Đầu tư thiếu đồng bộ

Muốn hoạt động có hiệu quả, PTNTĐ phải hội tụ ba yếu tố: nhân lực mạnh, thiết bị hiện đại và kinh phí nghiên cứu dồi dào. Nhưng việc đầu tư xây dựng PTNTĐ của ta dường như mới quan tâm nhiều đến mua sắm trang thiết bị.


Đầu tư…chệch hướng?

1125,73 tỷ đồng xây dựng 17 Phòng thí nghiệm trọng điểm (PTNTĐ) được xem là “chi” mạnh tay nhất cho phát triển KH&CN từ trước tới nay ở ta. Chính vì số tiền lớn như vậy mà hiệu quả khoa học, như phát biểu của một số nhà quản lý, “phải chờ hàng chục năm” mới “tận mục sở thị” khiến không ít lời ra tiếng vào từ công luận về hiệu quả thực sự của việc đầu tư này. Không ít  PTNTĐ vì lý do này thì lý do khác từ chối gặp báo chí, còn nếu may mắn được gặp những người trực tiếp quản lý các PTNTĐ, thì những câu trả lời nhận được đều rất chung chung thiên về những thành tích đạt được.

Sau 8 năm cũng là lúc mà 15/17 PTNTĐ được hoàn tất đầu tư. Với phương châm vừa xây dựng, vừa khai thác thì đến nay ở một số PTNTĐ hiệu quả rõ nhất chỉ là để phục vụ giảng dạy, thực tập của học viên cao học, nghiên cứu sinh hay thậm chí cả sinh viên cũng có được “đặc quyền” thực hành. Không ngạc nhiên khi chúng tôi “viếng thăm” PTNTĐ Công nghệ tế bào thực vật thuộc Viện Di truyền thì thấy phần lớn các em sinh viên đang vây quanh bên những cỗ máy đắt tiền, trong đó có những thiết bị như súng bắn gene trị giá cả chục ngàn USD.

Trong khi đó PTNTĐ Vật liệu polymer và composit và PTNTĐ Điều khiển số và kỹ thuật hệ thống thuộc ĐHBK Tp.HCM đang gặp phải tình cảnh thiếu những đề tài “tầm cỡ” nên phải tận dụng thiết bị phục vụ thực tập cho sinh viên. Một cán bộ ở đây (xin giấu tên) còn đùa, “sinh viên ta được xài đồ sang nhất thế giới với các máy móc bạc tỷ”. Thực trạng cũng không có gì sáng sủa hơn đối với PTNTĐ Động cơ đốt trong “tọa lạc” trong khuôn viên ĐHBK Hà Nội. Trong một căn phòng rộng, vẫn thấy có những thiết bị còn bọc ly-nông, TS.Phạm Minh Tuấn, cho biết, “Kể từ khi thành lập, hiệu quả lớn nhất là đào tạo thạc sỹ và tiến sỹ”. Là phòng thí nghiệm có chức năng đo mức tiêu chuẩn khí thải Euro 2 nhưng dường như những thiết bị ở đây chưa được khai thác hết khả năng vốn có. Nếu không “khẩn cấp”  khai thác thì những máy móc ở đây sẽ trở nên lạc hậu khi các tiêu chuẩn 3,4 được sử dụng.

Cùng với tình trạng khai thác sử dụng các thiết bị còn “chập chờn”, gây lãng phí do máy móc hư hỏng vì “đắp chiếu”, sử dụng không đúng mụch đích thì việc thiếu đề tài “sánh vai, vừa lứa” sẽ khiến bản thân Nhà nước phải gánh thêm một khoản chi phí không nhỏ – bằng 1% trong tổng vốn đầu tư cho dự án – vào việc bảo dưỡng duy tu thiết bị (Trên thực tế số tiền này có thể lớn hơn nhiều). Có nhà khoa học cho rằng, trong Quy chế vừa được Bộ KH&CN ban hành vừa rồi đề cập đến việc nếu PTNTĐ nào không hoạt động hiệu quả sẽ…đóng cửa hoặc sẽ bị “hạ cấp”, như vậy chẳng phải là một lãng phí chăng?

