Edison – cha đẻ của công nghệ thu thanh?

Đã hơn một thế kỷ, kể từ lần đầu tiên Edison thu âm thành công lời nhạc “Mary có một con cừu nhỏ” lên một miếng thiếc, và ông luôn được xem là cha đẻ của công nghệ thu thanh. Nhưng gần đây, một nhóm nghiên cứu đã công bố rằng họ vừa phát hiện ra một bản ghi âm khác của một người Pháp, ra đời trước khi Edison phát minh ra máy hát gần 2 thập kỷ.

Một bản nhạc khoảng 10 giây bài hát:”Dưới ánh trăng” (Au Clair de la Lune) mới được một nhóm các nhà lịch sử âm học người Mỹ phát hiện ra tại Paris tháng trước. Nhóm nghiên cứu đến từ phòng thí nghiệm quốc gia Lawerence Berkeley này cho biết bản nhạc này có thể được thực hiện vào ngày 9 tháng 4 năm 1860.
“Đây là một phát hiện lịch sử, bởi nó là bản thu âm sớm nhất”, ông Samuel Brylawski, nguyên trưởng phòng lưu giữ băng nhạc, thư viện Quốc hội Hoa Kỳ, một người không thuộc nhóm nghiên cứu nhưng rất am hiểu về vấn đề này đánh giá. Người thực hiện bản thu âm này được cho là ông Édouard-Léon Scott de Martinville, một thợ xếp chữ kiêm thợ in, sống ở Paris vào thế kỷ XIX.
Thiết bị thu âm này bao gồm một đầu kim được gắn với một chiếc còi dạng ống, khắc lên một miếng giấy đã được bôi đen bởi khói đèn dầu. Tuy nhiên, bản ghi này lúc đầu không phải để dùng cho việc thu âm; thay vào đó, Scott làm nó với ý định mã hóa giọng nói của người.
Nhóm nghiên cứu đã phải nhờ đến sự giúp đỡ của các nhà lịch sử âm học và các kỹ sư về âm thanh mới có thể lọc được đoạn thu âm này.

Nhà âm học David Giovannoni với một trong những mẫu ghi âm được cho là sớm nhất trong lịch sử.

