Động vật tự làm mát cơ thể như thế nào?

Để chống lại nhiệt độ thường xuyên cao, các loài động vật ở châu Úc làm cách nào? Các nhà khoa học Australia đã tìm ra câu trả lời, đầu tiên là với gấu túi Koala.

Koala có bộ lông dày, trông rất bức bối, nhất là khi nhiệt độ ngoài trời lên trên 35 độ C. Đã thế, Koala lại còn ít uống nước.

Một nhóm nhà nghiên cứu, trong đó có Natalie Briscoe và Michael Kearney thuộc Đại học Melbourne, đã theo dõi khoảng 30 con Koala ngoài tự nhiên với sự hỗ trợ của máy phát tín hiệu đeo cổ. Đồng thời, một trạm di động thu thập những dữ liệu cập nhật về thời tiết, trong đó, thiết bị chụp nhiệt sẽ ghi lại nhiệt độ cành và thân các loại cây có ở khu vực cư trú của Koala.

Kết quả thu được rất rõ ràng: hễ nhiệt độ lên trên 30 độ C, gấu túi thường rời khỏi cây bạch đàn – nguồn thức ăn chính của chúng – và di chuyển sang cây cây keo (akazie) mặc dù lá keo không thuộc loại thức ăn phổ biến của chúng, bởi nhiệt độ thân cây keo thường chênh khoảng 8 độ C so với nhiệt độ ở môi trường xung quanh – điều này được chứng minh qua số liệu mà thiết bị chụp nhiệt ghi lại. Trong khi đó, nhiệt độ thân cây bạch đàn chỉ thấp hơn nhiệt độ môi trường xung quang khoảng 2 độ C.

Koala sẽ ôm chặt lấy thân hoặc cành lá cây keo, dùng nhiệt độ thấp của cây điều chỉnh thân nhiệt của chúng. Có lẽ không chỉ duy nhất Koala dùng cách điều hoà nhiệt độ tự nhiên này. Các nhà nghiên cứu cho rằng, một số loài thú như khỉ, rắn hay báo cũng tìm cách hạ nhiệt tương tự.

Xuân Hoài dịch

Tác giả