Giải mã hệ gene để cải tạo giống nòi

Nếu được đầu tư bài bản, đến năm 2015, nước ta có thể thực hiện giải mã hệ gene khoảng 100 người Việt Nam, không chỉ giúp phát hiện, chẩn đoán và điều trị bệnh mà còn tìm kiếm các gene tốt nhằm cải tạo giống nòi.

PGS.TS Nông Văn Hải, Viện Công nghệ sinh học, cho biết như trên tại buổi làm việc giữa Bộ KH-CN Việt Nam với Viện KH-CN Việt Nam về “Dự án khả thi giải trình tự và phân tích bộ gene người Việt Nam” được tổ chức tại Hà Nội ngày 27/6.

Tìm gene tốt

Theo PGS.TS Nông Văn Hải, từ những năm 80 của thế kỷ trước, trên thế giới đã có các chương trình, dự án giải mã gene như dự án Genome người do Mỹ đứng đầu với khoảng 20 nước và vùng lãnh thổ tham gia, thực hiện trong 15 năm (1989-2003) đã giải mã hoàn chỉnh hệ gene người của 5 cá thể đại diện 5 chủng tộc người trên thế giới.

Gần đây, dự án 1.000 hệ gene quốc tế do Anh, Mỹ và nhiều nước khác thực hiện nhằm giải mã, phân tích đặc điểm hệ gene của 1.000 cá thể người trên thế giới, đến nay đã giải mã xong 4 người.

PGS.TS Hải cũng cho biết, kết quả nghiên cứu từ các dự án, chương trình cho thấy, các chủng tộc, các cá thể người giống nhau đến 99,9% và chỉ khác nhau về một tỷ lệ rất nhỏ (0,1%) về cấu trúc hệ gene. Tuy nhiên, phần khác biệt rất nhỏ này lại có ý nghĩa quyết định đối với đặc điểm nhân chủng học, sức khỏe giống nòi của cả một dân tộc, là yếu tố di truyền liên quan đến sức khỏe của mỗi cá thể.

Tại Việt Nam, Phòng Thí nghiệm trọng điểm công nghệ gene, Viện Công nghệ sinh học đã giải mã thành công hệ gene ty thể hoàn chỉnh người, đại diện cho 3 dân tộc đông dân là Kinh, Tày, Mường, mỗi dân tộc 3 cá thể. Ngoài ra, đã giải mã hàng chục gene khác của người, ứng dụng phân tích gene ty thể để giám định hài cốt liệt sỹ. Viện cũng đang tiến hành một số nghiên cứu phân lập và biểu hiện gene người có giá trị làm dược phẩm, kít chẩn đoán bệnh.

“Việc giải mã, so sánh toàn bộ hệ gene biểu hiện (exome) của một số người mắc các bệnh như các bệnh di truyền, bệnh ung thư, tiểu đường, tim mạch… ở Việt Nam giúp phát hiện các chỉ thị phân tử cho chẩn đoán và điều trị bệnh. Bên cạnh đó, giải mã hệ gene của các cá thể có thể trạng tốt, tuổi thọ cao (trên 100 tuổi), các tài năng đặc biệt về thể thao, toán học, âm nhạc, khoa học, quản lý… sẽ tìm kiếm được các gene có liên quan nhằm cải tạo giống nòi” PGS Nông Văn Hải nói.

Đề xuất lập Viện Nghiên cứu hệ gene

PGS.TS Trương Nam Hải, Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học cho rằng, việc nghiên cứu cấu trúc và chức năng toàn bộ các gene cơ thể là một vấn đề khoa học cơ bản có định hướng ứng dụng hết sức quan trọng. Đặc biệt, mỗi nước phải đầu tư giải mã hệ gene cho người của dân tộc mình và khó ai có thể làm hộ, làm thay.

Theo PGS.TS Nông Văn Hải, để thực hiện mục tiêu, từ nay đến năm 2015 cần phải thành lập ngay Viện Nghiên cứu hệ gene (Genome) thuộc Viện KH-CN Việt Nam với quy mô từ 20- 30 người là các chuyên gia về hệ gene. Viện Nghiên cứu hệ gene sẽ được đầu tư trang thiết bị cần thiết, hiện đại để thực hiện việc giải mã và phân tích hệ gene người Việt Nam. Đến năm 2020, nâng cấp Viện Nghiên cứu hệ gene thành đơn vị nghiên cứu quốc gia thuộc Viện KH-CN Việt Nam với nhân sự từ 50-70 người và đến năm 2030 nâng cấp quy mô Viện Nghiên cứu hệ gene lên mức từ 150-180 người.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ KH-CN Lê Đình Tiến cho rằng, nghiên cứu hệ gene người Việt Nam có giá trị khoa học và thực tiễn lớn. Việt Nam với dân số hiện nay xấp xỉ 87 triệu người với 54 dân tộc anh em, Viện KH-CN Việt Nam cần xây dựng ngay một chiến lược lâu dài và chương trình cụ thể về nghiên cứu ứng dụng liên quan đến hệ gene và sức khỏe giống nòi người Việt Nam.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)