Đất phèn vô giá trị?

Đất phèn đã mất dần, và rồi sẽ tiếp tục mất nếu chúng ta không thay đổi cách nhìn. Thử nghĩ một ngày nào đó, khi chúng ta không còn một tấc đất phèn nào trong tay, điều gì sẽ xảy ra khi chúng không hoàn toàn vô giá trị như nhiều người lâu nay vẫn lầm tưởng?

Khi mà Việt Nam vừa qua cơn lốc của những cuộc chiến, cái nghèo cái đói bắt đầu ngấm nghé ngay trước ngưỡng cửa, thậm chí xộc hẳn vào mọi xó xỉnh nhiều gia đình ở nông thôn. Đã không ai lấy làm ngạc nhiên, khi lúc ấy cả dân tộc quyết tâm xốc dậy cuộc sống của chính mình bằng phong trào nhà nhà trồng lúa, người người trồng lúa.
Hàng loạt con kênh ra đời, xổ phèn, dẫn ngọt. Nhiều vùng hoang hóa chuyển mình. Âu cũng là lẽ thường khi cuộc sống còn quá nhiều nhu cầu bức bách. Cây lúa đem lại cái no, rồi dần dần dư dả đến nỗi gửi đi nước ngoài để lấy về những đồng đô la.
 

Nhưng đó là chuyện trước đây, chí ít là trong mắt của nhiều nhà khoa học. Cuộc sống đã chuyển mình. Nền kinh tế đã thay đổi. Cây lúa đã không còn tỏ ra giá trị hơn hẳn so với nhiều loại cây, con khác… Và đến lúc này, có lẽ đừng nên nhìn đất phèn như một cái gai, là những vùng trũng cản trở sự phát triển.

• Giá trị đất phèn!
“Có những thứ qúi giá mà chúng ta chỉ biết được giá trị thực khi chúng mất đi”- thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, đồng quản lý dự án của chương trình Bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước lưu vực sông Mêkông (MWBP), âu lo về số phận của những vùng đất ngập nước, tiềm ẩn những tầng phèn dày đặc hiếm hoi còn lại ở Việt Nam. Đó là những nơi mà lâu nay nhiều người vẫn hình dung như một vùng ẩm thấp, đầy muỗi mòng và không giúp gì cho cuộc sống…
“Hãy nhìn lại bữa ăn hàng ngày của chúng ta. Từ hạt cơm, con cá, cọng rau… đều có nguồn gốc từ những vùng đất ngập nước “đầy” phèn”, ông Thiện nói. Thực vậy. như ở vườn Quốc gia Tràm Chim (VQGTC) ở huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp, với 7.588 héc-ta còn hơn 120 loài cá nước ngọt, hơn 130 loài thực vật bản địa, hơn 200 loài chim… VQGTC là nơi chúng trú ngụ và sinh sản, để “cung ứng” dần cho thiên nhiên mà con người vẫn hàng ngày, hàng giờ khai thác, sản xuất. Như cá, cứ vào mùa nước nổi đầy đồng, chúng lại kéo từng đàn về VQGTC sinh con đẻ cái. Khi nước rút dần, cũng là lúc hàng đàn cá con kéo nhau theo những con kênh rạch tìm về khắp chốn…

