Đại học – một hạt nhân của quá trình chuyển đổi số

Yêu cầu cấp bách nhất mà Công nghiệp 4.0 [1] đặt ra cho Việt Nam không phải là đổi mới công nghệ mà là đào tạo nhân lực.

Công việc không mất đi, mà chỉ chuyển đổi

Trong một nghiên cứu thực hiện năm 2017 tại 46 quốc gia (chiếm hơn 90% GDP toàn cầu), McKinsey đã đưa ra dự báo từ 400 triệu đến 800 triệu người trên thế giới sẽ mất việc làm dưới tác động của tự động hóa và AI2. Tuy nhiên, nếu nhìn lại lịch sử các cuộc CMCN trước đây, trong ngắn hạn thị trường lao động sẽ bị ảnh hưởng, tỷ lệ thất nghiệp có thể gia tăng, nhưng sau đó là sự phục hồi và phát triển của thị trường lao động. Vì vậy, có thể nói các cuộc CMCN không tạo ra “job loss” mà thực tế tạo ra “job transformation”. Cũng theo báo cáo trên, từ 75 triệu đến 375 triệu lao động trong số bị mất việc trên có thể phải chuyển đổi ngành nghề, và học thêm những kỹ năng mới. 

Trong một nghiên cứu khác được thực hiện 2017, Gartner chỉ ra rằng, việc ứng dụng AI sẽ làm mất đi 1,8 triệu việc làm, trong khi lại tạo ra 2,3 triệu việc làm mới trong 20203. Các việc làm mới này có thể trong bản thân ngành CNTT để phát triển và tối ưu các hệ thống AI (chuyên gia dữ liệu – data scientists), cũng như các ngành nghề mới có được do kết quả ứng dụng AI đem lại. 

Qua các báo cáo phân tích trên có thể thấy rằng, CN4.0 tạo ra một sự thay đổi mạnh mẽ trong cơ cấu lao động, và qua đó tác động mạnh đến giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực. Các ngành nghề phổ thông sẽ dần bị thay thế, trong khi dù việc làm mới sẽ nảy sinh, nhưng lại đặt yêu cầu rất cao về trình độ lao động, với nhiều kỹ năng mới, phức tạp hơn, và cũng thay đổi nhanh chóng hơn. Chính vì vậy, đào tạo nguồn nhân lực đứng trước sức ép nặng nề của sự thay đổi. Sản phẩm đầu ra là người lao động, ngoài việc phải được trang bị các kiến thức chuyên môn nghề nghiệp, còn cần phải được trang bị đầy đủ các kỹ năng số (digital skils) cần thiết để thích ứng với CN4.0. Về cơ bản, các kỹ năng số này bao gồm kỹ năng về sử dụng máy tính, và internet, nhưng nó cần bao gồm cả kỹ năng tự học để nâng cao nghiệp vụ về kỹ năng số hằng ngày, để tránh tụt hậu trong kỷ nguyên số. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, sự bất bình đẳng trong tiếp cận số (digital inequality) sẽ làm sâu sắc hơn sự bất bình đẳng trong xã hội. Vì vậy, giáo dục cần đảm bảo quyền tiếp cận số với các kỹ năng số cần thiết cho mọi người.

Tuy nhiên với một quốc gia, việc đảm bảo quyền bình đẳng số là yêu cầu tối thiểu, nhưng đòi hỏi “tự chủ trong kỷ nguyên số” cũng đóng vai trò hết sức quan trọng. Đổi mới sáng tạo, chủ động nắm bắt trào lưu công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm – dịch vụ đáp ứng nhu cầu của xã hội, góp phần tăng trưởng kinh tế, cũng như tạo ra nhiều cơ hội việc làm, bù đắp vào những ngành nghề không còn nhiều lợi ích. Muốn vậy, mỗi quốc gia đều cần có một số lượng đông đảo các chuyên gia trong các lĩnh vực công nghệ then chốt của CN4.0, những người sẽ thực sự tham gia vào việc chuyển đổi xã hội sang xã hội số. Những chuyên gia này ngoài kiến thức chuyên môn về KHCN được tăng cường, còn cần có hiểu biết sâu sắc về nghiệp vụ của các lĩnh vực ứng dụng, cũng như được trang bị một tinh thần đổi mới sáng tạo mạnh mẽ. Hiện tại, ở Việt Nam đang thiếu hụt các chuyên gia như vậy, riêng lĩnh vực IT, theo Bộ Thông tin và Truyền thông, đến năm 2020, chúng ta thiếu so với nhu cầu 500.000 chuyên gia4

