Giun đũa có thể giúp cải thiện khả năng sinh sản

Tuy giun sán gây nhiều tác hại cho con người nhưng một nghiên cứu mới đây cho thấy có những loài giun nhất định lại làm tăng khả năng sinh sản ở phụ nữ.

Những loài giun ký sinh trong đường ruột có rất nhiều điểm chung với bào thai trong tử cung – đều bị hệ miễn dịch của người coi là vật thể xâm phạm vào cơ thể, cả hai phải có chiến lược chống chọi với hệ miễn dịch. Các loài ký sinh trùng cũng tạo ra một số thay đổi về miễn dịch tương tự như những thay đổi diễn ra trong thai kỳ.

Vì những nét tương đồng này, nhà sinh học con người Aaron Blackwell thuộc ĐH California ở Santa Barbara và đồng nghiệp đã băn khoăn trước câu hỏi liệu việc nhiễm ký sinh trùng có giúp ích gì cho sự thụ thai ở phụ nữ hay không. Họ đã đi tìm câu trả lời bằng cách phân tích các dữ liệu về tộc người Tsimane sinh sống ở khu vực rừng mưa Amazon, Bolivia, nơi có 15-20% dân số nhiễm giun đũa và 56% dân số nhiễm giun móc.

Kết quả điều tra trên 1.000 phụ nữ Tsimane cho thấy, giun móc gây bất lợi cho khả năng sinh sản – phụ nữ nhiễm giun móc có ít hơn ba con so với phụ nữ không nhiễm loài giun này. Ngoài ra, tuổi sinh con lần đầu cao hơn và thời gian giữa các lần mang thai cũng kéo dài hơn. Tuy nhiên, đối với phụ nữ Tsimane, khả năng sinh sản không phải là vấn đề vì trung bình mỗi phụ nữ thuộc bộ tộc này sinh chín con.

Ngược lại, giun đũa lại có lợi cho khả năng sinh sản. Nó rút ngắn khoảng thời gian giữa các lần mang thai và giảm độ tuổi sinh con lần đầu. Phụ nữ nhiễm giun đũa có nhiều hơn hai con so với phụ nữ không bị nhiễm.

Nhóm nghiên cứu cho rằng khi làm thay đổi hệ miễn dịch, giun đũa đã góp phần làm giảm khả năng viêm nhiễm trong cơ thể chủ, do đó làm tăng khả năng thụ thai và làm tổ của phôi thai trong bụng mẹ. Trong khi đó, giun móc không có tác dụng kháng viêm nhiễm tốt như vậy; hơn nữa, hoạt động hút máu và hấp thụ trộm dưỡng chất từ cơ thể chủ của giun móc có thể làm vô hiệu hóa bất kỳ lợi ích nào về sinh sản mà chúng có thể mang lại. Nhóm của Blackwell hiện đang nghiên cứu các mẫu máu để xác định tế bào và phân tử miễn dịch nào bị các loài giun làm biến đổi.

Một số nghiên cứu khác đã cho thấy các loài vi khuẩn sống ký sinh trên cơ thể người rất có ích cho việc mang thai, nhà nghiên cứu miễn dịch sinh sản Gil Mor của Trường Y học Yale nhấn mạnh, song ông cho rằng kết luận “các loài giun có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, thậm chí cải thiện khả năng sinh sản, là quá ngạc nhiên”.

Người ta đã từng tiến hành một số thử nghiệm lâm sàng để tìm hiểu liệu cho người bệnh nhiễm giun có thể giúp làm dịu các triệu chứng của các bệnh như dị ứng, hen suyễn và các bệnh tự miễn dịch hay không. Tuy nhiên giới nghiên cứu vẫn còn hoài nghi việc giun đũa có thể  trở thành một liệu pháp điều trị vô sinh. Mor khẳng định: “Tôi sẽ không bao giờ đưa loài giun đó vào cơ thể bệnh nhân của mình.” Nhưng dù thế nào, nghiên cứu của nhóm Blackwell vẫn mở ra nhiều giả thiết khác. Mor nói: “Nếu phát hiện này là đúng, chúng ta có thể phát triển một cơ chế miễn dịch giúp tạo ra phản ứng miễn dịch giống như loài giun đũa.”

Trang Bùi dịch

Nguồn:
http://news.sciencemag.org/biology/2015/11/intestinal-worms-may-help-women-get-pregnant-more-often

Tác giả