 
Có ai bỏ công tính rằng, nhờ những vạt tràm dày đặc ở các vùng đất phèn mà bao căn nhà khỏi bị nước cuốn trôi vào mùa lũ, bao người khỏi phải thiệt mạng vì thiên tai, lốc xoáy… Rồi cứ đến mùa khô, nước thấm dần vào đất. Và khi mực nước tại các vùng đất phèn rút dần, cũng là lúc mạch nước ngầm bên dưới được “tăng cường” một nguồn nước đáng kể đã qua lắng lọc, tỏa đến phục vụ cho biết bao người dân qua những cái giếng khai thác nước ngầm. Vùng phèn giữ vai trò cân bằng sinh thái, là những lá phổi xanh khi mà nguy cơ ô nhiễm môi trường ngày một nghiêm trọng vì sức ép phát triển kinh tế.
VQGTC ngày nay có thể gọi là toàn bộ cảnh quan vùng Đồng Tháp Mười khi xưa thu nhỏ, là nơi những đàn chim tíu tít gọi bầy, những cánh rừng tràm và biết bao câu chuyện ly kỳ mà nhiều người từng say mê qua lời câu chữ của nhà văn Sơn Nam trong tác phẩm “Đất rừng phương Nam”… Di sản văn hóa trong các vùng đất như vậy là kết quả của mối quan hệ hàng nghìn năm với con người và đất, một mối quan hệ mang lại sự phồn thịnh cho nhiều thế hệ và chính chúng ta phải duy trì cho các thế hệ mai sau.
Ở VQGTC, hiện còn khoảng 200 héc-ta lúa ma còn sót lại hiếm hoi ở vùng ĐBSCL, mà “truyền thuyết” về giống lúa này cũng hết sức kỳ thú. Từ cái thuở đi khai hoang khẩn đất, những người nông dân nghèo ở vùng Đồng Tháp Mười đã biết biến những thứ lúa hoang này thành lương thực nuôi khoẻ những cánh tay, những ánh mắt khao khát xóa cái đói, cái rách để dần biến những vùng hoang hóa thành đồng lúa vàng thẳng tắp. Cứ độ tháng 10- 11 (âm lịch), họ lại chống xuồng, vác sào tre để đập lúa ma, mót dần từng dúm hạt. Gạo từ lúa ma có màu đo đỏ, thơm dẻo vô kể…
Lúa ma nuôi sống người dân, để họ khai phá đất hoang. Nhưng “thấy trăng quên đèn”. Khi những giống lúa cao sản xuất hiện, khi diện tích đất hoang ngày càng thu hẹp để nhường chỗ cho những thửa ruộng, cũng là lúc lúa ma bị tiêu diệt dần vì cái “tội” cho năng suất thấp. Âu cũng là lẽ thường tình và đúng quy luật. Chỉ có điều, theo tiến sĩ Dương Văn Ni, Giám đốc trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm đa dạng sinh học Hòa An (đại học Cần Thơ) là vẫn còn nhiều nông dân chưa biết chuyện giống lúa ma đã có tên trong bộ gen nguồn qúi hiếm của Viện nghiên cứu Lúa quốc tế. Từ gen của những cây lúa ma cao dỏng, gầy nhom này, các nhà khoa học đã áp dụng công nghệ sinh học để cho ra đời nhiều giống lúa thơm cao sản đã xuất hiện trên đồng ruộng Việt Nam, góp đầy những container gạo xuất khẩu hàng năm. Công ước đa dạng sinh học được 150 nước ký kết vào tháng 6-1992 và đến nay được 188 nước phê chuẩn. Việt Nam cũng đã phê chuẩn vào tháng 10-1994, theo đó việc bảo tồn và chia sẽ lợi ích từ những nguồn gen như vậy đã được đặt ra.
Nhưng có lẽ, điều mà tiến sĩ Ni, tâm đắc nhất là vùng đất phèn sẽ tạo ra giá trị lâm nghiệp rất lớn. “Khi mà lương thực không còn là nỗi ám ảnh trong tư duy của nhiều tầng lớp, tại sao không có chuyện nông dân thay tràm bằng cây lúa nếu điều này hiệu quả hơn? Sự thật là nhu cầu về gỗ hiện nay rất lớn, từ việc xây nhà, làm bàn ghế, đồ trang trí…”. Ông Ni dẫn chứng, năm 2006, kinh phí hoạt động của trung tâm Hòa An trên một tỷ đồng, trong đó khoảng 30% tự xoay xở được nhờ nguồn thu từ khai thác gỗ, cá…

