Elsevier làm “hàng giả”

Trong nhiều năm Elsevier – nhà xuất bản khoa học có uy tín ở Australia đã nhận tiền của một số tập đoàn dược để tung ra thị trường các loại tạp chí “ngụy” tạp chí chuyên đề về dược. Một trong các tạp chí này là Australasian Journal of Bone and Joint Medicine đã liên quan đến việc hàng chục nghìn người từng sử dụng thuốc giảm đau của Vioxx kiện doanh nghiệp Merck và đòi bồi thường thiệt hại do những thông tin thiếu trung thực về loại thuốc này từng được đăng tải trên tạp chí nói trên.

Nhìn thoáng qua, tờ Australasian Journal of Bone and Joint Medicine không khác gì một tạp chí chuyên đề đáng tin cậy. Ngay trên trang đầu là danh sách Ban biên tập với 14 thành viên, trong đó có nhiều giáo sư tiến sĩ. Tạp chí đăng tải nhiều công trình nghiên cứu chuyên đề của các nhà khoa học trên khắp thế giới: Những bài tóm tắt, các loại biểu bảng, đồ thị và cả nguồn tài liệu tham khảo. Trong mục dữ liệu xuất bản, người ta thấy có logo của một trong những nhà xuất bản khoa học thuộc diện danh giá nhất thế giới: Elsevier.

Vụ việc Elsevier làm “hàng giả” là một hồi chuông cảnh báo người tiêu dùng phải hết sức thận trọng khi tiếp thu và xử lý thông tin trên các sách báo, tạp chí, nhất là những thông tin mang tính chuyên sâu vốn rất khó thẩm định đối với các độc giả bình thường.

Thế nhưng, mọi chuyện bắt đầu với vụ bê bối liên quan đến vụ kiện doanh nghiệp Merck, Sharp & Dohme Australia (MSDA), một công ty con của tập đoàn dược phẩm Hoa Kỳ Merck & Co. Tạp chí Australasian Journal of Bone and Joint Medicine từng đăng tải rất nhiều bài viết về thuốc giảm đau Vioxx do doanh nghiệp này sản xuất với những hình ảnh tích cực. Tuy nhiên, năm 2004, Merck đã buộc phải thu hồi thuốc giảm đau Vioxx trên thị trường vì qua nghiên cứu, các nhà khoa học đưa ra kết luận: sử dụng lâu dài loại thuốc giảm đau này làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quị. Hàng chục nghìn người từng sử dụng thuốc giảm đau Vioxx đã phát đơn kiện nhà sản xuất đòi bồi thường thiệt hại. Merck buộc phải chi những khoản tiền lớn để bồi thường và dàn xếp vụ việc. 
Chính thông qua phiên tòa xét xử liên quan đến thuốc giảm đau Vioxx, người ta đã phát hiện ra rằng NXB Elsevier đã sản xuất các tạp chí chuyên đề giả theo yêu cầu khách hàng. Bệnh nhân Graeme Peterson từng sử dụng thuốc Vioxx đã khiếu kiện tại Tòa án Liên bang Australia đòi bồi thường thiệt hại vì năm 2003 ông đã bị nhồi máu cơ tim. Cuối tháng tư, báo The Australian viết: theo đơn khiếu kiện thì chính hãng Merck đã sản xuất “trọn bộ các tạp chí chuyên đề”.
Chuyên gia Y học George Jelinek, thuộc Ban chuyên ngành về tạp chí chuyên đề Y học cho hay, ông đã nghiên cứu bốn số báo của Australasian Journal of Bone & Joint Medicine và thấy rằng, nếu người đọc thuộc diện “bạn đọc bình thường” thì dễ ngộ nhận đây là những tạp chí chuyên đề y học có uy tín. Chỉ sau khi đã “nghiên cứu kỹ” các tạp chí trên cơ sở kinh nghiệm về y học của mình ông mới có thể biết rõ “đây không phải là tạp chí chuyên đề Y học với quá trình đăng duyệt (Peer-Review-Prozess), mà chỉ là những bài báo có động cơ quảng bá, tiếp thị…

