Đối đầu với dịch cúm

Những điểm bùng phát dịch cúm gia cầm tiếp tục xuất hiện ngày càng nhiều trên bản đồ, các lãnh đạo Chính phủ chia nhau đi khắp các tỉnh, thành để lo đối phó với dịch cúm, tin tức của các bệnh nhân cúm gia cầm cũng xuất hiện ngày một dày đặc hơn, số lượng người buôn bán gia cầm ít dần tại các thành phố lớn... Tất cả những diễn biến trên cho thấy chúng ta đang phải đối mặt với nguy cơ bùng phát thực sự của một đại dịch cúm chứ không còn chỉ là những mối lo tiềm ẩn nữa

Tập trung sức đối phó với dịch bệnh

Cách đây khoảng nửa tháng, trong cuộc họp thường kỳ tháng 10, Thủ tướng Phan Văn Khải đã nhấn mạnh: “Bằng giá nào cũng cố gắng tránh để dịch cúm gia cầm bùng phát”. Để làm được điều này, hàng loạt biện pháp cứng rắn đã được đưa ra: khoanh vùng các ổ dịch mới phát hiện để tiêu diệt gia cầm bị bệnh, hạn chế lây lan ra các vùng khác; giám sát bệnh dịch tại các thành phố lớn; cấm buôn bán gia cầm và các thực phẩm làm từ gia cầm tại các thành phố lớn. Hầu hết các thành viên của Chính phủ, trong đó có cả Thủ tướng và các Phó thủ tướng đều đã tới các địa phương trong cả nước để chỉ đạo trực tiếp việc phòng chống dịch bệnh. Toàn bộ hệ thống chính trị đã được huy động để tham gia vào việc ngăn chặn sự lây lan của dịch cúm gia cầm.
 Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã công bố Kế hoạch hành động khẩn cấp, phòng và chống dịch gia cầm và đại dịch cúm ở người với 4 giai đoạn. Giai đoạn 1 bao gồm: xây dựng các phương án ứng phó với đại dịch, kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường do dịch bệnh gây ra. Giai đoạn 1 là thực hiện các phương án cụ thể để cô lập, xử lý ô nhiễm môi trường tại các khu vực có dịch và các vùng phụ cận, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tuân thủ các qui định về tiêu huỷ, chôn lấp gia cầm và mai táng người chết do dịch bệnh (nếu xảy ra). Bên cạnh đó thiết lập đường dây nóng để kịp thời thu thập, xử lý thông tin về đại dịch phục vụ chỉ đạo chống dịch. Giai đoạn 3: duy trì 24/24h đường dây nóng kết nối thông tin giữa Ban chỉ đạo Quốc gia với các bộ, ngành và địa phương, với các nhóm tư vấn, các trạm quan trắc và cộng đồng; tiếp nhận và xử lý thông tin về đại dịch để báo cáo Ban chỉ đạo Quốc gia và Thủ tướng Chính phủ để giải quyết kịp thời các tình huống… Giai đoạn 4 (sau đại dịch): tổ chức đánh giá tổng thể về ô nhiễm môi trường, tính toán thiệt hại và dự báo rủi ro môi trường do đại dịch gây ra; công bố tình trạng môi trường, nguy cơ ô nhiễm môi trường và các rủi ro đối với sức khoẻ của cộng đồng; xây dựng kế hoạch làm sạch môi trường và phương án ứng phó khi dịch tái phát…

 
Việc giám sát việc lưu thông, buôn bán gia cầm cũng được xiết chặt trên toàn quốc. Trong ảnh là cảnh phun thuốc tiệt trùng cho gia cầm trước khi đưa ra thị trường. ảnh: Lê Anh Tuấn

