng một số nhà khoa học nghi ngờ phát hiện này. “Nghiên cứu này không phải là bằng chứng cho thấy COVID-19 không có hại cho sự phát triển của trẻ sau này. Do đó vẫn cần thiết phải tiêm phòng khi mang thai,” Wood nói.
Một số ý kiến khác ủng hộ nghiên cứu mới. “Đây là một ví dụ hay về ‘nghiên cứu khoa học đáp ứng’ – giải quyết các câu hỏi trong thế giới thực càng nhanh càng tốt. Và nhược điểm là những kết luận chưa thể đầy đủ hoàn toàn”, Tom O’Connor, nhà tâm lý học tại Đại học Rochester, người nghiên cứu về căng thẳng trước khi sinh và ảnh hưởng của căng thẳng đối với trẻ em, nói. Nhưng nghiên cứu này đã nêu bật một thực tế quan trọng, chúng ta cần suy nghĩ về những rủi ro từ đại dịch từ nhiều góc độ hơn, chứ không chỉ là khả năng gây bệnh của virus, theo O’Connor.
Thuyết  Xuân

Tác giả