• Giữ đất!
Từ năm 2001, dự án hỗ trợ cộng đồng CTU- MSU (liên kết giữa trường đại học Cần Thơ và đại học Michigan- Mỹ) chính thức khởi động. Hiện nay, bình quân hàng năm dự án CTU- MSU chi trên 30.000 USD cho việc hỗ trợ kỹ thuật sản xuất, cải thiện đời sống cộng đồng và giáo dục cho cư dân sống xung quanh cái “rốn” phèn Hòa An còn hiếm hoi sót lại ở vựa lúa Hậu Giang này.
Những chuyện mà dự án này làm, tưởng chừng như không liên quan gì đến chuyện trực tiếp giữ đất. Đó là cho nông dân sinh sống xung quanh vay vốn, hỗ trợ cho họ kỹ thuật trồng rau, nuôi cá, làm lúa sao cho hiệu quả. Nhưng thực ra, những chuyện ấy đều không ngoài mục đích chính là bảo vệ vùng sinh thái phèn trong khuôn viên hơn 112,3 héc-ta của trung tâm. Giúp dân giàu lên, sinh sống tốt hơn cũng chính là giúp cho trung tâm. Bởi cái nghèo kéo theo nhu cầu cơm gạo bức bối hàng ngày, nếu không giúp cho nông dân xung quanh vùng chiếc “cần câu” và hướng dẫn họ cách “câu cá” thì sớm muộn gì khu bảo tồn Hòa An với hàng đàn cá đồng, chim, thú, hàng vạt tràm bao la… sẽ là đích nhắm “tàn phá” của người dân để mưu sinh.
Theo ông Ni, hiện ở trung tâm Hòa An đã “khôi phục” trên 120 loài thực vật, trên 30 loài động vật, trong đó có nhiều loại thuộc diện quý hiếm. Cá đã xuất hiện trở lại, từ cá dầy cho đến cá rô, cá lóc… Trước mắt, trung tâm Hòa An sẽ là nơi phục hồi, lưu giữ những loài động, thực vật quý hiếm có nguy cơ chỉ còn trên giấy, trên hình ảnh, để làm nơi sinh viên thực tập, nghiên cứu khi mà môi trường, sinh thái nhiều nơi đang bị đe dọa nghiêm trọng vì trào lưu công nghiệp…
Trung tâm Hòa An này vốn là đoạn cuối của lung Ngọc Hoàng, có tiếng là rún cá đồng. Trong hồi ức của lão nông Huỳnh Văn Nở, ở ấp Hòa Đức, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang đã có một thời chỉ cần sở hữu một đìa cá vài chục mét vuông mặt nước là phải đem xe chở cá về mỗi khi thu hoạch. Không cần một gốc lúa, nông dân cũng đủ ăn quanh năm nhờ cá. Nhưng sức chịu đựng của thiên nhiên có giới hạn, cá dần cạn kiệt trước sự tàn sát của con người. Và bây giờ, khi mà con người đã biết trân trọng và khôi phục, khi mà cá đồng dần xuất hiện ngày càng nhiều ở vùng trung tâm Hòa An, ông Nở càng tin tưởng hơn những lợi ích của vùng đất phèn mà lâu nay ông Ni và các cộng sự hay nói, không phải là điều huyễn hoặc.
Còn ở VQGTC, những năm qua Ban giám đốc cũng đã chạy quay, kêu gọi tài trợ từ các nước Đan Mạch, Anh… để lập quỹ hỗ trợ xóa đói giảm nghèo cho người dân vay làm vốn. Giá trị của những vùng đất phèn đã được nhìn nhận ít nhiều. Năm mới đã đến, nhưng cái nhìn mới thì chưa biết khi nào sẽ đến. “Hãy bỏ quan niệm chỉ nên bảo tồn khi đất nước đã giàu mà đây là việc phải làm ngay để đảm bảo phát triển bền vững”- thạc sĩ Thiện kêu gọi. Lời kêu gọi này, không chỉ nhắm đến những người dân./.

Hồ Hùng

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)