Nỗ lực của các nhà khoa học
Viện Pasteur TP HCM vừa cho biết những mẫu virut H5N1 lấy từ người và gia cầm ở miền Nam trong đợt dịch đầu năm đã có những biểu hiện đột biến nghiêm trọng. Đặc biệt là một số đột biến gien đã cho phép loại virut này dễ sinh sản hơn trên động vật có vú. Những diễn biến lạ ở một số ca nhiễm virut gia cầm tử vong thời gian gần đây cũng khiến nhiều người lo âu. Tuy nhiên, giới khoa học vẫn chưa bình luận gì về các trường hợp tử vong gần đây vì các mẫu bệnh phẩm vẫn đang được nghiên cứu trong phòng thí nghiệm.
Những vấn đề cần thiết nhất hiện nay để phòng chống dịch gia cầm, đứng về mặt y học là có được vacxin phòng bệnh hoặc chí ít có đủ lượng thuốc Tamiflu để sử dụng khi cần thiết. Về mặt này, những diễn tiến cho thấy có nhiều tín hiệu lạc quan. Hãng dược phẩm Roche của Thuỵ Sĩ đã đồng ý để Việt Nam sản xuất dưới hình thức nhượng quyền thuốc Tamiflu và loại thuốc này sẽ được sản xuất trong vòng hai năm nữa tại Việt Nam. Roche cũng cam kết sẽ giúp thực hiện kế hoạch dự trữ, cung ứng thuốc điều trị và dự phòng (khoảng 25 triệu viên Tamiflu) đề phòng trường hợp đại dịch xảy ra. Bên cạnh đó, các nhà khoa học của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng khẳng định được rằng Việt Nam hoàn toàn có thể sản xuất được vacxin phòng H5N1 (xem bài: Bao giờ có vacxin cúm gia cầm cho người).

Thiệt hại như thế nào khi đại dịch nổ ra
Theo ước tính của Bộ Y tế, khi đại dịch nổ ra sẽ có khoảng 8, 2 triệu người tại Việt Nam (10% dân số) có khả năng nhiễm virut cúm gia cầm biến thể. Với một số lượng người lớn như vậy, hệ thống y tế hiện tại ở Việt Nam hoàn toàn chưa đủ năng lực để đáp ứng khám và chữa cho các bệnh nhân. Những kế hoạch được đưa ra là sẽ sử dụng các trường học hoặc doanh trại dã chiến để làm nơi điều trị cho bệnh nhân khi đại dịch xảy ra. Về mặt kinh tế, Ngân hàng Thế giới cho rằng đại dịch cúm gia cầm có thể gây thiệt hại cho Việt Nam khoảng 0,1% tổng thu nhập quốc dân. Tuy nhiên, cũng có những dự báo khác cho rằng con số này có thể còn lớn hơn. Các ngành dịch vụ đầu tiên sẽ phải chịu thiệt hại nặng nề nhất sẽ là giao thông và du lịch.

Theo các chuyên gia y tế, điều cần thiết nhất hiện nay là người dân phải tự bảo vệ mình trước dịch cúm gia cầm, theo dõi sát sao các thông tin thời sự và không nên tiêu thụ thịt gia cầm cũng như các thực phẩm làm từ gia cầm. A.T

Những điều cần biết về cúm gia cầm

 -Hiện có tới 15 chủng cúm gia cầm khác nhau trong đó các chủng dễ lây lan nhất là H5 và H7. Tuy nhiên, khả năng gây tử vong cao nhất là virut H5N1. Các chuyên gia y tế hiện lo ngại nhất là khả năng virut cúm gia cầm kết hợp với virut gây cúm ở người để trở thành một biến thể mới lây từ người sang người. Trong trường hợp này, đại dịch sẽ nổ ra không chỉ ở Việt Nam mà cả trên phạm vi thế giới.
– Triệu chứng mắc bệnh: khi nhiễm virut H5N1, người bệnh có thể bị sốt cao, đau họng và ho. Sau đó đường hô hấp sẽ bị viêm nhiễm, huỷ hoại và có thể dẫn tới tử vong. Các trường hợp mắc bệnh tại Việt Nam cho thấy virut cúm gia cầm có thể ảnh hưởng tới nhiều bộ phận chứ không chỉ riêng phổi

– Hiện chưa có một loại vacxin nào hiệu quả để ngừa hữu hiệu cúm gà do H5N1 gây ra. Các loại vacxin hay thuốc kháng virut (như Tamiflu) chỉ có thể hạn chế biểu hiện của bệnh cúm hay giảm khả năng lây lan chứ hoàn toàn không có khả năng chữa trị lành bệnh. Một số trường hợp bệnh nhân đã cho thấy có khả năng cơ thể nhờn thuốc Tamiflu, như vậy loại thuốc này chưa hẳn là thứ cần phải tích trữ trong gia đình và sử dụng một cách bừa bãi. Cách tốt nhất khi phát hiện ra các triệu chứng nhiễm bệnh là tới các cơ sở y tế gần nhất để các nhà chuyên môn can thiệp.

(Theo WHO)

Anh Trí

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)