Doanh nghiệp trong phòng thí nghiệm

Mô hình doanh nghiệp spin-off (tạm dịch là "doanh nghiệp khởi nguồn" hay "doanh nghiệp công nghệ cao") trong các viện nghiên cứu, trường đại học trên thế giới rất thành công từ hơn 50 năm trước. Hiện nay, Viện Vật lý ứng dụng và Thiết bị khoa học đang tiên phong trong việc thành lập một doanh nghiệp spin-off đầu tiên của Việt Nam.

Khởi nguồn của  “DN khởi nguồn”
Giáo sư, Viện trưởng Viện vật lý ứng dụng và Thiết bị khoa học Trần Xuân Hoài cho chúng tôi xem tờ giấy đánh máy đã cũ, đó là bản “Phương án xây dựng Trung tâm Ứng dụng Vật lý vào sản xuất”, nội dung đề nghị thành lập một trung tâm có đủ tư cách pháp nhân, huy động mọi nguồn tài chính kể cả từ bên ngoài để áp dụng những thành tựu khoa học mới nhất vào sản xuất. Vào thời điểm 1988, nó dường như là đề nghị quá táo bạo và… không được chấp thuận. Cũng vì đề xuất đó mà ông phải chịu một thời gian khốn đốn.
Không buông xuôi, GS Hoài cùng một số nhà khoa học tại Viện Khoa học Việt Nam (nay là Viện khoa học và Công nghệ Việt Nam) triển khai Trung tâm ứng dụng vật lý, sau đó sáp nhập Trung tâm thiết bị khoa học để hình thành Viện Vật lý ứng dụng và Thiết bị khoa học. Có thể coi Viện Vật lý ứng dụng của GS Hoài như một “DN spin-off không chính thức”.
Bắt đầu gần như từ tay trắng, chỉ với hơn mười người “thực sự làm khoa học”, kinh phí chiếm không đến 0,3% ngân sách của Viện Khoa học Việt Nam, Viện đã thành công với loạt sản phẩm công nghệ cao như hệ thống hiển vi quét đầu dò có thể “nhìn” đến phần tỷ mét, sơn quang xúc tác nano TIO2 tự làm sạch và khử trùng, thiết bị diệt khuẩn bằng công nghệ nano…

“Điều quan trọng, chúng tôi bằng chính lao động khoa học của mình, đã cho thấy rõ việc ứng dụng và triển khai công nghệ không làm giảm, mà ngược lại, càng nâng cao chất lượng khoa học, kể cả khoa học cơ bản”.

“Số kinh phí đầu tư mà chúng tôi phải tự tìm kiếm đã gấp hơn chục lần kinh phí thường xuyên của Nhà nước cấp” – GS Hoài nói – “Điều quan trọng, chúng tôi đã nghiệm ra rằng việc ứng dụng và triển khai công nghệ không làm giảm, mà ngược lại, càng nâng cao chất lượng khoa học, kể cả khoa học cơ bản” Tuy nhiên, với cơ chế quản lý cũ, nhà khoa học không “gắn chặt” với công trình của mình. “Về thực tế, không có động lực nào cho người khoa học làm việc cả. Các cán bộ khoa học chỉ làm việc giống như xã viên hợp tác xã nông nghiệp ngày xưa làm theo tiếng kẻng gọi ra đồng”. Các nhà khoa học trẻ tài năng phải chịu ‘chiếu dưới’ trong thứ bậc hành chính và đãi ngộ, nhiều người đã bỏ khoa học hoặc chuyển đi.
Tuy nhiên tình hình dường như đang thay đổi, Bộ KH&CN đã có quy chế công khai đấu thầu các đề tài khoa học, nhất là Chính phủ đã ban hành Nghị định 115 “Quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ công lập” ra đời. “Thực ra từ lâu chúng tôi đã làm “gà tự kiếm mồi” nên việc tự chủ không xa lạ gì. Điều mong muốn lúc này là làm sao để có thể dành sự tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho chính nhà khoa học để họ có động lực sáng tạo” – GS Hoài nói. Đây có thể chính là thời điểm để ông thực hiện ý tưởng ấp ủ từ rất lâu: thành lập một công ty công nghệ cao theo mô hình spin-off.

