Để triển khai có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu
Ngày 02/12/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 158/TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu (CTMTQG) với tổng kinh phí thực hiện ước tính 1965 tỷ đồng. Thủ tướng trực tiếp làm Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia thực hiện Chương trình, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường làm Chủ nhiệm Chương trình. Bài viết này tham gia một số ý kiến để triển khai Chương trình đạt hiệu quả.
I. Về các mục tiêu của CTMTQG
CTMTQG đề ra mục tiêu tổng quát 1 và tám mục tiêu cụ thể 2. Tuy nhiên xem xét kỹ mục tiêu tổng quát chưa đủ độ bao quát, có mục tiêu cụ thể đáng lý ra phải là mục tiêu tổng quát, nhiều mục tiêu cụ thể thực ra là nhiệm vụ mà CT cần triển khai.
Tôi thiết nghĩ CTMTQG có bốn mục tiêu chủ yếu đồng bộ với nhau:
Nhận thức về tác động của biến đổi khí hậu lên toàn bộ hệ thống các mối quan hệ giữa khí quyển, sinh quyển, thủy quyển và thạch quyển của đất nước vừa là xuất phát điểm vừa là mục tiêu của CTMTQG.
Nhận thức này không chỉ trong cộng đồng mà còn trong cả hệ thống chính trị, và trước tiên là trong bộ máy quản lý nhà nước. Có như vậy mới hiểu tường tận và không bỏ sót các tác động, và mới có được sự phối hợp cần thiết không khe hở trong ứng phó.
Từ nhận thức đó, mục tiêu tiếp theo của CTMTQG là nhận diện được các thách thức phải vượt qua trong ngắn hạn và dài hạn, trong các vùng sinh thái-kinh tế khác nhau của đất nước, và các giải pháp ứng phó thích hợp nhất.
Mục tiêu thứ ba là thực hiện (các) chương trình hành động để ứng phó trên các lĩnh vực hành pháp, lập pháp, tư pháp, tại các vùng sinh thái-kinh tế, bằng nguồn nội lực và bằng nguồn lực vận động được từ bên ngoài.
Mục tiêu cuối cùng là vượt qua các thách thức đưa nền kinh tế Việt
Xây dựng cơ sở dữ liệu (bản đồ, chuỗi số liệu, ảnh vệ tinh, …) cơ bản, đặc biệt về hải văn hiện đang rất thiếu, cho phép tính toán và dự báo các tác động của BĐKH và quy chế sử dụng chung các dữ liệu này là một nhiệm vụ bức thiết và cũng là một mục tiêu của CTMTQG.
II. Nhận thức toàn diện và toàn cầu, hành động cụ thể
Nhận thức về các tác động của biến đổi khí hậu cần toàn diện và toàn cầu, nhưng cần được liên hệ đến từng địa bàn để hoạch định hành động cụ thể phù hợp với bối cảnh và quy luật chung.
Có như vậy chương trình hành động của các bộ ngành mới gắn kết cặt chẽ với chương trình hành động của các vùng, chương trình khoa học công nghệ của CTMTQG mới có địa chỉ ứng dụng, đáp ứng mong đợi của người dân và của các địa phương vào CT.
Điều mà người dân muốn biết trước tiên, ngoài các khái niệm chung, là trên địa bàn mà họ đang sinh sống, các tác động của biến đổi khí hậu mà họ sẽ gặp là gì, và cần chuẩn bị ứng phó ra sao. Đáp ứng yêu cầu này sẽ phát huy được tính tích cực và sáng tạo của người dân, từ cơ sở, trong ứng phó.
Ứng phó với biến đổi khí hậu là nhiệm vụ của toàn hệ thống chính trị, của toàn xã hội của các cấp, các ngành là một quan điểm của CT. Các tổ chức chính trị – xã hội, xã hội – nghề nghiệp, các đoàn thể quần chúng được khuyến khích chủ động tham gia vào các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là lĩnh vực thông tin, giáo dục và truyền thông, là một đặc điểm tích cực của CTMTQG. Chương trình dự kiến chi 292 tỷ đồng cho việc nâng cao nhận thức và đào tạo nguồn nhân lực, trong đó 162 tỷ dành cho công tác tuyên truyền và nâng cao nhận thức cộng đồng về biến đổi khí hậu. Vấn đề là triển khai như thế nào để đạt được hiệu quả cao và bền vững nhất.
