Đo lường Việt Nam: Từng bước hội nhập

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, không có đo lường chính xác và thống nhất chúng ta sẽ không thể đề ra và đạt được các mục tiêu, tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm, năng suất, hiệu quả trong các ngành công nghiệp, không phát triển được công nghệ, và không đảm bảo được sự trong sạch của môi trường và sức khoẻ của nhân dân.

Sự phát triển, đổi mới của bất kỳ lĩnh vực khoa học công nghệ và lĩnh vực công nghiệp nào cũng đều đòi hỏi phát triển lĩnh vực đo lường tương ứng để có thể đánh giá, định lượng, và đặt mục tiêu cụ thể cho sự đổi mới, phát triển đó. Chẳng hạn như: công nghiệp chế tạo cơ khí, công nghiệp ô tô, công nghiệp hàng không, vũ trụ đòi hỏi sự phát triển mạnh mẽ về độ chính xác cũng như phạm vi đo của các lĩnh vực đo lường lực, đo lường độ cứng, đo lường áp suất, đo lường gia tốc trọng trường và đo lường các đại lượng cơ học khác; trong ngành y việc chẩn đoán, chữa trị, chăm sóc bệnh nhân đòi hỏi và thúc đẩy sự phát triển chuẩn dòng điện lượng tử; công nghiệp điện tử, truyền thông, hàng hải, giao thông đã đòi hỏi phát triển chuẩn điện áp xoay chiều cùng với việc sử dụng hiệu ứng Josephson và hiệu ứng lượng tử Hall. Ngoài ra còn rất nhiều ví dụ tương tự khác trong các lĩnh vực hóa học, vi sinh học, cấu trúc nano, tin học, v.v. Theo Ủy ban Cân Đo quốc tế (CIPM), chính những yêu cầu ngày càng cao trong các lĩnh vực công nghiệp, khoa học và công nghệ đòi hỏi các phép đo ngày càng phải chính xác hơn và luôn phải vượt lên trên những gì mà đo lường hiện tại có thể chấp nhận được.

Phục vụ phát triển Khoa học và kinh tế

Ngày nay, khi trách nhiệm đối với sản phẩm, dịch vụ theo thông lệ và theo pháp luật hoàn toàn thuộc về người cung ứng thì việc cung cấp bằng chứng về sự tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật và quy định thương mại của người cung ứng lại càng trở nên quan trọng trong việc chứng minh sự minh bạch của hệ thống đảm bảo chất lượng và tạo lập sự tin cậy cho sản phẩm, dịch vụ. Tất cả những điều đó đòi hỏi phải thông qua những kết quả đo, thử nghiệm tin cậy, có thể chấp nhận được.

Hiện nay, hầu hết các chuẩn đo lường quốc gia được thiết lập, duy trì và khai thác tại Viện Đo lường Việt Nam (Trung tâm Đo lường Việt Nam trước đây). Viện Đo lường Việt Nam cũng là tổ chức khoa học công nghệ chịu trách nhiệm dẫn xuất đơn vị đo thống nhất trong cả nước từ chuẩn quốc gia đến các chuẩn cấp chính xác thấp hơn và đến các phương tiện đo trong cả nước.

Sự thừa nhận quốc tế (mang tính toàn cầu) của các kết quả đo, thử nghiệm chỉ có thể đạt được thông qua liên kết đo lường (measurement traceability) của những kết quả đo đó đến những chuẩn đo lường ổn định, được liên kết đến hệ đơn vị quốc tế (SI). Vì vậy đối với các nước đang phát triển, việc thiếu dẫn xuất chuẩn đo lường của các lĩnh vực đo được quốc tế thừa nhận như trong đo lường khối lượng, dung tích lưu lượng, nhiệt độ, hóa học và những lĩnh vực đo khác trong sản xuất, chế tạo các sản phẩm, hàng hóa đã và đang cản trở sự phát triển kinh tế, và ngăn cản những nước này vượt qua các rào cản thương mại quốc tế, như nhận định trong báo cáo năm 2005 của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) về rào cản thương mại (TBT).

