Dịch bệnh trầm trọng thêm vì tin giả

Theo nghiên cứu mới của ĐH East Anglia (UEA), tin giả có thể làm các đợt bùng phát dịch bệnh thêm trầm trọng.


Cần làm theo các hướng dẫn phòng ngừa dịch bệnh của các cơ quan y tế đáng tin cậy. Nguồn: NST

Các nhà nghiên cứu tập trung vào bệnh cúm, bệnh thủy đậu và virus gây bệnh truyền nhiễm qua hai nghiên cứu. Họ cho biết, những phát hiện lần này cũng có thể giúp đối phó với đợt bùng phát COVID-19. Theo nhóm nghiên cứu, việc ngăn chặn tin tức giả mạo, thông tin sai lệch và lời khuyên có hại trên mạng xã hội có thể cứu sống nhiều mạng người.

Từ trước đến nay tin giả đã được chứng minh là có thể bóp méo các quy trình chính trị hoặc thao túng thị trường tài chính, nhưng rất ít nghiên cứu chỉ ra rằng lan truyền thông tin sai lệch có thể gây hại cho sức khỏe con người, đặc biệt là trong thời gian bùng phát dịch bệnh.

Chuyên gia COVID-19, giáo sư Paul Hunter và tiến sĩ Julii Brainard của thuộc Trường Y khoa Norwich của UEA, đã thiết lập thử nghiệm tác động của việc chia sẻ thông tin sai đối với sức khỏe con người trong thời kỳ một dịch bệnh bùng phát.

Giáo sư Hunter nhận xét, “tin tức giả được tạo ra không tôn trọng tính chính xác và thường dựa trên các thuyết âm mưu”. Đáng lo ngại hơn, nghiên cứu đã chỉ ra rằng gần 40% công chúng Anh tin vào ít nhất một thuyết âm mưu, tỉ lệ này ở Hoa Kỳ và các nước khác thậm chí còn cao hơn.

Đã có rất nhiều suy đoán về COVID-19, thông tin sai và tin giả về cách thức virus phát sinh, nguyên nhân gây ra và lây lan lưu hành đầy trên internet.
“Thông tin sai và lời khuyên sai có thể lưu hành rất nhanh chóng và có thể thay đổi hành vi của con người theo hướng rủi ro hơn, ví dụ chúng ta đã thấy sự trỗi dậy của phong trào chống vaccine làm gia tăng các trường hợp mắc bệnh sởi trên toàn thế giới”, giáo sư Hunter nói và lưu ý, nếu tin vào những thông tin sai lệch thì người dân ở khu vực Tây Phi có dịch Ebola sẽ thực hành các biện pháp chôn cất không an toàn. Tại Anh, chỉ có 14% phụ huynh cho biết đã đưa con đến trường khi trẻ có các triệu chứng bệnh thủy đậu, vi phạm chính sách của nhà trường và các khuyến nghị kiểm dịch chính thức.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là “mọi người thường chia sẻ lời khuyên sai trên mạng xã hội hơn là chia sẻ lời khuyên từ các nguồn đáng tin cậy như Cơ quan Y tế công cộng Anh hoặc Tổ chức Y tế thế giới”, ông nêu thực trạng. 

Các nhà nghiên cứu đã tạo ra các mô phỏng lý thuyết có tính đến các hành vi thực tế, mức độ lây lan của các bệnh khác nhau, thời gian ủ bệnh và thời gian phục hồi, cũng như tốc độ và tần suất đăng tải trên mạng xã hội và chia sẻ thông tin trực tiếp ngoài đời thật. Họ cũng đã tính đến mối liên hệ chặt chẽ giữa sự mất lòng tin vào các cơ quan chính thống và xu hướng tin vào các thuyết âm mưu, hiện tượng mọi người tương tác trong các “bong bóng thông tin” trên mạng và thực tế là mọi người có nhiều khả năng chia sẻ những câu chuyện sai lệch hơn là thông tin chính xác.

Các nhà nghiên cứu cũng tìm hiểu các chiến lược để chống lại tin giả mạo như đưa ra số lượng lớn hơn các thông tin chính xác và giáo dục cho người dân. TS Julii Brainard nói: “Chúng tôi đã thử nghiệm các chiến lược để giảm thông tin sai lệch. Trong nghiên cứu đầu tiên của chúng tôi, tập trung vào bệnh cúm, bệnh thủy đậu và virus gây bệnh truyền nhiễm, chúng tôi thấy nếu giảm 10% tỉ lệ lời khuyên sai trên tổng số lời khuyên đang lưu hành (giả sử số lời khuyên sai trong tổng số các lời khuyên đang lưu hành là 50% sẽ giảm còn 40%) có thể cải thiện tình hình dịch bệnh. Làm cho 20% dân số không chia sẻ hoặc tin vào lời khuyên sai cũng có tác động tích cực tương tự”.

Nhìn lại cả hai nghiên cứu, TS Julii Brainard cho biết, “Không có nghiên cứu nào trước đây xem xét chi tiết như vậy về việc lan truyền thông tin sai lệch ảnh hưởng thế nào đến sự lây lan của bệnh. Chúng tôi thấy rằng thông tin sai lệch trong thời điểm dịch bệnh có thể làm cho những đợt bùng phát trở nên nghiêm trọng hơn”. □

Hoàng Nam dịch
Nguồn: https://phys.org/news/2020-02-fake-news-disease-outbreaks-worse.htm

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)