“Làm” spin-off không dễ

“Giáo sư Inoue, một trong số nhà khoa học Nhật Bản làm ra máy photocopy đầu tiên, nói với tôi: Các nước phát triển có thể bán hoặc chuyển giao mọi thứ, nhưng đừng bao giờ hy vọng họ chuyển giao công nghệ cao. Chỉ có tìm mọi cách để giành lấy mà thôi!” – GS Hoài kể. Mô hình DN spin-off mà GS Hoài đề nghị thành lập thí điểm xuất phát từ thực tế công nghệ cao cần nhanh chóng ứng dụng, tuy nhiên rất khó có thể mua bán hay chuyển giao theo cách thông thường. Công nghệ cao bao giờ cũng mới mẻ, nhà đầu tư chưa có điều kiện hiểu hay để đầu tư, bản thân công nghệ cũng cần hoàn thiện trong quá trình đưa ra ứng dụng.
“Với công nghệ quá cao, dù các DN có muốn cũng không đủ trình độ để tiếp nhận chuyển giao, bởi chất xám là “thành phần chính” của sản phẩm” – GS Hoài nói – “Như hệ thống kính hiển vi đầu dò của Mĩ, giá linh kiện chỉ 5.000 đôla Mỹ, nhưng có thể tới 295.000 đôla Mỹ là giá chất xám”.

 

Vị trí của doanh nghiệp Spin- Off trong môi trường tương tác nghiên cứu -thị trường

DN spin-off là một bộ phận hữu cơ của cơ sở nghiên cứu (viện hay trường đại học) nhưng hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Song “hàm lượng chất xám” chính là điều kiện tiên quyết của DN spin-off và khiến nó khác biệt với các DN khoa học khác. DN spin-off là một khối gắn kết cố định phòng thí nghiệm – nhà khoa học – nhà sản xuất, nó vừa tạo quyền chủ động cho nhà khoa học, vừa giúp nhanh chóng đưa sản phẩm công nghệ cao ra thị trường. Trong hơn 50 năm qua, chỉ với khoảng 20% DN spin-off trên thế giới chuyển giao ra thị trường thành công, nền công nghệ đã thay đổi mạnh mẽ.
Ngoài spin-off, còn một loại hình DN khoa học nữa là DN start-up (hay “DN khởi nghiệp”). Nhưng khác với DN spin-off, DN start-up chỉ nằm trong khu vực “vườn ươm” (technology park) và không nhất thiết phải gắn với cơ sở nghiên cứu. Công nghệ của DN start-up không nhất thiết phải là công nghệ cao, kết quả nghiên cứu cũng có thể lấy từ nơi khác đến. Nếu như người thành lập và điều hành DN spin-off nhất thiết phải chính là nhà khoa học chủ nhân của phát kiến công nghệ cao, thì ai cũng có thể thành lập và điều hành DN start-up. Trong các DN khoa học, có thể có hàng trăm DN start-up, nhưng chỉ rất ít trong đó là DN spin-off.
Vậy hiện tại, Việt Nam có thể thành lập được bao nhiêu DN spin-off? Sau một thoáng ước lượng, GS Hoài thận trọng: “Năm, hoặc cùng lắm là mười”.

Cần cơ chế hơn tiền bạc

 

Định nghĩa doanh nghiệp spin-off Của ETH Zurich Thuỵ sĩ:

Một doanh nghiệp Spin-off  của ETH là một doanh nghiệp mới được thành lập dựa trên kết quả nghiên cứu cuả ETH do các cán bộ của ETH hoặc học viên của ETH tham gia. (http://www.transfer.ethz.ch/firmgruend/index_EN)

Của Đại học Alberta (Canada)

Một công ty spin-off của Đại học Alberta là một doanh nghiệp mà hoạt động sản xuất kinh doanh của nó chủ yếu khởi nguồn từ sự ứng dụng hoặc sử dụng một công nghệ và/hoặc một Know-how do một chương trình nghiên cứu của Đại học Alberta đã hoặc đang phát triển ra. Doanh nghiệp mới này được lập ra nhằm  (1) chuyển giao một bản quyền phát minh, (2) để tài trợ nghiên cứu để phát triển tiếp một công nghệ hoặc phát minh mà công ty sẽ chuyển giao, hoặc (3) để cung cấp một dịch vụ sử dụng kiến thức và kinh nghiệm của Đại học tạo ra.

