Giải thưởng chất lượng Việt Nam

Có được “bộ tiêu chí” chặt chẽ để đánh giá hoạt động doanh nghiệp, có khả năng để đánh giá chính xác chất lượng, song những nhà tổ chức Giải thưởng Chất lượng Việt Nam sẽ phải nỗ lực lớn để khẳng định uy tín cho giải thưởng này.

Tạo lập danh tiếng
Nếu so sánh về tính chất thì Giải thưởng Chất lượng Việt Nam tương tự  như Giải Malcolm Baldrige ( Giải mang tên vị Bộ trưởng Bộ Thương mại tử nạn trong một vụ tai nạn giao thông do Tổng thống Mỹ Ronald Reagan ký thành lập năm 1987) của Mỹ, Giải thưởng  EQA của châu Âu, Giải thưởng Chất lượng của Thái Lan, Philippines, Ấn Độ hay Giải thưởng Năng suất của Indonesia… Đó đều là những giải thưởng mang tầm quốc gia và uy tín lớn. Riêng giải EQA (European Quality Award) do Quỹ Quản lý chất lượng châu Âu (EFQM) sáng lập với sự ủng hộ của Tổ chức Chất lượng Châu Âu (EOQ) và Ủy ban Châu Âu (EC) – là một “mơ ước” cho mọi công ty hoạt động trên thị trường châu Âu.
 

Khởi đầu “Thập niên Chất lượng Việt Nam lần thứ nhất (1996 – 2005)” do Phó Chủ tịch nước lúc bấy giờ là bà Nguyễn Thị Bình phát động, tháng 8/2005, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ) đã thành lập Giải thưởng Chất lượng Việt Nam, hằng năm xem xét, đánh giá và trao các giải thưởng cho những doanh nghiệp nổi bật trong việc nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng được giao nhiệm vụ tổ chức và triển khai thực hiện các hoạt động của chương trình này). Mục tiêu của Giải thưởng Chất lượng Việt Nam được xác định là khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và dịch vụ của Việt Nam thuộc mọi thành phần kinh tế nâng cao chất lượng hoạt động, tạo ra nhiều sản phẩm, hàng hóa có chất lượng cao có khả năng cạnh tranh mạnh.
Và cũng tương tự như các giải thưởng chất lượng của quốc tế kể trên, Giải thưởng Chất lượng Việt Nam đánh giá  doanh nghiệp trên các tiêu chí “Vai trò của lãnh đạo”, “Hoạch định chiến lược”, “Định hướng vào khách hàng và thị trường”, “Thông tin và phân tích hoạt động”, “Phát triển nguồn nhân lực”, “Kết quả hoạt động, kinh doanh”… Trong đó các tiêu chí “Kết quả hoạt động kinh doanh” và “Vai trò của lãnh đạo” là những tiêu chí quan trọng nhất.

Nên “Việt hóa” tiêu chí
Đánh giá về Giải thưởng Chất lượng Việt Nam, với tư cách là “người trong cuộc”, Tổng Giám đốc Công ty MTV cơ điện Trần Phú Bùi Tiến Đạt cho rằng: “Các tiêu chí mà Giải thưởng Chất lượng Việt Nam đưa ra rất sát thực với hoạt động của doanh nghiệp chúng tôi, đặc biệt là trong vấn đề quản lý chất lượng. Khi tiến hành lập báo cáo giải thưởng chất lượng Việt Nam, ngoài việc tự thực hiện theo tiêu chí mà giải thưởng đưa ra, chúng tôi còn rút ra được một số vấn đề… Đó là cơ hội để đánh giá hoạt động của doanh nghiệp theo tiêu chí của giải thưởng chất lượng Việt Nam. Qua quá trình tự xem xét, đánh giá lại doanh nghiệp, nếu phát hiện lỗi thì dù không giải quyết được ngay, chúng tôi sẽ có biện pháp củng cố quản lý, điều hành tổ chức sản xuất”.
Cho rằng “tham gia giải thưởng chất lượng là cơ hội rất tốt để các doanh nghiệp tự đánh giá được hệ thống quản lý chất lượng hiện tại của mình”, song Giám đốc sở KH&CN Quảng Ninh Trần Văn Minh cũng nêu hạn chế của Giải thưởng Chất lượng Việt Nam: “Cũng vì dựa trên tiêu chí của các giải thưởng đã có uy tín của các nước phát triển nên một số thuật ngữ, tiêu chí của giải thưởng chưa được “Việt hóa” hoàn toàn, gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc đánh giá hệ thống quản lý chất lượng của mình. Một số tiêu chí còn trừu tượng và thiếu cụ thể, do đó việc chuẩn bị báo cáo của các doanh nghiệp gặp khó khăn, chưa thực sự là công cụ tiện dụng và hữu ích để các doanh nghiệp soi xét, đánh giá và cải tiến hệ thống của mình ngày càng hoàn thiện hơn.”
Giám đốc sở KH&CN Vĩnh Phúc Nguyễn Thế Trường thì cho biết: “Các doanh nghiệp của Vĩnh Phúc tham gia giải thưởng Chất lượng Việt Nam khá ‘hào hứng’. Có doanh nghiệp đã 5 lần tham gia giải thưởng này. Tuy nhiên, giải thưởng này vẫn còn mang tính hình thức nếu so với đúng tiêu chí và quy định xét giải thưởng”. Theo ông: “Việc đánh giá chứng nhận các doanh nghiệp đạt giải thưởng Chất lượng Việt Nam phải công khai, chặt chẽ theo đúng quy chế”.
Ông Vũ Minh Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục TCĐLCL tỉnh Phú Thọ thẳng thắn nhận xét: “Giải thưởng chưa tạo được cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp tham gia giải thưởng, từ tôn vinh đến chế độ khen thưởng bằng vật chất đối với các doanh nghiệp đạt Giải thưởng Chất lượng Việt Nam”
Có thể nói, Giải thưởng tạo tiếng tăm cho doanh nghiệp, song chính những doanh nghiệp được giải cũng sẽ mang lại danh tiếng cho giải thưởng. Phải thừa nhận một thức tế là uy tín Giải thưởng Chất lượng Việt Nam vẫn chưa nổi bật so với hàng loạt các giải thưởng mới xuất hiện trong vòng 10 năm trở lại đây. Vì thế, có tiêu chí đánh giá chặt chẽ đến đâu, phương tiện kiểm nghiệm chất lượng chính xác đến mức nào, thì “con mắt xanh” và sự công tâm của “giám khảo” mới chính là yếu tố quyết định để Giải thưởng Chất lượng Việt Nam “danh xứng thực”.

