Giáo sư Nguyễn Sơn Bình: không trò nào được phép chỉ tin một ai, kể cả thầy

Tôi may mắn được làm việc với giáo sư Nguyễn Sơn Bình thông qua tiểu hợp phần 1a của dự án FIRST “Tài trợ cho chuyên gia giỏi nước ngoài về KH, CN và Đổi mới sáng tạo - FIRST” vào tháng 10/2017. Điều này cũng trùng khớp với mong ước của tôi: có cơ hội kết nối học hỏi và hợp tác với những nhà khoa học quốc tế giỏi về khoa học vật liệu để phát triển những hướng nghiên cứu của mình.


Giáo sư Nguyễn Sơn Bình giảng dạy tại lớp học “Nâng cao kinh nghiệm viết bài báo đăng trên tạp chí quốc tế ISI” tại Hà Nội vào tháng 10/2017.

Tuy ít về Việt Nam kể từ khi định cư cùng gia đình tại Mĩ năm 1984 nhưng giáo sư Nguyễn Sơn Bình vẫn được nhiều đồng nghiệp trong nước biết đến và ngưỡng mộ qua những kết quả nghiên cứu mà ông xuất bản trên các tạp chí uy tín hàng đầu thế giới như Nature, Nature Nanotechnology, Nature Chemistry, Advanced Materials, Nano Letters, ACS Nano, Journal of the American Chemical Society, Advanced Functional Materials, Angewandte Chemie… Bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu độc lập ở Khoa Hóa, trường Đại học Northwestern từ năm 1996, đến nay giáo sư Nguyễn Sơn Bình đã có hơn 250 bài báo trên tạp chí ISI, hơn 30 bằng sáng chế và nhiều giải thưởng khoa học trong các lĩnh vực tổng hợp hóa học, xúc tác, tổng hợp vật liệu mềm và hóa học nguyên liệu được lấy cảm hứng từ sinh học. Các dự án nghiên cứu do ông thực hiện chủ yếu tập trung vào hóa học vô cơ/hóa học hữu cơ kim loại, tổng hợp hữu cơ và khoa học polymer, đồng thời ông cũng quan tâm đến các chất xúc tác thân thiện với môi trường và vật liệu sinh học.

Để xây dựng được kế hoạch về tiểu hợp phần 1a của dự án FIRST mà trong đó ông là một “khách mời” quan trọng, tôi đã chủ động liên hệ với ông trước đó một năm qua email và đề xuất một số hoạt động hỗ trợ các nhà khoa học trẻ Việt Nam về nghiên cứu khoa học và đào tạo. Tôi thực sự thấy mình may mắn khi được giáo sư Nguyễn Sơn Bình chấp nhận lời mời và đồng ý tham gia thực hiện đề xuất trên, đồng thời vào tháng 6/2017, Ban Quản lý dự án FIRST cũng phê duyệt khoản tài trợ tiểu hợp phần 1a do tôi làm chủ nhiệm. Khi gặp giáo sư  Nguyễn Sơn Bình ở Hà Nội, tôi được ông cho biết, một trong những lí do nhận lời mời, đó là chưa khi nào ông thấy có người nhiệt tình và kiên trì liên hệ với ông như vậy.  

Khuyến khích tinh thần đổi mới sáng tạo

Quãng thời gian giáo sư Nguyễn Sơn Bình có mặt ở Hà Nội không dài nhưng cũng đủ để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp. Qua trao đổi với ông, tôi nhận thấy ông không chỉ có những cách thức và phương pháp nghiên cứu mới mẻ mà còn có nhiều quan điểm cởi mở đáng học hỏi. Giáo sư Nguyễn Sơn Bình luôn luôn đề cao tinh thần “lấy khoa học để dẫn cho tất cả những điều khác”, không được để những thứ khác dẫn đường cho khoa học. Giáo sư cũng nói rằng, “nguyên tắc đầu tiên trong phòng thí nghiệm của tôi, đó là không trò nào được phép chỉ tin một ai, kể cả thầy Nguyễn Sơn Bình, có hiểu được như vậy thì các em mới có thể đạt được những kết quả nghiên cứu tốt nhất”. Mặc dù điều đó có vẻ như trái ngược với xu hướng chung ở Việt Nam nhưng lại hết sức đúng đắn, vì khoa học luôn đòi hỏi phải có sự sáng tạo, mới mẻ và phải dám vượt qua những kiến thức đã biết để khám phá được những hiểu biết mới ở trình độ cao hơn.

