Diện tích rừng bị thu hẹp đáng kể vì sản xuất nông nghiệp

Công bố trên Science công trình về sự thu hẹp diện tích rừng toàn cầu, nhà phân tích không gian địa lý Philip Curtis (trường Đại học Arkansas) và đồng nghiệp đã cho thấy mức độ ảnh hưởng của nền nông nghiệp hiện đại đến diện tích rừng trên thế giới. Đây là nghiên cứu đầu tiên trên thế giới nêu khu vực rừng bị thu hẹp và lý do dẫn đến hiện tượng đó.


Các cánh rừng ở Borneo,Indonesia bị đốn hạ để trồng cây cọ dầu. Nguồn: Science.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, 5 triệu hecta rừng của Costa Rica biến mất mỗi năm. Mặc dù hằng năm các công ty cam kết hỗ trợ trồng rừng nhưng diện tích rừng bị phá để trồng cọ dầu và các loại cây trồng khác vẫn không giảm từ năm 2001 đến 2015.
Nhà sinh thái học nhiệt đới Daniel Nepstad, giám đốc Viện nghiên cứu Đổi mới sáng tạo Trái đất (Earth Innovation Institute), tổ chức phi lợi nhuận về môi trường ở San Francisco, California, đánh giá nghiên cứu này có ý nghĩa lớn nó cho thấy chỉ sự cam kết giữa các tổ chức vẫn chưa đủ để bảo vệ rừng khỏi sự “bành trướng” của nông nghiệp.
Các nhà nghiên cứu vừa đưa ra một bức tranh chi tiết ở mức độ toàn cầu về sự suy giảm và tái sinh của rừng. Năm 2013, một nhóm do Matthew Hansen, giáo sư viễn thám tại Đại học Maryland, làm trưởng nhóm từng công bố các bản đồ có độ phân giải cao về sự thay đổi của rừng từ năm 2000 đến năm 2012 dựa trên dữ liệu ảnh vệ tinh. Khi đó, dù có thể truy cập qua internet nhưng các bản đồ này vẫn chưa thể hiện được những nơi rừng bị phá.
Trong phân tích mới trên Science, Philip Curtis làm việc với Hiệp hội Bền vững (The Sustainability Consortium), một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Fayetteville, Arkansas, nâng cấp một chương trình máy tính để có thể nhận diện năm nguyên nhân mất rừng trong ảnh chụp vệ tinh: cháy rừng tự nhiên, khai thác gỗ, nông nghiệp quy mô lớn, nông nghiệp quy mô nhỏ, và đô thị hóa. Để làm được điều này, Curtis dành hàng tuần chăm chú quan sát những bức ảnh từ Google Earth, nó cho thấy sự thu hẹp diện tích rừng đi kèm với nguyên nhân đã biết. “Đây là một trong những phần khó nhất của công việc.” ông cho biết, đặc biệt khi nhìn vào vùng Đông Nam Á thì “quy mô của những cánh rừng bị đốn hạ thật đáng kinh ngạc.”
Các lệnh của chương trình dựa trên các đặc tính toán học của hình ảnh, có thể giúp phân chia các hình khối nông nghiệp hiện đại từ lớn đến nhỏ. Tất cả thông tin cho thấy, khoảng 27% tổng thiệt hại diện tích rừng trong năm 2001 và 2015 do trồng trọt và chăn nuôi quy mô lớn gây ra, trong đó bao gồm những đồn điền công nghiệp trồng cọ dầu – một nhiên liệu sinh học giá trị và là thành phần chính trong thực phẩm, mỹ phẩm và nhiều sản phẩm khác. Rừng còn bị mất do những mục đích khác như nông nghiệp quy mô nhỏ trong khi đô thị hóa chỉ chiếm 1% trong tổng số diện tích rừng bị mất.
Trong năm 2001 đến năm 2015, sự thu hẹp diện tích rừng do nông nghiệp phát triển theo nhu cầu thị trường không suy giảm nhưng có xu hướng thay đổi theo vùng. Tại Brazil, nhiều khu rừng Amazon bị tàn phá để xây dựng các trang trại chăn nuôi gia súc hoặc trồng đậu tương. Tin tốt là tỷ lệ thu hẹp diện tích rừng đã giảm một nửa từ năm 2004 đến năm 2009 nhờ thực thi luật môi trường, áp lực từ người mua đậu tương và các yếu tố khác. Nhưng ở Malaysia và các vùng Đông Nam Á, luật chống phá rừng thường thiếu sót hoặc yếu kém trong thực thi, và ngày càng có nhiều rừng bị chặt để trồng cây cọ dầu. “Chúng tôi đã biết điều này [đang xảy ra], nhưng chúng tôi không có số liệu để hiển thị nó một cách nhất quán trên quy mô toàn cầu”, Curtis nói.

Cẩm Tú dịch
Nguồn: http://www.sciencemag.org/news/2018/09/scientists-reveal-how-much-world-s-forests-being-destroyed-industrial-agriculture

Tác giả

(Visited 17 times, 1 visits today)