Các tiếp cận chất lượng của Giải thưởng Chất lượng Việt Nam
Thiết lập tầm nhìn và sứ mệnh vững chắc của doanh nghiệp
Lãnh đạo cao nhất của các doanh nghiệp phải thông báo rộng rãi đến người lao động ở mọi cấp biết về tầm nhìn và sứ mệnh đã xác định của doanh nghiệp để khích lệ họ cam kết thực hiện.
Xây dựng các chính sách và chiến lược phù hợp
Tiêu chí  “Hoạch định chiến lược” yêu cầu doanh nghiệp thể hiện việc doanh nghiệp đã thiết lập các mục tiêu chiến lược và kế hoạch hành động như thế nào để đáp ứng nhu cầu của thị trường (luôn thay đổi) và sự cạnh tranh (ngày càng khốc liệt) trên thị trường.
Cam kết phấn đấu vươn tới sự tuyệt hảo về quản lý chất lượng
Sự cam kết này phải được bắt đầu từ lãnh đạo cao nhất. Ba tiêu chí của giải thưởng  “Định hướng vào khách hàng và thị trường”, “Đo lường và quản lý tri thức” và “Quản lý quá trình” là những tiêu chí có liên quan..
Chú trọng đến việc phát triển nguồn nhân lực
Yêu cầu nêu trên không chỉ được đề cập đến trong tiêu chí  “Phát triển nguồn nhân lực” mà còn được quy định trong các tiêu chí “Vai trò của lãnh đạo”
Hướng tới xu thế phát huy sự chủ động của người lao động trong việc cải tiến và sáng tạo đồng thời với việc đảm bảo phúc lợi
Hiện nay, lãnh đạo của nhiều doanh nghiệp đều nhận thấy vấn đề con người trong một tổ chức là vấn đề cần coi trọng. Sử dụng tốt nhân tố con người sẽ dẫn tới việc giảm chi phí và nâng cao năng suất. Giải quyết tốt vấn đề này còn góp phần quan trọng trong việc thiết lập và phát huy nền văn hoá doanh nghiệp.    
Động viên và khích lệ người lao động
Sự thành công của bất kỳ doanh nghiệp nào cũng phụ thuộc nhiều vào sự cam kết, sự tham gia và hưởng ứng của mọi người lao động trong việc thực hiện các mục tiêu đã đề ra.
Chú trọng đến chăm lo khách hàng, dịch vụ khách hàng và sự thoả mãn của khách hàng
Giải thưởng nêu bật vấn đề thu thập và xử lý ý kiến phản hồi của khách hàng.
Quản lý bằng dữ kiện
Phân tích thông tin và dữ liệu sẽ giúp cho việc quản lý – điều hành đạt được hiệu quả mong muốn, đặc biệt trong các lĩnh vực hoạch định, xem xét và đánh giá, cải tiến và thay đổi cũng như so sánh với các đối thủ cạnh tranh và với các chuẩn đối sánh về thực hành tốt nhất.
Chú trọng đến kết quả hoạt động và tạo giá trị
Đo lường và phân tích giúp cho việc xác định các kết quả hoạt động chính. Tuy nhiên, kết quả hoạt động của doanh nghiệp phải được sử dụng một cách cân đối và hài hoà giữa các bên liên quan như: khách hàng, người lao động, người góp vốn, nhà cung ứng, các bên đối tác, cộng đồng xung quanh và xã hội.
Thực hiện trách nhiệm đối với cộng đồng và xã hội để đảm bảo sự  phát triển bền vững
Chính sách của doanh nghiệp phải được thiết lập sao cho những tác động xấu do hoạt động của doanh nghiệp gây ra đối với cộng đồng xung quanh phải được kiểm soát, giảm thiểu để tiến tới triệt tiêu.

Trần Anh

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)