Giải thưởng khoa học L’Oréal – UNESCO 2023: Những dự án ấp ủ từ lâu

Đối với các nhà khoa học nữ trẻ bị bủa vây giữa những khó khăn khi vừa phải tìm kiếm tài trợ nghiên cứu, vừa phải lo lắng về “cơm áo gạo tiền”, giải thưởng sẽ là cơ hội để họ có thể chú tâm vào những dự án đã ấp ủ từ lâu - những dự án góp phần cải thiện và thay đổi cuộc sống của cộng đồng.

Ba nhà khoa học nữ đoạt giải thưởng cấp quốc gia năm nay: PGS. TS Nguyễn Thị Thu Hoài. PGS.TS Nguyễn Thị Ái Nhung, TS. Trần Thị Kim Chi
Nhà khoa học TS. Trần Thị Kim Chi

Nghiên cứu gần gũi với đời sống

Năm 2015, TS. Trần Hà Liên Phương (trường Đại học Quốc tế, ĐHQG-HCM) đã gây ngạc nhiên khi trở thành nhà khoa học nữ Việt Nam đầu tiên được vinh danh ở hạng mục Tài năng Trẻ (Rising Talent) của giải thưởng L’Oreal – UNESCO International. Dù được tổ chức tại Việt Nam lần đầu tiên vào năm 2009 để chọn ra đề cử cho các giải thưởng quốc tế, nhưng phải sáu năm sau đó Việt Nam mới có đại diện đầu tiên nhận giải. 

Liền kế sau đó, năm 2017, TS Nguyễn Thị Hiệp cũng thuộc trường Đại học Quốc tế, ĐHQG-HCM, và năm 2022 là TS. Hồ Thị Thanh Vân (trường đại học Tài nguyên và môi trường TP.HCM) đã tiếp tục nhận giải thưởng này ở cấp quốc tế.

Nhà khoa học PGS.TS Nguyễn Thị Ái Nhung

Một điểm chung giữa nghiên cứu của TS. Trần Hà Liên Phương (nghiên cứu về thuốc phá hủy tế bào ung thư), TS. Nguyễn Thị Hiệp (nghiên cứu về keo thông minh trong điều trị lành vết thương), TS. Hồ Thị Thanh Vân (nghiên cứu về chất xúc tác có cấu trúc nano mới để sản xuất pin nhiên liệu) đó là đều hướng đến giải quyết những vấn đề thiết thực và cấp bách của đời sống.

Đó cũng là tiêu chí xét giải ngay từ đầu của Hội đồng Giải thưởng L’Oreal – UNESCO Việt Nam, khi họ tìm kiếm các nhà khoa học có những “đề án nghiên cứu tiềm năng trong lĩnh vực Khoa học vật liệu và Khoa học sự sống”. Ứng viên đoạt giải được bình chọn qua thành tích nghiên cứu khoa học nổi bật, tính hiện đại và mới mẻ của đề tài cũng như tính ứng dụng và tiềm năng của các đề án nghiên cứu. Các nhà khoa học nữ xuất sắc Việt Nam sẽ tiếp tục được đề cử cho các giải thưởng của L’Oreal – UNESCO International.

Điều này tiếp tục được tiếp nối trong năm nay, khi mới đây PGS. TS Nguyễn Thị Thu Hoài (Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bệnh truyền nhiễm, Trường Đại học Quốc tế, ĐHQG-HCM) đã đoạt giải thưởng nhà khoa học nữ xuất sắc L’Oreal – UNESCO Việt Nam nhờ đề án phát triển quy trình phát hiện gene kháng kháng sinh (ARG) của trực khuẩn mủ xanh Pseudomonas aeruginosa trực tiếp từ các mẫu lâm sàng bằng kỹ thuật PCR giọt kỹ thuật số.  

Trực khuẩn mủ xanh P. aeruginosa là loại vi khuẩn gây ra nhiều bệnh nhiễm trùng, cả cấp tính và mãn tính, trong một số báo cáo, nó là nguyên nhân số 1 gây ra viêm phổi và suy hô hấp. Vi khuẩn này cũng là 1 trong 6 nhóm/ loài trong danh sách ESKAPE của WHO có khả năng đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng do khả năng đa kháng thuốc của nó. Khả năng này đến từ nhiều gene khác nhau, trong đó một số gene có tính quyết định nổi trội tới khả năng kháng những loại thuốc quan trọng trong điều trị. 