Sự thiếu hụt hạ tầng kỹ thuật đo lường, thử nghiệm được quốc tế thừa nhận khiến các nước đang phát triển gặp nhiều bất lợi và bị phụ thuộc vào những chính sách nhập khẩu nhất thời của các nước phát triển. Trên thực tế đã xảy ra nhiều “vụ” khước từ nhập khẩu sản phẩm thủy sản, rau quả từ châu á, châu Phi vào Mỹ, EU; rượu vang, cá, tôm từ Chilê vào Mỹ, Nhật, EU; thịt bò, mật ong, gà từ Thái Lan vào EU, Mỹ, Hồng Kông, v.v. dẫn tới số sản phẩm bị từ chối phải hủy bỏ, gây nhiều thiệt hại cho các nước đang phát triển xuất khẩu.

Để tránh được những thiệt hại tương tự như trên, các nước đang phát triển buộc phải cải thiện, phát triển hạ tầng kỹ thuật đo lường, thử nghiệm để các kết quả đo lường, thử nghiệm có thể được quốc tế thừa nhận – như đạt được thừa nhận song phương, đa phương cho các kết quả đo, thử nghiệm đối với những sản phẩm cụ thể, hoặc đạt được sự thừa nhận thông qua Thỏa thuận Thừa nhận lẫn nhau toàn cầu về đo lường (CIPM MRA) đối với chuẩn đo lường quốc gia và các kết quả đo do các viện đo lường quốc gia công bố.

Đo lường ở Việt Nam

Văn bản pháp lý hiện hành cao nhất về đo lường ở Việt Nam là Luật Đo lường năm 2011.

Chuẩn quốc gia

Theo Luật Đo lường, chuẩn đo lường của từng lĩnh vực đo bao gồm: chuẩn quốc gia, chuẩn chính và chuẩn công tác. Nhà nước chịu trách nhiệm xây dựng và phát triển Hệ thống chuẩn đo lường quốc gia, còn các địa phương, các ngành, các cơ sở sản xuất kinh doanh, các cơ sở nghiên cứu tự chịu trách nhiệm thiết lập, phát triển chuẩn đo lường có độ chính xác cần thiết và liên kết với chuẩn quốc gia theo yêu cầu hoạt động của mình. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để những chuẩn này được liên kết với chuẩn quốc gia thông qua các tổ chức hiệu chuẩn.

Kiểm định/hiệu chuẩn

Theo quy định trong Luật Đo lường, hoạt động kiểm định/hiệu chuẩn là bắt buộc cho mọi phương tiện đo sử dụng vào các mục đích định lượng hàng hóa, dịch vụ trong mua bán, thanh toán; đảm bảo an toàn, sức khỏe và môi trường; giám định tư pháp và phục vụ các hoạt động công vụ của Nhà nước. Năm 2002 và sau đó là năm 2007, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Danh mục phương tiện đo phải kiểm định gồm 39 loại phương tiện đo cụ thể thuộc 08 lĩnh vực đo: khối lượng, độ dài, dung tích, lưu lượng, áp suất, nhiệt độ, hóa lý, điện– điện từ và thời gian-tần số-âm thanh.

Hệ thống các tổ chức kiểm định của Việt Nam hằng năm đã kiểm định được trên hai triệu phương tiện đo các loại thuộc danh mục phương tiện đo bắt buộc phải kiểm định, trải rộng trên mọi miền đất nước và trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế: sản xuất, thương mại, y tế, môi trường, giao thông, v.v. Hệ thống các tổ chức kiểm định bao gồm các tổ chức khoa học công nghệ công lập và các tổ chức ngoài công lập được công nhận khả năng kiểm định đối với từng lĩnh vực đo cụ thể. Cho đến nay cả nước ta đã có hơn 200 tổ chức được công nhận khả năng kiểm định, đáp ứng được phần lớn nhu cầu kiểm định của các tổ chức, cá nhân trong cả nước.

Cùng với các tổ chức kiểm định, các phòng hiệu chuẩn được công nhận ở nước ta đã hợp thành một hệ thống các tổ chức thực hiện việc liên kết đo lường cho các phương tiện đo thuộc lĩnh vực đo lường pháp định cũng như những phương tiện đo trong các ngành công nghiệp, trong sản xuất kinh doanh với Hệ thống chuẩn đo lường quốc gia, đảm bảo cho các phương tiện đo này có độ chính xác phù hợp và thống nhất trong phạm vi cả nước. Đến nay, ở nước ta đã hình thành và phát triển được một mạng lưới các phòng hiệu chuẩn được công nhận để các chuẩn và phương tiện đo dùng trong công nghiệp, trong sản xuất kinh doanh được liên kết với chuẩn đo lường quốc gia (trực tiếp hoặc gián tiếp) thông qua một chuỗi các phép hiệu chuẩn liên kết không đứt đoạn.

