Đạo văn và lừa đảo trong khoa học Trung Quốc
Năm 2003, nhà khoa học máy tính Chen Jin đã được tôn vinh như một anh hùng dân tộc của Trung Quốc khi công bố phát triển thành công một loại vi mạch mới với tính năng ưu việt.
The New York Times đưa tin vụ Chen Jin |
Trước đó, vẫn ở Đại học Sichuan, giáo sư Qiu Xiaoqing cũng đã bị buộc tội khi làm giả nghiên cứu trong một bài báo năm 2003 đăng trên Nature Biotechnology. Sáu đồng tác giả của Qiu đã yêu cầu chuyên san này gỡ tên của họ ra khỏi bài báo và nói rằng họ “đã bị sốc bởi trò lừa đảo này”, và rằng họ đã trở thành những con rối trong tay Qiu – kẻ đã lợi dụng sự hạn chế trong khả năng hiểu tiếng Anh của họ.
Người ta nghi rằng, những vụ của Wei và Qiu có vẻ như đã được “bưng bít” để đỡ bị lộ ra thế giới. Vụ của Liu Dengyi cũng như vậy. Là hiệu phó của Đại học Anhui, Liu bị buộc tội vào năm 2005 vì “nhận vơ” là tác giả của bốn công trình đăng trên các chuyên san khoa học. Ba trong số các công trình này thậm chí chưa bao giờ tồn tại. Sau khi sự tố giác được đưa lên mạng, các công trình này đã biến mất khỏi hồ sơ của Liu, và ông này đã không phải chịu bất cứ hình thức kỷ luật nào.
Những chuyện như thế này đã không gây ra nhiều sự chú ý, một phần là bởi vì chuyện đạo văn và lừa đảo khoa học ở TQ đơn giản là “không đáng để đưa tin” lắm. Chúng xảy ra với tần suất đáng ngạc nhiên khi nước này đang ở trong giai đoạn bùng nổ về kinh tế. Túi tiền dành cho nghiên cứu của TQ được dự định là sẽ tăng gấp bốn lần trong 15 năm tới. Các chuyên gia về chính sách ở Viện Hàn lâm Khoa học TQ mong muốn nước mình sẽ không chỉ to về kinh tế mà còn “đầy quyền lực” về khoa học. Kế hoạch 5 năm gần đây nhất của Bắc Kinh đã cực kỳ nhấn mạnh chuyện “đổi mới” khoa học và công nghệ.
Thật không may, việc làm của một số nhà khoa học TQ đã cho thấy sự đi ngược lại chủ trương đổi mới. Giấc mơ của cả một dân tộc – sau một đêm trở thành một siêu cường quốc khoa học – đã gây áp lực cho các nhà khoa học TQ phải tạo ra những đột phá ở một tốc độ mà dường như vượt quá thời gian và sự cẩn thận cần thiết. Những đánh giá hàn lâm và việc cấp tiền thường dựa trên khối lượng các nghiên cứu được công bố mà rất ít để tâm đến chất lượng cũng như giá trị thực của chúng. Các nhà nghiên cứu cần phải có số lượng công trình thật ấn tượng để giữ được việc, và hội đồng chính phủ khi nhìn vào số công trình ấy sẽ có thể yên tâm rằng, đầu tư cho khoa học của họ là “đáng đồng tiền bát gạo.”
Khoa học gắn liền với giáo dục, và chuyện không hay trong khoa học cũng gắn liền với chuyện không hay trong giáo dục. Một câu chuyện đăng trên Tuần tin Trung Hoa có tiêu đề “Sự suy đồi bất thường của giáo dục sau đại học” đã ước tính rằng, trong năm tới, các sinh viên sau đại học trên toàn quốc sẽ cần phải công bố tất cả 530.000 công trình trên các “chuyên san ăn điểm”. Trong số đó, có lẽ chỉ có khoảng 20.000 công trình là “đủ tài đủ đức” để được đăng trên 1500 chuyên san nghiêm chỉnh của TQ. Số tác giả của các công trình còn lại hoặc là phải đi đường đút lót, hoặc là phải “công bố chui” trên các chuyên san “rởm”. Và như Trung Hoa Nhật báo mô tả, Bộ KH&CN đã từng thực hiện điều tra đối với 180 tiến sỹ TQ, 60% trong số đó khai nhận là đã trả tiền để công trình của họ được xuất bản, và cũng 60% trong 180 tiến sỹ đó bị phát giác vì đã đạo công trình của người khác.