Các tác động của biến đổi khí hậu lên mỗi vùng sinh thái-kinh tế, ngoài những điểm chung, do các đặc thù địa lý của vùng, có những đặc điểm riêng không giống với các tác động lên các vùng sinh thái-kinh tế khác.
Để công tác tuyên truyền và nâng cao nhận thức cộng đồng về biến đổi khí hậu thấm sâu và nâng cao hiểu biết và tính chủ động của người dân và cán bộ trên địa bàn, thiết nghĩ Ban Chỉ đạo quốc gia và Ban Chủ nhiệm CTMTQG, ngoài việc họp để giới thiệu CT, như đã làm ở Hà Nội và ở Thành phố Hồ Chí Minh, cần tổ chức họp theo vùng (Tây Bắc, Đông Bắc, đồng bằng sông Hồng, Duyên hải bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, và đồng bằng sông Cửu Long) giới thiệu cụ thể các tác động của biến đổi khí hậu lên vùng, các thách thức mà người dân trong vùng cần vượt qua và chương trình hành động dự kiến bước đầu.
Làm tốt việc này là một bước quan trọng đặt việc triển khai CTMTQG lên đúng đường ray.
III. Chắt lọc, sắp xếp các nhiệm vụ, bố trí nguồn lực đúng lúc và đủ
CTMTQG đề ra 9 nhiệm vụ và giải pháp 3, mỗi nhiệm vụ được triển khai với các chỉ tiêu cụ thể trong giai đoạn khởi động (đến năm 2010) và trong giai đoạn triển khai (đến năm 2015). Chưa có chỉ tiêu cho giai đoạn phát triển (sau 2015). Có hai nhận xét:
+ Cách làm này rất lớp lang, quy củ nhưng cần xem xét thêm bởi lẽ các nhiệm vụ không tách rời và không biệt lập với nhau.
+ Tính rủi ro trong triển khai ra sao khi mà 50% kinh phí là vốn từ bên ngoài, chỉ có 50% là vốn trong nước, trong đó có thể hoàn toàn chủ động được là 40%?
Từ thực tế này, thiết nghĩ cần: (a) chắt lọc và sắp xếp các nhiệm vụ theo mức độ ưu tiên; (b) lên sơ đồ những nhiệm vụ nào cần làm trước, làm song song, làm sau để bố trí nguồn lực thích hợp, đủ và đúng lúc. Việc làm này không mâu thuẩn mà bổ sung cho quan điểm và nguyên tắc chỉ đạo thực hiện CT có trọng tâm trọng điểm.
Biến đổi khí hậu hiện nay trên thế giới một phần không nhỏ là do hành vi của con người. Tính toán tác động của biến đổi khí hậu lên môi trường và tìm cách ứng phó có hiệu quả nhất là một bài toán của khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và công nghệ. Do vậy Chương trình khoa học và công nghệ (bao gồm khoa học xã hội) có nhiệm vụ cung cấp kịp thời cơ sở cho CTMTQG.
Tôi rất đồng tình và cho rằng tích hợp yếu tố biến đổi khí hậu vào các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội là một nhiệm vụ hàng đầu của CTMTQG, đảm bảo các kết cấu hạ tầng đầu tư trong những năm sắp tới từ vốn đầu tư toàn xã hội được sử dụng có hiệu quả lâu bền.
IV. Yêu cầu và tư tưởng chỉ đạo việc ứng phó với BĐKH và biển dâng
Quyết định 158/2008/QĐ-TTg đề ra năm quan điểm và sáu nguyên tắc chỉ đạo việc thực hiện CTMTQG. Những nội dung này rất đúng và cần thiết 4.
Tổng kết từ nhiều địa bàn trên thế giới cho thấy có ba cách ứng phó với mực nước biển dâng: bảo vệ (Protection), thích nghi (Accommodation) và rút lui (Retreat). Ba cách này đều áp dụng đối với các đối tượng: các công trình kiên cố, sản xuất nông nghiệp, và các hệ sinh thái, đặc biệt các hệ sinh thái ngập nước (wetland).