Nghiên cứu này sẽ áp dụng kỹ thuật PCR giọt kỹ thuật số là công nghệ khuếch đại acid nucleic mới được phát triển gần đây. Đây là công nghệ có độ nhạy, độ chính xác, độ lái tập cao, khả năng định lượng vi sinh ngay cả ở nồng độ rất thấp và khả năng hoạt động tốt với các mẫu bệnh phẩm. Nhóm nghiên cứu dự định sẽ phát triển các xét nghiệm mới để phát hiện nhanh sự hiện diện của các gen kháng kháng sinh ngay trên mẫu lâm sàng, hỗ trợ tốt hơn cho các y bác sĩ trong chẩn đoán kháng thuốc và gợi ý sử dụng thuốc, từ đó hỗ trợ quá trình điều trị, giảm sự phát triển và lây lan của tính kháng thuốc, đóng góp quan trọng cho việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng. 

Giải thưởng 150 triệu đồng cho mỗi đề tài khoa học có thể không lớn, nhưng nó sẽ gợi mở cơ hội để các nhà khoa học có động lực đi trên con đường khó khăn và nhiều thử thách.

Nghiên cứu sẽ góp phần giải quyết một đại dịch mới nổi, đặc biệt ở các nước đang phát triển như Việt Nam, nơi kháng kháng sinh hiện được xem là vấn đề y tế nghiêm trọng vì nó tạo ra tác động to lớn đến hiệu quả điều trị và tỷ lệ sống sót đồng thời làm gia tăng chi phí chăm sóc sức khỏe và tạo thêm gánh nặng xã hội. Đến năm 2050, kháng kháng sinh ước tính sẽ gây ra 10 triệu ca tử vong mỗi năm nếu không có sự can thiệp hiệu quả. Một trong số các giải pháp giúp giảm tình trạng kháng kháng sinh và tăng hiệu quả điều trị là phát triển các phương pháp chẩn đoán nhanh, kịp thời và chính xác tình trạng kháng kháng sinh nhằm trợ giúp việc đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả, đồng thời có biện pháp cách ly giảm lây lan các chủng đa kháng, toàn kháng. 

Cùng tiếp cận vấn đề giảm thiểu tình trạng kháng kháng sinh, nếu giải pháp của PGS. Nguyễn Thị Thu Hoài tập trung vào việc chẩn đoán, thì một nghiên cứu khác cùng nhận được giải thưởng năm nay lại tìm kiếm những phương án thay thế kháng sinh, đó là nghiên cứu tìm hiểu khả năng kháng khuẩn và ức chế hội chứng bệnh từ cây dược liệu đặc hữu ở Việt Nam của PGS.TS. Nguyễn Thị Ái Nhung (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Sản xuất và Chuyển giao Công nghệ, Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học Công nghệ, Trưởng Bộ môn Hóa lý, Khoa Hóa học, trường Đại học Khoa học, Đại học Huế).

Theo PGS. Nhung, kháng kháng sinh đang làm giảm khả năng phòng và điều trị các bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn, virus và ký sinh trùng gây ra. Trong khi đó, các loại thuốc hiện hành thường không đủ hiệu quả để khắc phục tốc độ đột biến của mầm bệnh, vi khuẩn, virus, và sự đề kháng kháng sinh. Do vậy, việc tìm ra các hợp chất tự nhiên có tiềm năng kháng khuẩn, ức chế virus, đóng vai trò là kháng sinh tự nhiên có khả năng thay thế thuốc hiện hành đang trở thành tâm điểm trong nghiên cứu tổng hợp và bào chế thuốc đặc trị giúp phòng ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh hiệu quả.

Nhóm nghiên cứu của chị sẽ sàng lọc các hợp chất tự nhiên từ một số cây dược liệu mới và đặc hữu tại Việt Nam như gừng đen, trứng nhện, tỏi đá Phong Điền, bồ công anh Việt Nam, nấm dược liệu… và khảo sát chi tiết cấu trúc, tính chất hóa học, tính chất dược lý và hoạt tính sinh học của hợp chất tự nhiên. Từ đó đánh giá khả năng ức chế vi khuẩn và hội chứng bệnh (Alzheimer, tiểu đường,…) của các hợp chất tự nhiên và so sánh với thuốc đối chứng bằng tính toán hóa lượng tử kết hợp với các kỹ thuật mô phỏng hiện đại để tìm ra mối tương quan giữa cấu trúc hóa học và hoạt tính sinh học của các hợp chất này.

“Chúng tôi mong muốn đề án này sẽ mở ra những ứng dụng của các dược liệu bản địa trong việc điều trị bệnh. Xa hơn nữa, từ kết quả nghiên cứu, chúng tôi sẽ bào chế một số sản phẩm đi kèm như trà thảo dược, cao chiết, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, giúp việc sử dụng sản phẩm dược liệu sẽ phổ biến hơn đối với người tiêu dùng”, PGS. Nhung chia sẻ. 

Những dự án ấp ủ từ lâu

Các nhà khoa học xuất sắc đoạt giải thưởng từ trước đến nay đều là những nhà khoa học trẻ nhưng đã định hình rõ ràng con đường nghiên cứu của mình, và họ đang tìm kiếm nguồn lực để hỗ trợ bản thân tiến hành một dự án mà họ đã ấp ủ từ lâu. 