Liên kết với chuẩn quốc tế

Để các phép đo, phép thử nghiệm của các phòng thí nghiệm trong nước đạt được tiêu chí: “đo, thử nghiệm ở một nơi, được chấp nhận ở nhiều nơi”, ngoài việc tuân thủ theo một hệ thống quản lý chất lượng được đánh giá và công nhận phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia/quốc tế,  chuẩn đo lường của các phòng thí nghiệm đó còn phải được liên kết đến chuẩn quốc tế thông qua việc liên kết với chuẩn quốc gia đã được trực tiếp hoặc gián tiếp liên kết tới chuẩn quốc tế. Cũng để các phép đo, phép hiệu chuẩn, phép thử nghiệm của các phòng thí nghiệm trong cả nước có cơ sở được chấp nhận quốc tế/toàn cầu, năm 2004 Viện Đo lường Việt Nam (được sự cho phép của các cấp có thẩm quyền) đã ký kết tham gia Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau toàn cầu về đo lường (CIPM MRA). Đến nay, 05/11 lĩnh vực đo của Viện Đo lường Việt Nam đã được đánh giá quốc tế và chấp nhận toàn cầu với các CMCs (khả năng đo /hiệu chuẩn) được đăng tải trên cơ sở dữ liệu của Viện Cân Đo quốc tế (KCDB).

***

Bằng sự tham gia tích cực và chủ động của đo lường nước ta vào các tổ chức đo lường quốc tế, khu vực (APMP, APMLF, CGPM, OIML) và sự tham gia của tổ chức công nhận chất lượng nước ta vào các tổ chức quốc tế (APLAC, ILAC), hoạt động đo lường của nước ta thực sự đã từng bước hội nhập quốc tế với Hệ thống chuẩn đo lường quốc gia và Hệ thống quản lý chất lượng phòng thí nghiệm được công nhận quốc tế.

Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau toàn cầu về đo lường (Global Mutual Recognition Arrangement – MRA)

Năm 2004, Việt Nam đã ký văn bản tham gia thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau toàn cầu  (CIPM MRA) về chuẩn đo lường quốc gia và hiệu lực giấy chứng nhận hiệu chuẩn do các Viện Đo lường Quốc gia công bố.

Đây là thỏa thuận được ký bởi đại diện của 38 Viện đo lường trên thế giới và 02 tổ chức quốc tế vào năm 1999, theo đề xuất của Ủy ban quốc tế về Cân và Đo (CIPM). Đến nay, 87 Viện Đo lường và 04 tổ chức quốc tế đã ký kết tham gia tỏa thuận này (trong đó có Việt Nam). Mục đích chính của thỏa thuận này là:

– Thiết lập mức tương đương của các chuẩn đo lường quốc gia do các Viện đo lường quốc gia (NMI) duy trì và khai thác;

– Thừa nhận lẫn nhau giấy chứng nhận hiệu chuẩn và đo lường do các NMI phát hành.

– MRA là một thể chế, thông qua đó các Viện đo lường quốc gia (NMI) cùng tạo ra sự công nhận lẫn nhau và tạo nên sự chấp nhận đa phương các chuẩn đo lường cùng với các khả năng đo, hiệu chuẩn (Calibration & Measurement Capability – CMC), thay thế hệ thống công nhận vùng (regional) hoặc song phương (bilateral) trước đây. Có nghĩa là, các chuẩn đo lường và CMC của các NMI được công nhận lại với số lượng nhiều bên tham gia hơn trước đây.

– MRA là một thể chế mà các bên tham gia ký có thể dựa vào đó định hướng chiến lược kinh tế. Đó là lợi ích tương tự như việc giảm thiểu các rào cản kỹ thuật trong thương mại quốc tế.

Sau khi tham gia CIPM MRA , cho đến nay 05 trên 11 lĩnh vực đo của Viện Đo lường Việt Nam đã được chấp nhận và công bố toàn cầu. Đây thực sự là một bước tiến đáng kể của Đo lường nước ta, tạo ra cơ sở kỹ thuật rất quan trọng, đảm bảo tính liên kết đo lường tin cậy, được công nhận quốc tế cho các phép đo khác trong cả nước.

Tác giả