Từ những phân tích trên có thể tạm chia việc đào tạo nhân lực trong kỷ nguyên 4.0 ra thành: 

– Đào tạo kỹ năng số: đảm bảo quyền bình đẳng trong tiếp cận số đối với mọi người (giáo dục phổ thông, đào tạo nghề).

– Đào tạo chuyên gia: đảm bảo tự chủ trong kỷ nguyên số (giáo dục đại học), trong đó nhấn mạnh đến đào tạo công nghệ, nghiệp vụ ứng dụng, và đổi mới sáng tạo.

Đào tạo kỹ năng số

Học thông qua dự án ở Viện Công nghệ thông tin, Đại học Bách Khoa Hà Nội. Nguồn: FB Viện Công nghệ thông tin

Việc đào tạo kỹ năng số (digital skills) cần được triển khai ở tất cả các cấp học. Trong đó, đào tạo gắn với STEM hứa hẹn đem lại hiệu quả cao trong trang bị các kiến thức, kỹ năng cơ bản trong khoa học, công nghệ, kỹ thuật, và toán cho người học, thôi thúc họ tự tìm tòi, trau dồi các kỹ năng số cần thiết trong kỷ nguyên số, cũng như tạo nguồn nhân lực cho đào tạo chuyên gia ở các bậc giáo dục cao hơn. 

Ngoài ra, các hệ thống các trường nghề cũng cần phải thay đổi, cập nhật nội dung, chương trình đào tạo theo hướng bổ sung kỹ năng số trong mọi ngành nghề, để sinh viên dù ở các ngành nghề truyền thống cũng đều có cơ hội được cập nhật công nghệ mới, nâng cao hiệu quả học, cũng như ứng dụng sau khi tốt nghiệp.

Ngoài ra, đào tạo cấp chứng chỉ, với các nội dung kiến thức được chuẩn hóa quốc tế, cũng nên được chú trọng để tạo thêm cơ hội cho những người lao động đang ở các ngành nghề truyền thống cũng có cơ hội tiếp cận với các kỹ năng số, qua đó, sẵn sàng cho việc chuyển đổi kỹ năng làm việc (thậm chí thay đổi nghề nghiệp) để đáp ứng nhu cầu của CN4.0

Đào tạo chuyên gia – Vai trò nổi bật của trường đại học

Đào tạo chuyên gia, những người trực tiếp tham gia vào dẫn dắt quá trình “tự động hóa và thông minh hóa” cũng có thể được chia ra ở các mức độ khác nhau: vận hành, phát triển hệ thống, dẫn dắt và sáng tạo công nghệ/sản phẩm/dịch vụ mới. 

Hiện tại, liên quan đến đào tạo công nghệ, ở đa phần các ngành nghề và các cơ sở đào tạo tại Việt Nam, việc đào tạo mới chỉ chú trọng ở việc vận hành, và phát triển hệ thống, trong khi việc thay đổi cập nhật chương trình và nội dung đào tạo để tạo ra các “tech leader” còn chưa được chú trọng. Trong khi để thực sự “tự chủ trong kỷ nguyên số” thì việc này rất quan trọng. 

Để làm được việc này, các trường đại học cần phải cung cấp cho sinh viên không những kiến thức về công nghệ cập nhật, mà còn cần cung cấp các kỹ năng về đổi mới sáng tạo, quản trị, và khởi nghiệp cần thiết để sẵn sàng đóng vai trò “leader” trong quá trình chuyển đổi số ở các tổ chức. Ngoài ra, chương trình học cũng cần được thay đổi theohướng học qua trải nghiệm, học qua giải quyết vấn đề, mà khi đó sẽ không thể thiếu được vai trò của nghiên cứu khoa học, cũng như hợp tác thực tập với doanh nghiệp. Do đó, có thể nói nghiên cứu khoa học dù đã là đặc tính tự nhiên của đại học, nhưng trong kỷ nguyên 4.0, đặc tính này trở nên vô cùng quan trọng góp phần biến trường đại học thực sự trở thành các trung tâm đào tạo nguồn nhân lực dẫn dắt sự thay đổi của xã hội thông qua công nghệ..