Để xây dựng thí điểm mô hình DN spin-off, GS Hoài đã phải thực hiện cuộc “marathon hành chính” trong suốt hơn một năm, đến tháng 3/2006 thì Chính phủ đồng ý về nguyên tắc cho thành lập thí điểm. “Cấp cao thông qua rất nhanh, vướng mắc hóa ra lại ở cấp trung gian”. – GS Hoài cho biết.
Mất 18 năm, ý tưởng về thành lập một đơn vị khoa học tự chủ mới có cơ sở thành hiện thực. Trong thời gian đó, nhiều người khuyên ông ra mở công ty riêng, có người đề nghị góp vốn hàng trăm nghìn đôla Mỹ, song họ không hiểu điều GS Hoài thực sự cần là một cơ chế “chính tắc” để nhà khoa học tài năng tiếp tục con đường nghiên cứu, không phải phụ thuộc vào sự xin-cho nào. “Trong khoa học, chỉ có ba mối quan hệ: thày trò, đồng nghiệp và người điều hành. Người phụ trách hành chính không thể bảo “tôi lãnh đạo khoa học được” – GS Hoài nói – “Còn nếu vì tiền, Viện tôi chỉ cần nhận làm tư vấn bán máy SPM cho nước ngoài, hưởng hoa hồng 10% là đủ”.
Trước mắt, dù nhiều vấn đề còn đang tranh cãi, nhưng đề án thành lập DN spin-off này đã tìm ra được nhiều giải pháp thí điểm. Tuy nhiên, để vượt qua được rào cản của lối tư duy cũ đối với khoa học công nghệ, kiểu như quản lý hợp tác xã nông nghiệp, thì không phải dễ dàng. Thậm chí GS Hoài đã xin tự nguyện rút ra khỏi biên chế nhà nước để khỏi vi phạm quy định công chức không được điều hành công ty TNHH (cho dù đây là mô hình công ty nhiều sở hữu, trong đó có phần sở hữu của nhà nước).
Hơn một lần GS Hoài phát biểu, tất cả những việc ông làm là cho ra đời mô hình DN spin-off đầu tiên ở Việt Nam, để mở thêm một con đường đi cho khoa học công nghệ, đặc biệt là cho những nhà khoa học thực sự chỉ làm khoa học. GS Hoài hy vọng trong vòng hai, ba năm nữa, ở các viện nghiên cứu và trường đại học sẽ ra đời hàng loạt các công ty spin-off, và chỉ cần khoảng 10% các công ty đó được chuyển giao là thành công.
MỘT SỐ SẢN PHẨM CÔNG NGHỆ CAO CỦA VIỆN VẬT LÝ ỨNG DỤNG VÀTHIẾT BỊ KHOA HỌC
Máy  hiển vi quét đầu dò (SPM)
Đo chính xác mặt mẫu về các biến thiên chiều cao. Hình ảnh bề mặt được quan sát với độ phóng đại từ hàng ngàn cho đến vài triệu lần đối với mọi chất liệu như kim loại, bán dẫn, sứ, hữu cơ, đại phân tử và sinh học… trong môi trường không khí mà không cần xử lý trước như mạ, phủ…
Thiết bị diệt khuẩn bằng công nghệ Nano.
Dùng diệt khuẩn từ hơi thở bệnh nhân nhiễm trùng nặng như Lao, SARS, H5N1…
Sản phẩm quang xúc tác TiO2 Nano.
Diệt khuẩn, diệt nấm mốc và khử mùi, phân hủy các chất hữu cơ dưới tác dụng của ánh sáng.
Bộ điều khiển đa năng cho mô-tơ bước.
Cho các phòng thí nghiệm và công nghiệp. Thiết bị hoạt động vạn năng trên nền Microprocessor, theo điều khiển tự động của máy tính qua RS232, LPTPort, USB hoặc điều khiển bằng tay hoặc bằng tín hiệu analog.

Thạch Anh

Tác giả