Thống kê cho thấy, sau 5 năm hoạt động của các PTNTĐ, số công trình công bố trong nước là 1071, công trình công bố quốc tế là 614. Nhiều nhà khoa học đang làm việc ở nước ngoài đã có ý kiến bày tỏ nghi ngờ con số này. Bên cạnh “năng suất” phản ánh hiệu quả hoạt động của các PTNTĐ như: trong năm 2007 PTNTĐ Vật liệu và Linh kiện điện tử thuộc Viện Khoa học Vật liệu (Viện KH&CN Việt Nam) mới có được 40 công bố quốc tế (?), PTNTĐ công nghệ gen công bố khoảng 17 công trình và 400 trình tự gene, thì có những phòng thí nghiệm đang… “án binh bất động”, chẳng hạn: PTNTĐ Công nghệ enzyme và protein thuộc ĐH KHTN Hà Nội cho  đến nay được đầu tư 4 triệu USD chưa chuyển giao được công nghệ nào; PTNTĐ Công nghệ tế bào thực vật thuộc Viện Sinh học Nhiệt đới (khu vực phía Nam) tại Tp.HCM thì cũng mới có 4 công bố quốc tế và 1 dự án chuyển giao công nghệ.

Một câu hỏi được đặt ra là, để được Nhà nước chọn đầu tư xây dựng PTNTĐ thì viện, cơ quan nghiên cứu phải có tiềm lực mạnh. Vì vậy đương nhiên nhận được nhiều đề tài, dự án. Nhưng thực tế hầu như ngược lại. Điều đó khiến người ta không thể không nghĩ đến việc Nhà nước đã chọn lầm đối tượng đầu tư.


Nhân lực thiếu và “yếu”

Theo nhận định của TS.Lê Tiến Dũng, ĐH NebraskaLincoln (Mỹ) và nhiều nhà khoa học thì một PTNTĐ phải hội đủ 3 yếu tố: nhân lực mạnh, thiết bị nghiên cứu hiện đại và kinh phí nghiên cứu dồi dào; trong đó nhân lực là yếu tố quyết định. Như vậy, để xây dựng được một PTNTĐ hiệu quả, đúng hướng thì việc trước tiên là phải đầu tư đào tạo đội ngũ nhà khoa học đủ năng lực điều hành, khai thác thiết bị để thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu.

“Nhiều thiết bị “đắp chiếu” cũng là do chúng ta “chưa học bò đã lo học chạy”, một nhà khoa học đang công tác ở Viện KH&CN Việt Nam than thở. Ở một số PTNTĐ vì bản thân các nhà khoa học chưa tiếp cận được những nghiên cứu có khả năng khai thác những “tính năng” vốn có của thiết bị, hoặc chưa đủ năng lực khai thác vận hành nên đành phải…chờ đi đào tạo. Mặc dù là cơ chế mở nhưng dường như những PTNTĐ chưa thu hút được các nhà khoa học giỏi ở nước ngoài về làm việc, và hơn nữa do quy chế chưa thống nhất về hoạt động của các cộng tác viên cùng với chi phí thường xuyên chưa được thực hiện nên việc vận hành PTNTĐ có phần chệch hướng. TS.Dũng đưa ra một ví dụ: Sở dĩ Trung Quốc thành công trong mô hình PTNTĐ là do đã thu hút được những nhà khoa học Hoa kiều giỏi trở về làm việc để trở thành “nhân sự đầu đàn”, ngoài ra họ còn đẩy mạnh đào tạo sau đại học để cung cấp những nghiên cứu viên trẻ, giỏi cho PTNTĐ.

TS.Trần Thanh Hà, ĐH KHTN Hà Nội cho rằng nếu không chú trọng đào tạo những nghiên cứu trẻ có khả năng tiếp nhận sử dụng hiệu quả thiết bị của những PTNTĐ thì việc đầu tư thiết bị dù có hiện đại đến mấy cũng vô ích. Théo Bộ KH&CN, tính đến nay tất cả các PTNTĐ mới chỉ đào tạo được 56 tiến sỹ và 58 thạc sỹ.

Song song với việc thiếu nhân sự có năng lực thì một số PTNTĐ, như PTNTĐ Công nghệ tế bào thực vật thuộc Viện Sinh học Nhiệt đới, đang phải đối mặt với tình trạng “chảy máu chất xám” dẫn đến tình cảnh nhân lực đã thiếu lại càng thiếu. Điều nghiêm trọng hơn là trong số những người rũ áo ra đi có cả những người có thâm niên, sử dụng thành thạo thiết bị, năng lực nghiên cứu tốt, mà nếu đào tạo được người kế cận có đủ năng lực chuyên môn như vậy không chỉ cần tiền bạc mà cũng mất khoảng thời gian ít nhất 4-5 năm.

Nếu không có đủ nguồn nhân lực đáp ứng, thì những PTNTĐ “triệu đô” rất dễ trở thành những trung tâm thiết bị, và như vậy hình thức nghiên cứu tập trung, tạo ra những sản phẩm nghiên cứu chiến lược khó lòng thực hiện được.

 

Chú thích ảnh:

Nghiên cứu tại PTNTĐ Công nghệ gen

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)