Giáo sư Nguyễn Sơn Bình cũng là người thầy hết sức khắt khe và luôn đề cao tinh thần tự lập cũng như nỗ lực của học trò trong nghiên cứu khoa học. Ông thường nói rằng có những câu hỏi các vị giáo sư không bao giờ muốn trả lời học viên, đó là những câu hỏi mà họ có thể tự tìm tòi, nghiên cứu để có được câu trả lời. Tuy nhiên, ông cũng khuyến khích những câu hỏi “tốt” thể hiện sự tích cực làm việc, say mê tìm hiểu để tìm ra những kết quả mới.

Tuy khuyến khích tinh thần cởi mở và đổi mới sáng tạo trong khoa học nhưng mặt khác, giáo sư Nguyễn Sơn Bình cũng là người cẩn trọng đến từng chi tiết nhỏ bởi ông cho rằng, từng chi tiết và từng công việc nhỏ nhất trong hoạt động nghiên cứu khoa học cũng giống như từng câu chữ hay từng đoạn văn trong bài báo khoa học, nó cần phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, tỉ mỉ và hoàn hảo để đạt được những kết quả tốt trong nghiên cứu.

Dù đã về nước một vài lần trong vai trò cố vấn của Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF) nhưng đến nay, giáo sư Nguyễn Sơn Bình vẫn chưa nhận lời tham gia một hoạt động nghiên cứu nào với các nhà khoa học Việt Nam, không phải do ông không tin cậy các nhà nghiên cứu trong nước mà là ông chưa tìm thấy một dự án chung nào để có thể kết hợp nghiên cứu đồng thời tại phòng thí nghiệm của ông ở Mỹ và phòng thí nghiệm của đối tác ở Việt Nam. 

Sẵn sàng truyền đạt kinh nghiệm cho nhà khoa học trẻ

Giáo sư Nguyễn Sơn Bình dành phần lớn quỹ thời gian của mình cho nghiên cứu. Việc về nước tham gia giảng dạy tại lớp học “Nâng cao kinh nghiệm viết bài báo đăng trên tạp chí quốc tế ISI” ở Viện Khoa học vật liệu (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) vào tháng 10/2017 vừa qua cũng là cố gắng rất lớn của ông khi phải dừng một số dự án nghiên cứu trong gần nửa tháng. Ông chia sẻ với tôi là rất quan tâm đến các nhà khoa học trẻ Việt Nam, và mong góp phần giúp các nhà khoa học trẻ có thêm các kinh nghiệm để họ có thể tự tin tiếp cận và bắt nhịp với hoạt động nghiên cứu khoa học trên thế giới.

Để tổ chức được lớp học này, tôi và GS. Nguyễn Sơn Bình đã cùng nhau trao đổi rất nhiều nhằm tìm ra phương án tối ưu. Ban đầu, chúng tôi dự kiến số lượng tham dự vào khoảng 40 đến 50 học viên là vừa nhưng không ngờ, số lượng các nhà khoa học trẻ Hà Nội và những vùng lân cận đăng ký tăng đột biến lên tới hơn 130 người, một số học viên ở xa như Thái Nguyên vẫn đều đặn sáng đi, tối về để có thể tham dự lớp học. Số lượng học viên tăng như vậy không chỉ từ uy tín của giáo sư Nguyễn Sơn Bình mà còn là chương trình giảng dạy cho từng kỹ năng do ông chuẩn bị hết sức công phu. Vì thế, ngay cả những nhà nghiên cứu đã có một số bài báo trên các tạp chí quốc tế cũng “lấy” được ở ông những gợi ý có giá trị cho quá trình viết bài của mình. Ông nói rất chân thành với mọi người, do có rất nhiều công bố trong cùng một lĩnh vực nghiên cứu nên nếu muốn đồng nghiệp quan tâm đến công bố của mình thì ngoài việc giải quyết vấn đề một cách sáng tạo và sâu sắc, cần phải biết cách trình bày nó thật hấp dẫn, dẫn dắt mạch bài theo những chi tiết đắt giá chỉ mình mới có, thu hút như một tác phẩm văn học, như vậy mới thuyết phục được tạp chí và các nhà bình duyệt cũng như để nhiều người cùng biết đến bài báo nhiều hơn.   

