Giải thưởng triệu đô Kavli ghi nhận những nhà khoa học tiên phong nghiên cứu về CRISPR

Giải thưởng được trao cho nhà hóa sinh học Virginijus Siksnys, người đứng đầu phòng thí nghiệm đã phát triển độc lập công cụ trỉnh sửa gene so với Emmanuelle Charpentier và Jennifer Doudna.

CRISPR lại gặt hái thêm một giải thưởng khoa học lớn, và lần này cả những nhà khoa học mà cống hiến của họ cho từ trước đến nay có phần bị bỏ qua cũng được tôn vinh. 

Hai nhà sinh hóa được công nhận rộng rãi như đồng phát minh của công nghệ chỉnh sửa gene, Emmanuelle Charpentier và Jennifer Doudna, được xướng tên vào ngày 31/5 là chủ nhân của giải thưởng Kavli năm nay trong lĩnh vực khoa học Nano. Ngoài ra, còn có Virginijus Siksnys, nhà sinh hóa người Lithuania với một công trình độc lập về CRISPR – vốn ít được công chúng chú ý và cũng ít có khả năng được giải Nobel – so với những gì mà Charpentier, Doudna và một số nhà khoa học khác. 

Nhà hóa sinh Virginijus Siksnys​, tại Lithuania đứng đầu một nhóm tiến hành nghiên cứu độc lập về công nghệ chỉnh sửa gene CRISPR. Nguồn ảnh: Vilnius Univ.​

Những nhà khoa học nghiên cứu về cơ chế của việc nghe, và vè sự hình thành của các vì sao và hành tinh đoạt giải Kavli năm nay, lần lượt trong lĩnh vực khoa học thần kinh và thiên văn học. 
Quỹ Kavli, được thành lập bởi nhà từ thiện Fred Kavli ở Los Angeles, California, Mỹ và Viện Hàn lâm Khoa học Nauy tại Oslo, tổ chức hai năm một lần, mỗi lần trao ba giải với giá trị mỗi giải là 1 triệu USD được chia đều cho người nhận. Lần đầu tiên ra mắt vào năm 2008, giải thưởng này tôn vinh những nghiên cứu có ảnh hưởng lớn, được lựa chọn bởi ba hội đồng chuyên gia đến từ sáu hiệp hội khoa học và viện hàn lâm trên thế giới.  

Những giải thưởng lớn cho những kì quan nhỏ

Hội đồng khoa học nano trao giải thưởng cho Charpentier ở Viện nghiên cứu Max Plank về Sinh học truyền nhiễm ở Berline, Doudna ở Đại học California, Berkeley (UC-Berkeley) và Siksnys tại Đại học Vilnius ở Lithuania cho việc “phát minh ra CRISPR-Cas9, công cụ nano chính xác cho việc chỉnh sửa DNA, tạo nên một cuộc cách mạng trong lĩnh vực sinh học, nông nghiệp và y học”. 

Vào năm 2012, một nhóm nhà nghiên cứu dẫn đầu bởi Charpentier và Doudna, và vài tháng sau một nhóm khác ra đời, đứng đầu là Siksnys, công bố về việc lập trình hệ thống CRISPR-Cas9 để cắt DNA ở từng vị trí cụ thể. Từ đó, các hội đồng giải thưởng, truyền thông và nhiều người trong cộng đồng khoa học đã nhấn mạnh vai trò của Doudna và Charpentier trong việc phát triển công cụ chỉnh sửa gene mang tính cách mạng. Chẳng hạn, vào năm 2015, hai người đã cùng nhận giải Breakthrough trong lĩnh vực Khoa học sự sống trị giá 3 triệu USD. Nhưng công trình của Siksnys vể CRISPR thì thường không được nhắc đến. Hội đồng giải Kavli trong lĩnh vực khoa học nano ghi nhận cả ba nhà khoa học đều đã thực hiện “những nghiên cứu tiên phong chủ chốt” trong việc phát triển việc chỉnh sửa hệ gene dựa trên công nghệ CRISPR, chủ tịch hội đồng giải thưởng, Arne Brataas, hiện là nhà vật lý tại Đại học Khoa học và Công nghệ Na Uy ở Trondheim, nói. 