Một mánh lới thường thấy khác là chuyện bịa ra trong lý lịch chuyên môn (CV) của mình những công trình không tồn tại, giống như trường hợp của Liu Dengyi. Ít nhất thì cũng có hai nhà nghiên cứu có tiếng khác – Liu Hui, trưởng khoa y Đại học Tsinghua và Yang Jie trưởng bộ môn khoa học và công nghệ sự sống đều đã bị sa thải vì bịa đặt thành tích trong hồ sơ của họ. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, chuyện bêu gương và trừng phạt những người như thế này là tương đối hãn hữu. Các quan chức trường đại học sợ bị xấu hổ trước công luận và sợ bị mất tiền tài trợ nên có xu hướng làm ngơ đối với chuyện sai trái.
Vào tháng 5 năm 2006, trong một bức thư ngỏ, 120 nhà khoa học TQ ở Mỹ đã kêu gọi TQ thiết lập “các quy tắc trung thực và những thể chế chính thức để duy trì và bảo vệ sự trong sáng trong nghiên khoa học. Bức thư cũng kêu gọi cần phải có những khóa học bắt buộc về đạo đức khoa học và một hệ thống thẩm tra nhằm phòng chống sự vu khống ác ý. Ban đầu, Bộ KH&CN đã phản ứng rất chậm và thậm chí còn lảng đi, nói rằng không biết đến bức thư. Nhưng có lẽ là lo ngại những giọt nước sẽ làm tràn ly nên đầu tháng 7, bộ đã quyết tâm trình ra công luận những bộ mặt đáng xấu hổ của những nhà khoa học bị buộc tội lừa đảo.
Có một trang web mang tên “New Threads” chứa đựng các tư liệu quy kết hơn 500 vụ lừa đảo khoa học, điều hành bởi Fang Zhouzi, một nhà sinh hóa được đào tạo ở Mỹ, có tên thật là Fang Shimin. Trang web (XYS.org) bị chặn ở Trung Quốc nhưng nội dung của nó vẫn được truy cập ở trong nước này qua các trang “mirror”. Nó từng có công tố giác khiến Liu Hui và Yang Jie bị sa thải cũng như khiến giáo sư Yang Jingan Đại học Hefei bị khai trừ khỏi Đảng Cộng Sản vì tội ăn cắp các công trình nước ngoài. New Threads thường nhận được các nguồn tin từ những người làm việc trong phòng thí nghiệm, những người sợ nói thẳng ra thì sẽ mất việc. Tiến sỹ Fang có nói rằng, mặc dù ông không tiết lộ tên của người cung cấp tin nếu không được sự cho phép của người đó, nhưng ông cũng không cho phép chuyện gửi tin nặc danh. Mỗi tin cần phải có bằng chứng thuyết phục, và đều được kiểm tra xem xét kỹ trước khi đưa ra lời buộc tội.
Tuy nhiên, một số người cho rằng, việc làm của tiến sỹ Fang sẽ chỉ làm cho tình hình xấu thêm. Một bài báo trên mạng đặt ra câu hỏi: “Thế ai là người giám sát những người giám sát?”. Một số nhà khoa học lo ngại rằng, New Threads có thể làm hại đến danh tiếng và sự nghiệp của những nhà nghiên cứu trung thực. Và quả thực cũng có một số ít trường hợp buộc tội sai. Khi ấy Fang nói rằng, ông đã đều đưa ra sự đính chính và lời xin lỗi cho mỗi trường hợp đó. Tiến sỹ Fang tin rằng, truyền thông có thể tạo ra áp lực để chính phủ phải thiết lập những cơ quan thanh tra và trừng phạt những hành động sai trái. “Quá trình điều tra phải trung thực và công khai, kết quả điều tra phải được đưa ra ánh sáng công luận,” Fang nói.
