Định hướng phát triển công nghệ sinh học của Trung Quốc

“Lĩnh vực công nghệ và khoa học sinh học đang bước vào thời kỳ thịnh vượng, đầu vào về vốn và nhân lực càng nhiều, thì lợi nhuận thu được từ nó sẽ càng cao”. Ferid Murad, giải Nobel về Y học

Trong bối cảnh kinh tế sinh học đang trở thành một cú hích mới cho tăng trưởng kinh tế tiếp sau kinh tế mạng và rất nhiều quốc gia khác đang chạy đua để nắm được “điểm chốt” trong công nghiệp và công nghệ sinh học (CNSH), gần đây, nhiều nhà khoa học đoạt giải Nobel và một lực lượng đông đảo các nhà khoa học Trung Quốc làm việc trong lĩnh vực sinh học đã gặp gỡ nhau ở Bắc Kinh để đưa ra những định hướng và giải pháp cho phát triển CNSH của Trung Quốc.

Tăng đầu vào đối với nghiên cứu cơ bản

“Đầu tư vốn của Trung Quốc cho nghiên cứu khoa học (NCKH) phục vụ cuộc sống như sinh học, nông nghiệp và các ngành khoa học liên quan còn rất thấp, chính phủ nên tạo ra môi trường tốt cho phát triển công nghiệp CNSH, và huy động tất cả sức mạnh trong xã hội để phát triển lĩnh vực này”, Ferid Murad, nhà khoa học đoạt giải Nobel về Y học nói. Lĩnh vực công nghệ và khoa học sinh học đang bước vào thời kỳ thịnh vượng, đầu vào về vốn và nhân lực càng nhiều, thì lợi nhuận thu được từ nó sẽ càng cao.
Nhà sinh lý học Mỹ đoạt giải Nobel Wiesel cũng cho rằng, Trung Quốc muốn thu được nhiều tiến bộ trong lĩnh vực tiên phong của CNSH, thì phải đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển lĩnh vực này. Có thể viện ra đây một ví dụ, năm 2003, kinh phí NCKH của Viện sức khỏe quốc gia Mỹ lên đến 27 tỷ USD, lớn hơn hai lần toàn bộ kinh phí đầu tư cho NCKH của Trung Quốc. Ngân sách chi cho những nghiên cứu cơ bản về khoa học đời sống của Mỹ chiếm 0.3% GDP của nước này, trong khi đó Trung Quốc chỉ chiếm 0.02%. Một điểm nữa, ở Mỹ, khoản tài chính khoảng 30 tỷ USD đến từ những tổ chức công nghiệp và nhiều quỹ khác nhau, nhưng Trung Quốc lại không có được những nguồn như thế. Và theo giáo sư Wu Rui, nhà sinh học nổi tiếng của đại học Cornell, trong khoảng thời gian 10 đến 15 năm tới, ngân sách dành cho NCKH cơ bản phải được tăng lên dần dần, và đến năm 2020, ngân sách cho NCKH trong lĩnh vực sinh học phải đạt đến 0.1% GDP.
Lin Wenjie, giáo sư danh dự của Đại học Hồng Kông và Viện Khoa học Quốc gia Trung Quốc cũng đã chỉ ra nhiều mối quan tâm trong khoa học cơ bản. Ông nhấn mạnh, kiên nhẫn là cần thiết trong NCKH. Từ khoa học tới công nghệ là cả một quá trình dài. Nghiên cứu cơ bản không chỉ gói gọn trong khuôn khổ tạo ra thành quả trong một thời gian ngắn. Zuo Tianjue, chủ tịch danh dự của Viện quốc tế về phát triển và giáo dục trong nông nghiệp và khoa học đời sống (IDEALS) thì cho rằng, “Sẽ là sai lầm khi một vài trường đại học cắt bỏ những môn sinh học thông thường và tập trung vào chuyên đề kỹ sư sinh học. Khả năng về khoa học công nghệ của một quốc gia phụ thuộc cả vào khoa học cơ bản và công nghệ tiên tiến. Cả hai đều không thể coi nhẹ, mà ngược lại, đều phải được chú trọng đầu tư. Chỉ có làm như thế mới đem lại lợi nhuận”.