Emmanuelle Charpentier (trái) and Jennifer Doudna đã nhận được vô số giải thưởng trong đó có cả giải Breakthrough 2017 cho nghiên cứu của họ về CRISPR. Nguồn ảnh: Miguel Riopa/AFP/Getty​

“Đây là giải thưởng xứng đáng cho ba cá nhân với khám phá có tác động to lớn tới nền sinh học hiện đại” Rotem Sorek, nhà di truyền vi sinh vật học tại Viện Khoa học Weizmann ở Rehovot, Israel nói. Sorek không ngạc nhiên về việc giải thưởng được trao cho Siksnys. “Trong lĩnh vực CRISPR, anh ấy nổi tiếng với vai trò là một trong những người tiên phong về công nghệ này”.

“Thật tốt là sự công nhận đã được mở rộng hơn” Dana Carrol, nhà sinh hóa học tại Đại học Utal, Salt Lake City, Mỹ nói. Nhưng ông nhấn mạnh rằng rất nhiều người khác cũng đã đóng góp cho sự phát triển của CRISPR. “Những đột phá lớn xuất hiện là kết quả của nhiều sự đóng góp kéo dài rất nhiều năm”, bởi vậy rất khó để chốt lại, ai là người nên nhận sự vinh danh, Carrol nói. 

Chẳng hạn, nhà sinh vật học tổng hợp Feng Zhang, tại Viện Broad của MIT và Harvard, Cambridge, Massachusetts, Mỹ cũng được nhiều giải thưởng ghi nhận. Nhóm của ông là một trong những nhóm đầu tiên áp dụng công nghệ chỉnh sửa gene CRISPR với các tế bào động vật có vú, bao gồm chuột và tế bào con người. Nhân viên của Zhang bị kéo vào cuộc tranh cãi nảy lửa về bản quyền công nghệ này với UC-Berkeley, nơi Doudna đang làm việc. 

“Các hội đồng giải thưởng thường có xu hướng lựa chọn những chủ nhiệm đề tài” George Church, nhà di truyền học ở Trường đại học Y Harvard, Boston, Masachusetts. Nhóm của ông cũng thử nghiệm CRISPR trên các tế bào người. Những nhà nghiên cứu trẻ như sinh viên và các nghiên cứu sinh sau tiến sĩ đã góp phần biến CRISPR trở thành công cụ chỉnh sửa gene quyền năng thường bị phớt lờ, ông nói. Nhưng Church cũng tranh luận rằng người ta cần chú ý hơn đến các phương pháp chỉnh sửa DNA khác nữa, như zinc-finger nucleases và TALEN nucleases, được phát triển trước CRISPR và đã được áp dụng trong y tế và nông nghiệp. 

Vòng đời của các thiên thể

Giải khoa học thần kinh được trao cho nhà di truyền học Christine Petit của Viện Pasteur, Paris, Pháp và nhà khoa học thần kinh Robert Fettiplace tại Đại học Wisconsin – Madison và James Hudspeth tại Đại học Rockefeller, New York City, Mỹ cho “những công trình tiên phong về cơ chế phân tử và thần kinh của việc nghe”. Những nhà khoa học này đã tiến hành nghiên cứu độc lập nhau về vai trò của những tế bào lông ở tai trong. Những tế bào này, được bao phủ bởi một bề mặt giống như lông, phát hiện các tín hiệu âm thanh và truyền đến bộ não. 

Ewine van Dishoeck, người được nhận giải về thiên văn học, trong lĩnh vực hóa học thiên văn tại Đại học Leiden, Hà Lan vì “làm sáng tỏ vòng đời của những đám mây sao và sự hình thành của những vì sao và hành tinh”, theo thông cáo báo chí của giải thưởng. 

Ewine van Dishoec (bìa phải). Nguồn ảnh: Universiteit Leiden

Công trình của bà kết hợp giữa những nghiên cứu lý thuyết và bằng chứng quan sát, đặc biệt là bằng quang học hồng ngoại – loại thí nghiệm được tiến hành trong phòng lab để hiểu các hợp chất hình thành ở vũ trụ như thế nào, bao gồm các phân tử hữu cơ có thể đã hình thành nên nền tảng của sự sống. Bà cũng sử dụng kính thiên văn song vô tuyến để nghiên cứu về sự hình thành các hành tinh xung quanh các ngôi sao khác. Van Dishoeck vừa được bầu làm chủ tịch Hiệp hội Thiên văn quốc tế, và là người điều hành lễ kỉ niệm 100 năm thành lập IAU. 

Lễ tổ chức trao giải sẽ được diễn ra tại Oslo vào 4/9/2018.  

Hảo Linh dịch
Nguồn: https://www.nature.com/articles/d41586-018-05308-5

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)