T.T.D. (theo The New Atlantis Journal)
Có những nhà khoa học thiếu đạo đức!
P. Campbell |
Có rất ít những phân tích mang tính hệ thống về động cơ của những kẻ lừa đảo trong khoa học. Nhưng nếu chỉ có đổ lỗi cho áp lực phải công bố bài báo thì không còn gì phải nói thêm về vấn đề này nữa.
Công bố bài báo là cách thức có giá trị và hiệu quả nhất để thể hiện các thành tựu nghiên cứu đã đạt được. Chất lượng và số lượng những công trình đăng trên các chuyên san có uy tín chính là thước đo chủ yếu để đánh giá trình độ của một nhà nghiên cứu. Và ở đây, cũng cần chú ý thêm là, về cơ bản thì chất lượng được đề cao hơn số lượng.
Tuy nhiên, trong khoa học, có một thực tế không hay là, hoặc là bạn đến trước để khai phá một vấn đề mới, hoặc là bạn có lẽ sẽ không thu được gì sau nhiều năm làm việc. Áp lực này có thể được giảm nhẹ trong trường hợp những người đến sau có thể khai thác sâu hơn hoặc mở rộng hơn vấn đề. Nhưng quyền lợi và danh vọng vẫn có xu hướng thuộc về những người đến trước, những người đầu tiên đã công bố khám phá.
Những áp lực đó có thể làm tăng khả năng xảy ra những việc sai trái. Điều đặc biệt là ở chỗ, những việc sai trái lại tương đối dễ thực hiện. Chẳng hạn như việc “dùng tay” điều chỉnh những hình ảnh hay đồ thị để tạo ra các kết quả hay hơn, hoặc việc lợi dụng vị thế để gắn tên mình lên một công trình mà mình không có đóng góp nào đáng kể, hay người ta có thể ăn cắp một ý tưởng rồi nhanh chóng “xào nấu” nó để công bố thành công trình của chính họ.
Cũng có những người bịa đặt hoặc ăn cắp các kết quả khoa học chỉ để đi tắt. Họ tin rằng họ biết được câu trả lời đúng. Họ phải chịu một áp lực này hay áp lực khác để hoàn thành một thí nghiệm, họ bị thúc giục phải làm thật nhanh. Và họ cũng tin rằng những việc mình làm sẽ không bị phát giác.
Trong khoa học cũng nảy sinh những vấn đề xã hội giống như trong các lĩnh vực khác của đời sống. Nhiều trường hợp lừa đảo liên quan đến sự sao chép hoặc bịa đặt dữ liệu lại được thực hiện bởi những người rất thông minh. Và vấn đề là trò lừa cũng những người rất thông minh này đều gần như chắc chắn sẽ bị phát giác. Thành ra khó có thể tránh được kết luận là chúng đã đang phải chứng kiến một hiện tượng tâm thần bất thường xảy ra đối với những nhà khoa học như vậy.
Thay vì đổ lỗi cho các áp lực vốn vẫn đè nặng lên vai những nhà nghiên cứu, điều quan trọng hơn là chúng ta nhận ra một cách đơn giản rằng: có những nhà khoa học thiếu đạo đức. Các viện nghiên cứu, các quỹ tài trợ và các chuyên san cần phải nhận thức rõ sự nguy hại mà những người như vậy có thể gây ra và buộc các phòng thí nghiệm cũng như các hội đồng thẩm định phải làm sát sao để ngăn chặn hành động sai trái của họ.