Một nhà khoa học khác cũng đoạt giải thưởng năm nay là TS. Trần Thị Kim Chi (Trưởng phòng Hiển vi điện tử, Viện Khoa học vật liệu, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) đã làm việc tại Viện Khoa học vật liệu từ năm 2002, hướng nghiên cứu chủ yếu là về lĩnh vực quang điện tử. “Đến năm 2020, khi tìm hiểu về vấn đề tích trữ năng lượng, tôi thấy hướng nghiên cứu này có nhiều ứng dụng trong thời buổi hiện nay”, chị cho biết. Sau một thời gian dài tích lũy và tự định hướng, chị đã đề xuất với hội đồng giải thưởng dự án tìm hiểu tính chất của thế hệ pin mới là loại pin ion kim loại đa hóa trị, sử dụng vật liệu nano MnO2 lai hóa với graphene làm vật liệu điện cực dương để thay thế cho các loại pin hiện hành do chi phí sản xuất thấp và sự phong phú của các kim loại đa hóa trị. 

Bản thân PGS. Thu Hoài đã bắt đầu nghiên cứu khoa học từ khá sớm. “Ngay sau khi vào năm thứ hai đại học thì tôi đã bắt đầu nghiên cứu trong lĩnh vực vi sinh và miễn dịch. Tốt nghiệp đại học, tôi đã đến CHLB Đức để tiếp tục những nghiên cứu về vi khuẩn tụ cầu vàng, hệ protein gây miễn dịch của tụ cầu vàng; sau đó lại sang Vương quốc Bỉ để nghiên cứu về các cơ chế kháng thuốc trên vi khuẩn gram âm”, chị chia sẻ. Sau khi thực hiện các nghiên cứu tại Vương quốc Bỉ, chị đã quay trở về Việt Nam và tiếp tục con đường nghiên cứu khoa học của mình về cơ chế kháng thuốc. Hiện tại, chị đang là tác giả và đồng tác giả của 25 bài báo ISI/Scopus trong lĩnh vực nghiên cứu hệ protein (proteomics) và kháng thuốc. 

Với PGS. Ái Nhung, chị đã có gần 20 năm nghiên cứu về các sản phẩm liên quan đến hóa học ứng dụng, hóa học xanh và các hợp chất thiên nhiên để chăm sóc và bảo vệ sức khỏe. “Chúng tôi quan tâm về câu chuyện dược liệu, các loài thực vật bản địa và đặc trưng ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên, đặc biệt là ở Thừa Thiên Huế”, chị cho biết. Vì vậy, quyết định sẽ làm đề tài liên quan đến ba cây dược liệu ở Huế như cây gừng đen, tỏi đá Phong Điền và bồ công anh Việt Nam là hướng nghiên cứu mà chị vẫn luôn mong mỏi.

Khởi đầu một dự án nghiên cứu không phải là công việc dễ dàng, nhất là khi các nhà khoa học nữ phải đối diện với rất nhiều “trần kính” (glass ceiling) – những rào cản vô hình ngăn không cho phụ nữ đạt đến đỉnh cao trong một lĩnh vực nhất định. Một trong những rào cản chính đó là sự kì vọng của xã hội, khi các nhà khoa học nữ còn phải đảm nhiệm phần lớn việc chăm sóc con cái và nội trợ. Ban tổ chức giải thưởng cho biết một số nhà khoa học đoạt giải đã nói với họ rằng mình “đã phải vượt qua những áp lực và nghi ngờ”. Đó cũng là điều mà TS. Trần Hà Liên Phương đã chia sẻ trên báo chí1 vào thời điểm chị vừa đoạt giải. Khi chị bắt đầu thực hiện các nghiên cứu của riêng mình, “một loạt khó khăn mà tôi phải đối mặt đã xuất hiện, như việc tìm các cộng sự có cùng niềm đam mê với mình để lập thành nhóm nghiên cứu, nguồn nguyên liệu có chất lượng, máy móc nghiên cứu chuyên sâu, và bài toán khó nhất là tìm nguồn kinh phí để phục vụ cho quá trình nghiên cứu của mình […] Áp lực càng đè nặng khi tôi không thể có đủ kinh phí cho các nghiên cứu của mình và phải dùng đến lương tháng để trang trải cho các nghiên cứu đó.”

Đối với nhiều đề tài khoa học, giải thưởng 150 triệu đồng cho mỗi đề tài có thể là con số không nhiều, nhưng nó sẽ gợi mở cơ hội để các nhà khoa học có động lực đi trên con đường khó khăn và nhiều thử thách.

Anh Thư – Ngô Thảo

[1] https://www.congluan.vn/tien-si-tran-ha-lien-phuong-nha-khoa-hoc-tre-tai-nang-gioi-post19499.html

(Bài đăng ở Báo KH&PT số 48)

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)