Sau khóa học, các học viên trẻ đều nhận xét, bài giảng với nhiều kinh nghiệm quý báu mà giáo sư Nguyễn Sơn Bình đúc rút từ giai đoạn dài nghiên cứu của ông rất ý nghĩa đối với với họ, đặc biệt với những người còn mới bước chân vào nghiên cứu và chưa có công bố quốc tế nào.

Giáo sư Nguyễn Sơn Bình tâm sự với tôi, đây là lần đầu tiên ông giảng dạy một cách chi tiết và kéo dài trong nhiều ngày như vậy về kỹ năng viết bài báo quốc tế. Tổ chức một khóa như vậy ở bên Mỹ có thể tiêu tốn lên đến 30.000 USD nhưng về Việt Nam, ông không nhận bất kỳ một khoản chi phí nào.

Nổi tiếng và được nhiều người biết đến khi bốn năm liền lọt vào danh sách nhà khoa học có công trình được trích dẫn nhiều nhất thế giới (highly cited researchers) của Thomson Reuters và Clarivate Analytics nhưng giáo sư Nguyễn Sơn Bình rất giản dị trong cách sống và làm việc. Khi về Việt Nam, ông không muốn ở tại những nơi sang trọng và không muốn ăn những bữa ăn đắt đỏ làm tốn kém kinh phí tổ chức và trong bất kỳ hoạt động nào, ông cũng luôn nhấn mạnh với mọi người cần phải tiết kiệm kinh phí để không lãng phí tiền thuế của nhân dân.

Là một nhà hoạt động bảo vệ môi trường, giáo sư Nguyễn Sơn Bình cũng luôn luôn ý thức từ những việc nhỏ nhất. Mỗi khi đi làm hay đi công tác ở bất kỳ đâu, ông cũng luôn mang theo một bình nước nhỏ. Ông giải thích, ông không thích sử dụng chai nước đóng sẵn vì những vỏ chai khi bỏ đi sẽ ảnh hưởng đến môi trường. Ở Mỹ, giáo sư Nguyễn Sơn Bình cũng gần như không sử dụng ôtô cho những chuyến di chuyển ngắn mà chủ yếu đi xe đạp “để góp phần bảo vệ môi trường”, như lời tâm sự của ông.

Một trong những điểm đặc biệt nữa ở giáo sư Nguyễn Sơn Bình là tấm lòng nhân ái và tinh thần khuyến học. Trước đây, ông từng tặng xe đạp cho các em học sinh nghèo có chí hướng tại một số tỉnh miền Nam Việt Nam thông qua một số người thân. Ông cũng chủ động trao đổi với tôi về việc thực hiện ý định tương tự tại một vài trường ở miền núi phía Bắc Việt Nam.

Năm 1990, giáo sư Nguyễn Sơn Bình tốt nghiệp ngành Hóa học tại Đại học Pennsylvania State và sau đó theo học tiến sĩ hóa học dưới sự hướng dẫn của GS. Robert Grubbs và GS. Nathan Lewis tại Caltech vào năm 1995. Ông làm hậu tiến sĩ với giáo sư K. Barry Sharpless tại Viện nghiên cứu Scripps rồi về Khoa Hóa, trường Đại học Northwestern. Ngoài công việc nghiên cứu tại đây, ông còn là thành viên chính của phòng thí nghiệm quốc gia Mỹ Argonne. Theo số liệu cập nhật đến ngày 27/12/2017, các công trình của ông có 61.171 lượt trích dẫn còn chỉ số h-index của ông là 86, riêng công trình “Graphene-based composite materials” của ông và cộng sự xuất bản trêm Nature năm 2006 đến nay có 9.565 lượt trích dẫn 1.

——–
Tác giả làm việc tại Viện Khoa học Vật liệu, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam.
1. https://scholar.google.com/citations? user=0MWnxp4AAAAJ&hl=en

 

 

Tác giả