Đức đàm phán về truy cập mở với Elsevier

Các cuộc đàm phán để giảm giá tạp chí và thúc đẩy truy cập mở đang tiến triển chậm chạp.

Free University (Berlin, Đức) là một bên tham gia liên doanh hợp tác với nhà xuất bản Elsevier.

Khoảng 200 đại học Đức đã mất quyền truy cập trên các tạp chí chuyên ngành do nhà xuất bản Elsevier ấn hành trong vài tuần, bởi cuộc đàm phán về một hợp đồng dài hạn đã thất bại.

Mâu thuẫn giữa Elsevier – nhà xuất bản tạp chí khoa học lớn nhất thế giới, và hệ thống các trường đại học Đức đã kéo dài từ năm 2015. Hồi đầu năm nay, các nhà nghiên cứu Đức đã mất quyền truy cập vào các nội dung xuất bản của Elsevier trong một thời gian ngắn trước khi cuộc đàm phán gần nhất được nối lại.

Những người ủng hộ truy cập mở đối với các ấn phẩm khoa học trên thế giới nói rằng, nếu giành chiến thắng, các trường đại học Đức có thể sẽ giáng một cú mạnh vào mô hình xuất bản khoa học truyền thống dựa trên phí đặt mua (subscription fee). Việc các doanh nghiệp Đức cũng tham gia cuộc tranh luận để giảm phí đặt mua và thúc đẩy truy cập mở có thể là tín hiệu dự báo những thay đổi sâu sắc đối với ngành công nghiệp xuất bản học thuật toàn cầu.

Paul Ayris – Phó giám đốc Dịch vụ thư viện tại University College London (UCL), nhận xét: “Không nghi ngờ rằng những gì các trường đại học Đức đang yêu cầu sẽ là chỉ hướng cho xuất bản học thuật. Nếu Đức đạt được thỏa thuận, các nước khác sẽ học theo.”

Một hội đồng thư viện các trường đại học và nghiên cứu đã được thành lập “Dự án DEAL” và tiến hành đàm phán với Elsevier trong hơn hai năm. Họ muốn một thỏa thuận cho phép các nhà khoa học Đức được toàn quyền truy cập online vào hơn 2.500 tạp chí của Elsevier với mức giá chỉ còn một nửa so với mức trong quá khứ mà thư viện của các trường phải trả. Truy cập mở được cho là điểm gắn kết của cuộc đối thoại: trong thỏa thuận, tất cả các tác giả liên hệ (corresponding author) có liên quan tới các viện nghiên cứu Đức đều được phép đưa “công bố mở’ công trình của họ để mọi người có thể cùng đọc và chia sẻ.

Horst Hippler – Chủ tịch Hiệp hội Các hiệu trưởng đại học Đức (German Rectors’ Conference) và là người phát ngôn của Dự án DEAL, nói: “Mô hình kinh doanh Nhà xuất bản kiểu cũ đã trở nên lỗi thời. Kết quả nghiên cứu phải được mở cho cộng đồng và chi phí truy cập mở cũng cần ở mức hợp lý.”

Các viện và quỹ nghiên cứu trên khắp thế giới đang theo đuổi chính sách truy cập mở. Một nghiên cứu được công bố vào tháng 8 vừa qua do nhà khoa học thông tin Heather Piwowar (ĐH Pittsburgh, Pennsylvania, Mỹ) và Jason Priem – người đang điều hành một dịch vụ online, thực hiện, đã phát hiện khoảng 28% tài liệu học thuật toàn cầu đã sẵn sàng cho truy cập mở ở nhiều hình thức, bao gồm hình thức kho lưu trữ của trường đại học (University repositories). Tốc độ tăng trưởng của các tài liệu truy cập mở cao hơn nhiều tài liệu phải trả phí.

Vào tháng 9, một liên doanh các trường đại học Phần Lan khi đàm phán một hợp đồng về quyền truy cập các công bố trong phạm vi Phần Lan với Elsevier đã đi đến  thỏa thuận sơ bộ với các công ty sau cuộc đàm phán kéo dài và cuộc đình công ngắni của những người bình duyệt.

Chi tiết trong thỏa thuận không được tiết lộ tuy nhiên nhiều nguồn tin cho biết, nó bao gồm việc giảm giá tạp chí và cho phép truy cập mở đối mà không phải trả phí đối với một số công bố của các tác giả Phần Lan.

Gerard Meijer, nhà vật lý Hà Lan làm việc tại Viện nghiên cứu Fritz Haber thuộc Hiệp hội Max Planck, đã tham gia đàm phán về truy cập mở với Elsevier ở Hà Lan vào năm 2015. Kết thúc đàm phán là việc hình thành một thỏa thuận để các nhà khoa học tại 14 trường đại học ở Hà Lan cung cấp quyền truy cập mở với 30% công trình của mình trên một danh sách chọn lọc các tạp chí mà không mất phí. Ông nói: “Đây là những gì tốt nhất chúng tôi có thể đạt vào lúc bấy giờ. Khi nhìn lại, tôi nghĩ chúng ta đáng lẽ nên đẩy mạnh hơn.”

Trong năm 2016, khoảng 19% các công bố của các nhà khoa học Đức được xuất bản trên tạp chí Elsevier. Hannfired von Hindenburg, phát ngôn viên của Elsevier nói rằng: “Cần nên trao quyền truy cập mở vàng (gold open access) đối với 100% tài liệu khoa học 1, vì thế chúng tôi sẵn lòng hỗ trợ cho mục tiêu này”. Thách thức hiện nay là phải đảm bảo quá trình chuyển đổi từ truy cập trả phí sang truy cập mở diễn ra một cách thuận lợi với tất cả các bên. Việc yêu cầu các liên minh quốc gia trả tiền cho phí đặt mua và cho truy cập mở có thể khá đắt đối với quốc gia công bố nhiều như Đức.

Đức hiện cũng đang đàm phán thỏa thuận về truy cập mở với Springer Nature – bên xuất bản Nature. Để có thêm thời gian [đàm phán], cả hai bên đồng ý gia hạn thêm một năm đối với các hợp đồng truy cập (sẽ hết hạn vào ngày 31/12/2017).

Thanh Trúc lược dịch

Nguồn: https://www.nature.com/articles/d41586-017-07817-1

——

1. Truy cập vàng (gold open access)  là việc các công bố được xuất bản với cách thức cho phép bất cứ những ai quan tâm đến công bố đều được quyền truy cập tức thì. Truy cập xanh (green open access) là gửi kết quả nghiên cứu đã được bình duyệt vào kho lưu trữ điện tử, việc truy cập vào kết quả nghiên cứu có thể được trao tức thì hoặc sau một thời gian “cấm vận”.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)