Giải mã bộ gien bạch đàn

Mới đây, các nhà công nghệ sinh học đã giải mã bộ gien di truyền của cây bạch đàn (Eucalyptus) nhằm giúp con người khai thác hiệu quả hơn loại cây phát triển cực nhanh này.

Nhà công nghệ sinh học người Nam Phi Alexander Myburg và nhóm các đồng nghiệp quốc tế của ông công bố trên tạp chí Nature: “Chúng tôi dường như đã xác định được hầu hết các gien mà cây bạch đàn cần có để chuyển hoá đường thành Cellulose, Hemicellulose và Lignin. Những thành phần này sẽ được sử dụng để tạo ra nhiên liệu sinh học và các nguyên liệu khác.”

Trong quá trình đó, 80 nhà khoa học thuộc 18 quốc gia đã phát hiện một điều bất ngờ: Khoảng một phần ba trong số 36.376 gien của cây bạch đàn có thể chuyển hoá thành protein, bộ phận cấu thành quan trọng nhất của mọi sinh vật, chúng xuất hiện ở dạng kép và móc nối với nhau. Qua đó có thể giải thích vì sao loại cây này lại lớn nhanh như vậy.

Ngoài ra, nhà nghiên cứu Myburg và nhóm của ông đã phát hiện một số lượng gien nhiều nhất ở cây bạch đàn Eucalyptus grandis trong số những loại cây được nghiên cứu, những gien này mã hoá những chất nhất định ở trong cây. Phổ biến nhất là chất Terpenes và nhiều loại dầu dễ bốc hơi có tác dụng bảo vệ cây trước sự tấn công của côn trùng và vi khuẩn. Nhưng cũng chính vì những loại dầu này, rừng bạch đàn dễ bị hoả hoạn.

“Sau này người ta có thể cấy những gien nhất định của bạch đàn vào vi khuẩn hay một loại men nào đó để sản xuất nhiên liệu sinh học. Trong tương lai có thể máy bay phản lực cỡ lớn dùng nhiên liệu bạch đàn tái sinh để hoạt động,” theo ông Myburg.

Tương lai mà nhà công nghệ sinh học Myburg vẽ ra có thể trở thành sự mở đầu tốt đẹp đối với Brazil, nơi có diện tích rừng bạch đàn lên đến 40.000 km2, lớn nhất thế giới.

Theo nhà nghiên cứu Myburg thì “ngay trong năm nay Brazil có thể bắt đầu trồng trên diện rộng bạch đàn biến đổi gien”. Các nhà khoa học đã can thiệp vào bộ gien di truyền của loại bạch đàn giống mới do đó chúng tạo ra một khối lượng Cellulose cao hơn so với loại bạch đàn thông thường.

Xuất xứ từ Australia, hiện bạch đàn được trồng ở hơn 100 nước, chủ yếu để lấy Cellulose và nguyên liệu làm giấy. Hiếm có loài cây rừng nào có sự phân bố rộng rãi như bạch đàn: Nếu cộng tất cả các vùng trồng bạch đàn trên thế giới lại thì được diện tích tương đương nước Anh.

Tuy nhiên việc trồng loại cây này cũng có những yếu tố bất lợi.  Bạch đàn hút rất nhiều nước và chất dinh dưỡng trong đất có thể làm cho mặt nước ngầm bị giảm sút. Điều này có thể dẫn đến khan hiếm nước ở một số vùng.

Việc trồng những cánh rừng bạch đàn bạt ngàn cũng bị chỉ trích một phần vì lấn đất rừng tự nhiên, mặt khác làm ảnh hưởng xấu  đến cuộc sống của người dân bản địa vì rừng tự nhiên vốn dĩ là nguồn sống của họ. Tuy nhiên nếu biết chọn địa điểm thì những cánh rừng bạch đàn mới trồng cũng có tác dụng phục hồi những vùng đất hoang hoá vì sình lầy. 

Nhu cầu của thế giới đối với gỗ và giấy không ngừng tăng, do đó diện tích rừng bạch đàn cũng liên tục tăng. Sau bẩy năm kể từ khi trồng, người ta đã có thể chặt bạch đàn để lấy gỗ và làm bột giấy.

Xuân Hoài dịch 

Tác giả