David Giovannoni, trưởng nhóm nghiên cứu, đã công bố toàn bộ chứng cứ vào cuối tháng trước, tại một hội nghị của Hiệp hội sưu tầm băng đĩa tại Đại học Stanford, Palo Alto, California.
Bản ghi âm của Scott được thực hiện vào năm 1860, tức là 17 năm trước khi Edison được cấp bằng sáng chế về máy quay đĩa và 28 năm trước khi một đồng nghiệp của Edison thu âm một đoạn trong vở nhạc kịch Handel lên một miếng sáp. Đến tận bây giờ, đây vẫn được coi là bản thu âm cổ nhất.
Triển lãm của Giovannoni vào thứ sáu tới sẽ trưng bày thêm một số bản ghi của Scott được tìm thấy ở Paris, bao gồm hai bản năm 1853 và 1854, là những thí nghiệm đầu tiên trong nỗ lực thu âm giọng nói người và tiếng đàn guitar, nhưng thiết bị của Scott tại thời điểm đó vẫn còn rất nhiều khiếm khuyết.
“Lúc đầu chúng tôi chỉ tìm được một bản ghi âm bị nhiễu”- ông Giovannoni cho biết.
Nhưng bản thu tháng 4/1860 thì lại rất rõ. Bản copy này đã được cung cấp cho tờ New York Times, là giọng một ca sĩ vô danh, có thể là nữ, tương phản với tiếng huýt gió và tiếng tanh tách trên một nền âm thanh ồn ào. Giọng hát tuy bị cản âm nhưng vẫn có thể nghe được, đó là bài “Dưới ánh trăng” (Au clair de la lune)  với giai điệu 11 nốt du dương, âm điệu có chút ma quái, u ám.
Các nhà sử học từ lâu đã quan tâm đến nghiên cứu của Scott. Nhưng các nhà khoa học Mỹ tin rằng họ mới là những người đầu tiên tiến hành tìm kiếm các bản thu của ông và nỗ lực phát lại chúng.
Vào tháng 12, Giovannoni và trợ lí đến trụ sở cấp bằng sáng chế ở Paris, tại Viện Quốc Gia về Quyền sở hữu Công nghiệp. Tại đó ông tìm ra các bản ghi từ 1857 đến 1859 trong đơn xin cấp bằng sáng chế máy ghi âm của Scott. Giovannoni đã làm việc với các nhân viên lưu trữ, tạo ra những bản cắt kĩ thuật số có độ phân giải cao và được bảo quản cẩn thận.
Một chuỗi các bằng chứng, bao gồm cả những tài liệu có phần khó hiểu trong ghi chép của Scott dẫn các nhà nghiên cứu tới một viện khác ở Paris, Viện hàn lâm khoa học Pháp, nơi lưu trữ một số các bản ghi âm khác của Scott. Giovannoni đã tình cờ tìm ra bản ghi tháng 4/1860, là một mảnh giấy được bảo quản gần như nguyên vẹn cỡ 9×25 inche.
“Nó gần như mới nguyên. Sóng âm thanh rõ ràng và không hề có lỗi.”
Bản cắt của ông được gửi tới phòng thí nghiệm Lawrence Berkeley, nơi chúng được chuyển thành dạng âm thanh bằng một công nghệ được phát triển cách đây vài năm. Các lớp phân giải cao ược phát trên máy tính nhờ dùng kim máy hát kĩ thuật số. 16 đoạn thu âm riêng rẽ năm 1860 được ghép lại tỉ mỉ và điều chỉnh lại tốc độ.
“Có sự khác biệt về tư duy giữa chúng ta và Léon Scott, bởi vì ông ta cho rằng cách một người nhận được âm thanh đích thực là quan sát nó “- trích lời Jonathan Sterne, giáo sư thuộc đại học McGill, Montreal và là tác giả cuốn sách “Lắng nghe dĩ vãng: Bản chất văn hóa của công nghệ sao chép âm thanh.”
Xét nhiều mặt, Léon Scott không giống một anh hùng của nền thu thanh. Sinh năm 1817 tại Paris, làm nghề thủ thư kiêm thợ in. Ông đã xuất bản một cuốn sách về lịch sử phương pháp tốc kí và rõ ràng nhìn nhận ghi âm như một sự mở rộng của phép tốc kí. Trong quyển kí sự tự xuất bản năm 1878, ông lên án Edison vì chiếm đoạt phương pháp của ông và sử dụng sai mục đích công nghệ thu thanh. Theo Scott, mục đích không phải là sự sao chép âm thanh mà là “ghi lại lời nói, đúng theo nghĩa của từ máy ghi âm”.
Trong thực tế, Edison đã nghiên cứu hoàn toàn độc lập. Không có bằng chứng nào chứng minh Edison dùng nghiên cứu của Scott để phát minh ra máy hát, và sản phẩm của ông có sự khác biệt với sản phẩm mô phỏng đầu tiên.
“Vai trò của Edison không hề bị suy giảm từ phát hiện này”-Giovannoni phát biểu.
Paul Israel, biên tập viên của tờ Thomas Edison tại đại học Rutgers, Piscataway, New Jersey, đánh giá phát hiện này là “thành tựu to lớn” nhưng cũng gọi máy hát của Edison phát minh công nghệ quan trọng.
“Điều làm Edison khác biệt so với Scott là ông cố gắng mô phỏng âm thanh và ông đã thành công.”
Nhưng lịch sử cuối cùng cũng bắt kịp Scott.
Giáo sư Sterne McGill nói: “Chúng ta đang trong thời kì gần với những năm 1860 hơn những năm 1880. Máy tính đã giúp chúng ta có một hình dung hoàn toàn mới về âm thanh, điều chưa từng xảy ra trong lịch sử.”

PHẠM HUYỀN TRANG tổng hợp

Tác giả

(Visited 20 times, 1 visits today)