Ưu tiên đặc biệt các ngành mũi nhọn
“Cha đẻ của bò vô tính”, Yang Xiangzhong, giáo sư Đại học bang Connecticut, Mỹ, muốn gửi thông điệp khuyến khích Trung Quốc thực hiện nghiên cứu phát triển điều trị vô tính. Theo Yang, những nguyên nhân xã hội, tôn giáo đã gây cản trở cho phát triển CNSH phôi ở các quốc gia phương Tây. Thủ tục xem xét và phê chuẩn không hấp dẫn đã làm nản lòng nhiều công ty về y tế. Hiện tại, những nghiên cứu về công nghệ phôi tiến hành trong các phòng thí nghiệm phương Tây chỉ tập trung vào các mẫu động vật, trong khi Trung Quốc có thuận lợi hơn trong việc thực hiện trị bệnh vô tính cho người, đồng thời cũng có một môi trường nghiên cứu dồi dào và khá thoải mái. Nếu Trung Quốc có thể đưa ra những chính sách, cung cấp tài chính đầy đủ và tạo được môi trường nghiên cứu tốt thì quốc gia này sẽ trở thành nước đi đầu trên thế giới trong lĩnh vực công nghệ phôi.
“Nguồn ngân sách giới hạn phải được dùng vào những nghiên cứu cốt yếu. Đừng bao giờ bỏ lỡ những cơ hội vàng chỉ có thể chợt đến trong giây lát”, Yang gợi ý rằng việc sử dụng ngân sách dành cho nghiên cứu phải được lựa chọn rất cẩn thận, và chỉ tập trung vào những lĩnh vực đang bắt đầu có nhiều triển vọng và đi đầu thế giới.
Để giành được những lợi thế và tạo ra bứt phá, giáo sư Wu cho rằng đất nước phải thiết lập một kế hoạch nhóm dự án lớn để hỗ trợ cho 80-100 lĩnh vực sinh học quan trọng trong 10 năm tới, và tập hợp các nhà khoa học xuất sắc trong lĩnh vực sinh học để gia tăng sức mạnh nghiên cứu. Ngân sách chi tiêu cho nghiên cứu là phải cho 10 năm, và lượng ngân sách đó phải đủ cho mỗi kế hoạch nhóm dự án lớn để thu hút ít nhất 10 nhà khoa học xuất sắc cùng tiến hành nghiên cứu trong 10 năm.

Tăng đầu ra số nhà sinh học chất lượng cao
Thống kê cho thấy, số lượng các nhà sinh học trong nước, những phòng thí nghiệm được trợ giúp bởi chính phủ và số luận án xuất bản năm gần đây, Trung Quốc và Mỹ gần tương đương nhau. Tuy nhiên, số bài báo nghiên cứu có ảnh hưởng được xuất bản bởi các nhà nghiên cứu Trung Quốc trong lĩnh vực sinh học thấp hơn 4% so với các nhà nghiên cứu Mỹ. Đối mặt với thực trạng trên, Wu Rui chỉ ra rằng, sự thiếu hụt các nhà khoa học tài năng và sự không đủ của ngân sách nghiên cứu sẽ dẫn tới sự không hoàn thiện trong thủ tục phê chuẩn dự án và hệ thống cung cấp kinh phí nghiên cứu. Do khả năng hỗ trợ tài chính thấp và thời gian hỗ trợ ngắn (2-3 năm), nên hầu hết các nhà khoa học chỉ chọn những dự án dễ dàng thu được kết quả, tuy nhiên, loại công việc nghiên cứu này lại thiếu khả năng đổi mới và sáng tạo. Do vậy, hầu hết các bài báo nghiên cứu chỉ được xuất bản trên các tạp chí trong nước, và chỉ có một vài bài báo được đăng trên những tạp chí quốc tế có ảnh hưởng lớn.
Để giải quyết được vấn đề thiếu hụt các nhà sinh học chất lượng cao ở Trung Quốc, giáo sư Wu Rui cho rằng, một mặt hệ thống đào tạo trong các viện, trường đại học phải được cải thiện để nuôi dưỡng nhiều nhà khoa học sáng tạo trong lĩnh vực sinh học, mặt khác ngân sách dành cho nghiên cứu phải đủ mạnh, môi trường làm việc thông thoáng và việc quản lý phải mềm dẻo để thu hút một lượng lớn các nhà sinh học hàng đầu ở nước ngoài trở về Trung Quốc phục vụ. Trung Quốc cũng nên thiết lập một quỹ nghiên cứu mới giống như những cái mà Mỹ đã làm để khuyến khích và thúc đẩy những kế hoạch nghiên cứu nhóm, và tạo cơ hội cho các nhà sinh học cùng hợp tác, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ nguồn thông tin để cuối cùng cho ra được những kết quả và bài báo nghiên cứu có ảnh hưởng lớn.

Cải cách hệ thống phê duyệt dự án

Trung Quốc cần phải thiết lập một hệ thống phê duyệt khoa học thống nhất, và tiếp nhận các chỉ số hàn lâm quốc tế như số bài báo được xuất bản, chất lượng bài báo và uy tín trong giới hàn lâm quốc tế làm tiêu chuẩn đánh giá. Theo giáo sư Wu, đối với việc phê chuẩn và xem xét những dự án lớn, Trung Quốc nên mời những chuyên gia quốc tế có năng lực cao tham gia vào ủy ban phê duyệt dự án, và số chuyên gia quốc tế này phải chiếm hơn một nửa trong ủy ban. Chỉ như thế mới có được đánh giá công bằng, chính xác và lựa chọn được những dự án thích hợp để đầu tư. Ông hồ hởi bày tỏ, “Tôi rất hạnh phúc khi thấy Quỹ khoa học tự nhiên quốc gia Trung Quốc đã bắt đầu mời những chuyên gia đẳng cấp quốc tế tham gia vào công việc thẩm định và phê chuẩn một số dự án ở Bộ Khoa học đời sống. Tôi hy vọng rằng, khả năng tiếp cận mới đối với việc phê chuẩn dự án sẽ được mở rộng cho tất cả các lĩnh vực khoa học đời sống, và thậm chí, có thể mở rộng tới tất cả các lĩnh vực giáo dục khoa học”.

Đ.Phường (Theo PDO)

———
CHÚ THÍCH ẢNH: Trang web của công ty Sinobio ở Thẩm Quyến. Công ty này tuyên bố trị được một số loại ung thư nhờ liệu pháp gene.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)