Dự báo khủng hoảng lương thực toàn cầu

David Frum là một cộng tác viên – biên tập viên của các tờ báo nổi tiếng của Mỹ như Newsweek, Daily Beast và CNN, ngoài ra ông cũng là tác giả của 7 quyển sách. Gần đây, ông đưa ra dự báo rằng năm 2013 sẽ là một năm khủng hoảng lương thực nghiêm trọng trên quy mô toàn cầu.

Cuộc khủng hoảng này hoàn toàn có thể được thấy trước, và thực tế là nó đã bắt đầu, xuất phát từ đợt thời tiết hết sức khắc nghiệt trong mùa hè này tại Mỹ. Khoảng 80% lục địa Mỹ chịu hạn hán, Nga và Australia cũng tương tự. Vụ thu hoạch ngô đã sụt giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1995. Chỉ riêng trong tháng 7/2012, giá ngô và lúa mì đã tăng đến 25%, giá đỗ tương tăng 17%. Giá các loại ngũ cốc này tăng cao cũng đồng nghĩa sẽ đẩy giá lương thực lên cao hơn.

Đối với người tiêu dùng tại các quốc gia phát triển, giá thực phẩm cao quả là một gánh nặng – nhưng trong đa số các trường hợp, nó là một gánh nặng có thể kiểm soát được. Nhưng ở các nước đang phát triển, giá lương thực là vấn đề quan trọng nhất. Ở các quốc gia nghèo, người dân thường chi tiêu một nửa thu nhập vào việc mua thực phẩm. Khi giá ngũ cốc tăng vọt trong niên khoá 2007-2008, những “cuộc bạo loạn bánh mì” đã gây chấn động ở 30 nước đang phát triển, từ Haiti đến Bangladesh, theo kết quả báo cáo của tờ Thời báo Tài chính. Đợt hạn hán ở Nga vào năm 2010 đã buộc Nga phải đình chỉ xuất khẩu ngũ cốc trong năm đó, và đây chính là một trong những tác nhân đầu tiên dẫn đến cái gọi là “Mùa Xuân Arập”.

Kể từ những ngày cầm quyền của Gamal Abdel Nasser, chính phủ Ai Cập đã cung cấp bánh mì có trợ giá cho người dân. Tuy nhiên vào cuối thập niên 2000, chính quyền Hosni Mubarak đã không còn gánh nổi việc trợ cấp để bình ổn các chi phí ngũ cốc đang tăng vọt. Dân số Ai Cập đã tăng gấp đôi từ 20 triệu (năm 1950) lên thành 40 triệu (năm 1980) và ngay nay đã đạt đến hơn 80 triệu người, lần đầu tiên Ai Cập đã dành vị trí trở thành nhà nhập khẩu lúa mì lớn nhất thế giới. Giá cả leo thang trong niên khoá 2007-2010 đã vượt quá nguồn ngân sách dành cho hỗ trơ bình ổn giá của chính quyền Mubarak. Bánh mì rẻ tiền đã biến mất khỏi các cửa hiệu và bất mãn tích tụ.

Và nếu sắp tới giá lương thực tăng một lần nữa thì sao? Trung Quốc sẽ là nước dễ bị tổn thương nhất vì lạm phát chi phí thực phẩm. Chỉ trong vòng 1 tháng, chính xác là tháng 7/2011, chi phí sinh hoạt Trung Quốc tăng vọt 6,5%. Lạm phát lắng xuống trong niên khoá 2012. Trước đó, người ta hy vọng thời gian sang xuân sẽ làm tăng vụ ngũ cốc Mỹ trong năm 2012, vì vậy các ngân hàng trung ương Trung Quốc nới lỏng tín dụng vào đầu hè 2012. Nhưng đến lúc này chính quyền Trung Quốc sẽ đối mặt với một số lựa chọn khó khăn khi phải quyết định sẽ làm gì trong thời gian tới.

“Mùa xuân Arập” năm 2011 đôi khi còn được so sánh với các cuộc cách mạng năm 1848. Thập niên 1840 là những năm mùa màng bết bát trên khắp Châu Âu. Người dân bị đói sẽ trở nên tức giận và có thể lật đổ các chính phủ. Liệu năm 2013 có đem đến bạo động xã hội ở Brazil, các cuộc đình công ở Trung Quốc hay cuộc cách mạng ở Pakistan? Câu trả lời đang nằm ở các chỉ số giá giao dịch hàng hoá.

Nguyễn Thanh Hải lược dịch theo CNN
Nguồn: http://edition.cnn.com/2012/09/03/opinion/ frum-food-price-crisis/index.html?hpt=wo_t4

Tác giả