Giả thuyết mới về sự sống trong vũ trụ

Mới đây GS Abraham Loeb, nhà vật lý thiên thể người Mỹ tại ĐH Harvard, đưa ra một quan điểm mới về sự sống vũ trụ: chỉ 15 triệu năm sau Vụ nổ Lớn, rất có thể là nước ở thể lỏng - điều kiện tiên quyết của sự sống - đã hình thành trên các hành tinh nham thạch (rocky planets).

Bởi thế khi vũ trụ còn đang ở thời kỳ sơ khai có lẽ đã tồn tại những “người ngoài hành tinh”, và “toàn bộ vũ trụ là cái lò ấp sự sống.”

Giả thuyết nói trên được công bố trên trang mạng của tạp chí Nature. Abraham Loeb cho rằng trong vũ trụ thời kỳ đầu, năng lượng cần thiết để giữ cho nước ở trạng thái lỏng có thể lấy từ bối cảnh sóng vi ba trong vũ trụ (the cosmic microwave background) – ánh sáng còn rớt lại (the afterglow) sau vụ nổ lớn – chứ không phải từ các ngôi sao chủ (host stars). Cho dù bức xạ bối cảnh vi ba vũ trụ hiện nay chỉ có nhiệt độ vào khoảng âm 270oC (2,7 kelvin) nhưng Abraham Loeb nói khi vũ trụ ở độ tuổi 15 triệu năm thì bức xạ bối cảnh vi ba vũ trụ đủ làm cho nhiệt độ bình quân của toàn bộ vũ trụ được giữ ở khoảng 27 độ C (300 kelvin).

Abraham Loeb nói, khi ấy có lẽ các hành tinh nham thạch đã tồn tại ở những chỗ lõm trong vũ trụ. Vật chất tại những chỗ này cực kỳ đặc, do đó mà hình thành các định tinh khối lượng lớn nhưng đoản mệnh, làm cho những chỗ lõm ấy chứa các nguyên tố nặng cần thiết cho sự hình thành các hành tinh nham thạch. Ông cho rằng điều đó làm cho vũ trụ tồn tại một thời kỳ thích hợp với sự sống trong khoảng 2 hoặc 3 triệu năm. Trong thời kỳ đó cho dù cách định tinh bao xa thì có lẽ tất cả các hành tinh nham thạch đều có thể đủ điều kiện giữ cho nước duy trì ở trạng thái lỏng – nghĩa là đã tồn tại điều kiện tiên quyết của sự sống. Vì thế ông nói “Toàn bộ vũ trụ là một cái lò ấp sự sống.”

Các nhà khoa học có những ý kiến khác nhau về giả thuyết của Abraham Loeb. Nhà vật lý sinh học Christopher Jarzynski ở Học viện Park thuộc Đại học Maryland nói ông không tin rằng sự sống có thể tồn tại trong một vũ trụ mà mọi chỗ đều ấm như nhau. Ông nhấn mạnh: sinh vật trên trái đất không chỉ sống dựa vào nhiệt do mặt trời phát ra mà cũng còn dựa vào bức xạ bối cảnh vi ba vũ trụ lạnh (the cold cosmic microwave background), là nơi cung cấp một nguồn tản nhiệt (heat sink).

Alexander Vilenkin, nhà vũ trụ học ở Đại học Tufts (Massachussets), nói: vài triệu năm là quãng thời gian quá ngắn để xuất hiện các sinh vật có trí tuệ.

Abraham Loeb là Giáo sư khoa học tại Đại học Harvard, hiện là Chủ nhiệm Khoa Thiên văn học và Giám đốc Viện Lý thuyết và Tính toán (ITC) trong Trung tâm Vật lý thiên thể, cũng là Viện sĩ được bầu vào Viện Hàn lâm Nghệ thuật và Khoa học Mỹ.

            NHH tổng hợp

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)