Ngoài ra, đối với hoàn cảnh Việt Nam khi mà nền tảng công nghiệp còn hạn chế, các doanh nghiệp còn tương đối nhỏ lẻ, và vẫn tập trung chủ yếu ở gia công sản phẩm, thì trường đại học, với các phòng thí nghiệm nghiên cứu trọng điểm, với nguồn lực chuyên gia chất lượng cao, và sức trẻ, sự sáng tạo của sinh viên còn đóng vai trò là trung tâm R&D, góp phần tạo ra trực tiếp các sản phẩm công nghệ góp phần dẫn dắt các trào lưu công nghệ trong xã hội.

Và để thực hiện được các vai trò này, các trường đại học rất cần sự hỗ trợ và đầu tư của Nhà nước và Doanh nghiệp.

Có thể nói, sự ưu việt của CMCN lần thứ 4 so với các cuộc cách mạng trước là sự bình đẳng tương đối trong tiếp cận các công nghệ mới giữa các quốc gia ở các trình độ phát triển khác nhau. Thế giới kết nối và phẳng đã tạo điều kiện cho các quốc gia ở mức độ phát triển thấp như Việt Nam có thể tiếp cận và sử dụng thành quả của CN4.0 trong đời sống hằng ngày, nghĩa là, nếu có một chiến lược phát triển đúng đắn, chúng ta hoàn toàn có thể “bắt kịp” và vượt lên chuyến tàu 4.0. Chiến lược phát triển đúng đắn đó chỉ có thể bắt nguồn từ đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, phát triển nghiên cứu khoa học, và thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực cốt lõi của CN4.0. 

Do đó có thể thấy, trường đại học là một trong những hạt nhân của quá trình chuyển đổi số, và đối với điều kiện Việt Nam, thì đang là thành phần quan trọng nhất, quyết định sự thành công của cả quá trình.

Tình hình nghiên cứu triển khai công nghệ lõi 4.0 tại Việt Nam


Bảng 1: Mô tả sơ lược về các công nghệ cốt lõi của Công nghiệp 4.0

Trong những năm gần đây, do sự gia tăng đầu tư của Nhà nước và doanh nghiệp, cũng như nhu cầu phát triển KT-XH, mà việc nghiên cứu làm chủ và phát triển các công nghệ lõi 4.0 ở Việt Nam đã bắt đầu được quan tâm chú trọng. Sự nhận thức về tự chủ trong kỷ nguyên số đã được lan tỏa trong Xã hội, qua đó, không những thúc đẩy nghiên cứu khoa học mà còn đẩy nhanh quá trình chuyển giao công nghệ, và thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, các nghiên cứu về công nghệ lõi hiện còn khá sơ sài, chỉ dừng ở mức làm chủ, và chưa thực sự có khả năng tạo ra các sản phẩm, dịch vụ quan trọng.

Trong các công nghệ lõi CN4.0 thì qua thông tin trên Bảng 1 có thể thấy: 

– IoT hiện đang là lĩnh vực phát triển mạnh nhất tại Việt Nam, và đã có những hệ thống ở quy mô tầm thế giới, như: hệ thống giám sát hành trình ở Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Tuy nhiên, vai trò ở ta mới dừng ở mức phát triển các sản phẩm đơn giản, và ứng dụng.

– Các công nghệ như Big Data, và AI sẽ là những công nghệ có tiềm năng phát triển kế tiếp IoT, vì như một diễn biến tự nhiên, triển khai IoT thành công sẽ đem lại nguồn dữ liệu, và khai thác nguồn dữ liêu này sẽ là công việc của Big Data và AI. ỞViệt Nam các công nghệ này tuy đã được ứng dụng, nhưng chưa có các sản phẩm và dịch vụ nổi bật do Việt Nam phát triển.