Theo Jelinek, khi nghiên cứu một số báo chuyên đề – giả hiệu, ông phát hiện trong tổng số 21 bài thì có bốn bài viết về các sản phẩm của hãng dược Merck, ở một số báo khác trong số 29 bài thì có 21 bài đề cập đến sản phẩm của Merck. Jelinek khẳng định, các bài báo này chủ yếu tạo hình ảnh tích cực đối với các loại dược phẩm của hãng Merck.
Tuy nhiên, Merck viện mọi lý lẽ để bác bỏ những nghi ngờ về việc các bài viết về thuốc giảm đau Vioxx đăng trên tạp chí của Elsevier đều có mục đích tạo hình ảnh tích cực đối với loại thuốc này. Để chứng minh cho tính toàn diện và đầy đủ của các bài báo, Merck đã nói rằng, các bài báo đăng tải trên tạp chí nói trên có nhiều trích dẫn mang tính chọn lọc, những trích dẫn đó đều được nêu rõ xuất xứ, vì vậy không thể nói những bài báo này mang tính chất quảng bá, thương mại.
Báo The Scientist đã hỏi ông Peter Laurie, một chuyên gia thuộc Tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Hoa Kỳ “Public Citizen” và ông này cho hay, các tạp chí của  Elsevier có thể gây ra những tác động khác nhau: “Một người quan sát giàu kinh nghiệm có thể nhận thấy ngay đây là những tờ báo nhằm mục tiêu tiếp thị. Nhưng có khả năng nhiều bác sỹ không nhận ra điều đó và sẽ bị tác động bởi những gì họ đọc được trên các tờ tạp chí này.”
Giờ đây, Elsevier buộc phải chính thức giải trình trước thế giới về sai phạm nghiêm trọng của tờ tạp chí chuyên đề giả hiệu này. Michael Hansen, nhà quản lý của Elsevier nói  “Mới đây tôi mới biết, trong những năm từ 2003 đến 2006 công ty con của chúng tôi ở Australia đã nhận tiền của các hãng dược phẩm để công bố những tài liệu tổng hợp trông  như những tạp chí chuyên đề mà không có những chú thích tương ứng”.
Theo như thừa nhận của người phát ngôn Nhà xuất bản Elsevier với tạp chí The Scientist của Hoa Kỳ, sáu tạp chí có liên quan là: Australasian Journal of General Practice, Australasian Journal of Neurology, Australasian Journal of Cardiology, Australasian Journal of Clinical Pharmacy, Australasian Journal of Cardiovascular Medicine, Australasian Journal of Bone & Joint Medicine.
Đại diện Elsevier cũng đã thừa nhận sai sót này với Spiegel Online: “Chúng tôi đã không lưu ý đúng mức đối với các công bố trên”. Tuy nhiên, NXB Elsevier đã từ chối tiết lộ danh tính những người thuê đăng các bài “giả khoa học” đó.
Riêng trong trường hợp tờ tạp chí Australasian Journal of Bone & Joint Medicine, qua vụ kiện về thuốc Vioxx, người ta đã biết rằng doanh nghiệp Merck, Sharp & Dohme Australia (MSDA) có dính líu đến vụ bê bối này. Bản thân doanh nghiệp cũng thừa nhận điều đó và công bố trên trang Web của mình.
Cho đến nay, người ta hoàn toàn không rõ Elsevier sử dụng các tạp chí chuyên đề giả vào mục đích gì và liệu chúng có được phân phát tới tay các thầy thuốc hay không. Mặc dù không đề cập đến vấn đề này, nhưng nhà quản lý Michael Hansen của NXB Elsevier khi tường trình về vấn đề này đã khẳng định: “Việc làm này là điều không thể chấp nhận được và chúng tôi lấy làm tiếc về những gì đã xảy ra”.                  
XUÂN HOÀI  Theo Spiegel

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)