Không có một cách ứng phó duy nhất cho mọi đối tượng, ở mọi nơi, mọi lúc, trong mọi phương án biển dâng.
Ứng phó phải phù hợp với quy luật của tự nhiên, vì vậy ứng phó không thể riêng lẽ từng tỉnh vì sẽ manh mún, kém hiệu quả, thậm chí còn mâu thuẩn, cản trở, triệt tiêu nhau.
Yêu cầu đối với ứng phó là gìn giữ tối đa có thể được thành quả của lao động quá khứ, sinh mạng, tài sản và đời sống của nhân dân. Đối với đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa của cả nước, yêu cầu còn liên quan đến vấn đề an ninh lương thực quốc gia.
Chính vì thế, theo thiển ý của chúng tôi, cần bổ sung một tư tưởng chỉ đạo: việc ứng phó là phải biến thách thức thành thời cơ để phát triển bền vững. Từ tư tưởng chỉ đạo này mà đề ra các nhiệm vụ, khoa học và công nghệ nói riêng, cần giải quyết trong bối cảnh mới. Về mặt quản lý nhà nước, thách thức của biển dâng phải chăng chính là thời cơ thúc đẩy Nhà nước suy tính sâu sắc và tích cực hơn việc quản lý kinh tế theo vùng lãnh thổ?
V. Triển khai hợp tác quốc tế có hiệu quả
Lực lượng khoa học của chúng ta am tường về ứng phó với biến đổi khí hậu còn mỏng. Thông tin, số liệu còn rất thiếu và cần được cập nhật và bổ sung. Vì lẽ đó, hợp tác quốc tế có mục tiêu và hiệu quả là một công tác rất quan trọng.
Mê-kông là một con sông quốc tế. Việt
Việt Nam đã tham gia Nghị định thư Kyoto, Công ước quốc tế về đa dạng sinh học và những điều ước quốc tế khác có liên quan đến biến đổi khí hậu. Vì vậy hợp tác quốc tế cần được triển khai vì sự phát triển bền vững của quốc gia, của khu vực và của cả hành tinh./.
[1] Mục tiêu tổng quát là “đánh giá được mức độ tác động của biến đổi khí hậu đối với các lĩnh vực, ngành và địa phương trong từng giai đoạn và xây dựng được kế hoạch hành động có tính khả thi để ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu cho từng giai đoạn ngắn hạn và dài hạn nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước (…)”
2 Tám mục tiêu cụ thể là: a) Đánh giá được mức độ biến đổi của khí hậu Việt Nam do biến đổi khí hậu toàn cầu và mức độ tác động của biến đổi khí hậu đối với các lĩnh vực, ngành và địa phương; b) Xác định được các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu; c) Tăng cường các hoạt động khoa học công nghệ nhằm xác lập cơ sở khoa học cho các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu; d) Củng cố và tăng cường năng lực tổ chức, thể chế, chính sách về ứng phó với biến đổi khí hậu; đ) Nâng cao nhận thức, trách nhiệm tham gia của cộng đồng và phát triển nguồn nhân lực; e) Tăng cường hợp tác quốc tế nhằm tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ của quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu; g) Tích hợp vấn đề biến đổi khí hậu vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, phát triển ngành và địa phương; h) Xây dựng và triển khai các kế hoạch hành động của các Bộ, ngành và địa phương ứng phó với biến đổi khí hậu; triển khai các dự án, trước tiên là các dự án thí điểm.
3 Chín nhiệm vụ và giải pháp là (1) Đánh giá mức độ và tác động của biến đổi khí hậu ở Việt Nam; (2) Xác định các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu; (3) Xây dựng chương trình khoa học công nghệ về biến đổi khí hậu; (4) Tăng cường năng lực tổ chức, thể chế, chính sách về biến đổi khí hậu; (5) Nâng cao nhận thức và phát triển nguồn nhân lực; (6) Tăng cường hợp tác quốc tế; (7) Tích hợp yếu tố biến đổi khí hậu vào các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, phát triển ngành và địa phương; (8) Xây dựng các kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu; (9) Xây dựung và triển khai các dự án của Chương trình.
4 Xem đoạn I.1 và I.2 trong Quyết định 158/2008/QĐ-TTg ngày 02/12/2008.