– Blockchain với ứng dụng trong hợp đồng thông minh, thanh toán điện tử, chứng thực bằng cấp/thông tin, xác minh nguồn gốc nông sản… cũng có nhiều hứa hẹn phát triển.Lĩnh vực này ở Việt Nam mới chủ yếu dừng ở đào tạo, nâng cao nhận thức về công nghệ, chưa xuất hiện các ứng dụng rõ nét và khả thi.

– In 3D và robotics sẽ được triển khai rộng rãi ở các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất tiến thẳng lên hiện đại. Hiện tại, ở Việt Nam vẫn chủ yếu nhập ngoại các hệ thống.

– Tính toán lượng tử: hiện chưa phát triển, nhưng cần có chính sách và chiến lược đầu tư đúng đắn, để khi công nghệ có bước phát triển chín muồi trên thế giới, ta có thể ngay lập tức ứng dụng ở Việt Nam.

Chuyển đổi số (Digital Transformation)

Hiện tại khi nói về trào lưu dịch chuyển công nghệ hiện tại, trên thế giới sử dụng thuật ngữ Chuyển đổi số nhiều hơn là CN4.0. Vì với họ, trào lưu “tự động hóa kết hợp thông minh hóa” này là một tiến trình chuyển đổi tự nhiên sau giai đoạn số hóa (CN3.0) và việc chuyển đổi này không chỉ tác động đến công nghiệp, mà còn tác động đến mọi khía cạnh của đời sống: thể chế, luật pháp, và thậm chí cả đạo đức. 

Những ví dụ về sự tranh cãi khi triển khai Grab (chia sẻ xe), AirBnB (chia sẻ phòng)… và việc coi các công ty vận hành các ứng dụng này là công ty công nghệ hay doanh nghiệp vận tải, lưu trú đã cho thấy tác động của nó lên hệ thống pháp luật khi quá trình chuyển đổi số đang diễn ra. Ngoài ra ví dụ về xe tự lái, khi gây ra tai nạn thì kỹ sư thiết kế hệ thống, kỹ sư lập trình, doanh nghiệp sản xuất cảm biến… ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm. Hay khi xe tự lái buộc phải chấp nhận gây ra tai nạn thì ưu tiên khi lập trình là gì: an toàn của người trên xe >< an toàn của người tham gia giao thông, giảm thiệt hại về kinh tế >< giảm thiệt hại nhân mạng… Điều này vô hình trung vừa động vào lĩnh vực pháp luật, vừa động vào khía cạnh đạo đức.

Những khía cạnh nói trên đã chỉ ra rằng, nếu đặt tên trào lưu phát triển công nghệ hiện tại là Chuyển đổi số, thì trách nhiệm của đào tạo nguồn nhân lực còn nặng nề hơn: bên cạnh nhân lực về công nghệ, xã hội còn cần một lượng lớn nhân lực chuyển đổi số, những người hiểu biết sâu sắc về nghiệp vụ tổ chức, có tinh thần đổi mới, và được trang bị đủ kiến thức và công nghệ để biến đổi một ngành, một tổ chức, một doanh nghiệp truyền thống sang một đơn vị được “số hóa” từ nghiệp vụ đến hệ thống cơ sở hạ tầng, hành lang pháp lý kèm theo.

——

Chú thích: 

[1] Hai khái niệm tương đương: Công nghiệp 4.0 (Industry 4.0 – I4.0), và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (the Fourth Industrial Revolution – FIR), vì vậy, không nên sử dụng “Cách mạng công nghiệp 4.0”.
2 Mc Kinsey, “Jobs lost, jobs gained: What the future of work will mean for jobs, skills, and wages”, 11/2017
3 Gartner, “By 2020, Artificial Intelligence Will Create More Jobs Than It Eliminates”, 12/2017
4 http://daidoanket.vn/khoa-hoc/nan-giai-bai-toan-nhan-luc-cong-nghe-thong-tin-tintuc407852

 

Tác giả